Khó khăn trong cấp hộ chiếu vắc-xin

Thành Chung 25/05/2022 11:12

(Baonghean.vn)- Với khối lượng hồ sơ sai lệch lớn, hệ thống máy móc và phần mềm chưa đồng bộ, cộng thêm thiếu nhân lực chuyên môn công nghệ thông tin, việc đảm bảo tiến độ làm sạch dữ liệu, cấp hộ chiếu vắc-xin điện tử theo yêu cầu của Bộ Y tế là khó khả thi.

Nhiều công dân chưa được cấp

Mới đây, trước ngày đi xuất khẩu lao động nước ngoài, anh N.V.Đ ở huyện Hưng Nguyên có kiểm tra thông tin về hộ chiếu vắc-xin của mình qua 2 ứng dụng trên smartphone là Sổ sức khỏe điện tử và PC-Covid. Tuy nhiên, cả 2 ứng dụng đều báo chưa có thông tin của anh trên hệ thống hộ chiếu vắc-xin.

Hộ chiếu vắc-xin tạo điều kiện thuận lợi cho công dân đi du lịch, xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Ảnh: Tư liệu

Anh N.V.Đ cho biết: “Quốc gia mà tôi đến, công ty đưa đi đều yêu cầu phải có hộ chiếu vắc-xin mới được nhập cảnh. Tôi đã đến trạm y tế nơi sinh sống và cũng là nơi đã tiêm phòng vắc-xin để hỏi. Tại trạm, tôi cũng đã được cán bộ y tế giúp đỡ và đề nghị về chờ để được cấp… Tôi rất lo vì hộ chiếu vắc-xin mà lỡ chuyến đi này”.

Ở thời điểm này, hầu hết các nước trên thế giới đã mở cửa trở lại sau thời gian dài “bế quan, tỏa cảng” do dịch Covid-19. Đây chính là cơ hội để nhiều người dân Việt Nam có thể đi du lịch, xuất khẩu lao động. Có khá nhiều nước đã mở cửa tự do, song cũng có rất nhiều nước yêu cầu người nhập cảnh phải có hộ chiếu vắc-xin, đặc biệt là một số nước châu Á. Theo những công ty đưa người đi xuất khẩu lao động thì: Một số quốc gia bắt buộc người nhập cảnh phải có hộ chiếu vắc-xin là Singapore, Đài Loan…

Để đảm bảo quyền của người dân được cấp giấy chứng nhận đã tiêm vắc-xin và hộ chiếu vắc-xin khi tham gia tiêm chủng Covid-19, tạo thuận lợi nhất cho công dân có nhu cầu ra nước ngoài, từ ngày 15/4, Bộ Y tế đã bắt đầu triển khai việc cấp hộ chiếu vắc-xin điện tử cho người dân. Hộ chiếu gồm 11 trường thông tin, được đóng gói dưới dạng mã QR 2D, hiển thị trên ứng dụng PC-Covid hoặc sổ sức khỏe điện tử. Hộ chiếu vắc-xin được cơ quan chức năng cấp miễn phí cho toàn bộ người dân… Tính đến ngày 23/5, cả nước đã có 19 triệu người được cấp hộ chiếu vắc-xin.

Rất nhiều người hiện vẫn chưa được cấp hộ chiếu vắc-xin. Ảnh: Thành Chung
Rất nhiều người hiện vẫn chưa được cấp hộ chiếu vắc-xin. Ảnh: Thành Chung

Như vậy, có thể thấy rằng, không chỉ riêng anh N.V.Đ mà còn có rất nhiều người chưa được cấp hộ chiếu vắc-xin. Tìm hiểu thì được biết công tác cấp hộ chiếu vắc-xin đang gặp nhiều khó khăn. Một số cán bộ y tế cho hay: Trước đây, yêu cầu chống dịch bắt buộc chúng ta phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Do đó, trong quá trình tiêm chủng, việc khai báo, cập nhật thông tin như số điện thoại, địa chỉ, số chứng minh thư, căn cước công dân của người dân còn nhiều sai lệch, thiếu sót. Lượng thông tin thiếu, sai lệch này là rất lớn, cần có thời gian xác minh và làm sạch dữ liệu… Bên cạnh đó, còn có những khó khăn khác như hệ thống máy móc chưa đồng bộ; người lập dữ liệu không có chuyên môn; việc kết nối liên thông dữ liệu khó khăn; hệ thống quản lý tiêm chủng vắc-xin Covid-19 nghẽn, chậm.

Thực hiện việc cấp hộ chiếu vắc-xin cho công dân, thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã có nhiều cố gắng, nỗ lực. Tính đến ngày 23/5, toàn tỉnh đã có 5.846 triệu mũi tiêm đã được xác minh và đẩy lên hệ thông tiêm chủng và đã có 1.683 triệu hồ sơ đã ký xác nhận hộ chiếu vắc-xin (chiếm 29%). Trong số 4.163 triệu mũi tiêm chưa ký xác nhận cấp hộ chiếu vắc-xin có 144.888 mũi chưa tiêm hoặc chưa đẩy lên hệ thống; 57.193 mũi không có căn cước công dân/mã định danh; 21.060 mũi có căn cước công dân/mã định danh sai; 363.027 mũi xác minh sai thông tin…

