Chuyến đi đặc biệt của kiều bào ra thăm Trường Sa

Thi Uyên 16/06/2022 07:38

Đây là câu chuyện của 2 kiều bào sau khi trở về từ chuyến đi đặc biệt ra thăm Trường Sa.

Tháng 5/2022, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức cho hơn 40 kiều bào ra chuyến thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Chuyến thăm kéo dài 7 ngày, từ ngày 17 - 25/5/2022.

Đây là chuyến đi đầu tiên nối lại sau 2 năm đất nước chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Năm 2022 là cũng là năm kỷ niệm 10 năm chương trình kiều bào về thăm Trường Sa.

Ông Nguyễn Trọng Đức và chị Vũ Thị Vân Anh là 2 trong số hơn 40 kiều bào có cơ hội được tham gia chuyến thăm đặc biệt này.

Đoàn kiều bào ra thăm đảo Trường Sa.

Chuyến thăm của một người "cũ"

Ông Nguyễn Trọng Đức (SN 1958) đã di cư sang Mỹ từ hơn 50 năm trước. Hiện tại ông là một nhà báo tự do. Đây là chuyến thăm thứ 2 của ông tới Trường Sa. Lần đầu tiên ông tới thăm Trường Sa là vào năm 2014.

“Ôi trời ơi, rất nhiều cây xanh” - ông Đức không thể giấu nổi bất ngờ khi đặt chân đến Trường Sa sau gần 10 năm chờ đợi.

“Vào tháng 11/2021, tôi biết có 1 cơn bão rất lớn tràn qua quần đảo Trường Sa nên trong suy nghĩ của tôi thì đảo sẽ không được như ngày xưa đâu, sẽ không giữ được nhiều cây xanh. Nhưng thực tế thì ngược lại, đúng như cái tên Sinh Tồn” - ông bày tỏ.

Nhìn hàng cây trước mặt, ông Đức nhớ về hàng bàng nhỏ bé năm nào. Khi đó, Trường Sa chỉ có vài cây bàng nhỏ, quả cũng rất ít. Ai muốn mang quả về đất liền để làm kỷ niệm thì phải… tranh nhau! Giờ thì những cây bàng đó đã lớn hơn rất nhiều, muốn có bao nhiêu quả cũng có.

Ông Nguyễn Trọng Đức và lá cờ có chữ ký của các cán bộ, chiến sỹ, nhân dân trên đảo Trường Sa.

Cha đẻ của ông Đức là quan chức cao cấp của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Ông có cuộc sống sung túc từ nhỏ. Nhưng vào cuối những năm 1960, ông Đức lại tham gia biểu tình chống chính quyền Ngô Đình Diệm.

Năm 1968, gia đình tìm cách đưa ông ra khỏi Việt Nam bằng con đường du học: “Lúc đó, mẹ tôi mừng lắm, vì bà bảo: Nó ở Việt Nam thì chỉ có đi biểu tình!”

Trong suốt 50 năm sinh sống tại nước ngoài, ông Đức chưa từng mặc áo cờ đỏ sao vàng nhưng trong chuyến thăm đặc biệt này, lần đầu tiên ông mặc áo in hình Quốc kỳ Việt Nam: “Tôi cảm thấy rất hãnh diện”.

Ông hãnh diện và hạnh phúc vì được khoác lên mình tấm áo có hình Quốc kỳ trong chuyến đi trở về quê hương, chuyến tàu của đại đoàn kết dân tộc, chuyến đi tới Trường Sa.

Cuộc sống trên đảo qua ống kính của một thành viên trong đoàn kiều bào.

Chuyến thăm của một người "mới"

Chị Vũ Thị Vân Anh (SN 1976) đang định cư tại Hà Lan. Chị là giảng viên dạy tiếng Việt và văn hóa phương Đông tại Viện Nhiệt đới Hoàng gia Hà Lan. Không giống như ông Đức, đây là lần đầu tiên chị Vân Anh có cơ hội đặt chân lên quần đảo Trường Sa.

“Có thể nói đó là cảm giác vỡ òa, sau 36 tiếng lênh đênh giữa đại dương” - chị Vân Anh kể về cảm giác đầu tiên khi nhìn thấy đảo Sinh Tồn.

Những ký ức vẫn còn nguyên vẹn trong trí nhớ của chị: “Tôi còn nhớ hôm thứ hai thì chúng tôi bắt đầu đỡ say sóng và mong ngóng đất liền. Nhưng hoàn toàn không thấy gì cả. Cho đến khi nhìn thấy hòn đảo đầu tiên: Đảo Sinh Tồn, tôi thực sự cảm thấy sự sống và một sự kết nối rất rõ ràng”.

Chị Vũ Thị Vân Anh mặc chiếc áo dài tím, từ Hà Lan chị ra thăm Trường Sa.

Trước chuyến đi này, chị vẫn đọc báo, vẫn nghe đài, vẫn xem hình ảnh về Trường Sa, Hoàng Sa. Là một người Việt Nam, đối với chị, Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam, là một phần không thể tách rời của đất nước: “Thế nhưng đấy cũng chỉ là nghe thôi”.

Nên chị đã hoàn toàn bất ngờ và choáng ngợp khi đặt chân lên quần đảo Trường Sa, khi nhìn thấy màu xanh của cây cối giữa một đại dương mênh mông.

Để có được chuyến đi này, chị Vân Anh đã phải đăng ký rất nhiều lần. Nhưng không phải lần nào chị cũng được chọn hoặc được chọn thì lịch trình cũng quá bận rộn. Cho nên năm nay, chị đã để trống toàn bộ lịch tháng 5: “Để bất kể giờ nào, ngày nào được gọi lên đường là đi”.

