Nỗi đau không của riêng ai
(Baonghean.vn) - “Bắt” là một trong những từ khóa được nhắc đến nhiều nhất và cũng là xót xa nhất trong tuần qua. Bắt thứ trưởng đã làm choáng váng cộng đồng, nhưng đến khi bắt cả một loạt tướng lĩnh thì quả là sốc thực sự.
Người ta nói “Nuôi quân ba năm dụng binh một giờ”. Để có được một người lính đã mất biết bao công sức, còn để người lính ấy trở thành vị tướng thì không thể kể hết bao công sức “nuôi” của nhân dân. Vậy mà, tất cả bỗng chốc chỉ gói gọn trong mỗi chữ “bắt”. Ai đó nói, “Bắt là hết”. Không, dù có thể tất cả qua đi thì nỗi đau vẫn ở lại.
Tôi có may mắn và vinh dự được tiếp xúc khá nhiều với những người lính Cụ Hồ. Gia đình tôi có hai thành viên là bộ đội. Một người em trai đã hy sinh cách đây hơn 10 năm và một người anh trai mới nghỉ hưu tại quê nhà. Tôi từ nhỏ đã được sống cùng các chú bộ đội đóng quân trong làng. Các chú về ở cùng nhà và cho tụi nhỏ chúng tôi lương khô, cho bố mẹ xà phòng… Có lần chị tôi bị ngất, các chú hòa nước đường cho uống để hồi sinh. Lên 10 tuổi chúng tôi được cô giáo hướng dẫn viết những lá thư gửi cho các chú bộ đội đang đóng quân nơi hải đảo xa xôi. Chúng tôi được hát bài hát: “Lúc tuổi thơ ngắm nhìn anh bộ đội/Thấy ngôi sao sáng ngời con thích lắm mẹ ơi/ Mẹ bảo con gắng học cho nên người/ Mai khôn lớn mẹ cho đi bộ đội…”. Chúng tôi còn được học thuộc những câu thơ tuyệt hay trong sách giáo khoa mà đến nay tôi vẫn còn nhớ như in:
“Các anh về/ Mái ấm nhà vui/ Tiếng hát câu cười/ Rộn ràng xóm nhỏ/ Các anh về/ Tưng bừng trước ngõ/ Lớp lớp đàn em hớn hở theo sau /Mẹ già bịn rịn áo nâu/ Vui đàn con ở rừng sâu mới về”.
Trong thời chiến cũng như thời bình, hình ảnh người lính không quản ngại khó khăn gian khổ, luôn ở vị trí xung kích đi đầu, dũng cảm hy sinh quên mình. Ảnh minh họa: Tư liệu |
Thế đấy, từ nhỏ và cả mãi mãi sau này tôi có một cảm tình đặc biệt với những người lính Cụ Hồ. Khi bão lụt miền Trung hay khi đại dịch bùng phát ở Nam Bộ, nhìn những người lính xông pha nơi tuyến đầu mà xúc động nhưng cũng đầy tin cậy.
Hình ảnh những anh bộ đội Cụ Hồ trong thế hệ chúng tôi bao giờ cũng gần gũi, thân thương, dung dị và trong sáng vô cùng. Nơi ấy chúng tôi đặt trọn niềm tin và tình yêu thương thuần khiết của tuổi trẻ.
Rồi cuộc đời dắt chúng tôi lớn lên, dù chỉ làm “lính dân sự” nhưng chúng tôi cũng đủ khôn lớn để nhận ra chân dung những ông tướng đúng nghĩa, những ông tướng vĩ đại, những ông tướng đã viết nên lịch sử của cả một quốc gia và chúng tôi thực sự ngưỡng mộ họ. Dù “tướng ta” hay “tướng địch” thì họ đều có chung một mẫu số về tính thủ lĩnh cũng như trách nhiệm chỉ huy tối cao trước mỗi trận đánh. Có những vị tướng oai hùng sấm sét như Napoleon, cũng có những vị tướng bại trận “chạy đứt quai dép” như Ô Mã Nhi. “Được làm vua, thua làm giặc” câu thành ngữ gắn liền với số phận nghiệt ngã của những vị tướng đã chọn cách đặt tương lai của cuộc đời mình vào tài năng binh lược.
