Những trải nghiệm không thể bỏ qua ở miền di sản sinh thái Con Cuông

Thành Chung - Thành Cường 29/04/2022 15:36

(Baonghean.vn) - Con Cuông là huyện miền núi vùng cao, miền Tây Nghệ An. Thiên nhiên đã ưu đãi cho Con Cuông cảnh sắc kỳ thú, sơn thủy hữu tình, chứa đựng kho tàng vô cùng phong phú và độc đáo về đa dạng sinh học; là vùng đất cổ với nhiều truyền tích, di tích.

Vị trí của miền sinh thái và di sản Con Cuông. Ảnh: Thành Cường
Vị trí của miền sinh thái và di sản Con Cuông. Ảnh: Thành Cường

Từ TP.Vinh, du khách có thể lựa chọn 4 cách để đến với Con Cuông: Thứ nhất, đi từ Vinh qua Diễn Châu, tiếp tục theo Quốc lộ 7 để tới Con Cuông. Tổng đoạn đường khoảng 130km; Thứ hai, từ Vinh đi qua huyện Nam Đàn, đi ngang Khu di tích Truông Bồn lên Đô Lương rồi tới Con Cuông. Hành trình này có tổng chiều dài 120km; Thứ ba, từ Vinh đi tới Nam Đàn, cầu Rỗ, tới ngã ba Thanh Thủy, rẽ vào huyện Anh Sơn và tiếp tục đi tới Con Cuông. Đoạn đường này có tổng chiều dài 140km; Thứ tư, từ Vinh qua huyện Nghi Lộc, theo đường N5 lên Đô Lương rồi tới Con Cuông. Tổng đoạn đường khoảng 120km. Trong một kỳ nghỉ ngắn (1,5-3 ngày), du khách hoàn toàn có thể tìm đến và khám phá tất cả điểm đến di tích, danh thắng.

CÁC DU TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA

Khu di chỉ khảo cổ học hang Thẳm Hoi

Nằm cách thị trấn Con Cuông khoảng 4km đi về hướng Đông, cách Quốc lộ 7A khoảng 600m đi về hướng Nam, Thẳm Hoi là một hang đá vôi có chiều dài 27,74m, rộng 21,35m và cao 5,50m. Cửa hang bị chắn ở giữa bởi nhiều tảng đá tạo thành một bình phong tự nhiên. Lòng hang rộng rãi, khô ráo, tạo điều kiện thuận lợi cho người nguyên thủy cư trú.

Di chỉ được các nhà khảo cổ học phát hiện lần đầu tiên vào năm 1967, tiếp tục được khai quật vào năm 1972. Toàn bộ bộ sưu tập từ di vật đá, xương, vỏ nhuyễn thể, đến di cốt người, mộ táng... đều mang đặc trưng cơ bản đánh dấu sự có mặt của văn hóa Hòa Bình trên đất Nghệ An nói chung, ở huyện Con Cuông nói riêng. Trong bản đồ di chỉ khảo cổ học thời tiền sử ở Việt Nam, hang Thẳm Hoi trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn.

Non nước miền Trà Lân hôm nay. Ảnh tư liệu: Cảnh Hùng
Non nước miền Trà Lân hôm nay. Ảnh tư liệu: Cảnh Hùng

Đền Khe Sặt

Đền Khe Sặt (khối 3, thị trấn Con Cuông) thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang. Trải qua nhiều thăng trầm, đền đã được các cấp chính quyền và Nhân dân phục hồi, xây dựng thêm các hạng mục. Kỷ niệm ngày mất của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang (16,17 tháng Chạp) và ngày Rằm, mùng Một Âm lịch hàng tháng, nhân dân thường đến thắp hương tưởng nhớ ngài. Hiện nay, đền Khe Sặt trở thành điểm sinh hoạt tâm linh của đông đảo nhân dân và du khách thập phương khi đến với Con Cuông.