Chuyến đi được mong đợi suốt nhiều năm cuối cùng cũng diễn ra vào tháng 5/2022: “Là một người đã đi rất nhiều nơi trên thế giới rồi nhưng thăm Trường Sa là một chuyến đi rất đặc biệt”.

Nước mắt ở Trường Sa

- Đã khi nào ông/bà rơi nước mắt trên Trường Sa chưa?

- Có chứ!

- Thường xuyên!

Dù là lần đầu hay là lần thứ 2 đặt chân tới quần đảo thân thương của Tổ quốc, cảm xúc trong trái tim kiều bào vẫn luôn tràn đầy. Không một ai trong đoàn chưa từng rớt nước mắt trong chuyến đi đặc biệt này.

“Có nhiều giây phút lắm, không biết là có kể hết được không?” – chị Vân Anh bồi hồi nhớ lại.

Hình ảnh những người lính trên đảo Trường Sa.

Trong những ngày lênh đênh trên biển, đoàn lại tổ chức giao lưu văn nghệ vào các buổi tối. Lúc đó, chị nhìn thấy những chiếc thuyền đánh cá của Việt Nam đậu gần tàu lớn để cùng hòa chung vào không khí trên tàu của chị.

Trước đây chị đã nghe rất nhiều lần những từ như như "bám đảo, bám biểm” nhưng dường như chị chưa bao giờ thực sự hiểu hết ý nghĩa của những cụm từ này.

“Cho đến khi nhìn thấy những con tàu nhỏ neo đậu sát tàu Hải quân chỉ để nghe một tiếng hát, tôi mới hiểu những từ “bám đảo, bám biển” có nghĩa là gì. Sự bình yên đặc biệt ấy khiến tôi bật khóc”.

Khi được hỏi về cảm xúc đặc biệt trong chuyến đi, ông Đức nghĩ về những những người lính trẻ: “Tuổi các em, chỉ 18, đôi mươi. Các em còn trẻ, còn rất ngây thơ nhưng sẵn sàng hy sinh cả một cuộc đời phía trước để bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước.

“Khi mặt trời lên thì mới biết là 1 ngày mới

Khi mặt trời lặn thì mới biết mặt trời đã qua đi”

Các em kể với tôi là không bao giờ xem lịch, không biết luôn cả ngày tháng”.

Những cảm xúc đó đã chạm vào trái tim của người đàn ông luống tuổi đã đi qua không ít sóng gió cuộc đời: “Tôi đã không cầm được nước mắt”.

Thăm Trường Sa để thấy và hiểu

Trước chuyến đi Trường Sa vào năm 2004, bản thân là một người cực đoan, ông Đức nhận được rất nhiều thông tin trái chiều về Trường Sa, về Biển Đông. Rất nhiều tài liệu như sách, phim ảnh,…tuyên truyền về việc biển, đảo của Việt Nam đã thuộc về ngoại bang.

“Tôi đã rất thắc mắc, liệu đó có phải là sự thật không? Do đó, tôi đã đăng ký và càng mong muốn được đi Trường Sa” - ông nhớ lại lý mà mình muốn tới quần đảo này.

Chuyến đi thực tế đã làm ông rất ngỡ ngàng: “Trường Sa đâu có phải là một căn cứ quân sự đâu. Trên quần đảo này, có nhân dân sinh sống, có cả chùa và các nơi thờ tự,… Giờ thì tôi có thể đứng lên, phản đối lại những ý kiến một chiều bằng chính trải nghiệm thật sự của mình”.

Kể về câu chuyện của mình, chị Vân Anh cho biết, mình từng có trải nghiệm gần tương tự: “Trong cộng đồng người Việt tại nước ngoài, cũng có rất nhiều người cực đoan. Họ luôn nói rằng Trường Sa không còn là của Việt Nam nữa. Tôi rất muốn nói rằng, sự thật không phải thế. Nhưng mình cũng chưa thể khẳng định khi chưa thể tận mắt nhìn thấy. Đó là một trong những lý do tôi đã đăng ký đi Trường Sa rất nhiều lần”.

Chuyến đi này không chỉ là chuyến thăm đảo thông thường mà còn là chuyến đi để hóa giải hiểu lầm, chuyến đi sáng tỏ nghi ngại.

Biển Đông nhìn từ quần đảo Trường Sa.

Không thể chỉ yêu nước bằng lời nói nữa

Việc đầu tiên khi về nước của chị Vân Anh là trao đổi với Ban Chấp hành người Việt cũng như Đại sứ quán của Việt Nam tại Hà Lan để thành lập CLB Trường Sa tại Hà Lan. Chị muốn kết nối với tất cả các CLB Trường Sa trên thế giới tạo thành Hiệp hội Trường Sa để có những đóng góp cụ thể hơn, bài bản hơn, chiến lược hơn.

Cụ thể, chị muốn kết nối để phát triển các dự án về năng lượng mặt trời, về nước sạch trên quần đảo Trường Sa. Đây đều là những dự án thiết thực, giúp cuộc sống của bà con, chiến sỹ trên hòn đảo bớt khó khăn hơn.

“Tình yêu nước của tôi có lẽ đã thay đổi rất nhiều rồi. Không thể nói chỉ nói suông là tôi yêu Việt Nam nữa mà có lẽ phải thể hiện là những hành động cụ thể. Tôi yêu Việt Nam và tôi sẽ chuẩn bị làm những công việc sau vì Việt Nam"./.

Thi Uyên