Khắc phục 'căn bệnh' thờ ơ, vô cảm

Mai Hoa 01/06/2022 15:09

(Baonghean.vn) - Thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với công việc, quyền lợi của dân là một “căn bệnh”. Đây là một trong những nguyên nhân làm mất niềm tin của Nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền và ảnh hưởng tiêu cực đến yếu tố yên dân, sự đồng thuận xã hội. Nhận thức rõ tác hại của “căn bệnh” này, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã có nhiều giải pháp khắc phục.

Đứng từ phía người dân để giải quyết thấu đáo các vấn đề nổi cộm

Bà Nguyễn Thị Chúc, ở khối Phú Lợi 2, phường Quỳnh Dị (thị xã Hoàng Mai) là 1 trong 7 hộ dân có đất ở bị ảnh hưởng của dự án giao thông từ trung tâm hành chính thị xã đi đền Cờn. Quá trình phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng của thị xã không nhận được sự đồng tình của 7 hộ dân này.

Lãnh đạo thị xã Hoàng Mai gặp gỡ, trao đổi với người dân. Ảnh: Mai Hoa

Theo bà Chúc: “Giữa giá đền bù so với giá đất thị trường, chúng tôi thấy thiệt thòi quá, nên sau đó đã thuê luật sư và khiếu kiện, được lãnh đạo thị xã đồng hành, hướng dẫn, hỗ trợ. Đồng thời được lãnh đạo địa phương giải thích, phân tích và tạo điều kiện bố trí một số khu tái định cư để có nhiều lựa chọn hơn, nên chúng tôi vui vẻ rút đơn, đồng thuận bàn giao mặt bằng cho thị xã. Bây giờ nhìn con đường thông suốt và đẹp, chúng tôi cũng thấy vui, bởi mình đã góp tiếng nói đồng thuận vào chủ trương của thị xã”.

Vụ việc 7 hộ dân nêu trên là 1 trong 21 vụ việc tồn đọng, nổi cộm, kéo dài được Ban Thường vụ, Thường trực Thị ủy Hoàng Mai xác định cần tập trung, giải quyết ngay sau Đại hội Đảng bộ thị xã Hoàng Mai khóa II, nhiệm kỳ 2020 – 2025 thông qua thành lập Ban Chỉ đạo do Bí thư Thị ủy làm trưởng ban chỉ đạo và thành viên là các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ và lãnh đạo Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân thị xã.

Nguyên tắc xử lý các bức xúc, nổi cộm kéo dài là phải đứng ở góc độ của người dân để giải quyết và đúng quy định pháp luật.

Đồng chí Phạm Văn Hào - Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai
Dự án kè sông Hoàng Mai sau khi đối thoại tạo được sự đồng thuận của người dân đã được xây dựng và hoàn thành. Ảnh: Mai Hoa

Chia sẻ lý do thành lập ban chỉ đạo, đồng chí Phạm Văn Hào - Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai cho biết: Qua rà soát các vụ việc chủ yếu liên quan đến đất đai và trong thực tiễn xử lý, có những việc phụ thuộc vào quan điểm, góc độ nhìn nhận của người xử lý. Nếu người xử lý đứng ở góc độ này thì đúng, nhưng người xử lý đứng ở góc độ khác chưa chắc đã đúng, dẫn đến cán bộ không dám làm, không dám chịu trách nhiệm. Bởi vậy, việc thành lập ban chỉ đạo nhằm để bàn bạc khách quan, dân chủ trên nguyên tắc “Phải đứng ở góc độ của người dân để giải quyết” và đúng quy định pháp luật; đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan thực thi pháp luật và chấp hành pháp luật trong giải quyết các vụ việc.

Từ nguyên tắc “đứng ở góc độ người dân để giải quyết”, sau gần 2 năm tập trung xử lý, thị xã Hoàng Mai đã giải quyết xong 8/21 vụ việc bức xúc, nổi cộm kéo dài. Ngoài vụ việc 7 hộ dân thuộc dự án đường từ trung tâm hành chính thị xã đi đền Cờn; vụ việc 4 hộ dân thuộc Dự án xây dựng kè sông Hoàng Mai cũng là vụ việc khó. Bởi nguồn gốc đất với tính hợp pháp không cao, do đất các hộ dân sử dụng chỉ là đất thuê dịch vụ bờ sông của xã Quỳnh Vinh, không có diện tích và thời hạn cụ thể. Chiếu theo quy định, các hộ dân không thuộc diện được tái định cư, tuy nhiên, thực tiễn họ chưa có đất ở, nhà ở tại địa phương nên phải xin ý kiến tỉnh và được tỉnh cho chủ trương giao đất tái định cư ở khu vực quy hoạch đấu giá đất.

Toàn cảnh thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch UBND thị xã, đồng chí Phạm Văn Hào cho rằng: “Vụ việc này, nếu chính quyền cứ nhất nhất đất không hợp pháp, không giải quyết thấu đáo thì vô hình trung đẩy người dân ra khỏi chỗ ở, và không giải quyết tận gốc rễ của vấn đề”.

Hiện nay, các vụ việc chưa được giải quyết, thị xã đang tiếp tục giao các tập thể, cá nhân xử lý quyết liệt nhằm yên dân, tập trung phát triển kinh tế, xây dựng thị xã Hoàng Mai trở thành cực tăng trưởng của tỉnh. Thời điểm này, trên địa bàn thị xã Hoàng Mai đang triển khai đầu tư, xây dựng hơn 40 công trình, dự án trọng điểm quốc gia, của tỉnh và thị xã. Đây là tiền đề để thị xã tăng tốc phát triển nhanh và cao hơn thời gian tới.