Bia Ma Nhai

Từ thị trấn Con Cuông đi về phía Tây khoảng 300m, đến xã Chi Khê, du khách sẽ mục sở thị Ma nhai kỳ công bi văn (còn gọi là bia Thành Nam ). Di tích sừng sững song tồn với núi Thành Nam gần 700 năm nay là chứng tích kể về chiến công của quân dân nhà Trần chống giặc Ai Lao cướp phá nơi miền biên viễn. Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: Thượng hoàng Trần Minh Tông sai Nguyễn Trung Ngạn khắc bia đá ghi lại chiến công gọi là “Ma nhai kỷ công bi văn”. Văn bia với nét chữ khoáng đạt, to bằng bàn tay, in sâu hơn một tấc, đã khắc 14 dòng, 155 chữ lên vòm núi trước cửa hang.

Di tích Bia Ma Nhai. Ảnh tư liệu

Đền Cửa Lũy

Di tích lịch sử đền Cửa Lũy nằm ở xã Yên Khê. Ngôi đền linh thiêng nép mình cạnh cầu Khe Diêm nên còn được gọi là đền Khe Diêm. Hàng tháng, vào các ngày mồng Một và Rằm, nhân dân xung quanh vùng thường đến cửa đền thắp hương cầu an, cầu phúc cho gia đình. Đền không rõ thời gian xây dựng, tuy nhiên theo lời kể của các bậc cao niên thì đền có cách đây hàng trăm năm, được khôi phục lại năm 1994. Xung quanh ngôi đền có nhiều giai thoại kể lại, đến nay vẫn chưa có cứ liệu chính xác nhưng theo tìm hiểu mới nhất, có thể đền thờ Đức Ngài Trương Công Hán. Ông là Tù trưởng người Thái ở kẻ Trắng, Chom Phục, Thọ Sơn, huyện Anh Sơn. Ngài là người có công rất lớn trong việc phò Bình Định Vương Lê Lợi (thế kỷ XV) đánh thành Trà Lân.

Ngôi nhà cụ Vi Văn Khang

Di tích lịch sử Ngôi nhà cụ Vi Văn Khang. Ảnh: Thành Cường
Di tích lịch sử ngôi nhà cụ Vi Văn Khang. Ảnh: Thành Cường

Di tích lịch sử ngôi nhà cụ Vi Văn Khang nằm bên bờ sông Giăng, nay thuộc bản Thái Hòa, xã Môn Sơn. Ngôi nhà do bố đẻ cụ Vi Văn Khang xây dựng từ năm 1919 theo kiểu nhà sàn truyền thống của người Thái, trên vùng đất rộng khoảng 1.000m2.. Năm 1931, được các đồng chí Lê Xuân Đào (Trưởng ban Tài chính của Xứ ủy Trung Kỳ), Lê Mạnh Duyệt và Nguyễn Hữu Bình (Đặc phái viên của Tỉnh ủy Nghệ An ) tuyên truyền, vận động, giác ngộ, cụ Vi Văn Khang hăng say tham gia hoạt động cách mạng. Vào tháng 4/1931, tại ngôi nhà này, Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở xã Môn Sơn được thành lập, gồm 5 người, ông Vi Văn Khang là Bí thư Chi bộ. Đây là chi bộ đầu tiên ở miền núi vùng cao Nghệ An. Cũng tại ngôi nhà, cơ sở đảng đã bí mật in tài liệu, truyền đơn, đem đi rải khắp các bản làng. Ngôi nhà cụ Vi Văn Khang trở thành đầu mối liên lạc giữa cách mạng miền xuôi và miền ngược, giữa phong trào của đồng bào Kinh với các dân tộc miền núi Nghệ An.

CÁC DANH LAM, THẮNG CẢNH

Vườn Quốc gia Pù Mát

Vườn Quốc gia Pù Mát với hệ sinh thái đa dạng, phong phú. Ảnh tư liệu
Vườn Quốc gia Pù Mát nằm trên địa giới hành chính của 3 huyện: Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương. Riêng huyện Con Cuông với tổng diện tích là 94.000ha, trải dài địa phận 7 xã: Lạng Khê, Châu Khê, Lục Dạ, Môn Sơn, Yên Khê, Bồng Khê, Chi Khê. Vườn Quốc gia Pù Mát là một khu bảo tồn tự nhiên nổi tiếng, có hệ động thực vật phong phú, rừng nguyên sinh với tính da dạng sinh học cao bậc nhất Việt Nam. Sở hữu một hệ sinh thái vô cùng đặc trưng và đa dạng, thiên nhiên hoang sơ và hùng vĩ, cùng với những giá trị phong phú về mặt địa chất, địa mạo. Vườn Quốc gia Pù Mát được ví là một trong những “bảo tàng tự nhiên” tuyệt vời mang tầm vóc thế giới, là điểm đến cuốn hút cho những ai ưa thích khám phá và trải nghiệm…

