Nghệ An: Nhiều cánh rừng chưa được thu dọn thực bì, tiềm ẩn nguy cơ cháy cao

Quang An 10/05/2022 12:02

(Baonghean.vn) - Mặc dù đã bước vào mùa nắng nóng tuy nhiên tại nhiều cánh rừng ở Nghệ An, lớp thực bì vẫn dày cộm, không được xử lý kịp thời, làm tăng nguy cơ cháy rừng.

Theo ghi nhận của P.V trong những ngày đầu tháng 5/2022, tại nhiều cánh rừng ở Nghệ An có nhiều lớp thực bì dày, nhất là lá cây, cành cây khô, có những điểm có độ dày từ 5 - 10 cm, chỉ cần một đốm lửa nhỏ có thể bùng phát thành đám cháy lớn.

Thời điểm này đang là mùa thông rụng lá, lượng lá rụng rất nhiều tạo nên những thảm thực bì dày, gây nguy cơ cháy rừng cao. Ảnh: Quang An
Thời điểm này đang là mùa thông rụng lá, lượng lá rụng rất nhiều tạo nên những thảm thực bì dày, gây nguy cơ cháy rừng cao. Ảnh: Quang An

Đơn cử như khu vực rú Bạc nằm trên địa bàn xóm 5 mới, xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu. Tại đây, lá thông, tràm rụng đầy, khô rang nhưng việc thu dọn thực bì chưa được triển khai đồng bộ, dẫn đến lớp thực bì ngày càng dày thêm.

Ông Phan Huy Thanh - Chủ tịch UBND xã Diễn Lộc cho biết: Việc thực bì dày tại các cánh rừng là vấn đề mà địa phương rất trăn trở. Thực tế hàng năm xã đã huy động các tổ chức, đoàn thể để ra quân thu dọn thực bì, tuy nhiên do thiếu kinh phí nên không thể duy trì thường xuyên. Bên cạnh đó, việc thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực trẻ cũng ảnh hưởng đến công tác phát quang, thu dọn thực bì.

Nhiều cánh rừng tại huyện Diễn Châu có lớp thực bì dày nhưng chưa được thu gom. Ảnh: Quang An
Nhiều cánh rừng tại huyện Diễn Châu có lớp thực bì dày nhưng chưa được thu gom. Ảnh: Quang An

"Do đó, phương án khả dĩ nhất hiện nay là phân công người túc trực tại những điểm rừng xung yếu, dễ có nguy cơ cháy nhất để phát hiện và xử lý kịp thời các đám cháy trong mùa nắng nóng, song song với đó tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân, đặc biệt là với những hộ được giao rừng" - ông Thanh nhấn mạnh.

Thực tế trong những năm gần đây, huyện Diễn Châu là địa phương xảy ra nhiều vụ cháy rừng nhất trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là những vụ cháy xảy ra liên tiếp tại các xã Diễn Lộc, Diễn Phú, Diễn An năm 2020 đã thiêu trụi hàng tăm héc ta rừng. Một trong những nguyên nhân khiến lửa bùng nhanh, lan rộng là do lớp thực bì dày, do đó, công tác phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là thu dọn thực bì trước mùa nắng nóng cần được thực hiện quyết liệt.

Tại các địa phương có rừng, hiện lực lượng lao động trẻ rất ít, chủ yếu đã đi làm ăn xa, nên việc túc trực, canh giữ rừng chủ yếu là những người đã lớn tuổi. Ảnh: Quang An
Tại các địa phương có rừng, hiện lực lượng lao động trẻ rất ít, chủ yếu đã đi làm ăn xa, nên việc túc trực, canh giữ rừng chủ yếu là những người đã lớn tuổi. Ảnh: Quang An

Tại huyện Nghi Lộc, công tác thu dọn thực bì trước mùa nắng nóng cũng được địa phương triển khai, tuy nhiên thực tế thực bì vẫn còn dày tại nhiều cánh rừng, một số đường băng cản lửa cây cối đã phủ kín.

