Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu

Thu Huyền 03/05/2022 06:47

(Baonghean.vn) - Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của Nghệ An tiếp tục tăng trưởng, nhưng doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.


Bốc dỡ hàng tại cảng Cửa Lò. Ảnh Thu Huyền
Bốc dỡ hàng tại cảng Cửa Lò. Ảnh: Thu Huyền

Nhiều khó khăn

Dịch bệnh phức tạp tiếp tục ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội nhưng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, sự chỉ đạo của các cấp chính quyền, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Nghệ An tăng trưởng vượt bậc, đạt 2,43 tỷ USD, tăng 60,77% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 2,11 tỷ USD, tăng 76,04%, vượt 132,2% kế hoạch năm.

Quý 1/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tiếp tục tăng trưởng khả quan, đạt 544,8 triệu USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp rất nhiều bất lợi. Trong đó, đáng chú ý là những quy định mới của Trung Quốc về biện pháp siết chặt dịch Covid-19; tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định đối với hoạt động nhập khẩu nông, thủy sản trên tuyến biên giới đất liền đã khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển, thông quan, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Ngoài ra, tình hình chiến sự căng thẳng giữa Nga - Ukraine khiến cho nhiều doanh nghiệp thiếu hụt nguồn cung sản xuất, hoạt động xuất khẩu sang Nga gặp nhiều rủi ro trong việc vận chuyển, thanh toán, chi phí tăng cao,…

Công ty TNHH KiDo Vinh đơn hàng dồi dào, đảm bảo việc làm cho lao động. Ảnh Thu Huyền
Công ty TNHH KiDo Vinh đơn hàng dồi dào, đảm bảo việc làm cho lao động. Ảnh: Thu Huyền

Đại diện Công ty TNHH KiDo Vinh, bà Hồ Thị Thu - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu cho hay, KiDo Vinh là doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc. Hiện nay, nhu cầu công ty cần 1.200 lao động nhưng không tuyển dụng đủ bởi trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp may, cạnh tranh trong thu hút lao động. Do đó, chúng tôi phải thuê nhân công lao động bên ngoài để gia công hàng hóa, nhất là thời kỳ cao điểm.

“Cũng như nhiều doanh nghiệp xuất khẩu khác, chúng tôi gặp khó khăn do dịch kéo dài ảnh hưởng sản xuất kinh doanh, đặc biệt là cước vận tải đường biển, đường hàng không liên tục lập đỉnh kéo theo chi phí tăng cao. Thêm nữa là thời gian hoàn thuế quá dài gây khó khăn cho doanh nghiệp...”- bà Thu cho biết.

Còn tại Công ty Á Châu Hoa Sơn - Anh Sơn, năm vừa qua, sản lượng tinh bột sắn của doanh nghiệp sản xuất đạt 35.000 tấn, sản lượng đường glucose 13.600 tấn, doanh thu 590 tỷ đồng, thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang gặp một số khó khăn trong hoạt động xuất khẩu.

Hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc giữa Việt Nam và Trung Quốc đang tạm thời đóng cửa, có một số cửa khẩu đã mở cửa thông quan trở lại (cửa khẩu Kim Thành, Lào Cai), tuy nhiên lượng hàng xuất qua cửa khẩu này rất chậm và chi phí phát sinh cũng tăng cao. Xuất khẩu chính ngạch chủ yếu đi bằng đường tàu biển qua một số cảng lớn của Việt Nam như cảng Hải Phòng, cảng Quy Nhơn,… Ngoài ra, do chính sách thắt chặt biên mậu, các công ty dồn xuất khẩu chính ngạch, do đó lượng vỏ container cung cấp cho hàng xuất khẩu không đủ.

Ông Nguyễn Văn Giang – Phó Tổng GĐ Công ty Á Châu Hoa Sơn - Anh Sơn

Bàn giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu

Hiện nay, nhiều khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu như tuyển dụng lao động, cơ sở hạ tầng cảng biển, giá cước vận tải, bất cập trong công tác hải quan, hồ sơ hoàn thuế…, các doanh nghiệp cũng kiến nghị gửi các cấp ngành để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất nhập khẩu.

sản xuất môi thìa xuất khẩu tại Công ty TNHH Sản Xuất thương Mại Hồng Sơn, CCN Đô Lăng, Nghi Lâm, Nghi Lộc. Ảnh Thu Huyền
Sản xuất môi thìa xuất khẩu tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hồng Sơn, CCN Đô Lăng, xã Nghi Lâm (Nghi Lộc). Ảnh: Thu Huyền

Chị Nguyễn Thị Thanh Hà – đại diện Công ty Vilaconic đề nghị nên tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu. Các hội chợ quốc tế là kênh để kết nối giao thương, có các gian hàng doanh nghiệp Nghệ An để quảng bá sản phẩm, triển khai ngay sau đại dịch. Đồng thời, cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng biển, thông thương cửa khẩu Thanh Thủy để kết nối với thị trường Lào, qua đó, đẩy mạnh giao thương phía Tây Nam Trung Quốc với Việt Nam.