Thác Khe Kèm

Thắng cảnh thác Khe Kèm. Ảnh: Tư liệu

Thác Khe Kèm nằm cách trung tâm thị trấn Con Cuông khoảng 25 km. Thác được ví như món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng, khiến ai đã đến một lần đều lưu luyến mãi không quên. Đứng dưới chân thác, du khách sẽ được chiêm ngưỡng dòng nước chảy mạnh mẽ, uốn cong mềm mại như một dải lụa trắng nổi bật giữa núi rừng bao la. Thác Khe Kèm được đánh giá là địa điểm du lịch Con Cuông hoang sơ bậc nhất bởi nơi đây chưa hề có bất kỳ sự tác động nào từ bàn tay con người.

Suối Nước Mọc

Khe nước mọc . Ảnh: Thành Cường
Khe suối Nước Mọc. Ảnh: Thành Cường

Ở khe suối Nước Mọc, mạch nước quanh năm phun từ sâu dưới lòng đất lên. Người Thái gọi là khe Nước Mọc là Tạ Bó (suối nóng lạnh). Một điều kỳ lạ khe Nước Mọc là dù mùa nắng nóng hay mùa mưa, mực nước ở đây vẫn không thay đổi, nó không bị cạn và cũng không đầy hơn. Bao quanh dòng suối xanh trong là rừng cây cổ thụ và những tảng đá rêu phong, nối thành bậc thang, tạo sự an toàn cho du khách khi xuống tắm. Sau khi tắm mát, du khách còn được thưởng thức các món gà nướng hấp dẫn của người dân bản địa.

Hang Thẳm Nàng Màn

Thắm Nàng Màn với truyền thuyết về tình yêu hóa đá. Ảnh: Thành Cường
Hang Thẳm Nàng Màn với truyền thuyết về tình yêu hóa đá. Ảnh: Thành Cường

Thẳm Nàng Màn được hình thành do quá trình phong hóa cách đây hàng trăm triệu năm với diện tích khoảng 1.800m2, có cấu trúc dạng vòm, có hệ thống hang ngầm, xuyên thủy và nhũ đẹp... Thẳm Nàng Màn gắn liền một huyền thoại về bản làng ở dưới chân núi này. Chuyện rằng có người con gái xinh đẹp, hát hay của một nhà chúa đất đã đem lòng yêu một chàng trai nghèo trong bản. Họ đã trao nhau tất cả với lời thề hẹn trọn đời bên nhau. Song bởi chàng trai nghèo nên chuyện tình bị cha mẹ nàng ngăn cấm và họ nhốt nàng trong hang. Trong hang núi lạnh lẽo, hai mẹ con Nàng cô đơn, buồn tủi ngày đêm mong ngóng ngày người yêu quay trở lại, cho đến ngày mẹ con Nàng kiệt sức và hóa đá. Tại khu vực trung tâm hang hiện giờ vẫn còn nhũ đá hình người phụ nữ...

Với đồng bào Thái nơi đây, Thẳm Nàng Màn là một điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của mọi người dân, và họ tin rằng các chàng trai cô gái yêu nhau đến cầu may, cầu tình duyên, mong hạnh phúc bên nhau sẽ được linh hồn của mẹ con Nàng phù hộ.