Trong danh sách 10 vị tướng lừng danh thế giới được nhiều tài liệu đăng tải thì Việt Nam chúng ta có đến hai người, đó là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Võ Nguyên Giáp. Lịch sử ngàn năm dân tộc Việt gắn liền với những cuộc xâm lăng triền miên của kẻ thù, và chính trong hoàn cảnh không hề mong muốn đó, từ lũy tre ruộng lúa thân yêu, từ truyền thống không bao giờ khuất phục của cha ông đã hun đúc lên những vị tướng lỗi lạc và đức độ. Dù Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt hay Quang Trung, dù Bà Trưng, Bà Triệu hay Bùi Thị Xuân thì tất cả họ đều không chỉ can trường mưu lược nơi chiến trận mà quan trọng là họ dám xả thân vì nghĩa lớn cho dân tộc, cho quê hương đất nước. Muôn dân vạn đời không quên, giang sơn vạn kiếp ghi nhớ. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đất nước còn sản sinh và xuất hiện những vị tướng tài ba như Văn Tiến Dũng, Chu Huy Mân, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Văn Trà…
Lần giở lại những năm tháng hào hùng ấy, chúng ta càng hiểu hơn lịch sử, những cống hiến hy sinh vĩ đại của mỗi một người dân, mỗi một người lính và cả những vị tướng đức độ tài ba. Vâng, đó là những vị tướng thời chiến. Không quá nhiều và không quá hào nhoáng, sự vĩ đại sau những bộ quân phục có mùi thuốc súng ấy là hình ảnh, là biểu tượng cao đẹp của một thời, một thế hệ không bao giờ quên, không bao giờ được quên. Cách đây vài tháng, cộng đồng mạng hào hứng và xúc động chia sẻ hình ảnh vị tướng già Nguyễn Quốc Thước, quỳ thắp hương trước mộ của “Người anh cả” Võ Nguyên Giáp ở Quảng Bình. Hình ảnh đẹp đẽ và xúc động vô cùng. Thế đấy, dù có thể “âm dương cách trở” nhưng họ chính là những người lính Cụ Hồ từng vào sinh ra tử năm nào. Mối quan hệ giữa họ là mối quan hệ thiêng liêng, và sáng trong, họ là những vị tướng anh hùng đã làm nên chiến thắng.
Hình ảnh chỉ có tính minh họa |
Vậy mà giữa thời bình, có khi hình ảnh của những vị tướng lại bị một số cá nhân làm cho tổn thương. Chỉ trong mấy năm thông tin bắt bớ các tướng lĩnh để lại bao xót xa. Lòng tin vào người lính Cụ Hồ không mất đi nhưng sự tổn thương trong tâm khảm là không tránh khỏi. Thông tin tuần qua cùng một lúc bắt 5 vị tướng lĩnh của quân đội quả là đau đớn vô cùng. Thế là thêm một lần nữa những vị tướng đáng kính lâu nay lại vướng vòng lao lý. Nỗi đau này không chỉ bản thân họ, gia đình họ, đơn vị họ mà là nỗi đau chung của nhân dân. Có những nhiệm vụ họ hoàn thành, có những khó khăn họ vượt qua nhưng có những kẻ thù họ không thể chiến thắng. Họ đã bại trước chính bản thân họ. Thương, tiếc, và đau. Không một ai trong chúng ta muốn nhói lòng khi nhìn hình ảnh một vị cựu tướng ra trước vành móng ngựa. Chỉ mong sao cái danh sách đau đớn ấy sẽ dừng lại. Xin đừng có thêm ai vướng vòng lao lý nữa. Cách đây mấy năm, Tổng Bí thư đã có một phát biểu chí lý mà nhân văn “kỷ luật là chữa bệnh cứu người”. Ông cũng gợi ý rằng, ai đã lỡ nhúng chàm thì dừng lại, tự gột rửa mà chuộc lỗi với nhân dân.
Ai đó vừa chua chát cạnh khoe rằng: “Trình độ tù nhân gần đây đã được nâng lên”. Chưa bàn chuyện sai đúng nhưng có lẽ đừng nhạo báng trước những thông tin bắt bớ. Đó là nỗi đau chung, mà đã là nỗi đau chung thì cũng đừng ai hả hê hay tự cho mình vô can về trách nhiệm.