Nông dân Nghệ An năng động 'bắt nhịp' thị trường

Thanh Phúc 02/05/2022 14:52

(Baonghean.vn) - Vẫn trên đồng đất đó nhưng những người nông dân đã thay đổi tư duy, bắt nhịp theo cái thị trường cần để điều tiết sản xuất phù hợp, gắn sản xuất với tiêu thụ, cải thiện tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, hướng đến phát triển bền vững...

CHUYỆN TRÊN ĐỒI CHÈ THANH MAI

Chè là cây trồng chủ lực của người dân các vùng thượng huyện Thanh Chương. Ảnh: Thanh Phúc
Chè là cây trồng chủ lực của người dân các vùng thượng huyện Thanh Chương. Ảnh: Thanh Phúc

Sinh ra và lớn lên tại vùng đồi núi xã Thanh Mai (Thanh Chương), nơi cây chè đã gắn với bà con nông dân nơi đây hàng chục năm trời, anh Nguyễn Văn Đường - Giám đốc HTX Nông nghiệp chế biến chè Thanh Mai, Tổ trưởng tổ hội nghề nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè trà xanh Thanh Mai từng chứng kiến những thăng trầm của cây chè. Khi thị trường xuất khẩu chè búp khô bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có khi ngưng trệ khiến chè búp tươi mất giá, người trồng thua lỗ.

Chính trong khó khăn này, với kinh nghiệm 30 năm gắn bó với sản xuất, chế biến và xuất khẩu chè, anh Đường nhận thấy rằng, chỉ có sản xuất sạch, sản xuất an toàn thì cây chè mới có thể phát triển bền vững.

Anh Nguyễn Văn Đường kiểm tra chất lượng chè búp sau chế biến. Ảnh: Thanh Phúc
Anh Nguyễn Văn Đường kiểm tra chất lượng chè búp sau chế biến. Ảnh: Thanh Phúc

“Thị trường ngày càng khắt khe, chè bẩn, chè tồn dư dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay chất hóa học thì sẽ bị trả về, mất bạn hàng, mất giá trị, mất thương hiệu, chịu thiệt trực tiếp chính là người trồng. Do đó, việc xây dựng vùng nguyên liệu sạch, chú trọng các biện pháp an toàn trong sản xuất, cung cấp nguyên liệu sạch để chế biến ra sản phẩm chè chất lượng cao, chinh phục mọi thị trường là cấp thiết”, anh Đường cho biết.

Với vai trò là tổ trưởng tổ hội nghề nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè xanh Thanh Mai, anh đã kiên trì vận động các thành viên trong tổ hội chuyển đổi tư duy sản xuất từ hướng quảng canh sang thâm canh, sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ thay thế thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, hình thành các vùng chè an toàn theo hướng VietGAP; Áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp...

Tuy nhiên, để thay đổi được tập quán, thói quen sản xuất của người nông dân không hề đơn giản, trong khi sản xuất theo hướng hữu cơ lại gặp những cái khó nhất định: hiệu quả kinh tế trước mắt kém hơn do năng suất, sản lượng thấp hơn với việc dùng thuốc kích thích, tăng trưởng; tốn công chăm sóc hơn…

Hình thành vùng trồng chè hữu cơ đang là hướng đi bền vững cho cây chè. Tuy nhiên, để bà con nghe, tin và làm theo là điều không hề đơn giản. Ảnh: Thanh Phúc
Hình thành vùng trồng chè hữu cơ đang là hướng đi bền vững cho cây chè. Tuy nhiên, để bà con nghe, tin và làm theo là điều không hề đơn giản. Ảnh: Thanh Phúc

Với quyết tâm xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng và bền vững, anh kiên trì vận động từ hộ dân; phối hợp với Viện Nông nghiệp Việt Nam về tập huấn kỹ thuật cho người dân; tiên phong triển khai sản xuất chè hữu cơ trên diện tích đất trồng chè của mình. Đặc biệt, anh không ngại bỏ ra hàng trăm triệu đồng mua các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ về cung ứng và hỗ trợ 50% chi phí cho các hộ trồng, chăm sóc chè theo hướng hữu cơ; ký cam kết thu mua với giá cao hơn với các hộ tuân thủ quy trình sản xuất chè sạch…

“Xác định là phải kiên trì theo đuổi, tiên phong làm để người dân thấy, tin và làm theo. Nếu muốn cây chè phát triển bền vững, không mất giá, khẳng định được thương hiệu thì chỉ cách duy nhất là sản xuất sạch. Trước mắt, có thể còn có khó khăn song về lâu dài, đây là hướng đi tất yếu để tồn tại, thích ứng với nhu cầu của thị trường; ứng phó với giá vật tư, phân bón, đầu vào cho cây chè ngày một tăng. Hiện đã có 10 hộ triển khai sản xuất chè sạch với diện tích khoảng 50ha. So với tổng diện tích toàn vùng thì còn ít ỏi song đó là kết quả đáng mừng. Tôi tin, 10 hộ này thành công thì cả mấy trăm hộ, nghìn hộ, thậm chí người trồng chè cả tỉnh sẽ học và làm theo”.