Đập Phà Lài - Dòng sông Giăng

Cuộc sống trên dòng sông Giăng. Ảnh: Thành Cường
Cuộc sống trên dòng sông Giăng. Ảnh: Thành Cường

Du lịch đập Phà Lài, sông Giăng là một trong những trải nghiệm thú vị, được nhiều bạn trẻ yêu thích khi du lịch Con Cuông. Đến với địa điểm nổi tiếng này, du khách sẽ được ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ với những vách núi đá chênh vênh hòa cùng nước sông Giăng trong xanh, mát lành tạo nên bức tranh bình yên, tuyệt đẹp. Ngoài ra, bạn cũng có thể thưởng thức nhiều món đặc sản độc đáo của người dân tộc Thái như cá sông Giăng, cơm Mường Quạ…

Vào sáng sớm, cả dòng sông Giăng khoác lên mình màn sương mù trắng xóa tạo nên bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp, khiến du khách không khỏi xuyến xao. Đây cũng chính là biểu tượng du lịch Con Cuông hấp dẫn, được đông đảo du khách tìm đến trải nghiệm.

Cảnh sắc trên sông Giăng xã Môn Sơn. Ảnh tư liệu: Cảnh Hùng
Cảnh sắc trên sông Giăng xã Môn Sơn. Ảnh tư liệu: Cảnh Hùng

Ngày nay, con sông huyền thoại sông Giăng - Phà Lài là điểm đến du lịch sinh thái tuyệt vời. Tại đây, du khách sẽ được trải nghiệm những cảm giác mạnh như chèo thuyền kayak hoặc đu dây qua sông (zipline); tham gia hành trình khám phá sông Giăng, vừa ngắm khung cảnh hoang sơ kỳ vĩ của rừng Pù Mát, vừa hòa mình cùng với nhịp sống hàng ngày của người dân địa phương.

CÁC BẢN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG

Bản Khe Rạn (xã Bồng Khê)

Du khách quốc tế đến với bản Khe Rạn, xã Bồng Khê huyện Con Cuông. Ảnh: Thành Cường
Du khách quốc tế đến với bản Khe Rạn, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông. Ảnh: Thành Cường

Khe Rạn một trong những bản thuần Thái của huyện Con Cuông. Khe Rạn được nhiều người biết đến như là một điểm du lịch cộng đồng đầu tiên ở miền Tây xứ Nghệ. Từ Quốc lộ 7, cạnh khách sạn Mường Thanh Con Cuông, qua một cây cầu treo nối hai bên bờ sông Lam là sang đến bản Khe Rạn. Với cầu treo thơ mộng, cây đa cổ thụ cạnh bến nước trữ tình, cùng những mái nhà sàn xen kẽ nhau như sóng lượn trên ngọn đồi là đặc điểm chính để khắc ghi về điểm du lịch cộng đồng Khe Rạn.

Đến với bản Khe Rạn, du khách ngoài việc được khám phá, tìm hiểu phong tục tập quán, phong cảnh nơi đây, thì thưởng thức các món ăn truyền thống, uống rượu cần, khám phá nhiều di tích danh thắng đẹp... sẽ là những trải nghiệm hấp dẫn và khó quên.

Bản Xiềng (xã Môn Sơn)

Dệt thổ cẩm tại Bản Xiềng. Ảnh: Tư liệu
Dệt thổ cẩm tại bản Xiềng. Ảnh: Tư liệu

Từ Quốc lộ 7 vào bản Xiềng (xã Môn Sơn) mất 20km đường khá quanh co. Bản Xiềng có 100% số hộ là dân tộc Thái; với những ngôi nhà sàn cổ kính, nằm dọc theo con đường đến trung tâm xã và thắng cảnh đập Phà Lài. Người dân bản Xiềng bao đời vốn siêng năng cần cù, có đam mê trong giữ gìn nét văn hóa truyền thống như cồng chiêng và dệt thổ cẩm. Năm 2017, UBND tỉnh cấp bằng công nhận làng nghề dệt thổ cẩm bản Xiềng với hơn 140 hộ thường xuyên tham gia sản xuất.

Đến với bản Xiềng, bên cạnh thăm các ngôi nhà sàn truyền thống, khách tham quan sẽ được chứng kiến toàn bộ quy trình tạo ra sản phẩm dệt thêu (váy, mặt chăn, khăn, túi...) của người Thái Tày Thanh. Đó là chiếc khăn dệt từ sợi tơ mà bà con tự trồng dâu, nuôi tằm, kéo sợi, nhuộm màu từ cây lá của núi rừng. Đó là những chiếc túi nhỏ xinh được thêu hoa văn đằm thắm rất được chị em ưa thích, mang giá trị nghệ thuật cao, phản ánh tay nghề khéo léo của những người thợ lành nghề.

