Trường Sa - Thiên nhiên kỳ thú

Nhà văn Sương Nguyệt Minh 29/04/2022 10:49

(Baonghean.vn) - Quần đảo Trường Sa khí hậu nhiệt đới gió mùa. Chế độ nhật triều, một lần nước lên một lần nước xuống. Các đảo ngự trên nền đá san hô ngập nước. Đất hình thành do mùn xốp, phân chim..., đảo không có nước ngọt... Địa lý, khí hậu Trường Sa làm nên hệ sinh vật rất khác biệt, cộng với biển, rạn san hô, thềm lục địa... làm cho thiên nhiên Trường Sa rất đa dạng, kỳ thú.

Đảo Trường Sa Lớn nhìn từ biển - nơi được mệnh danh là
Đảo Trường Sa Lớn nhìn từ biển - nơi được mệnh danh là "thủ đô" của quần đảo Trường Sa. Ảnh: Tiến Hùng

Trường Sa kì vĩ có lẽ bắt đầu từ... địa chất, địa hình; một trong những địa hình kì thú nhất có lẽ là đảo chìm Thuyền Chài. Nhìn từ xa, rạn san hô dưới nước biển màu xanh lá mạ hình dạng giống như cái thuyền đánh cá, có lẽ ngư dân lấy luôn cái công cụ truyền đời của mình mà gọi là đảo Thuyền Chài. Nhưng, nhìn ảnh chụp từ vệ tinh thì hình ảnh đảo san hô Thuyền Chài lại rất giống cây cung đã buông dây. Chạy theo hướng Đông - Tây Nam, rạn đá san hô này rộng khoảng 3 hải lý, dài khoảng 17 hải lý. Khi thủy triều rút thì những khối đá san hô nổi chồi lên cao từ 20 đến 40cm. Giữa đảo chìm Thuyền Chài là cái “hồ” lớn nước sâu, rộng khoảng hơn hai chục cây số vuông. Mỗi khi thủy triều xuống, lòng hồ lộ ra ba bãi cát nhô cao khoảng nửa mét, nhưng khi triều lên thì... lụt băng, ngập sâu tới 1m. Công binh Hải quân đã nổ mìn phá đá san hô, khơi một cái luồng dài 300m, rộng 20m để thuyền bè từ biển cả phía ngoài rạn san hô vào trong lòng hồ tránh bão dông.

Lính thợ lặn công binh Lữ đoàn 131 làm các công trình kiên cố ở Trường Sa đã nhiều lần khám phá đáy biển. Đôi khi lòng biển sâu làm họ mê mẩn, chẳng khác gì lạc vào cung điện của vua thủy tề. Những cây san hô khổng lồ ngũ sắc mềm mại, khoảng cách giữa các cành san hô giống như hang động, biến thành nơi sống của các loài thủy sinh. Những con cá vây dài mềm mại, bơi hiền hòa bên con rùa biển và con bạch tuộc ngồi chống chùm râu, nhìn như bà già lụ khụ... Tương lai, Trường Sa sẽ trở thành nơi du lịch và lòng biển sẽ là thiên đường cho những người thích động cựa, xê dịch, ưa tìm tòi, khám phá.

Các bãi san hô rộng lớn dần lộ ra sau khi thủy triều rút trên đảo Đá Tây B. Ảnh: Tiến Hùng
Các bãi san hô rộng lớn dần lộ ra sau khi thủy triều rút trên đảo Đá Tây B. Ảnh: Tiến Hùng

