Chuyện Nguyễn Văn Trường, Khuất Văn Khang thi đấu ‘vượt cấp’

Phú Châu 22/06/2022 11:20

(Baonghean.vn) - Khi V.League 2022 trở lại vào đầu tháng 7 tới, người hâm mộ bóng đá đang tập trung sự chú ý về đội U19 Việt Nam trước Giải U19 Đông Nam Á 2022, trong đó sự góp mặt của 2 nhân tố từ U23 Việt Nam là Văn Trường và Văn Khang được coi là “nóng” nhất.

Thú vị hơn là khi U19 Việt Nam có 2 trụ cột xuất sắc ở tuyến giữa này đã khiến cho các đội bóng cùng bảng đấu ở Giải U19 sắp tới như Thái Lan trở nên “khó ở”, buộc phải lên dây cót tinh thần sau những lần đối đầu thảm bại trước bóng đá trẻ Việt Nam…

Nhiều người từng biết và thực sự bất ngờ với việc ông Gong Oh-kyun gọi và sử dụng tối đa thời gian cũng như hiệu quả trên sân của Văn Trường và Văn Khang ở vòng chung kết U23 châu Á 2022 vừa qua.

Nói không ngoa, đó là một bước đi có tính “cách tân” vô cùng mới mẻ của bóng đá Việt khi mạnh dạn sử dụng tài năng trẻ thuộc lứa U19 cho U23 quốc gia, mạnh dạn phá bỏ thành trì cũ kỹ, chậm tiến về cách sử dụng nhân tài, nhất là khi những cầu thủ tài năng này mới chỉ chơi xuất sắc ở giải U19 quốc gia, mà chưa từng thi đấu ở hạng Nhất hay V. League như truyền thống lâu nay.

Nguyễn Văn Trường đã có màn ra mắt ấn tượng trong trận U23 Việt Nam hòa U23 Thái Lan 2-2 Ảnh: VOV

Để rồi, trước sân chơi châu lục, cả ở vòng bảng cũng như ở tứ kết, Văn Trường và Văn Khang liên tục được đá chính, thậm chí từng được AFC bầu là “Cầu thủ xuất sắc nhất trận” trong trận gặp U23 Hàn Quốc.

Văn Trường được chơi hơn 70 phút trong trận quyết đấu với Saudi Arabia ở tứ kết trước đối thủ vượt trội về mọi mặt nhưng không hề tỏ ra non nớt hay kém cạnh dù lần đầu được ra “biển lớn” với vô vàn sóng gió thử thách…

Vấn đề đặt ra là trong bước vươn tầm lâu nay của bóng đá Việt, nhiều nhân tố trẻ tài năng đã được phát hiện và sử dụng ở các giải đấu trong nước, là một bước đi có tính đồng bộ, không hề đơn lẻ, số ít.

Đó là Xuân Tiến, Văn Cường, Văn Bách… từ U19 tiến thẳng lên đội 1 SLNA. Đó là Đức Việt sau giải Cúp Hoàng đế Quang Trung củng cố vị trí ở đội 1 HAGL, là Vỹ Hào ở B.Bình Dương hay trước đó không xa là Hai Long ở Quảng Ninh, nay về Hà Nội FC…

Nhưng sự thăng tiến của các nhân tố trẻ nói trên đều không thể so được với Văn Trường, Văn Khang khi họ được gọi vượt cấp từ U19, được đá chính ở U23 Việt Nam trong một giải đấu cấp châu lục và ngay lập tức đạt được kết quả trên cả mong đợi của giới chuyên môn và người hâm mộ.

Khuất Văn Khang (áo vàng) luôn thể hiện sự mạnh mẽ trên sân. (Ảnh: VFF)

Kết quả này cho thấy công tác đào tạo trẻ của Hà Nội FC và Viettel đang đạt tới một “đẳng cấp” mới so với các lò đào tạo trong nước và cả khu vực. Không phải ngẫu nhiên mà nhân sự Đội tuyển Việt Nam hay U23 Việt Nam từ thời ông Park Hang-seo hay bắt đầu từ ông Gong Oh-kyun đều có “gốc” từ 2 lò đào tạo và 2 câu lạc bộ nói trên.

Phần lớn các tuyển thủ này đều có thể hình, thể lực tốt, kỹ năng hoàn thiện, khả năng thích nghi tốt với mọi sơ đồ chiến thuật, khả năng đối đầu với các đối thủ đẳng cấp trong khu vực và châu lục… Họ là những nhân tố chính, hạt nhân cơ bản trong quá trình vươn tầm của bóng đá Việt, với tấm gương rất sáng, với những bước đi kế thừa và có chọn lọc từ bóng đá Hàn Quốc và Nhật Bản hay người láng giềng Thái Lan.

Nhưng cũng chính từ bước đột phá của ông Gong Oh-kyun và U23 Việt Nam, liệu có gợi mở ý tưởng táo bạo tiếp theo cho các câu lạc bộ Hà Nội, Viettel hay các câu lạc bộ khác về việc sử dụng “vượt cấp” các tài năng trẻ nói trên hay không lại là câu chuyện không dễ trả lời.

Đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam là tinh hoa được đúc kết của bóng đá Việt, của V. League 1, 2… nhưng không ai dám chắc mọi việc, mọi cách làm rất tốt của các ông thầy ngoại có được “bê nguyên xi” vào câu lạc bộ hay không?

Đơn giản, Đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam thường tham gia các giải đấu tập trung, ngắn ngày, còn V.League là cuộc đua đường trường, tới đây còn vắt từ nửa năm này sang nửa năm sau như thế giới bóng đá đang vận hành. Và chính ông Gong Oh-kyun cũng khuyên các học trò về điều khác biệt đó để có cách luyện rèn, thi đấu phù hợp.

Rõ ràng, không dễ để Văn Trường, Văn Khang được đá chính ở V. League khi đội bóng còn vô số các đàn anh dày dạn, các ngoại binh đắt tiền mua về không bao giờ có mục đích “làm cảnh”, ngồi dự bị. Nhưng hẳn các huấn luyện viên của các CLB cũng không thể làm ngơ với thực tế khi Văn Trường, Văn Khang từng được tin dùng ở U23 Việt Nam, và nếu thi đấu tốt ở vòng chung kết U19 khu vực tới đây thì sự việc sẽ được “soi chiếu” kỹ càng, gây áp lực thực sự lên các nhà cầm quân.

Trong khi các nhân tố trẻ khác từng không trụ lại được ở danh sách cuối cùng của U23 Việt Nam hiện đang được các CLB tin dùng khi đấu V. League thì câu hỏi trên càng thôi thúc người trong cuộc. Phải chăng đó cũng là quá trình cạnh tranh sòng phẳng, không ngừng nghỉ, đòi hỏi cách làm mới, sáng tạo như cách ông Gong Oh-kyun từng làm thành công với U23 Việt Nam và không có lý gì không được tiếp bước với các nhân tố trẻ khác nhằm phát hiện, sử dụng cho nhiệm vụ mới hơn, cao hơn.

Phú Châu