Để Lịch sử trở thành môn học hấp dẫn

Mỹ Hà 24/05/2022 11:19

(Baonghean.vn) - Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, từ năm học tới, môn Lịch sử sẽ là môn tự chọn ở bậc THPT. Xung quanh sự thay đổi này có nhiều ý kiến khác nhau và không ít ý kiến trăn trở với việc dạy lịch sử ở các trường phổ thông hiện nay.

Lo ngại khi Lịch sử là môn tự chọn

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, mỗi môn học có chức năng, nhiệm vụ, vai trò và vị trí khác nhau, cùng góp phần giáo dục học sinh trở thành những con người toàn diện có đủ tài, đức, công dân có ích cho xã hội. Trong đó, với môn Lịch sử, giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9), đây là nội dung bắt buộc.

Trong giai đoạn này, nội dung chương trình phân môn Lịch sử sẽ trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại. Sang THPT, giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12), Lịch sử được bố trí là một môn học trong tổ hợp khoa học xã hội.

Học sinh Trường Tiểu học Hoàng Trù - Nam Đàn đi thăm quê Bâc. Ảnh: MH
Học sinh Trường Tiểu học Hoàng Trù (Nam Đàn) đi thăm quê Bác. Ảnh: M.H

Theo lộ trình, năm học 2022 - 2023 sẽ là năm đầu tiên thực hiện việc thay sách giáo khoa với học sinh lớp 10. Cụ thể, trong chương trình lớp 10, thay vì học 17 môn, học sinh sẽ chỉ học 12 môn, các môn còn lại các em sẽ được tự do lựa chọn theo sở thích, năng khiếu của mình. Riêng môn Lịch sử và Vật lý vốn được coi là môn trọng tâm, nay được xếp trong danh sách tự chọn.

Những ngày qua, xung quanh việc môn Lịch sử từ môn bắt buộc trở thành môn tự chọn, không ít ý kiến cho rằng, điều này vô hình trung khiến học sinh lãng quên quá khứ và quên đi những giá trị tốt đẹp của dân tộc.

Chia sẻ về điều này, thầy giáo Đặng Quang Tám - giáo viên Trường THCS Đặng Thai Mai (TP. Vinh) đã “bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước thay đổi này và việc đưa môn Lịch sử thành môn tự chọn cần được xem xét lại”.

Học sinh Trường THCS Kỳ Sơn (Tân Kỳ) trong một tiết học môn Lịch sử. Ảnh: Đức Anh

Bản thân thầy vốn là giáo viên tiếng Anh và tự nhận là không giỏi về Lịch sử nhưng cách đây 2 năm, từng có một thời gian dài được học thạc sỹ tại Mỹ nên thầy nhận thấy Lịch sử là một môn học rất ý nghĩa và ngay cả ở nước Mỹ cũng rất được coi trọng. “Thời gian ở Mỹ, tôi có đến trường nơi con mình học (với vai trò là phụ huynh đến thăm lớp 15 phút đầu giờ) theo lời mời của giáo viên, và tôi thấy ở Mỹ môn Lịch sử được dạy rất kỹ từ việc hình thành đất nước, ngôn ngữ, lịch sử bang học sinh ở cho đến các cá nhân tiêu biểu đã có cống hiến gì cho đất nước.

Từ đó, học sinh được dạy các cháu đã làm gì và mong muốn sẽ làm gì để góp phần xây dựng đất nước ngày càng thịnh vượng, để xóa bỏ sự bất công, nghèo đói và tệ nạn ở đất nước mình. Tôi thấy họ còn thẳng thắn cho học sinh học những sai lầm, những trận chiến thất bại thảm hại trong lịch sử, trong đó, có dạy về thất bại của Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam vì đó là cuộc chiến tranh phi nghĩa.

Học sinh Trường Tiểu học Hồng Sơn gặp gỡ nhân chứng lịch sử. Ảnh: MH
Học sinh Trường Tiểu học Hồng Sơn gặp gỡ nhân chứng lịch sử. Ảnh: M.H

Từ những lý do trên, thầy cho rằng, học lịch sử giúp học sinh nhìn nhận nhiều góc độ, những thành tựu tuyệt vời, và có cả những sai lầm mà chúng ta lấy đó làm bài học. Hơn nữa sẽ định hướng học sinh giúp các em suy nghĩ cẩn trọng hơn trong quyết định quan trọng và hướng tư tưởng học sinh vì một thế giới hòa bình, văn minh nhân loại”.

Đồng quan điểm, thầy giáo Nguyễn Đình Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Thúc Trực (Yên Thành), giáo viên Lịch sử cũng cho rằng, nếu học sinh không được học lịch sử sẽ để lại một khoảng trống bởi lẽ “kiến thức lịch sử được dạy trong hệ thống các cấp học ở nhà trường phổ thông là cơ bản, phản ánh được những nội dung cốt lõi của tiến trình lịch sử”.

Thầy cũng cho rằng, nhiều ý kiến nhận định học sinh nếu không học lịch sử trong sách giáo khoa có thể tự học qua nhiều kênh thông tin khác. Nhưng “những kiến thức lịch sử đó thường được tiếp cận một cách “đứt đoạn”, từng sự kiện riêng lẻ, có khi sự tìm hiểu đó chỉ mang tính “tò mò” nên việc hiểu biết đầy đủ, trọn vẹn thường khó khăn”.