Khi tôi đến Trường Sa Đông, buổi chiều ngồi nghỉ bên bờ đã kè bê tông chắn sóng, tôi nhìn thấy nhiều cây cổ thụ bị sóng gió đánh dạt vào. Có cây còn nguyên gốc rễ, cành chi chít, thân to cỡ một người ôm không xuể, có cây đường kính cao gần bằng đầu người, dài hơn 10m. Không ai biết những cây gỗ này từ đâu trôi đến. Có thể bão gió, lũ lụt ở miền Trung cuốn chúng theo sông Hương, sông Hàn, sông Ba... ra biển chăng? Cũng có thể quê hương xứ sở chúng ở một cánh rừng nào đó của Philipin hoặc Inđônêxia, thậm chí từ Đôngtimo cũng nên. Lại có cả vỏ thùng phi đựng dầu, hoặc xăng to tổ chảng, đường kính cỡ 5m từ đẩu đâu cũng bị sóng gió đánh dạt vào. Tôi nghi ngờ chúng từ một cái tàu đắm nào đó. Biển cả Trường Sa thật là bí ẩn, kì thú và có những mối quan hệ với đất liền do thiên nhiên làm cầu nối rất khó giải thích.

Chế độ nhật triều, một lần nước lên một lần nước xuống, nên quang cảnh Trường Sa luôn thay đổi, mới mẻ tinh khôi. Ngay cả sự hiện diện của bãi đá ngầm san hô, hay các hòn đá mồ côi ngập nước lúc chìm lúc nổi cũng sinh động vô cùng. Luân chuyển sớm muộn theo chu kỳ của nhật triều, tháng này bãi san hô, đá mồ côi hiện ra lúc sáng sớm, tháng sau là lúc trưa, tháng sau nữa là lúc chiều tà, tháng sau nữa... nửa đêm tỉnh giấc nhìn qua ô cửa sổ lại thấy cả một vùng san hô mênh mông trơ cạn, để rồi sáng bảnh đảo chìm lại mênh mang chỉ có nước là nước.

Đảo chìm. Ảnh: Mai Thắng
Đảo chìm. Ảnh: Mai Thắng

Đảo nhìn thấy bình minh đầu tiên là đảo Tiên Nữ. Nhưng, dù ở đảo nổi đảo chìm, hay nhà giàn nào thì cũng thấy bình minh và hoàng hôn rõ mồn một. Mặt trời ở Trường Sa to hơn mặt trời ở đất liền, đó là điều không tranh cãi. Suốt đợt đi biển, chúng tôi đã nhiều lần nhìn thấy mặt trời như cái nong tằm đỏ rực lừ lừ lặn xuống hoặc nhẩn nha mọc trồi lên mặt biển rất rõ, có nghĩa là tận mắt nhìn thấy cả sự hiện ra hay biến mất của nó.

Có lẽ kì quái nhất ở Trường Sa là... vòi rồng. Trời đang yên, biển đang lặng, bỗng nhiên nhìn thấy cột nước trắng dựng đứng lên cao, đôi khi nó uốn éo hoặc xoắn như cái mũi khoan khổng lồ và lừ lừ đi trên mặt biển. Có khi vòi rồng đi ngang trước mặt, có khi đi thẳng, hay đi xiên rồi mất hút về phía đường chân trời. Vòi rồng mà đi về phía đảo thì coi chừng phải chui vào lô cốt, chứ không thì nó hút hết cả nồi niêu, xoong chảo, rau xanh, súng ống, gà vịt và cả người lên lưng chừng trời rồi ném đến một nơi xa lắc. Lính đảo lái xuồng đi tuần tra quanh đảo nhìn thấy vòi rồng khiếp lắm, chỉ còn biết phóng hết tốc lực về cầu xuồng, neo lại rồi chạy tháo thân về đảo ẩn nấp.

Ánh hoàng hôn rực rỡ trên đảo Trường Sa lớn. Ảnh: Quang Dũng
Ánh hoàng hôn rực rỡ trên đảo Trường Sa lớn. Ảnh: Quang Dũng