Xác định rõ các vấn đề trọng tâm để giải quyết

Một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ ra là tình trạng “thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của Nhân dân”.

Thực tiễn, triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) với tinh thần kiểm điểm nghiêm túc, phê và tự phê bình thẳng thắn, đồng thời tinh thần khắc phục tự giác, gắn thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW và Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị; các cấp ủy Đảng trong tỉnh đã từng bước hạn chế biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của Nhân dân.

Lãnh đạo huyện Anh Sơn làm việc với cơ sở để lắng nghe và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Ảnh: Mai Hoa

Ở huyện Anh Sơn, việc rà soát các vấn đề, vụ việc, vụ án được tiến hành vào đầu năm 2021, trong đó, xác định rõ các vụ án, vụ việc thuộc diện Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy theo dõi, giám sát, chỉ đạo và thuộc diện cấp ủy cơ sở giải quyết theo thẩm quyền. Hàng tháng, hàng quý gắn với rà soát, bổ sung vụ việc, vụ án mới phát sinh, Thường trực Huyện ủy nghe tiến độ giải quyết để đôn đốc, định hướng chỉ đạo tiếp theo.

Trên cơ sở các vụ việc, vụ án được lập thành danh mục và phân loại, nếu thuộc thẩm quyền cấp huyện thì phân công phòng, ban chuyên môn cấp huyện giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ; đối với trách nhiệm giải quyết của tỉnh thì giao cho phòng, ban cấp huyện có liên quan có văn bản, làm việc với các sở, ngành cấp tỉnh xử lý.

Số liệu từ Văn phòng Huyện ủy Anh Sơn, tính từ tháng 4/2021 đến tháng 3/2022, tổng hợp có 34 vụ việc, vụ án thuộc diện Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy theo dõi, chỉ đạo.

Đến thời điểm này đã có 15/34 vụ việc đã giải quyết xong; 18 vụ việc đang giải quyết; 1 vụ việc đang tiến hành nắm tình hình.

Lãnh đạo huyện Anh Sơn kiểm tra hiệu quả các mô hình sản xuất. Ảnh: Mai Hoa

Đồng chí Nguyễn Hữu Sáng - Bí thư Huyện ủy Anh Sơn cho rằng, bên cạnh những vấn đề do lịch sử để lại thì quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và quản lý Nhà nước có những vấn đề bất cập, vướng mắc, khó khăn phát sinh, nhất là những vấn đề gây bức xúc trong Nhân dân. Thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết các vấn đề này thuộc các cơ quan công quyền, trong đó có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy. Bởi thế, việc rà soát, xác định các vụ án, vụ việc thuộc diện Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy theo dõi, giám sát, chỉ đạo mang tính chất “nhắc nhở” để chính quyền xác định rõ thái độ, trách nhiệm, tập trung quyết liệt hơn trong xử lý. Thông qua việc xử lý các vấn đề bức xúc nhằm xây dựng niềm tin của Nhân dân vào cấp ủy, chính quyền; đồng thời thay đổi phong cách công tác của cán bộ, công chức gần dân, sâu sát cơ sở, bởi muốn giải quyết được các vấn đề buộc cán bộ, công chức phải gặp gỡ người dân để tìm hiểu và cấp trên phải xuống với cấp dưới, chứ không dùng mệnh lệnh hành chính triển khai, chỉ đạo xuống.

Việc rà soát, xác định các vụ án, vụ việc thuộc diện Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy theo dõi, giám sát, chỉ đạo mang tính chất “nhắc nhở” để chính quyền xác định rõ thái độ, trách nhiệm, tập trung quyết liệt hơn trong xử lý.

Đồng chí Nguyễn Hữu Sáng - Bí thư Huyện ủy Anh Sơn

Ở các huyện Tân Kỳ, Yên Thành, Nam Đàn… cũng quan tâm xác định các vấn đề trọng tâm, vấn đề Nhân dân bức xúc, các vụ việc, đơn thư, kết luận giải quyết đơn thư còn khó khăn, vướng mắc cần tập trung xử lý. Như ở huyện Tân Kỳ, tính từ tháng 7/2021, huyện đã rà soát và kết luận tập trung xử lý 22 vụ việc và đến thời điểm này có 14/22 vụ việc giải quyết xong và 8 vụ việc đang giải quyết.

Hoạt động tại Trung tâm một cửa huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Nguyên Nguyên

Trong báo cáo của Tỉnh ủy về kết quả 1 năm triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cũng đã ghi rõ: 100% địa phương, đơn vị xác định, lựa chọn khâu đột phá để lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả cao và giải quyết dứt điểm những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong Nhân dân.

Thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với công việc, quyền lợi của dân, bên cạnh làm mất niềm tin của Nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền, còn làm ảnh hưởng đến sự yên dân, sự đồng thuận xã hội thúc đẩy nhiệm vụ chính trị ở mỗi địa phương, đơn vị. Nhận thức rõ tác hại của “căn bệnh” đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã rất quan tâm đến vấn đề này; song thẳng thắn để nhìn nhận thì vẫn còn nhiều vấn đề chưa được quan tâm giải quyết kịp thời, gây bức xúc trong dư luận Nhân dân.

Thực tiễn nêu trên, cấp ủy, chính quyền các cấp cần kiểm điểm trên tinh thần “tự soi, tự sửa” theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII), góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức gần dân, gắn bó, giúp đỡ, có trách nhiệm với Nhân dân; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, hiệu quả điều hành, quản lý, hoạt động của Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội.

Mai Hoa