Đổi mới cách dạy, cách học

Ngay khi Chương trình giáo dục phổ thông mới đưa Lịch sử thành môn tự chọn, ngoài những ý kiến không đồng tình với vấn đề này với nhiều lý do khác nhau thì một trong những vấn đề khiến nhiều người lo ngại đó là “học sinh sẽ không học môn Lịch sử nếu đây không phải là môn học bắt buộc”.

Điều này nếu nghe thì có vẻ mâu thuẫn nhưng đây là một thực tế được chính nhiều học sinh chia sẻ, bởi lâu nay Lịch sử luôn là một trong những môn học không hấp dẫn với quá nhiều số liệu, sự kiện mà thiếu đi tính sinh động, hấp dẫn. Học sinh Nguyễn Khải - Học sinh Trường THCS Nghi Hương (thị xã Cửa Lò) cho biết: “Học lịch sử kiến thức nhiều, khó nhớ và lúc thi điểm lại thường thấp. Thế nên, sang năm lên lớp 10 cháu sẽ chọn một môn tự chọn khác thay vì môn Lịch sử”.

Nhân dịp những ngày lễ, kỷ niệm trọng đại của đất nước và phát huy giá trị trưng bày chuyên đề “Ký ức thời hoa lửa”, Bảo tàng Nghệ An phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức chương trình giáo dục dành cho thế hệ trẻ dưới hình thức Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” với chủ đề “Ký ức thời hoa lửa” tại Bảo tàng Nghệ An. Ảnh: T.K

Tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, mặc dù lúc này chưa có một khảo sát nào về việc học sinh đăng ký tổ hợp môn cho lớp 10 nhưng kết quả thì dường như đã được báo trước, bởi hơn 10 năm trở lại đây số học sinh của trường theo học và đăng ký khối C (Văn - Lịch sử - Địa lý) rất ít.

Cô giáo Hoàng Thị Bách Tuyết - Giáo viên Lịch sử của trường lý giải điều này có 2 nguyên nhân. Thứ nhất, là bởi đây là môn khó học, nặng về kiến thức và thi điểm thấp. Hơn thế, khi các em chọn ngành nghề thì số trường đại học tuyển học sinh khối C rất ít.

Thầy giáo Phan Xuân Huỳnh - nguyên Hiệu trưởng Trường phổ thông Hermann Gmeiner thẳng thắn chia sẻ rằng: “Thật ra môn Lịch sử cũng như người không thích học sử không có lỗi, mà lỗi là ở những người đã làm cho môn Lịch sử kém hấp dẫn. Vậy nên, thay vì bắt buộc học một cái gì đó, chúng ta cần làm cho cái gì đó trở nên thật hấp dẫn và thiết thực với đời sống, thì học sinh sẽ lựa chọn”.

Lịch sử sẽ góp phần giáo dục học sinh tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc. Ảnh: MH
Lịch sử sẽ góp phần giáo dục học sinh tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc. Ảnh: M.H

Để học sinh yêu lịch sử và gắn bó với lịch sử, trong thời gian qua, rất nhiều giáo viên trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng đã nỗ lực đổi mới cách dạy, cách học và tổ chức nhiều chuyến trải nghiệm để việc học sử hiệu quả hơn.

Như Trường Tiểu học Hồng Sơn (thành phố Vinh) với mô hình “Lớp học không biên giới” đã kết nối các giờ học lịch sử của trường với các trường học ở Quảng Trị, Hà Nội, Đắk Lắk và qua đó các em sẽ được chính những người bạn ở các địa phương giới thiệu về những địa danh lịch sử trên quê hương mình, được tham quan trực tuyến các nhà lưu niệm và được gặp gỡ cả những nhân chứng lịch sử như Đại tá, Anh hùng LLVT Lê Duy Ứng - nhân vật chính trong câu chuyện “Người chiến sỹ giàu nghị lực” (sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4).

Tại nhiều trường học khác, những buổi học lịch sử còn gắn với đi thăm các di tích lịch sử ở địa phương, thay đổi cách kiểm tra đánh giá...

Bên cạnh đó, nhiều giáo viên cũng kỳ vọng vào sách giáo khoa Lịch sử mới sẽ góp phần thay đổi suy nghĩ về môn Lịch sử và thay đổi cả cách dạy, cách học bộ môn này.

“Sách giáo khoa mới về hình thức rất bắt mắt, thu hút học sinh. Cách tổ chức bài giảng cũng sẽ khác, theo từng chủ đề xuyên suốt và học sinh được học theo sơ đồ tư duy khiến học sinh dễ hiểu. Bên cạnh đó, cách hỏi và cách tiếp cận vấn đề theo hướng “mở” để tạo cho học sinh sự hứng thú và có sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại để học sinh thấy được tính ứng dụng, thực tế. Với cách dạy và cách học mới này, tôi tin rằng, học sinh sẽ không ngại học môn Lịch sử và tiếp cận với môn học này một cách nhẹ nhàng và đơn giản”.

Cô giáo Bùi Bích Hậu - Giáo viên từng có nhiều học sinh đạt giải tại các cuộc thi học sinh giỏi tỉnh, quốc gia và hiện đang công tác tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu nói thêm

Tại phiên họp toàn thể ngày 22/5, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thống nhất đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tiếp thu ý kiến các tầng lớp nhân dân, đội ngũ chuyên gia lịch sử, các đại biểu Quốc hội, quy định môn học Lịch sử cấp THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là môn học bắt buộc.

Mỹ Hà