Ở Trường Sa lộng lẫy nhất là... cầu vồng. Cầu vồng là hiện tượng vật lý, ánh sáng mặt trời bị tán sắc khi khúc xạ và phản xạ qua vô vàn các giọt mưa. Đỏ, hồng, lục, lam, chàm, tím... rực rỡ một vành cong khổng lồ. Cầu vồng bao giờ cũng xuất hiện sau mưa, mà Trường Sa thì mưa nắng bất chợt nhiều lần nên lính đảo một ngày được mấy lần chiêm ngưỡng vẻ đẹp lung linh của cầu vồng cũng là chuyện thường tình. Đôi khi có hai cầu vồng xếp chồng lên nhau. Trong chuyến đi, tôi và những người đất liền ra đảo đã vài ba lần nhìn thấy cầu vồng lung linh bẩy sắc trên mặt biển; nhưng kì vĩ nhất khi tận mắt thấy cầu vồng ở đảo chìm Núi Le. Tầu rời đảo một chốc thì mưa, mưa thoáng qua một lát thì tạnh. Vậy mà, rực rỡ một cầu vồng lung linh bắc lên nền trời vắt từ điểm đóng quân A đến điểm đóng quân B. Hai nhà đảo chìm ở rất xa nhau đen mờ nổi lên ở đường chân trời, bỗng chốc trở thành chân cầu vồng bảy sắc.

Đảo Đá Nam, một rặng san hô thuộc cụm Song Tử ở Trường Sa. Ảnh: Quang Dũng
Đảo Đá Nam, một rặng san hô thuộc cụm Song Tử ở Trường Sa. Ảnh: Quang Dũng

Các đảo Đá Lớn, Cô Lin, đảo Đá Đông..., ở xung quanh đảo - phía ngoài rìa thềm san hô có vô vàn các loại cá quý: chim, thu, ngừ, hải sâm... Khi nước triều rút xuống, vành đai san hô lộ ra hoàn toàn, có thể đi bộ quanh đảo. Rạn san hô chìm này cũng có nhiều cá quý: ngừ, cá mú, cá tráp, tôm hùm, rùa biển. Ở Tiên Nữ có loài sò biển đồ sộ. Khi tôi ra đảo, chỉ thấy một “đảo lô cốt” trần trụi bê tông nhô lên vững chãi và một nhà đảo chân cao chẳng có cây xanh. Đang ước ao được nhìn một con ốc hay con sò biển bằng ngón tay út, thì một anh lính hải quân lái xuồng bảo: “Anh chờ em chút.” Nói xong, anh lính lội ngay xuống nước, mò mẫm chỉ khoảng năm phút sau đã lôi lên một vỏ sò biển to bằng cái nón trước sự kinh ngạc của những người đất liền. Mò thêm lát, anh lính trẻ lại lôi lên cái nữa nhưng bị mẻ một miếng bằng nửa bàn tay. Người nọ chuyền tay người kia cái vỏ sò tai tượng đang nhỏ nước mặn và trầm trồ. Mặt trong vỏ sò tai tượng trơn bóng, màu trắng ngà, mặt vò ngoài xù xì có nhiều gờ nổi, chúng là loài thủy sinh quý hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Trên thế giới người ta đã từng bắt được trai tai tượng nặng gần 300kg và lấy được năm viên ngọc to bằng quả trứng ngỗng. Ở Trường Sa, hầu như đảo nào cũng có sò khổng lồ, ở đảo Sinh Tồn còn có trai tai tượng. Sách đỏ Việt Nam ghi chép về hai mẫu trai tai tượng rộng nửa mét, dài gần một mét bắt được ở đảo Sinh Tồn. Lính đảo lội ở rạn san hô rất sợ dẫm chân phải đúng cái miệng trai hoặc sò tai tượng khổng lồ, bỗng dưng nó khép miệng vào ngậm cả cái giầy hay cái dép rọ đang xỏ và nghiền đứt thịt đến tận xương. Chỉ còn nước đem dao rựa hoặc xà beng bẩy mới rút được chân ra.

Trường Sa còn có loại vích khổng lồ. Vích thực ra là loại rùa biển to lớn. (Ở lòng hồ đảo chìm Tốc Tan cũng có 3 con rùa..., nhưng bằng bê tông. Mỗi con nặng... 3 tấn, dùng để neo tầu). Mùa sinh sản, vích bò lên bãi cát đảo đẻ trứng rồi dùng chân trước vun cát, lấp dấu vết và cũng là để tạo nhiệt độ ấp trứng. Đến ngày, đến tháng vích con tự phá vỏ trứng chui ra. Lính đảo Trường Sa Đông đi tuần sáng sớm, đôi khi bắt được hè nhau vật ngửa nó ra. Chỉ có bắt vích bằng cách ấy, nó mới không chạy được, cứ chới với bốn chân lên trời. Còn không thì xúm vào kéo, giữ hoặc ngồi cả lên trên mo vích cũng cứ xồng xộc kéo cả người xuống biển.

