Quốc hội sẽ chất vấn những vấn đề gì trong hơn 2 ngày?
4 nhóm vấn đề được đại biểu Quốc hội lựa chọn để chất vấn các thành viên Chính phủ tại Kỳ họp thứ 3 thuộc các lĩnh vực nông nghiệp - phát triển nông thôn, tài chính, ngân hàng và giao thông vận tải.
Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong 2 ngày rưỡi (từ chiều ngày 7 đến hết ngày 9/6) dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Thời lượng dành cho mỗi thành viên Chính phủ là 3 giờ đồng hồ, trong đó, ngoài người có trách nhiệm trả lời chính thì các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng khác cũng sẽ tham gia “chia lửa” về những vấn đề liên quan.
Trong khi Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trải qua 2 nhiệm kỳ trên cương vị tư lệnh ngành Giao thông Vận tải và từng “ngồi ghế nóng” trên diễn đàn Quốc hội, thì 3 thành viên Chính phủ: Lê Minh Hoan, Hồ Đức Phớc, Nguyễn Thị Hồng lần đầu tiên được đại biểu Quốc hội lựa chọn đăng đàn.
Theo chương trình tại Kỳ họp thứ 3, người trả lời chất vấn đầu tiên sẽ là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, bắt đầu từ chiều 7/6.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. |
Bên cạnh đó, là giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp.
Việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thu hút đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Sáng 8/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc là người tiếp theo trả lời chính về nhóm vấn đề thứ hai. Đó là tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính; công tác quản lý giá, mua sắm công và kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết của Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. |
Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần cũng là nội dung thuộc trách nhiệm giải đáp của người đứng đầu ngành Tài chính.
Ngoài ra, còn có hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, giải pháp chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là tình trạng thao túng, làm giá, đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng, không chính xác ảnh hưởng đến thị trường; giải pháp về xây dựng, phát triển thị trường tài chính lành mạnh, bảo đảm an toàn, bền vững trong thời gian tới. Các biện pháp chống thất thu thuế, nhất là trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. Việc quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số.
Các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Công an; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổng Thanh tra Chính phủ; Tổng Kiểm toán Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Cùng ngày, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đăng đàn trước Quốc hội để làm rõ về tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Ngân hàng Nhà nước; việc phối hợp chính sách tài khóa về kiểm soát lạm phát, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. |
Bên cạnh đó, là việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém gắn với xử lý nợ xấu; cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại; việc quản lý, kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là cho vay chứng khoán, bất động sản và phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Thực trạng và giải pháp phòng, chống tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng cũng trong phạm vi chất vấn với nữ thành viên Chính phủ.
Tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan cùng với nữ Thống đốc có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ; Tổng Kiểm toán Nhà nước; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Ngày 9/6, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời về tiến độ, chất lượng và công tác phòng, chống thất thoát, lãng phí trong việc triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia, hệ thống đường cao tốc.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể. |
Công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng các công trình giao thông được đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Thực trạng và giải pháp xử lý các tồn đọng trong đầu tư, khai thác, kinh doanh các dự án giao thông theo hình thức BOT.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng; Tổng Thanh tra Chính phủ; Tổng Kiểm toán Nhà nước cùng tham gia “chia lửa”.
Quốc hội cũng dành 70 phút để Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời đại biểu Quốc hội trước khi Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn vào cuối giờ chiều 9/6./.