Những dấu hiệu cảnh báo bệnh lý dạ dày
Ợ hơi, buồn nôn, chán ăn, đau vùng thượng vị… có thể là biểu hiện của trào ngược dạ dày thực quản, viêm hoặc loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày.
Ợ hơi, buồn nôn, chán ăn, đau vùng thượng vị… có thể là biểu hiện của trào ngược dạ dày thực quản, viêm hoặc loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Bích, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Tâm Anh TP HCM, cho biết, số lượng mắc các bệnh lý dạ dày ngày càng gia tăng nhưng nhiều người vẫn còn rất chủ quan, tự ý dùng thuốc. Thói quen này sẽ làm nặng thêm tình trạng viêm hoặc loét dạ dày nếu đã mắc bệnh, bỏ lỡ thời gian "vàng" trong việc phát hiện sớm và điều trị ung thư dạ dày. Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo dạ dày đang có biểu hiện bất thường và người bệnh cần đến bác sĩ thăm khám.
Ợ hơi: là hiện tượng bình thường của cơ thể nhưng nếu ợ hơi thường xuyên, ợ chua, ợ nóng hoặc kèm theo các triệu chứng khác có thể là dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày thực quản, nhiễm khuẩn Helicobacter Pylori, loét dạ dày - tá tràng...
Đau dữ dội đột ngột vùng thượng vị: cơn đau có thể lan ra sau lưng, sờ thấy bụng đề kháng... là dấu hiệu cảnh báo thủng dạ dày. Đây là tình trạng nguy hiểm, cần cấp cứu, có thể dẫn đến sốc, thậm chí là tử vong. Biến chứng này thường gặp ở những người mắc bệnh loét dạ dày tá tràng hoặc khi ăn người bệnh nuốt phải dị vật gây thủng dạ dày.... Mỗi cơn đau vùng thượng vị với tính chất khác nhau có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề về dạ dày khác nhau.
Cơn đau thượng vị khởi phát lúc đói hoặc sau khi ăn quá no, thường là do viêm hoặc loét dạ dày tá tràng. Cơn đau âm ỉ, kéo dài, không có tính chu kỳ có thể là dấu hiệu tiềm ẩn của ung thư dạ dày...
Những cơn đau bụng âm ỉ, kéo dài, kèm rối loạn tiêu hóa,... có thể cảnh báo bệnh lý dạ dày. Ảnh: Shutterstock |
Nôn và buồn nôn: là những triệu chứng có thể gặp phải khi người bệnh mắc các bệnh lý liên quan đến dạ dày như xuất huyết tiêu hóa trên do loét dạ dày tá tràng, viêm dạ dày, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, hẹp môn vị... Nôn nhiều có thể làm tổn thương niêm mạc thực quản, gây ra các vấn đề như viêm thực quản, rách niêm mạc dạ dày vùng tâm vị, hơn nữa dễ dẫn đến mất nước, làm mất và rối loạn các chất điện giải. Trong những trường hợp nghiêm trọng người bệnh có thể bị hạ huyết áp, rối loạn tri giác...
Chán ăn, sụt cân: nếu dạ dày bị viêm hoặc loét, người bệnh sẽ cảm thấy đau bụng vùng thượng vị khi ăn no hoặc khi đói. Viêm hoặc loét dạ dày dẫn đến thức ăn không được tiêu hóa tốt, dễ bị đầy hơi, chướng bụng và khó chịu. Tất cả điều này làm người bệnh không có cảm giác thèm ăn, hậu quả là sụt cân. Chán ăn và sụt cân bất thường cũng có thể là dấu hiệu của ung thư dạ dày. Ung thư dạ dày nếu được phát hiện sớm có thể điều trị khỏi và kéo dài tuổi thọ của người bệnh.
Nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen: là hai dấu hiệu đặc trưng của xuất huyết tiêu hóa. Cụ thể, đối với nôn, người bệnh có thể nôn ra máu đen hoặc máu tươi lẫn thức ăn; trong khi phân sẽ có màu đen hoặc đỏ bầm. Xuất huyết sẽ làm người bệnh thiếu máu, dẫn đến triệu chứng hoa mắt, choáng váng, tụt huyết áp...
Xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng cần cấp cứu ngay nếu không có thể gây sốc và đe dọa tính mạng người bệnh. Xuất huyết tiêu hóa có thể xảy ra khi niêm mạc dạ dày bị tổn thương nghiêm trọng bởi các nguyên nhân như uống nhiều rượu bia, lạm dụng các thuốc giảm đau chống viêm, căng thẳng kéo dài. Người đang mắc bệnh viêm loét dạ dày, vết loét có thể sung huyết và chảy máu nếu bị kích thích bởi cà phê, thực phẩm cay nóng...
Bác sĩ Ngọc Bích khuyến cáo, các bệnh lý ở dạ dày thường cần được điều trị trong một thời gian dài và các triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với nhau. Do đó, người bệnh không nên chủ quan, nên thăm khám bác sĩ nếu nhận thấy dấu hiệu bất thường để kịp thời điều trị, ngăn ngừa biến chứng.