Khó khăn, không kịp tiến độ

Trong 21 huyện, thị xã, thành phố có 3 địa phương chưa ký xác nhận cấp hộ chiếu vắc-xin, 01 địa phương mới ký được 87 mũi. Trao đổi với các địa phương này thì được cho hay: Nguyên nhân dẫn đến việc chậm ký xác nhận là do một số trạm y tế chưa có chữ ký số; công tác phối hợp giữa đơn vị y tế với công an địa phương, đơn vị cung cấp chưa tốt; một số địa phương chưa thực sự chỉ đạo quyết liệt, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành; việc rà soát, làm sạch, bổ sung dữ liệu đòi hỏi cần làm kỹ nếu không một khi đã đẩy lên hệ thống thì rất khó để tìm chỗ sai… Ngoài ra, cán bộ y tế khi xác minh thông tin cũng gặp khó khăn khi người dân sợ việc cung cấp thông tin, số căn cước công dân sẽ bị kẻ gian lợi dụng.

Hộ chiếu gồm 11 trường thông tin, được đóng gói dưới dạng mã QR 2D. Ảnh: Thành Chung
Hộ chiếu gồm 11 trường thông tin, được đóng gói dưới dạng mã QR 2D. Ảnh: Thành Chung

Thông tin từ Sở Y tế Nghệ An, quá trình thực hiện ký xác nhận hộ chiếu vắc-xin vẫn gặp một số bất cập từ hệ thống như: Khi đẩy được danh sách lên nhưng không ký số được, hoặc ký chỉ được vài trường hợp; khi chọn 500 trường hợp để ký mà báo lỗi không biết lỗi ở trường hợp nào, cán bộ lại phải dò ký lại từng trường hợp; chữ ký số đôi khi không nhận; phần mềm để thực hiện ký xác nhận còn chậm, treo dữ liệu, không thực hiện ký xác nhận được… Sau khi triển khai xác minh thông tin và làm sạch dữ liệu, các cơ sở tiêm chủng cập nhật và thực hiện đồng bộ dữ liệu giữa phần mềm tiêm chủng và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tuy nhiên dữ liệu vẫn báo sai; hiện không thể thực hiện ký xác nhận luôn trong ngày do còn phải đồng bộ với Dữ liệu quốc gia về dân cư.

Với khối lượng hồ sơ lớn trong khi hệ thống máy móc, phần mền chưa đồng bộ. Nhân lực chuyên môn công nghệ thông tin không có thì việc đảm bảo tiến độ đối với Nghệ An là điều khó khả thi. Dược sĩ Trần Minh Tuệ - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải hoàn thành việc làm sạch dữ liệu xong trước ngày 1/6. Thời hạn còn lại rất ít trong khi số lượng mũi tiêm chưa ký xác nhận cấp hộ chiếu vắc-xin còn rất nhiều … Tuy nhiên, ngành Y tế và các ngành, địa phương liên quan vẫn đang cố gắng thực hiện để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Hệ thống quản lý tiêm chủng vắc-xin Covid-19, ký xác nhận hoạt động rất chậm. Ảnh: Thành Chung
Hệ thống quản lý tiêm chủng vắc-xin Covid-19, ký xác nhận hoạt động rất chậm. Ảnh: Thành Chung

Sở Y tế Nghệ An yêu cầu các đơn vị tiêm chủng tập trung thực hiện truy xuất dữ liệu chi tiết lập danh sách đối tượng tiêm chủng Covid-19 tại điểm tiêm, lọc danh sách theo từng xã/phường và gửi trực tiếp công an xã/phường để xác minh. Sau khi có danh sách xác minh đối tượng chính xác thì tiếp tục chỉnh sửa làm sạch dữ liệu trên hệ thống. Các cơ sở tiêm chủng hằng ngày phải thực hiện kiểm tra, ký xác nhận hộ chiếu vắc-xin; thực hiện ký số toàn bộ đối tượng tiêm chủng đã được xác thực đúng thông tin. Yêu cầu đơn vị cung cấp phần mềm phối hợp, hỗ trợ các đơn vị thực hiện các nội dung về làm sạch dữ liệu và ký xác nhận hộ chiếu vắc-xin… Tất cả các tổ chức/cá nhân có liên quan không được gây khó khăn cho người dân trong việc cấp chứng nhận tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 và xác nhận hộ chiếu vắc-xin; nếu để xảy ra các biểu hiện tiêu cực thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật./.

Hộ chiếu vắc-xin điện tử là chứng nhận tiêm chủng Covid-19 điện tử do các cơ sở tiêm chủng và Bộ Y tế ký số xác nhận dựa trên thông tin tiêm chủng Covid-19 của người dân. Mã QR của hộ chiếu vắc-xin có thời hạn 12 tháng kể từ ngày Bộ Y tế ký số xác nhận. Khi mã hết hạn, người dân sẽ được thông báo và tự động khởi tạo mã QR mới để sử dụng.

Hộ chiếu vắc-xin sẽ được hiển thị trên ứng dụng sổ sức khỏe điện tử, PC-Covid. Nếu có sai sót/thiếu thông tin đề nghị người dân liên hệ (trực tiếp hoặc phản ánh trên cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 https://tiemchungcovid19.gov.vn) với cơ sở tiêm chủng để được bổ sung, cập nhật.

Thành Chung