“Để các doanh nghiệp tự tin vươn ra biển lớn, “muốn đi nhanh đi một mình- muốn đi xa đi cùng nhau”, chúng tôi mong muốn Sở Công Thương làm đầu mối kết nối câu lạc bộ doanh nghiệp xuất nhập khẩu để trao đổi kinh nghiệm, tránh rủi ro; đồng thời tổ chức các buổi tập huấn bồi dưỡng kiến thức xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp” - chị Hà chia sẻ.

Kiến nghị về chính sách thuế, ông Nguyễn Văn Giang – Phó Tổng Giám đốc Công ty Á Châu Hoa Sơn cho rằng, chính sách thuế VAT đang gây cản trở cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đang đứng trước rất nhiều khó khăn: Không được hoàn thuế VAT đầu vào, có nguy cơ truy thu thuế đã hoàn, không thể xuất hàng dẫn đến thiếu vốn, đọng vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh và trả nợ ngân hàng. Chúng tôi đề nghị Sở Công Thương Nghệ An có ý kiến cơ quan Thuế để tháo gỡ khó khăn cho ngành chế biến tinh bột sắn trong công tác hoàn thuế xuất nhập khẩu.

Sản xuất cá hộp xuất khẩu tại nhà máy Royal food, KCN Nam Cấm. Ảnh Thu Huyền
Sản xuất cá hộp xuất khẩu tại Nhà máy Royal food, KCN Nam Cấm. Ảnh: Thu Huyền

Để đạt chỉ tiêu kế hoạch kim ngạch xuất khẩu đạt 2,35 tỷ USD trong năm 2022, ngành Công Thương đưa ra 5 nhóm giải pháp như tạo nguồn hàng xuất khẩu, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ xuất khẩu và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Trước những biến động phức tạp trên thị trường xuất khẩu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh đã chỉ đạo, yêu cầu các sở, ngành, địa phương phối hợp với ngành Công Thương kịp thời nắm bắt tình hình để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Do tác động của dịch bệnh, container chứa hàng trở nên khan hiếm và đắt đỏ, ảnh hưởng hoạt động xuất khẩu. Ảnh Thu Huyền
Do tác động của dịch bệnh, container chứa hàng trở nên khan hiếm và đắt đỏ, ảnh hưởng hoạt động xuất khẩu. Ảnh: Thu Huyền

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh đề nghị các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, thị xã và các doanh nghiệp liên quan cần tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh xúc tiến đầu tư kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào Nghệ An đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu. Phát triển thị trường xuất khẩu thông qua hoạt động động kết nối cung cầu xuất khẩu, tham gia hội chợ triển lãm quốc tế, tổ chức các đoàn kết nối giao thương... nhằm tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh, tránh phụ thuộc vào một thị trường để hạn chế rủi ro. Khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu tiểu ngạch chuyển sang xuất khẩu chính ngạch; Nghiên cứu nhu cầu thị trường để tham mưu sản xuất các mặt hàng phù hợp với nhu cầu của thị trường trên thế giới.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng đề nghị các ngành liên quan: Thuế, Hải quan, Giao thông Vận tải… phối hợp, tạo điều kiện để việc sản xuất, lưu thông phân phối hàng hóa trong tỉnh, trong nước cũng như xuất nhập khẩu hàng hóa ra thị trường nước ngoài thuận lợi trong thời gian tới; ngành Thuế sớm có hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu các hình thức thanh toán cũng như có khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong thanh toán khi giao kết hợp đồng.

Nghệ An đã xuất khẩu hơn 50 mặt hàng/nhóm mặt hàng sang các nước trên thế giới. Nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá, như: Tôn, thép các loại, xi măng, hàng dệt may, linh kiện điện tử;… Thị trường xuất khẩu đa dạng với hơn 125 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Một số thị trường xuất khẩu mới trong năm như: Đông Timor, Sierra Leone, Burundi, Marshall Islands, Luxembourg. Số lượng doanh nghiệp xuất khẩu tăng với 270 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, bao gồm 188 doanh nghiệp nội tỉnh và 82 doanh nghiệp ngoại tỉnh tham gia xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Nghệ An.


Thu Huyền