|
Hưng Tân - Hưng Nguyên từng là một trong những địa phương đầu tiên của cả tỉnh xây dựng thư viện cộng đồng ở trong làng xã, đó là Thư viện khuyến học cây Tùng. Sau gần 15 năm đi vào hoạt động, thay vì hoạt động tại một điểm cố định, Thư viện khuyến học cây Tùng được chuyển về cho từng nhà văn hóa ở các thôn xóm. Hàng ngày, học sinh và người dân trong thôn chỉ cần đi một quãng đường ngắn là có thể đến được điểm đọc sách. Ảnh: MH |
|
Những cuốn sách từng là tâm huyết của người cựu binh già về hưu nay đã được những người dân địa phương tiếp tục bảo quản, lưu giữ. Ảnh: MH |
|
Đây là những tài sản vô giá. Mỗi cuốn sách đều lưu giữ bút tích của người sưu tầm, bảo quản. Ảnh: MH |
|
Từ khi thư viện được chuyển nhà văn hóa của làng Trung Thượng, nơi đây trở thành điểm hẹn của người dân trong xã. Với khối lượng sách khá phong phú, mỗi người dân, mỗi độ tuổi đều có thể tìm được cuốn sách mà mình yêu thích. Ảnh: MH |
|
Bằng nhiều hình thức tuyên truyền hiệu quả và cách làm phù hợp, tủ sách làng Trung Thượng và nhiều làng khác ở xã Hưng Tân - Hưng Nguyên đã trở thành một điểm sinh hoạt văn hóa thu hút người dân. Ngoài nguồn sách được chuyển về từ Thư viện khuyến học cây Tùng, những năm qua, bà con trong làng cũng đã có nhiều hình thức quyên góp để làm phong phú thêm cho tủ sách của làng. Ảnh: MH |
|
Với người dân huyện Nam Đàn, Thư viện làng Sen nhiều năm nay đã trở thành thư viện chung của những người yêu sách. Ảnh: MH |
|
Hiện thư viện có khoảng hơn 3.000 bạn đọc làm thẻ thư viện. Tất cả bạn đọc đều được phục vụ miễn phí. Ảnh: MH |
|
Thư viện Làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An được dòng họ Nguyễn Sinh xây dựng từ năm 2007. Những ngày đầu, các đầu sách đọc, bàn ghế, quạt để phục vụ người đọc đều do con cháu dòng họ Nguyễn Sinh sắm sửa. Về sau nhiều doanh nghiệp, các đơn vị nhà nước, khách tới tham quan tặng sách cho thư viện nên số lượng ngày càng tăng lên. Ảnh: MH |
|
Bà Nguyễn Thị Bích ở xóm Liên Hùng cho rằng, mình và người dân trong xóm thực sư may mắn bởi dù nằm xa trung tâm nhưng Thư viện Làng Sen là một trong những thư viện được đầu tư quy mô và bài bản nhất. Vì vậy, ngoài những giờ bận rộn với việc gia đình, những người dân như bà lại có một nơi để thư giãn ý nghĩa và có cơ hội được đọc nhiều cuốn sách hay, thiết thực. Ảnh: MH |
|
Hiện mô hình hoạt động của thư viện khá chuyên nghiệp. Với trên 10.000 đầu sách và hơn 30.000 cuốn sách, thư viện chia sách theo nhiều danh mục khác nhau từ địa lý, văn hóa, xã hội, sách khoa học, sách văn học, sách truyện thiếu nhi. Bên cạnh đó, ở đây có rất nhiều sách viết về cuộc đời Bác Hồ. Ảnh: MH |
|
Ngoài ra, mỗi năm thư viện còn cung cấp trên 300 bộ sách giáo khoa cho học sinh khó khăn trên địa bàn huyện Nam Đàn. Ảnh: MH |
|
Ông Hoàng Đình Tứ là một bạn đọc quen thuộc của thư viện nhiều năm nay. Ở tuổi 75 ông cho biết, mình có 3 thẻ thư viện ở Thư viện tỉnh, Thư viện huyện và Thư viện Làng Sen. Tuy nhiên, đây là thư viện mà ông thường xuyên đến nhất bởi nguồn sách phong phú, không gian đọc yên tĩnh, thoáng mát và bạn đọc được phục vụ tận tình... Ảnh: MH |
Xây dựng và phát triển thư viện cơ sở cũng là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần đẩy mạnh việc học tập suốt đời của người dân, nâng cao dân trí. Hiện hệ thống Thư viện tỉnh Nghệ An đã phát triển rộng khắp với 1 thư viện tỉnh, 19 thư viện cấp huyện, hơn 350 thư viện xã, phường, thị trấn... và hàng nghìn thư viện trường học, thư viện gia đình, dòng họ.... Cùng với đó là hàng trăm tủ sách pháp luật, tủ sách Đồn Biên phòng và phòng đọc sách. Qua đó, đã phát huy tác dụng tích cực trong việc phục vụ nhu cầu đọc sách của người dân, đặc biệt là vùng sâu, biên giới, hải đảo và góp phần gìn giữ và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Mỹ Hà