Quốc hội thảo luận về một số nội dung của dự án Luật Cảnh sát cơ động

Thành Duy 26/05/2022 12:43

(Baonghean.vn) - Sáng 26/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, đồng thời tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự phiên làm việc sáng 26/5 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh

Luật Cảnh sát cơ động quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động; bảo đảm điều kiện hoạt động, chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Dự án Luật Cảnh sát cơ động đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 2, với tổng số 299 ý kiến phát biểu.

Toàn cảnh phiên làm việc sáng 26/5 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh

Sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, tổ chức tọa đàm, xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, hoàn thiện văn bản gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động. Ảnh: Quang Khánh

Trên cơ sở tập hợp đầy đủ, tập trung nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội, nhiều nội dung của dự thảo Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện cụ thể, rõ ràng hơn. Dự thảo Luật trình lần này gồm 5 chương, 33 điều đề cập đến các nội dung gồm: những quy định chung; nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động; bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động; quản lý Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với Cảnh sát cơ động; điều khoản thi hành.

Tại phiên làm việc sáng nay, sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, các đại biểu tập trung thảo luận cho ý kiến về các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau là khái niệm biện pháp vũ trang, nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát cơ động, việc huy động người, thiết bị dân sự… và các vấn đề khác các đại biểu quan tâm.

Các đại biểu Quốc hội Đoàn Nghệ An tại phiên làm việc sáng 26/5 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh

Sau đó, Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Trong chương trình của Kỳ họp thứ 3, dự án Luật Cảnh sát cơ động là một trong 5 dự án luật được trình Quốc hội xem xét thông qua.

Trước đó, trong chương trình làm việc sáng 26/5, Quốc hội nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Thanh tra. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật này.

GS.TS Thái Văn Thành trăn trở về tương lai của giáo viên mầm non hợp đồng tại diễn đàn Quốc hội

25/05/2022

Thành Duy