NHANH NHẠY XOAY THEO “NHỊP” THỊ TRƯỜNG

Chị
Chị Bùi Thị Minh nuôi giun quế làm thức ăn cho gà. Ảnh: Thanh Phúc

Xây dựng cơ nghiệp từ năm 2010 với cây trồng chủ lực là cam Vinh, song vì nhiều nguyên nhân, cây cam dần thoái hóa, thoái trào, có thời điểm rớt giá thê thảm khiến gia đình chị Bùi Thị Minh (xóm Xuân Dinh, xã Châu Đình, huyện Quỳ Hợp) thua lỗ. Nhận thấy, không thể bám trụ nổi với cây trồng này, nếu không nhanh chóng chuyển đổi thì dần dà sẽ “cụt vốn”, chị Minh bàn với chồng chuyển diện tích đất trồng cam sang chăn nuôi tổng hợp.

“Thời điểm năm 2020 thì gia đình chuyển từ trồng cam sang trang trại chăn nuôi tổng hợp. Lúc này, giá thức ăn tăng chóng mặt, dịch bệnh trên gia súc gia cầm bùng phát, dịch Covid-19 bắt đầu lan nhanh nên đối mặt với nguy cơ thua lỗ. Qua tìm hiểu nhu cầu thị trường thì thấy, thay vì chăn nuôi lợn và bò vỗ béo như ban đầu thì gia đình quyết định nuôi bò đực sữa; thay vì nuôi gà trại công nghiệp thì chọn nuôi thả, ăn giun quế thay cho thức ăn công nghiệp”, chị Minh cho biết.

Không chỉ chủ động nguồn thức ăn sạch cho gà, gia đình chị Minh còn xuất bán lượng lớn giun quế cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Ảnh: Thanh Phúc
Không chỉ chủ động nguồn thức ăn sạch cho gà, gia đình chị Minh còn xuất bán lượng lớn giun quế cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Ảnh: Thanh Phúc

Theo chia sẻ của chị Minh, giá con giống bò sữa đực khá rẻ (chỉ 3 triệu đồng/con), lại dễ mua (chủ yếu là mua từ Công ty CP Thực phẩm sữa TH) trong khi đó, đầu ra của loại bò này khá ổn định được các lò mổ tại Hà Nội bao tiêu toàn bộ.

Trong khi các trang trại khác chọn nuôi gà công nghiệp, ăn cám tăng trọng, chạy theo quy mô đàn, đầu ra bấp bênh, giá cả thấp thì gia đình chị lại chọn nuôi gà cỏ, thả rông và cho ăn giun quế, ngô, lúa hạt. Nhờ phẩm chất thịt thơm, ngon được người tiêu dùng ưa chuộng nên hàng nghìn con gà của gia đình chị đều “đắt khách”, chỉ 3-5 ngày là xuất chuồng hết sạch, giá bán cũng cao hơn so với các loại gà khác.

Ảnh: Thanh Phúc
Với đầu ra ổn định, mỗi lứa xuất bán 50 con bò, gia đình chị Minh thu lãi hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Thanh Phúc

“Trang trại chăn nuôi giờ rất nhiều, thị trường lại bão hòa, do đó, mình “đi sau” nên phải tìm hiểu kỹ, xem thị trường giờ đang cần loại nào, loại nào dễ tiêu thụ, đầu ra ổn định thì mình nuôi. Vừa nuôi vừa thăm dò, phân tích xem lúc nào thì xuống giống phù hợp, lúc nào nên dãn đàn, giảm đàn để tránh “cung” vượt quá “cầu”, vừa ế, vừa không có lãi”, chị Minh cho biết thêm.

Bám sát thị trường, bắt nhịp xu hướng người tiêu dùng để sản xuất, chăn nuôi và cung ứng các sản phẩm phù hợp sẽ giúp nông dân có đầu ra ổn định và có lãi. Câu chuyện về cây chè sạch ở Thanh Mai hay chuyện lựa chọn đối tượng chăn nuôi phù hợp của gia đình chị Minh là một trong những ví dụ cụ thể cho nhận định của GS.TS Võ Tòng Xuân “Nông dân biết rõ sản phẩm mình làm ra sẽ được tiêu thụ ở đâu, như thế nào thì làm sao thất bại được" tại một hội nghị liên quan đến bài toán để nông sản tránh được những cuộc "giải cứu" vốn đã xảy ra trong nhiều năm qua.

Thanh Phúc