Khắc khoải một thương cảng

Nguyên Nguyên 19/06/2022 11:59

(Baonghean.vn) - Trong ký ức của người dân Nghệ An cũng như nhiều thương lái trong nước và nước ngoài, Cảng Bến Thủy được nhắc đến với sự trân trọng về một vùng cảng nhộn nhịp.

Nơi đây từng là thương cảng trung tâm của Nghệ An, là đầu mối giao thương của cả nước và có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài thông thương hàng hóa qua cảng. Trong giai đoạn mới, Cảng Bến Thủy vẫn hoạt động với những niềm khắc khoải riêng về một vùng thương cảng.

NIỀM TỰ HÀO

Hàng ngày, cảng Bến Thủy vẫn đón nhiều tàu hàng cập bến. Hàng hóa qua cảng hiện nay chủ yếu là than đá. Nếu tính về sự đa dạng về hàng hóa thông qua cảng thì hiện nay không nhiều loại hàng như trước đây, nhưng tính về sản lượng bốc xếp gấp hàng trăm nghìn lần “ngày xưa”.

Cảng Bến Thủy. Ảnh: Nguyên Nguyên

Báo cáo hoạt động của của Công ty cổ phần Cảng Nghệ Tĩnh cho thấy, kết quả sản xuất kinh doanh tại Cảng Bến Thủy trong năm 2021 đạt sản lượng hàng hóa thông qua 359.989 tấn, tăng 17,38% so với năm 2020. Doanh thu đạt 13,788 tỷ đồng, tăng 6,11% so với năm 2020. Dự kiến trong năm 2022, sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Bến Thủy khoảng 370.000 tấn, với doanh thu dự tính khoảng 13,250 tỷ đồng. Trước đó, năm 1927, sản lượng qua Cảng Bến Thủy chỉ khoảng 4.000 tấn hàng hóa và năm 1938 là 100.000 tấn.

Giai đoạn từ năm 1920 đến năm 1929 (cách đây hơn 102 năm), Cảng Bến Thủy từng là thương cảng lớn nhất vùng Bắc Trung Bộ gắn với cụm công nghiệp chế biến gỗ, nhà máy diêm, điện... Khi đó, hàng hóa qua cảng luôn tấp nập, nhưng theo nhiều tài liệu, hàng hóa chủ yếu là gỗ và than đá. Ở Bến Thủy đầu thế kỷ XIX, Hội lâm nghiệp thương mại Trung Kỳ còn lập trạm thu mua và nhiều cửa hiệu mua bán lâm sản. Ở cảng còn có đồn binh, trạm thu thuế của người Pháp…

Cảng Bến Thủy nằm ở hạ lưu Cầu Bến Thủy, cách Cửa Hội 12 km về phía Đông Bắc, nằm ở phía Đông thành phố Vinh. Với điều kiện giao thông thuận lợi, từ xa xưa đến nay, vùng Bến Thủy, Sông Lam, Núi Quyết có vị trí trọng yếu. Vì vậy, Cảng Bến Thủy đóng vai trò quan trọng đối với quá trình đô thị hóa Vinh dưới thời Pháp thuộc.

Giải phóng hàng hóa tại Cảng Bến Thủy. Ảnh: Nguyên Nguyên

Nhiều tài liệu khẳng định, Cảng Bến Thủy được xây dựng từ năm 1888 và được Pháp mở thêm các bến cảng, nhà kho vào những năm 1897 - 1900. Như vậy, tính đến nay lịch sử hơn 134 năm. Sau khi miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, ngày 13/10/1955, Bộ Giao thông vận tải đã ký quyết định số 141 "Tạm lập cơ quan quản lý Cảng Bến Thủy". Cảng Bến Thủy được hình thành với một cầu tàu bằng gỗ lim dài 150, rộng 10m, 4 kho xây bằng gạch lợp ngói rộng 400m2, một bãi chứa than, một âu chứa gỗ, nhà làm việc, nhà ăn và nhà ở tập thể. Từ đó, ngày 13/10/1955 được coi là ngày truyền thống của Cảng Bến Thủy và Cảng Nghệ Tĩnh. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, ngày 5/12/1979, Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng Cảng Cửa Lò (Cảng quốc tế), đây là một sự kiện quan trọng của nhân dân tỉnh Nghệ An, là mốc son trên con đường phát triển của Cảng Nghệ Tĩnh.