Ông Nguyễn Công Sơn - Trưởng BQL rừng phòng hộ Nghi Lộc cho biết: Hiện địa bàn huyện có trên 5.000 ha rừng, tập trung chủ yếu tại các xã Nghi Văn, Nghi Lâm, Nghi Hưng, Nghi Quang... Trước mùa nắng nóng, đơn vị đã triển khai thu dọn thực bì theo kế hoạch đặt ra nhưng diện tích thu dọn được chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ so với tổng diện tích rừng do tùy thuộc vào kinh phí được cấp. Những điểm được lựa chọn để phát quang, thu dọn chủ yếu tại những cánh rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao..."

Đoàn viên thanh niên huyện Nghi Lộc tổ chức phát quang, thu dọn thực bì trước mùa nắng nóng, tuy nhiên diện tích chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Ảnh: Quang An
Đoàn viên thanh niên huyện Nghi Lộc tổ chức phát quang, thu dọn thực bì trước mùa nắng nóng, nhưng diện tích chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Ảnh: Quang An

Theo tìm hiểu của P.V, không chỉ tại Diễn Châu, Nghi Lộc mà hiện nay, tình trạng lớp thực bì dày vẫn đang xuất hiện tại nhiều cánh rừng khác trên địa bàn tỉnh như Yên Thành, Đô Lương, Hưng Nguyên... làm tăng nguy cơ cháy rừng khi bước vào mùa nắng nóng.

Đại diện Chi cục Kiểm Lâm Nghệ An cho biết: Đầu năm 2022, các địa phương và chủ rừng trên địa bàn tỉnh đã chủ động phát dọn, thu gom lớp thực bì trên các cánh rừng. Tuy nhiên, nếu so với tổng diện tích đất rừng tự nhiên và rừng trồng thì việc xử lý vật liệu dễ cháy và thực bì đã đạt được chỉ là con số rất nhỏ.

Giá nhựa thông đang ở mức thấp là một trong những nguyên nhân khiến các chủ rừng không
Giá nhựa thông đang ở mức thấp là một trong những nguyên nhân khiến các chủ rừng không "mặn mà" thu gom thực bì. Ảnh: Quang An

Theo tính toán, trung bình 1 héc ta thực bì phải tốn từ 50 - 100 triệu đồng để thu dọn, bao gồm cả công vận chuyển ra khỏi rừng, trong khi nguồn kinh phí được cấp hạn hẹp, không đủ để triển khai quy mô lớn. Đối với các chủ rừng, việc giá nhựa thông ở mức thấp, do đó, họ cũng không mặn mà thu gom thực bì. Chưa kể đến hiện nay, hầu hết thanh niên tại các địa phương đều đã đi làm ăn xa, chỉ còn người già ở nhà, do đó việc huy động nhân lực có sức khỏe để triển khai hiệu quả các công tác phòng chống, bảo vệ rừng, thu gom thực bì gặp nhiều khó khăn.

Lớp thực bì dày, cành lá khô là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới việc cháy rừng bùng phát mạnh, lan rộng trong những năm qua. Ảnh: Quang An
Lớp thực bì dày, cành lá khô là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới việc cháy rừng bùng phát mạnh, lan rộng trong những năm qua. Ảnh: Quang An

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, Nghệ An có diện tích rừng lớn nhất cả nước với trên 1.160.000 ha rừng. Những năm qua, phong trào trồng rừng khá mạnh, hàng năm trồng mới được 15.000 - 19.000 ha, sản lượng khai thác rừng trồng hàng năm đạt 1.659.000 m3. Mặc dù vậy, trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ cháy rừng gây thiệt hại nặng nề, đặc biệt là tại huyện Diễn Châu năm 2020. Từ đầu năm 2022 đến nay cũng đã xảy ra 2 vụ cháy rừng và được các lực lượng xử lý kịp thời. Tuy nhiên, trước việc lượng thực bì lớn, nguy cơ cháy rừng trong mùa nắng nóng vẫn còn hiện hữu.

Quang An