Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thực hiện tín dụng đóng mới tàu cá theo Nghị định số 67 của Chính phủ
(Baonghean.vn) - Theo đại diện ngân hàng khi cho vay đóng mới tàu cá theo Nghị định 67, nhiều tàu hoạt động kém hiệu quả, trong đó có nhiều chủ tàu cá vỏ thép không có khả năng trả nợ. Các ngân hàng thương mại đã cùng với các sở, ngành, địa phương và chủ tàu bàn bạc, nhưng vẫn chưa tìm được hướng giải quyết hiệu quả.
Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 19/5, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tổ chức làm việc với một số cơ quan, đơn vị về các nội dung: Những khó khăn, vướng mắc từ việc thực hiện chính sách tín dụng đóng mới tàu cá theo Nghị định số 67/2014 NĐ- CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; đánh giá việc thực hiện Nghị định 42/2017/QH ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
Đồng chí Thái Thị An Chung – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Lê |
Tính đến thời điểm 30/4/2022, trong tổng số 104 tàu được ngân hàng tài trợ cho vay vốn có 4 tàu gặp sự cố đã tất toán khoản vay; 100 tàu còn nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng với số nợ gốc là 612,73 tỷ đồng; toàn địa bàn có 65 tàu bị nợ quá hạn, trong đó có 60 tàu bị chuyển nợ xấu với tổng giá trị nợ xấu là 418,23 tỷ đồng, chiếm 68,3% số nợ gốc vay theo Nghị định 67.
Tình trạng các khoản vay theo Nghị định 67 bị nợ quá hạn, nợ xấu ngày càng gia tăng đột biến chủ yếu do các chủ tàu gặp khó khăn trong hoạt động khai thác đánh bắt.
Đồng chí Đoàn Mạnh Hà - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An báo cáo các nội dung liên quan đến Chương trình tín dụng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP và tình hình xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của ngành Ngân hàng Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê |
Từ cuối năm 2019 đến nay, Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An ngừng bán bảo hiểm thân tàu cho các tàu vay vốn theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP khiến một số tàu hết thời hạn bảo hiểm không mua được bảo hiểm mới, hoặc phải mua bảo hiểm ngoài không được hỗ trợ chi phí theo chính sách của Nhà nước. Đối với các tàu đã được mua bảo hiểm của PJICO thì việc đền bù bảo hiểm cũng bị kéo dài, gây khó khăn về tài chính cho các chủ tàu.
Vẫn còn tình trạng một số chủ tàu có tư tưởng trông chờ vào chính sách của Nhà nước, chây ỳ cố tình không trả nợ mặc dù vẫn có nguồn thu từ khai thác, gây ảnh hưởng xấu đến các chủ tàu có ý thức trả nợ tốt.
Đồng chí Trần Xuân Học - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất các ngân hàng có giải pháp linh động tạo điều kiện cho ngư dân tiếp tục sản xuất. Ảnh: Thanh Lê |
Còn về thực hiện Nghị quyết số 42 năm 2017 của Quốc hội, tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn tỉnh luôn giữ ở mức thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của cả nước, kiểm soát tốt ở mức dưới 1%. Tuy nhiên, các biện pháp thu hồi nợ theo các chính sách quy định tại Nghị quyết 42 vẫn còn gặp không ít khó khăn. Đến thời điểm 31/3/2022, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 là hơn 5.108 tỷ đồng.
Nhằm giúp cho ngư dân vay vốn theo Nghị định 67 khắc phục khó khăn, hỗ trợ các ngân hàng trên địa bàn thu hồi nợ cho vay theo Nghị định 67, các ngân hàng đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh quan tâm trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 17/2018/NĐ-CP. Đồng thời đề nghị Quốc hội, Chính phủ trong thời gian tới tiếp tục thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng, tiếp tục khắc phục những khó khăn, hạn chế trong việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Đồng chí Phạm Quốc Nam - Cục trưởng Cục Thi hành án tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Lê |
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo các sở, ngành liên quan, các tổ chức tín dụng cũng đã nêu lên những khó khăn và kiến nghị Đoàn ĐBQH tỉnh đề xuất đến Quốc hội, Chính phủ các giải pháp nhằm khắc phục khó khăn cho ngư dân vay vốn theo Nghị định 67; hỗ trợ các ngân hàng trên địa bàn thu hồi nợ cho vay theo Nghị định 67. Đồng thời xem xét việc cho phép kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 năm 2017 của Quốc hội khóa XIV và đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Các đại biểu tham dự cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Lê |
Kết luận tại cuộc làm việc, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Thị An Chung nhấn mạnh, từ những ý kiến, kiến nghị của cử tri và thông qua cuộc làm việc này để có cái nhìn khách quan về việc thực hiện chính sách tín dụng đóng mới tàu cá trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 67.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Thị An Chung kết luận cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Lê |
Đối với những kiến nghị của các sở, ngành, tổ chức tín dụng sẽ được đoàn tổng hợp để chuyển đến diễn đàn Quốc hội và các bộ, ngành liên quan.