Nghệ An chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng và chữa cháy trong mùa khô nóng
(Baonghean.vn) - Trước nguy cơ cháy nổ do nhu cầu tiêu dùng điện tăng cao trong những ngày nắng nóng, UBND tỉnh Nghệ An vừa có Công văn số 4239/UBND-NC ngày 10/6 gửi các sở ban ngành, đơn vị và UBND các địa phương văn bản chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng ngừa, chữa cháy đối với nhà cửa, đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn.
Theo đó, trên cơ sở điểm lại kết quả phòng cháy chữa cháy năm 2021, trong đó nổi bật là xây dựng và nhân rộng 422 mô hình đảm bảo phòng cháy chữa cháy trên địa bàn, từ mỗi nhà ở kết hợp kinh doanh chỉ có 1 lối thoát nạn thì nay 100% đã có cải tạo, đảm bảo có từ 2 lối thoát nạn và đầu tư thêm trang thiết bị ban đầu sau kiểm tra, hướng dẫn. Nhờ vậy, số vụ cháy, nổ loại hình nhà ở kết hợp với ốt kinh doanh đã giảm 10 vụ so với năm 2020.
Lực lượng chữa cháy dập lửa tại Phòng trà trên đường Đinh Công Tráng năm 2021. Đây là vụ cháy nhà ở kết hợp cho thuê kinh doanh có hậu quả nặng nề nhất tại TP Vinh. Ảnh Tư liệu PV Quang An |
Bên cạnh ưu điểm trên, UBND tỉnh cũng nhận định, công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn vẫn còn một số yếu kém, hạn chế như số người chết trong các vụ cháy nổ vẫn còn nhiều, ý thức người dân còn chủ quan lơ là, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy chính quyền cơ sở còn chưa quyết liệt… Từ đầu tháng 6, đứng trước tình hình nắng nóng kéo dài, do nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tăng cao nên nguy cơ mất an toàn cháy nổ đối với loại hình nhà ở và doanh nghiệp, đơn vị tăng cao; trạng thái xã hội đã trở lại bình thường sau dịch Covid-19 nên nhiều hoạt động giao lưu sinh hoạt hơn.
Chính vì thế, thực hiện Kế hoạch 273/KH-BCA ngày 1/6/2022 của Bộ Công an về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn đối với khu dân cư, loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, UBND tỉnh giao các sở ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND cấp huyện, trong đó cụ thể là người đứng đầu cần có các biện pháp quyết liệt để đảm bảo an toàn phòng cháy, lấy phương châm “phòng ngừa là chính”, “phòng” là “xây”, “chữa” là “chống” nên cần tích cực tuyên truyền, nhắc nhở cán bộ công nhân viên và người dân để nâng cao ý thức phòng cháy, thực hiện đúng các quy định Luật phòng cháy chữa cháy và các quy định hướng dẫn; tận dụng hạ tầng internet và môi trường mạng xã hội để đẩy mạnh tuyên truyền nhắc nhở, hướng dẫn về phòng cháy, cứu hộ, thoát nạn…
Diễn tập phòng cháy và cứu hộ cứu nạn tại Tòa nhà chung cư Trung đô Tower 21 tầng bên cạnh đại lộ Lê Nin, TP Vinh. Ảnh Nguyễn Hải |
Các sở ngành và cơ quan báo chí tăng cường các chuyên trang, chuyên đề tuyên truyền về phòng cháy, nhất là Quyết định số 23/2022 ngày 18/1/2022 của UBND tỉnh về đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với loại hình nhà ở riêng lẻ, kết hợp kinh doanh trên địa bàn; lựa chọn các mô hình liên gia, tổ dân cư có phương án, trang bị phòng cháy tốt để làm điểm, nhân rộng trước tháng 9 hàng năm.
Lực lượng công an là chủ công tác tham mưu và triển khai các giải pháp đảm bảo phòng cháy chữa cháy, trong đó tăng cường rà soát, kiểm tra để đảm bảo 100% nhà ở dân cư riêng lẻ kết hợp kinh doanh phải có từ 2 lối thoát nạn trên ban công, lô gia, lối lên thang máy, sân thượng nhà, ban hành sổ tay hướng dẫn phòng cháy và thoát nạn; trang bị các thiết bị chữa cháy ban đầu, dụng cụ phá dỡ thô sơ khi có tình huống cháy; phối hợp với UBND các phường, xã kiện toàn, thành lập lực lượng chữa cháy tại chỗ kết hợp với dân phòng và tăng cường hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy; tham mưu xây dựng chế độ phụ cấp đối với lực lượng này theo quy định của HĐND tỉnh.
Lực lượng chữa cháy tại chỗ diễn tập xử lý dập lửa khi vụ cháy mới phát sinh đốm lửa nhỏ. Ảnh Nguyễn Hải |
Đối với cơ sở, khu nhà có nguy cơ cháy nổ cao cần có phương án diễn tập tình huống cho lực lượng dân phòng và huy động lực lượng Công an tham gia cứu hộ cứu nạn; UBND cấp xã cần tranh thủ hiệu quả các kênh truyền thông, mạng xã hội để tuyên truyền phổ biến cho nhân dân về ý thức phòng cháy; chỉ đạo lực lượng công an huyện và cấp xã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng cháy chữa cháy theo Điều 52, Nghị định 136/2020 của Chính phủ; thực hiện kiểm tra hướng dẫn mỗi năm 1 lần đối với cơ sở nhà ở kết hợp kinh doanh; tổ chức phúc tra đối với cơ sở mà sau kiểm tra có vi phạm.
Lực lượng liên ngành TP Vinh trong một lần kiểm tra nhắc nhở các nhà ở gia đình kết hợp kinh doanh. Ảnh Nguyễn Hải |
Đối với UBND cấp huyện và cấp xã, chủ động thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra mỗi năm 1 lượt đối với khu dân cư, hộ gia đình và các cơ sở và lập hồ sơ quản lý 100% đối tượng này quy định của theo Phụ lục IV, Luật Phòng cháy chữa cháy. Thời điểm có nguy cơ cháy nổ cao, đoàn liên ngành chủ động thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà và rà từng đối tượng” để vận động nhắc nhở, nếu có nguy cơ cháy nổ do chiếm dụng hoặc chuồng cọp thì yêu cầu tháo dỡ, tạo hành lang thoát nạn và chữa cháy; phát trên hệ thống truyền thanh mỗi ngày 1 lần cảnh báo nguy cơ cháy nổ.Nghiên cứu, bố trí kinh phí để UBND cấp xã thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn…
Trong chữa cháy, quan trọng nhất là xác định "thời điểm vàng" là trong vòng 5 phút cháy sau khi xảy ra lực lượng tại chỗ có mặt để xử lý dập lửa ban đầu, nếu làm tốt thì lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến chữa cháy sẽ có hiệu quả nhanh hơn.
(Đại diện Đội phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn TP Vinh chia sẻ)