Bản Nưa (xã Yên Khê)

Phong tục Buộc chỉ cầu may. Ảnh: Tư liệu
Phong tục buộc chỉ cầu may. Ảnh: Tư liệu

Bản Nưa vừa có quan cảnh tự nhiên đẹp, vừa gìn giữ được những phong tục, tập quán lâu đời của người Thái. Đến với du lịch cộng đồng tại đây, du khách được trải nghiệm không gian bản làng bình yên, nhà sàn truyền thống, thưởng thức ẩm thực và tham gia các hoạt động du lịch nông nghiệp lý thú. Muốn hiểu hết bản sắc văn hóa Con Cuông chỉ có thể cùng trải nghiệm cuộc sống với bà con nơi đây như: ngắm những buổi chiều trên cánh đồng bản Nưa; trải nghiệm đi trên chuyến xe bò dạo quanh làng bản; thưởng thức những món ăn dân dã mà đặc sắc làm từ cây lá, con vật do người dân tự nuôi trồng và được say sưa trong đêm hội rượu cần, nhảy sạp bên ánh lửa bập bùng.

Từ những đặc sản sẵn có, mô hình du lịch của bản Nưa được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) chọn mẫu để giới thiệu trong chương trình đào tạo quảng bá và hợp tác kiến tạo tri thức. Trở thành tài liệu quảng bá du lịch tại Nhật và ứng dụng cho mô hình các tỉnh, thành khác tại Việt Nam.

Bản Cò Phạt (xã Môn Sơn)

Cuộc sống của người Đan Lai trên thượng nguồn sông Giăng. Ảnh: Đào Tuấn

Tầm hơn 2 giờ bằng thuyền, vượt hàng trăm ghềnh đá chìm nổi ngược sông Giăng là đến với bản Cò Phạt - bản đầu tiên của tộc người Đan Lai giữa vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, thuộc xã Môn Sơn. Nơi đây, sau những cố gắng của các cấp chính quyền và doanh nghiệp đã và đang bảo tồn ngôn ngữ, lưu giữ mái nhà tranh của người Đan Lai để xây dựng bản Cò Phạt thành điểm du lịch cộng đồng độc đáo.

Đến với bản Cò Phạt ngày nay, du khách sẽ vẫn còn cảm nhận sự độc đáo và ấn tượng với đồng bào Đan Lai, cũng là nét khác biệt khi về với Con Cuông. Tại đó, du khách sẽ được nghe kể về lịch sử của cộng đồng người Đan Lai, được tìm hiểu phong tục tập quán, lối sống và những nét văn hóa còn chứa đựng bao điều kỳ bí, thú vị...

Bản Pha (xã Yên Khê)

Du khách quốc tế trải nghiệm vườn cam Bản Pha. Ảnh: Tư liệu
Du khách quốc tế trải nghiệm vườn cam bản Pha. Ảnh: Tư liệu

Bản Pha là điểm đến trải nghiệm thú vị với những món quà lưu niệm, nơi có dòng cam ngon nổi tiếng của Nghệ An, vị ngọt mát đậm đà. Mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn liền với chuỗi sản xuất các sản phẩm từ trái cam tại bản Pha do tổ chức JICA (Nhật Bản) hỗ trợ xây dựng từ năm 2016 đang ngày càng chứng minh sức hấp dẫn đối với hình thức du lịch mới này. Du khách đến với bản Pha có thể thỏa thích tham quan, chụp ảnh và ăn trái trong vườn cam. Cam thu hoạch từ tháng 10 năm nay tới tháng 1, tháng 2 năm sau – Đây cũng là thời điểm tiết trời mát mẻ để thưởng ngoạn. Ngoài xây dựng mô hình cam sinh thái, những trái cam còn được lựa chọn để người dân chế biến thêm các sản phẩm từ cam: tinh dầu đốt, tinh dầu treo xe, xà phòng cam, rượu hương cam, mứt vỏ cam... góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của địa phương, rất được du khách ưa chuộng.

