Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An họp phiên thường kỳ tháng 4

Thành Duy 29/04/2022 11:00

(Baonghean.vn) - Sáng 29/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 4. Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên họp.

Dự phiên họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí đại diện một số ban Đảng Trung ương và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và một số sở, ngành liên quan.

Toàn cảnh cuộc làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

CHO Ý KIẾN VỀ ĐỀ ÁN "ĐỊA CHÍ TỈNH NGHỆ AN ĐƯƠNG ĐẠI"

Tại cuộc làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến về thuyết minh Đề án “Địa chí tỉnh Nghệ An đương đại”. Cùng dự nội dung này có PGS. TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An có chủ trương triển khai Đề án “Địa chí tỉnh Nghệ An đương đại”, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã chủ trì phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Nghệ An để tiến hành xây dựng thuyết minh Đề án. Bản thuyết minh đã qua nhiều lần dự thảo, tham vấn ý kiến từ nhiều chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ, lãnh đạo quản lý thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy… để bổ sung, hoàn chỉnh.

PGS. TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trình bày thuyết minh Đề án “Địa chí tỉnh Nghệ An đương đại”. Ảnh: Thành Duy

Trước khi trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục cho ý kiến tại phiên họp thường kỳ tháng 4/2022, Hội đồng Khoa học và Công nghệ đã thẩm định.

“Địa chí tỉnh Nghệ An đương đại” có ý nghĩa trước mắt và lâu dài, phản ánh đầy đủ, trung thực về tự nhiên, xã hội, dân tộc và con người Nghệ An, các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh.

Công trình đã có tính kế thừa, cập nhật các nội dung thông tin đã có nghiên cứu về Nghệ An, đặc biệt là có sự kế thừa và phát triển từ công trình Nghệ An toàn chí, huy động đội ngũ cán bộ nghiên cứu tham gia đông đảo.

Mặt khác, sau 35 năm thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng, diện mạo Nghệ An đương đại vì thế cũng đòi hỏi phải được tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá, tổng kết dưới góc độ lý luận và thực tiễn một cách đa dạng, phong phú, xứng tầm hơn nữa, trong đó có công trình “Địa chí tỉnh Nghệ An đương đại”.

Đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An phát biểu góp ý vào Đề án “Địa chí tỉnh Nghệ An đương đại". Ảnh: Thành Duy

“Địa chí tỉnh Nghệ An đương đại” là một công trình nghiên cứu mới sẽ có những đóng góp rất hữu ích cả về khoa học và thực tiễn, cả trước mắt và lâu dài. Theo nội dung thuyết minh sẽ có 10 phần gồm 76 chương. Sau khi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất thì tiến độ triển khai sẽ từ năm 2022 đến năm 2024.

Đây là bộ cơ sở dữ liệu tổng hợp các lĩnh vực, bao gồm sản phẩm in và sản phẩm số hóa ứng dụng phần mềm hiện đại, theo quy chuẩn Quốc chí. Qua đó, giúp cho các nhà lãnh đạo, quản lý các cấp nghiên cứu, hoạch định chính sách; các nhà đầu tư có thêm những thông tin hữu ích về vùng đất, con người Nghệ An để nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư phát triển các lĩnh vực trên địa bàn.

Cùng với đó, “Địa chí tỉnh Nghệ An đương đại” còn giúp cho các nhà lãnh đạo, quản lý và nhân dân Nghệ An hiểu biết quê hương mình sâu sắc hơn, giải đáp có căn cứ khoa học hơn về những vấn đề liên quan đến điều kiện tự nhiên, hành chính, dân cư, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… đã, đang và sẽ đặt ra, nhằm mục tiêu phát triển Nghệ An theo hướng nhanh và bền vững.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu góp ý vào Đề án “Địa chí tỉnh Nghệ An đương đại". Ảnh: Thành Duy

Tại cuộc làm việc, ý kiến các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá cao thuyết minh Đề án, đồng thời nêu một số ý kiến liên quan đến thành phần tham gia, một số nội dung liên quan; phần kinh phí xã hội hóa…

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao tính cấp thiết của Đề án; tuy nhiên, đồng chí cũng đề nghị cần xem xét, bổ sung thêm các thành viên đại diện từ tỉnh Nghệ An trong Ban Chủ nhiệm Đề án.

Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý đánh giá cao sự vào cuộc của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Hội Khoa học lịch sử Nghệ An; thể hiện sự dày công nghiên cứu, phân tích, đánh giá, biên soạn; đặc biệt Đề án đã định hướng thêm bước số hóa, qua đó phục vụ thuận lợi cho nhu cầu khai thác thông tin sau khi công trình “Địa chí tỉnh Nghệ An đương đại" hoàn thành.

Thống nhất với cấu trúc, tiến độ thực hiện, người đứng đầu Tỉnh ủy Nghệ An cũng lưu ý, cần tiếp thu ý kiến của các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy để thực hiện; đồng thời nhấn mạnh quan điểm trong quá trình thực hiện là cần mở rộng các đơn vị phối hợp từ phía tỉnh Nghệ An, cũng như khai thác, sử dụng hiệu quả các dữ liệu, tài liệu đã có. Mặt khác, trong công trình này, tên gọi, thống kê, liệt kê phải đảm bảo chặt chẽ, chính xác. Sau khi hoàn thành, theo chu kỳ 5 năm, công trình “Địa chí tỉnh Nghệ An đương đại” cần được cập nhật, bổ sung thêm.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu kết luận về Đề án “Địa chí tỉnh Nghệ An đương đại". Ảnh: Thành Duy

Bí thư Tỉnh ủy cũng cho ý kiến liên quan đến thành phần Ban Chỉ đạo, Ban Chủ nhiệm Đề án, các thành viên tham gia, Hội đồng thẩm định để công trình “Địa chí tỉnh Nghệ An đương đại” được phối hợp triển khai đảm bảo hiệu quả, chất lượng nhất.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cũng yêu cầu Ban Chủ nhiệm Đề án báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào giữa kỳ thực hiện Đề án về tiến độ, nội dung thực hiện để có ý kiến và chỉ đạo kịp thời, sâu sát.

THỐNG NHẤT CHỦ TRƯƠNG BAN HÀNH CHỈ THỊ VỀ CÔNG TÁC DÂN TỘC

Tại cuộc làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã bàn về chủ trương ban hành, nội dung dự kiến của Chỉ thị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Nghệ An có diện tích 13.145km2, chiếm 83% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, dân số trên toàn vùng khoảng 1,2 triệu người, chiếm 41% dân số toàn tỉnh, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 491.267 người, chiếm 14,8% dân số toàn tỉnh và chiếm 36% dân số trên địa bàn miền núi.

Đồng chí Vi Văn Sơn - Trưởng ban Dân tộc tỉnh trình bày Tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đề nghị ban hành Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Ảnh: Thành Duy

Đây là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái, có nhiều tiềm năng. Giai đoạn 2021 - 2025, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh gồm 131 xã (76 xã khu vực III, 55 xã khu vực I), 588 thôn đặc biệt khó khăn.

Thảo luận về nội dung này, ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề cập đến nhiều khía cạnh liên quan đến công tác phát triển vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là cần phát huy được nguồn lực, tập trung giải quyết các vấn đề như đất sản xuất, nhà ở cho đồng bào.

Đồng chí Ngọc Kim Nam - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy phát biểu thảo luận tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Đặc biệt, ý kiến thảo luận đánh giá các chủ trương, chính sách dân tộc rất tốt và có nhiều văn bản, kế hoạch, kết luận triển khai thực hiện nhưng hiện nay khâu thực hiện còn có những nội dung triển khai chưa thực sự hiệu quả. Đây đang là vấn đề đặt ra.

Từ thực tiễn đó, Thiếu tướng Phạm Thế Tùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh đề nghị cần đánh giá chính xác hiệu quả việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào, từ đó trong Chỉ thị nêu rõ nhiệm vụ của các cơ quan, ban, ngành trong việc thực hiện các chính sách, hỗ trợ đồng bào.

Thiếu tướng Phạm Thế Tùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh phát biểu thảo luận tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Cũng với quan điểm trên, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh: Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với việc thực hiện công tác dân tộc, đặc biệt là nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Kết luận nội dung này, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý thống nhất chủ trương ban hành Chỉ thị để nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là khắc phục những vấn đề còn chưa tốt trong quá trình thực hiện lâu nay. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh giao Ban Dân tộc tỉnh tiếp thu các ý kiến, phối hợp với các ban Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy để hoàn thiện dự án Chỉ thị trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục nghe và cho ý kiến trước khi ban hành.

Thành Duy