Ở Trường Sa sinh động nhất là chim. Từ thời hồng hoang, cứ đến mùa chim di trú là chúng kéo đàn kéo lũ về vùng nhiệt đới xích đạo tránh rét. Các đảo Trường Sa như một trạm nghỉ chân cả lúc chúng bay đi lẫn bay về. Chi chít. Chì chịt. Vô vàn những con chim lông xám đen kịt, có cảm giác như chúng che mất cả mặt trời. Thêm một đàn chim nữa, thêm một... là chúng bịt mặt trời tối đen cả biển đảo. Chúng không sợ người, lính đảo dường như quen chuyện ồn ào, nhốn nháo của chim, và phải chịu nỗi khổ bởi các tiếng cãi nhau, tiếng kêu chí choách. Tất nhiên, sẽ phải chuẩn bị cả khi đàn chim di trú bay đi hết thì dọn dẹp những con chim chết, tẩy uế phân chim ỉa trắng cả nóc nhà, cầu xuồng, chân đảo, thành công sự, bể nước.

Cái giống chim hải âu lúc bình thường chúng bay liệng chấp chới trên trời rồi thỉnh thoảng lại sà xuống nước bắt cá, nhìn rất đẹp và lãng mạn. Chim hải âu có loại lông lưng xám, mỏ và chân cũng xám, nhưng lông bụng lại trắng, có loại lông trắng muốt, chân và mỏ đỏ hồng. Chúng được gọi là... chim báo bão, rất thân thiện với cánh thủy thủ và lính canh đảo. Khi bão tố ập đến chúng cũng biết bay vào đảo tránh gió mưa. Nhưng, rất phiền là chúng chui vào cả phòng họp, phòng ngủ, rúc vào tủ đựng thức ăn, rúc vào chăn màn, đậu cả giường chiếu, chui cả vào phòng lái tầu. Song, chẳng ai nỡ đuổi chúng đi và bắt vặt lông làm thịt. Đêm lính đảo thiu thiu ngủ, chúng cũng gật gù gật gù, để rồi ban mai chúng lại bay liệng trắng lóa chấp chới dưới mặt trời. Sinh động biết bao!

Quần đảo Trường Sa là vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc, một phần máu thịt không thể thiếu của Việt Nam. Ảnh: Tiến Hùng
Quần đảo Trường Sa là vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc, một phần máu thịt không thể thiếu của Việt Nam. Ảnh: Tiến Hùng

Ở đảo nổi nào cũng có vật cản bằng bê tông chắn sóng, và cọc tiêu cũng bằng bê tông. Lính đảo thường buộc bia vào đó... tập bắn. Bỗng một sớm ban mai, hành quân ra bãi cát tập luyện thì giời ơi trên tất cả các vật cản, cọc tiêu ấy là những con chim biển giống như con vạc ở đất liền... đậu lù lù. Mục tiêu không phải là bia nữa mà là những con chim lạ. Tất nhiên, “đầu ruồi đội đít điểm đen” là cái ức con chim để viên đạn ra khỏi nòng xuyên vào đầu thì thịt mới không bị phá nát. Nhưng, chỉ là tập ngắm, lính đảo không thừa đạn để bắn chim đến làm bạn với mình. Tôi cứ tưởng tượng, nghĩ ngợi xa gần: những người lính sống tròi trọi nơi đảo chìm, đảo nổi, nhà giàn, bó chân tù cẳng, nhìn đi nhìn lại toàn đàn ông, con trai; nếu không có những sinh vật biển sống động tạo nên thiên nhiên kì thú và lãng mạn thì cuộc sống họ sẽ như thế nào nhỉ?

Nhà văn Sương Nguyệt Minh