Giám sát việc thực hiện chính sách đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tại Nghĩa Đàn
(Baonghean.vn) -Tại buổi làm việc UBND huyện đã kiến nghị một số vấn đề như: UBND tỉnh sớm ban hành hướng dẫn quy định về thuyên chuyển, biệt phái giáo viên để các huyện căn cứ thực hiện đảm bảo phù hợp với từng vùng, miền...
Ngày 13/5, Đoàn Giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh do đồng chí Chu Đức Thái - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh làm trưởng đoàn có cuộc giám sát tại huyện Nghĩa Đàn về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.
Đoàn khảo sát cơ sở vật chất, gặp gỡ giáo viên Trường Mầm non Nghĩa Long. |
Trước khi làm việc với UBND huyện Nghĩa Đàn,
Đoàn đã đến làm việc tại Trường Mầm non Nghĩa Long, Trường THPT 1-5 Nghĩa Đàn. Qua giám sát cho thấy các trường đều thực hiện nghiêm các chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Đồng thời, các trường đề nghị bổ sung thêm biên chế giáo viên theo quy định của trung ương, có phương án sắp xếp giáo viên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo báo cáo của UBND huyện Nghĩa Đàn tính đến tháng 4/2022 tổng số quản lý, giáo viên, nhân viên đang công tác trong các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở là 1.764 (biên chế 1.639 người, hợp đồng 125 người), trong đó quản lý 142; giáo viên 1.460; nhân viên 162. Trong thời gian qua, các chính sách, pháp luật đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đã được triển khai kịp thời, đầy đủ và đúng quy định như: chính sách tuyển dụng, điều động, luân chuyển, biệt phái, chính sách lương, phụ cấp ưu đãi, thu hút và các chế độ đãi ngộ khác…
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn gặp một số khó khăn như: Tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đủ số lượng theo quy định, định biên giao của UBND tỉnh và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; trong khi thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW đổi mới căn bản toàn diện giáo dục thì thực hiện giảm số học sinh/lớp để nâng cao chất lượng, nhưng thực hiện tinh giảm biên chế nhà trường phải cắt giảm số lớp, tăng số học sinh/lớp; việc thuyên chuyển, biệt phái giáo viên hằng năm đang gặp nhiều khó khăn do đặc thù vùng miền; chế độ đối với giáo viên mầm non đang thấp so với yêu cầu, thời gian làm việc.
Đồng chí Trần Đình Toàn - Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh phát biểu về các chế độ, chính sách đối với giáo viên mầm non. |
Tại buổi làm việc UBND huyện đã kiến nghị một số vấn đề như: UBND tỉnh sớm ban hành hướng dẫn quy định về thuyên chuyển, biệt phái giáo viên để các huyện căn cứ thực hiện đảm bảo phù hợp với từng vùng, miền; đề nghị UBND tỉnh dự kiến nguồn kinh phí chuyển xếp lương theo chức danh nghề nghiệp; kịp thời ban hành nghị quyết, chính sách hỗ trợ các trường học trong việc chi trả tiền lương và các phụ cấp cho giáo viên đang hợp đồng theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày 05/01/2018 của Chính phủ; có văn bản chỉ đạo cho cả tỉnh về vấn đề chi trả tiền đứng lớp cho giáo viên biệt phái về các phòng giáo dục; giao chỉ tiêu biên chế giáo viên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để thực hiện đúng chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Trao đổi với Đoàn giám sát, ông Ngô Văn Thành - Phó Chủ tịch HĐND huyện Nghĩa Đàn cho rằng: trong thời gian qua các chính sách đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được huyện triển khai thực hiện tốt thể hiện không có đơn thư, nổi cộm về phía ngành, đối với những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của huyện, huyện sẽ chỉ đạo thực hiện đúng quy định.
Kết luận buổi làm việc, ông Chu Đức Thái - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát tiếp thu ý kiến, đề xuất của UBND huyện. Đồng thời đề nghị UBND huyện cần quan tâm giải quyết tiền lương cho giáo viên mầm non hợp đồng theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP, chuyển xếp lương theo đúng quy định, rà soát lực lượng giáo viên để có phương án bố trí, sắp xếp phù hợp./.