Hướng dẫn tiêu chí xây dựng điểm sáng quy chế dân chủ ở cơ sở

Đức Dũng 06/06/2022 10:17

(Baonghean.vn) -Ban Dân vận Tỉnh ủy Nghệ An ban hành hướng dẫn tiêu chí xây dựng điểm sáng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và điểm sáng dân vận chính quyền.

Thực hiện Đề án số 04-ĐA/TƯ ngày 01/10/2021 về “Một số giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo”. Ban Dân vận Tỉnh ủy Nghệ An ban hành hướng dẫn tiêu chí xây dựng điểm sáng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và điểm sáng dân vận chính quyền, cụ thể như sau:

I. TIÊU CHÍ XÂY DỰNG, ĐÁNH GIÁ

1. Tiêu chí chung:

- Điểm sáng phải có tên, địa chỉ cụ thể.

- Nội dung điểm sáng thuộc lĩnh vực về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và công tác dân vận chính quyền.

- Điểm sáng phải được đăng ký đầu năm, có kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể.

- Điểm sáng phải phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về quy chế dân chủ ở cơ sở, dân vận chính quyền, đồng thời thực sự mở rộng và phát huy dân chủ trên tất cả các lĩnh vực hoạt động; Tạo được sự đồng thuận của nhân dân và vận động nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị mình.

- Điểm sáng phải được lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị hoặc Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Ban chỉ đạo công tác dân vận chính quyền địa phương, đơn vị công nhận, có sức lan tỏa, mang lại hiệu quả thiết thực.

- Điểm sáng giải quyết được những khó khăn, vướng mắc, những nhiệm vụ chính trị mà cấp ủy, chính quyền đã có chủ trương và đang tập trung tổ chức thực hiện.

2. Tiêu chí cụ thể:

2.1. Tiêu chí về xây dựng điểm sáng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

- Thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về quy chế dân chủ ở cơ sở.

- Phổ biến đầy đủ, kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đối tượng hưởng lợi và nhân dân trong phạm vi điều chỉnh của chủ trương, chính sách đó.

- Công khai, minh bạch các cơ chế chính sách, quyền lợi của người dân, cán bộ công chức, viên chức, người lao động được hưởng.

- Phát huy dân chủ, huy động được các nguồn lực trong nhân dân, cán bộ công chức, người lao động để phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Công an xã Nghĩa Dũng (Tân Kỳ) thực hiện công tác dân vận. Ảnh minh họa: Tiến Hùng

- Có hệ thống nội quy, quy chế và các văn bản về thực hiện quy chế dân chủ đầy đủ và thực hiện nghiêm túc các nội quy, quy chế đã đề ra.

- Nội bộ đoàn kết, hoàn thành nghĩa vụ thuế và các khoản thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước (nếu có), hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

- Tổ chức các hội nghị theo quy định đảm bảo thời gian, chất lượng (Hội nghị CBCC, viên chức đầu năm; hội nghị người lao động; hội nghị đối thoại với nhân dân, người lao động...).

2.2. Tiêu chí về xây dựng điểm sáng Dân vận chính quyền

- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, cán bộ công chức, viên chức, người lao động tham gia thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bài báo “Dân vận” của Bác Hồ tại địa phương, cơ quan, đơn vị.

- Vận động nhân dân, cán bộ công chức, viên chức, người lao động tham gia hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.

- Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, giải quyết nhanh, đúng, hiệu quả công việc của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; không gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân trong quá trình thực thi công vụ; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành.

- Nội bộ đoàn kết, thực hiện có hiệu quả công tác tiếp dân, tiếp xúc đối thoại với nhân dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân.

- Chính quyền, các cơ quan nhà nước thân thiện với người dân, tôn trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân; “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.

- Có sáng tạo, đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.

II. CÁC BƯỚC XÂY DỰNG

1. Căn cứ vào tình hình nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức rà soát, chọn xây dựng điểm sáng để góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị đề ra.

2. Phân công cán bộ phụ trách theo dõi, chỉ đạo xây dựng điểm sáng.

3. Danh sách đăng ký điểm sáng dân vận chính quyền gửi Ban chỉ đạo công tác dân vận chính quyền (qua Sở Nội vụ, đồng thời gửi 01 bản về Ban Dân vận Tỉnh ủy) và điểm sáng quy chế dân chủ gửi Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh (qua Ban Dân vận Tỉnh ủy) trước ngày 30/3 hàng năm (riêng năm 2022 gửi về trước ngày 15/6/2022).

