Nỗ lực của một đơn vị công đoàn vùng biên ở Nghệ An

Diệp Thanh 30/04/2022 11:12

(Baonghean.vn) - Không thể khắc phục, thay đổi những khó khăn do khách quan đem lại, Công đoàn huyện Kỳ Sơn chỉ có thể nỗ lực từng chút một để phát huy sức mạnh nội tại của tổ chức công đoàn.

Ở NƠI NHIỀU KHÓ

Trong hầu hết các hội nghị tổng kết của các cấp công đoàn, LĐLĐ huyện Kỳ Sơn luôn thẳng thắn tự nhận về mình rất nhiều hạn chế. Đó là công tác tuyên truyền, giáo dục đến đoàn viên, CNVCLĐ có lúc chưa đạt hiệu quả cao, công tác tuyên truyền pháp luật đến công nhân lao động còn chậm; phong trào thi đua ở Công đoàn các cấp vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Việc vận động thành lập mới công đoàn cơ sở còn bất cập, công tác phát triển đoàn viên chưa đạt; Chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở giữa các khối chưa đồng đều; Việc thu kinh phí ở các doanh nghiệp đang còn gặp nhiều khó khăn…

Ảnh: D.T
Trụ sở LĐLĐ huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Diệp Thanh

Ở một huyện biên giới cách thành phố Vinh gần 300km, để xuống với công đoàn cơ sở có khi mất cả ngày trời di chuyển, hầu hết doanh nghiệp hoạt động chủ yếu ở quy mô hộ gia đình dưới 15 thành viên, một bộ phận người dân còn trông chờ vào sự hỗ trợ của chính quyền… Bên cạnh đó, dù địa bàn rộng nhưng LĐLĐ huyện mới chỉ có 3 cán bộ công đoàn chuyên trách trên chỉ tiêu là 4 người. Đó cũng là một lý do khiến việc triển khai hoạt động ít nhiều bị ảnh hưởng.

Trong rất nhiều những khó khăn của đơn vị, Chủ tịch LĐLĐ huyện Kỳ Sơn – ông Đậu Viết Cường trăn trở với khó khăn thành lập công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp nhất. Ông nói: “Trên địa bàn chúng tôi không nhiều doanh nghiệp lớn, được một số doanh nghiệp gọi là quy mô thì đều tỏ ra thờ ơ với việc thành lập công đoàn cơ sở. Có những đơn vị, dù đã mời lên làm việc, dù đã nhiều lần đến tận nơi vận động, đã nhờ chính quyền địa phương tác động, nhưng họ đều lấy lý do để từ chối”.

Băng rừng đến với Công đoàn cơ sở
Vị trí địa lý và địa hình của Kỳ Sơn gây nhiều khó khăn cho công tác hoạt động công đoàn. Ảnh: ĐVCC

Quả thật, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn không nhiều nhưng vấn đề này tồn đọng nhiều năm nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Công ty TNHH Hồng Trường lấy nhiều lý do để không tham dự các buổi làm việc, Công ty CP Dược liệu Mường Lống lấy lý do mới thành lập, chưa ổn định… Một số doanh nghiệp đã thành lập CĐCS như Công ty CP phát triển điện lực Miền Trung, Công ty CP Thủy điện Sông Nậm Cắn 2… thì thì Tổng Công ty không trích chuyển kinh phí về trong nhiều năm nay.

NỖ LỰC CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU

Trụ sở LĐLĐ huyện Kỳ Sơn nằm cuối một con dốc, ngay phía dưới chân núi. Dù khuôn viên không lớn nhưng sẽ khiến cho nhiều người ấn tượng về sự khang trang, sạch sẽ với nhiều cây, nhiều hoa. Phía sau trụ sở, bờ kè 3 tầng chắc chắn được xây bao quanh chân núi. Ở phòng hội trường được trang bị nhiều thiết bị hiện đại, chuẩn chỉnh để phục vụ những sự kiện trực tiếp hoặc trực tuyến… Tất cả những chi tiết đó cho thấy sự nỗ lực hoàn thiện, nghiêm túc của những cán bộ công đoàn LĐLĐ huyện Kỳ Sơn cho công việc, vai trò của mình.

Chủ tịch LĐLĐ huyện Kỳ Sơn - ông Đậu Viết Cường, trao quà hỗ trợ cho đoàn viên bị cháy nhà. Ảnh: ĐVCC

Những chăm chút đó có dấu ấn của người đứng đầu – ông Đậu Viết Cường, Chủ tịch LĐLĐ huyện Kỳ Sơn. “Đi lên từ đoàn thanh niên, có thời gian công tác tại Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo Huyện ủy nên tôi hiểu rất rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền và không ngại cập nhật để làm mới kiến thức của mình”, ông Đậu Viết Cường chia sẻ.

Quan điểm đó đã trở thành định hướng chung của Công đoàn huyện Kỳ Sơn. Dù rất nhiều công đoàn cơ sở nằm ở vùng phải hứng sóng điện thoại nhưng tất cả các cán bộ công đoàn đều sử dụng mạng xã hội như một kênh tuyên truyền, cập nhật, kết nối không thể thiếu trong hoạt động công đoàn. Thầy giáo Phan Sỹ Trường - Chủ tịch Công đoàn Trường PT DTBT THCS Keng Đu chia sẻ: “Dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của LĐLĐ huyện, nhóm Zalo, trang Facebook đã trở thành một công cụ không thể thiếu của chúng tôi. Đây không chỉ là nơi để làm việc mà còn là diễn đàn để kết nối. Thông qua phương tiện này, mọi thông tin được cập nhật một cách nhanh nhất”.