ÂM NHẠC, NGHỀ TRUYỀN THỐNG VÀ ẨM THỰC

Người dân Con Cuông đặc biệt hiếu khách với nụ cười thường trực trên môi. Tại các điểm du lịch cộng đồng, người dân vẫn bảo tồn nguyên vẹn những phong tục tập quán của dân tộc mình từ xa xưa. Đến đây, du khách được trải nghiệm nhiều trò chơi dân gian như đi cà kheo, ném còn, chọi gụ, đẩy gậy; nghe những điệu nhuôn, suối, lăm, khắp, hát đồng dao, hát ru; nghe các nghệ nhân trình diễn các nhạc cụ truyền thống như pí, khèn, chiêng, trống, múa lăm vông, múa xòe, múa trống chiêng, múa sạp…

Cùng vui Nhảy Sạp. Ảnh Thành Cường
Cùng vui nhảy sạp. Ảnh: Thành Cường

Khi đến với Con Cuông, du khách có thể tìm hiểu, biết rõ hơn về những ngành nghề truyền thống của người dân thuộc 25 thành phần dân tộc nơi đây; ngoài ra còn có thể mua các sản phẩm lưu niệm tại các làng nghề như: Dệt thổ cẩm ở bản Xiềng (xã Môn Sơn); mây tre đan ở bản Diềm (xã Châu Khê); rượu men lá ở bản Xiềng (xã Đôn Phục); rượu cần ở bản Chòm Muộng (xã Mậu Đức)… cùng rất nhiều làng nghề sản xuất sản phẩm đã được công nhận OCOP. Các sản phẩm thủ công được bán nhiều tại các lễ hội, phiên chợ quê như Lễ hội Môn Sơn – Lục Dạ (tổ chức ngày 15-16/4 hàng năm); Chợ phiên Mường Quạ (diễn ra vào ngày Chủ nhật tuần đầu của tháng ở xã Môn Sơn); Chợ phiên Mường Chon (diễn ra vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật tuần thứ 3 hàng tháng ở xã Bình Chuẩn).

Đặc sản Rượu men lá Con Cuông. Ảnh: Tư liệu
Đặc sản rượu men lá Con Cuông. Ảnh: Tư liệu

Bên cạnh các sản phẩm mang tính truyền thống, khi đến với Con Cuông, du khách cũng nên đến tham quan, mang về cho gia đình, bạn bè những món quà địa phương đặc biệt được sản xuất tại địa phương, như dược liệu Pù Mát (xã Bồng Khê); các sản phẩm quả, mứt, rượu cam ở bản Pha (Yên Khê).

Ngoài những danh thắng, di tích, ẩm thực truyền thống ở Con Cuông cũng là điều rất đáng để khám phá, thưởng thức. Ẩm thực người Thái Con Cuông hội tụ và giao hòa nét tinh túy của đất trời, núi rừng. Những món ngon khi đến với Con Cuông mà du khách không thể bỏ qua, đó là: Cá mát nướng giòn; cá nướng; thịt nướng; các món Họ Moọc; thịt chua; canh bon; xôi tím và cơm lam; bánh chưng; thịt gà hấp – nướng, canh khẩu khiều, rau bún, măng rừng… rượu cần, rượu men lá.

Đặc sắc ẩm thực người Thái Con Cuông. Ảnh: Thành Cường
Đặc sắc ẩm thực người Thái Con Cuông. Ảnh: Thành Cường

Con Cuông đẹp như “nàng công chúa ở trong rừng”. Những năm gần đây, với định hướng chiến lược xây dựng Con Cuông thành một đô thị sinh thái, du lịch Con Cuông đang từng bước được khơi dậy và trở thành điểm đến của bè bạn bốn phương… Thiên nhiên kỳ thú và bí ẩn, chiều sâu văn hóa, lịch sử và tiềm năng phát triển nơi đây vẫn đang chờ du khách về đánh thức./.

Thành Chung - Thành Cường