Trong giai đoạn mới, Cảng Bến Thủy được xây dựng kiên cố hơn nhưng đã từng bước thu hẹp quy mô khai thác và nhường lại vị trí trung tâm của mình cho cảng Cửa Lò (Nghệ An), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Nghi Sơn (Thanh Hóa). Tuy nhiên, sự đóng góp của nó cho lịch sử phát triển tỉnh Nghệ An, vùng Bắc Trung bộ được lịch sử ghi nhận. Đại diện lãnh đạo Cảng Bến Thủy cho biết, trong giai đoạn mới, cho dù gặp nhiều khó khăn nhưng cán bộ, công nhân của cảng luôn tự hào về lịch sử lâu đời của vùng cảng, từ đó, tích cực lao động, sản xuất, đóng góp vào sự giao thương của hàng hóa trên địa bàn các tỉnh Bắc Trung Bộ và sự phát triển kinh tế - xã hội của Nghệ An.

Bốc xếp gỗ - một hoạt động hiếm hoi ở Cảng Bến Thủy. Ảnh: Nguyên Nguyên

NIỀM KHẮC KHOẢI

Trước đây, Cảng Bến Thủy được kết nối với trung tâm thành phố bằng đường bộ, đường thủy qua sông Vinh và đường sắt lên Ga Vinh nối với hệ thống đường sắt Đông Dương. Cảng Bến Thủy từng là trung tâm kết nối, giao thương với các tỉnh Bắc Trung Bộ và sang Lào. Cảng Bến Thủy trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của Nghệ An và Bắc Trung Bộ. Trên cơ sở đó, góp phần đẩy mạnh phát triển thị xã Vinh (1898), thành lập vùng đô thị Bến Thủy (1914), Trường Thi (1917). Qua đó, kết nối hình thành vùng trung tâm đô thị công nghiệp, bến cảng, đô thị lớn nhất Bắc miền Trung thời thuộc Pháp.

Theo đánh giá của lãnh đạo Cảng Bến Thủy, với tình hình kinh doanh hiện nay, cảng vẫn “tự nuôi” được bộ máy hoạt động cũng như trả lương cho công nhân và đóng góp một ít ngân sách. Tuy nhiên, hoạt động bốc xếp hàng qua cảng những năm gần đây đơn lẻ, gần như 98% hàng hóa qua cảng là than đá. Cùng đó, hệ thống luồng lạch vốn đã nông (độ sâu âm 4 đến 4,5m) lại bị bồi lắng, ảnh hưởng đến việc cập cảng của tàu hàng. Theo thiết kế, với độ sâu đó, tàu lớn nhất 2.500 tấn có thể vào Cảng Bến Thủy. Tuy nhiên, những năm gần đây, do nhiều thủy điện điều tiết nước đầu nguồn sông Lam nên tàu 2.000 tấn vào cảng cũng gặp khó khăn, phải chọn thời điểm thủy triều dâng mới có thể cập cảng.

Những "bến tạm" ở Cảng Bến Thủy. Ảnh: Nguyên Nguyên

Với sự đơn lẻ trong hàng hóa thông qua cảng, cộng với sự bồi lắng nhanh của hạ nguồn sông Lam, Cảng Bến Thủy ngày càng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Nhất là, từ khi UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch Dự án Khu tổ hợp dịch vụ, du lịch đô thị Bến Thủy với diện tích trên 31 ha, bao gồm toàn bộ diện tích Cảng Bến Thủy và diện tích của 13 đơn vị, cơ quan cùng hơn hàng trăm hộ dân các khối 13, 15 phường Bến Thủy thì việc xác định “số phận” của Cảng Bến Thủy đang đặt ra những giả thuyết. Có thể cảng sẽ di dời về phía Hưng Hòa, nơi gần cửa Hội, có độ sâu luồng lạch tốt hơn; hay Cảng tiếp tục tồn tại ở vị trí hiện nay nhưng chuyển đổi hình thức hoạt động, chỉ đơn thuần là bến cảng phục vụ khách du lịch; hoặc có thể Cảng Bến Thủy sẽ chấm dứt vai trò hoạt động, nhập vào Cảng Cửa Lò để hoạt động hiệu quả hơn (?).

Dù hiện nay đang hoạt động “khắc khoải” như vậy, nhưng từ lâu nay, Cảng Bến Thủy luôn được lưu trong sử sách từng là một thương cảng nhộn nhịp ở Việt Nam, sớm có tên trên bản đồ thương cảng thế giới.

Cảng Bến Thủy nằm bên dòng sông Lam. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn

Nguyên Nguyên