LĐLĐ huyện Kỳ Sơn trang bị cơ sở vật chất hiện đại để phục vụ những hội nghị trực tuyến một cách chuyên nghiệp. Ảnh: ĐVCC

Trên trang Zalo, Facebook của LĐLĐ huyện Kỳ Sơn, ngoài những thông tin của tổ chức công đoàn còn có nhiều thông tin, chia sẻ của các cơ quan, đoàn thể trong huyện. Điều này cho thấy sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của LĐLĐ huyện với các đơn vị, góp phần nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn. Trong năm 2021, từ sự phối hợp này, công tác ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai rộng trong toàn huyện, lực lượng cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động nhiệt tình hưởng ứng. Số hiện vật mà các công đoàn cơ sở vận động ủng hộ trị giá hơn 130 triệu đồng, số tiền đóng góp vào Quỹ Covid-19 của huyện hơn 455 triệu đồng.

LĐLĐ huyện cũng đã tổ chức đi thăm, tặng quà và động viên các lực lượng tuyến đầu đang thực hiện công tác phòng, chống dịch, khu cách ly, nơi xảy ra dịch trên địa bàn huyện với số tiền hơn 3 triệu đồng, hỗ trợ cho 4 đoàn viên thuộc CĐ Trung tâm Y tế huyện bị thương vong trên đường đi tập huấn về công tác phòng, chống dịch 6 triệu đồng, hỗ trợ cho 28 công nhân lao động trở về từ miền Nam số tiền 14 triệu đồng.

Tổ chức chương trình "Giải nhiệt mùa hè" cho đoàn viên, người lao động. Ảnh: ĐVCC

LĐLĐ huyện thăm và tặng hơn 250 suất trị giá 127 triệu đồng cho các gia đình chính sách, cán bộ về hưu qua các thời kỳ, đoàn viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tai nạn, ốm đau, bệnh tật trong toàn huyện. Tổ chức chương trình “Giải nhiệt mùa hè” tại hai đơn vị doanh nghiệp, thăm và tặng quà 10 đoàn viên với số tiền 5 triệu đồng, hỗ trợ 4 gia đình đoàn viên bị cháy nhà tại xã Bắc Lý, Tà Cạ số tiền 3 triệu đồng. Các đơn vị Công đoàn cơ sở đã tổ chức thăm hỏi đoàn viên với số tiền hơn 153 triệu đồng. Hỗ trợ xây mới và sửa chữa 6 căn nhà Mái ấm “Công đoàn” với tổng số tiền là 220 triệu đồng… Ở một huyện nghèo vùng biên như Kỳ Sơn, những con số thật sự là kết quả của sự nỗ lực không nhỏ.

Không chỉ chăm lo cho đoàn viên công đoàn, LĐLĐ huyện Kỳ Sơn còn tích cực thể hiện vai trò, chức năng của mình trong giám sát, kiểm tra công đoàn cơ sở. Trong năm 2021, Ủy ban Kiểm tra Liên đoàn Lao động huyện đã tiến hành kiểm tra 27 đơn vị công đoàn cơ sở. Công tác kiểm tra đã góp phần thúc đẩy thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ của công đoàn cấp trên, quản lý thu, chi tài chính, tài sản công đoàn chặt chẽ, từng bước đi vào nề nếp, thực hiện đúng kế hoạch, đúng quy định. “Chúng tôi cố gắng duy trì hoạt động kiểm tra này mỗi tháng tại 3-5 đơn vị để đến khi hết nhiệm kỳ, công tác kiểm tra tại 111 công đoàn cơ sở được đảm bảo hoàn tất”, ông Đậu Viết Cường chia sẻ.

Cán bộ Công đoàn LĐLĐ huyện Kỳ Sơn tham dự hội nghị viên chức, người lao động tại Trường Mầm non Na ngoi 2. Ảnh: ĐVCC

Một trong những dấu ấn đáng ghi nhận của LĐLĐ huyện Kỳ Sơn là công tác tổ chức Hội nghị công nhân, viên chức, người lao động. Dù chỉ 3 cán bộ công đoàn nhưng LĐLĐ huyện luôn cố gắng phân công để tham dự tất cả các hội nghị của công đoàn cơ sở. “Có những đơn vị cách xa trung tâm hàng trăm km, đường đi khó đến mức chúng tôi phải thuê xe chứ không dám tự đi xe của riêng mình. Vất vả, tốn kém nhưng không thể không có mặt, bởi đây là lúc vai trò công đoàn thể hiện rõ nhất. Trong rất nhiều Hội nghị công nhân, viên chức, lao động, sự có mặt của chúng tôi sẽ góp phần minh bạch những thông tin mà người lao động quan tâm, giải tỏa những vấn đề gây bức xúc trong đơn vị, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa hơn”, bà Hoàng Thị Hoa - Cán bộ công đoàn LĐLĐ huyện chia sẻ.

Diệp Thanh