III. SƠ KẾT, TỔNG KẾT VÀ BIỂU DƯƠNG, KHEN THƯỞNG

1. Về sơ kết, tổng kết xây dựng điểm sáng

- Hằng năm, các cơ quan, đơn vị tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả xây dựng điểm sáng trong năm và đề ra kế hoạch cho năm tới.

- Báo cáo sơ kết xây dựng điểm sáng trong năm gửi về Ban Dân vận Tỉnh ủy và Sở Nội vụ trước ngày 30/11 hàng năm.

2. Về biểu dương điểm sáng các cấp

- Hằng năm, địa phương cấp xã, các cơ quan, đơn vị chủ động biểu dương, khen thưởng các điểm sáng có hiệu quả cao, sức lan tỏa tốt.

- Định kỳ 5 năm tổ chức hội nghị biểu dương các điểm sáng quy chế dân chủ, dân vận chính quyền cấp huyện, cấp tỉnh (tổ chức hội nghị biểu dương lần thứ nhất vào năm 2025).

- Khen thưởng các điểm sáng: Định kỳ 5 năm/lần Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và ban chỉ đạo công tác dân vận chính quyền các cấp lựa chọn các điểm sáng, đề nghị Hội đồng thi đua - khen thưởng cùng cấp trình UBND các địa phương, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị khen thưởng theo quy định.

IV. HỒ SƠ, THỦ TỤC CÔNG NHẬN ĐIỂM SÁNG

- Việc công nhận điểm sáng quy chế dân chủ, dân vận chính quyền các cấp được thực hiện từ ngày 15/10 (ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng) đến 30/11 hàng năm.

- Hồ sơ công nhận điểm sáng quy chế dân chủ, dân vận chính quyền gồm:

+ Báo cáo tóm tắt thành tích (Báo cáo cần căn cứ vào các tiêu chí cơ bản để đánh giá mức độ đạt được của điểm sáng; nêu rõ cách làm, kinh nghiệm, hiệu quả của điểm sáng, tính lan toả của điểm sáng).

+ Đánh giá, thẩm định của Ban Dân vận hoặc cán bộ phụ trách công tác quy chế dân chủ, quy chế dân chủ ở cơ sở của các cơ quan, đơn vị cùng cấp.

+ Công văn đề nghị công nhận của ban chỉ đạo công tác dân vận chính quyền, ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở hoặc lãnh đạo địa phương, đơn vị cùng cấp.

- Điểm sáng ở cấp nào do UBND, thủ trưởng cơ quan, đơn vị cấp đó công nhận (Quyết định và giấy công nhận).

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

- Hàng năm, ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị; các sở, ban, ngành cấp tỉnh (hoặc Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Ban chỉ đạo công tác dân vận chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị) ban hành kế hoạch xây dựng điểm sáng về dân vận chính quyền và quy chế dân chủ ở cơ sở của địa phương, đơn vị mình.

- Mỗi cơ quan, đơn vị hàng năm chọn xây dựng ít nhất 01 điểm sáng về Dân vận của chính quyền và 01 điểm sáng về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đồng thời có văn bản chỉ đạo cấp dưới (các đơn vị trực thuộc) xây dựng điểm sáng trên địa bàn và đơn vị mình.

- Ban Dân vận cấp huyện chủ trì phối hợp với phòng Nội vụ để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo xây dựng điểm sáng quy chế dân chủ, dân vận chính quyền tại địa phương.

- Cán bộ phụ trách công tác quy chế dân chủ ở cơ sở, dân vận chính quyền các sở, ban, ngành, cơ quan cấp tỉnh tham mưu lãnh đạo cơ quan, đơn vị chọn và xây dựng điểm sáng tại cơ quan, đơn vị.

- Định kỳ hàng năm các địa phương, cơ quan, đơn vị báo cáo kết quả xây dựng điểm sáng về Ban Dân vận Tỉnh ủy và Sở Nội vụ để tổng hợp báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh và Ban chỉ đạo công tác dân vận chính quyền tỉnh.

- Ban Dân vận Tỉnh ủy (Phòng Dân vận các cơ quan nhà nước) thường xuyên đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện xây dựng điểm sáng tại cơ sở. Hằng năm, tổng hợp báo cáo kết quả xây dựng điểm sáng toàn tỉnh để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đức Dũng