Xây dựng gia đình 'Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ'
(Baonghean.vn) - Mới đây Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Đây được xem là cẩm nang trong việc tuyên truyền xây dựng gia đình hạnh phúc trong xã hội hiện đại. Nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Bùi Công Vinh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao xung quanh việc tuyên truyền thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử này cũng như vai trò của các thành viên trong việc giữ lửa hạnh phúc gia đình.
P.V: Thưa ông, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Trong đó, các tiêu chí ứng xử trong gia đình Việt Nam dựa trên nguyên tắc: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ. Ông có thể cho biết rõ hơn về nội dung, ý nghĩa của bộ tiêu chí này?
Gia đình là nơi lưu giữ, bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống của dân tộc. Ảnh tư liệu |
Ông Bùi Công Vinh: Sự ra đời của Bộ tiêu chí này là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Bởi như chúng ta đã biết, gia đình là nơi lưu giữ, bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống của dân tộc, là chiếc cầu nối giữa cá nhân với cộng đồng, là hạt nhân tế bào của xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định vai trò quan trọng của gia đình: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”.
Năm 1993, Liên Hợp quốc đã quyết định lấy ngày 15/5 hàng năm là ngày “Quốc tế gia đình” để nâng cao nhận thức về những vấn đề gia đình trên toàn thế giới. Việt Nam cũng có ngày 28/6 là ngày “Gia đình Việt Nam”. Điều đó cho thấy, gia đình là vấn đề mà cả nhân loại quan tâm. Xây dựng gia đình Việt Nam là tế bào lành mạnh của xã hội, là chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, là nguyện vọng của tất cả mọi người. Một trong những biện pháp lớn để thực hiện chủ trương đó là nâng cao nhận thức và thực hiện nghĩa vụ gia đình đối với mọi công dân.
Xây dựng gia đình Việt Nam là tế bào lành mạnh của xã hội, là chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ảnh: Đức Anh |
Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được ra đời với mục đích xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đồng thời củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội. Nâng cao nhận thức xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, khơi gợi tình yêu thương, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, làm nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc, quốc gia phồn thịnh. Bộ tiêu chí này được phổ biến và áp dụng với mọi gia đình và các thành viên, bao gồm những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng.
P.V: Ngoài các tiêu chí ứng xử chung trong gia đình bao gồm: “Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ”, Bộ tiêu chí đặt ra các tiêu chí riêng cho các mối quan hệ trong gia đình, vậy thưa ông, sự cụ thể hóa này sẽ có hiệu quả đặc biệt như thế nào?
Tình nghĩa vợ chồng bền lâu, keo sơn như là nét văn hóa đậm đà trong mỗi gia đình Việt. Ảnh: Đức Anh |
Ông Bùi Công Vinh: Ứng xử trong gia đình là hoạt động quan trọng góp phần thực hiện chức năng của gia đình, đặc biệt là chức năng giáo dục và xã hội hóa con người. Thông qua hoạt động ứng xử, giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình, giữa gia đình và ngoài xã hội tạo nên nét văn hóa mang màu sắc của từng gia đình riêng, tạo nên văn hóa cộng đồng, dân tộc. Sự cụ thể hóa này có hiệu quả đặc biệt, giúp cho các thành viên nhận thức được vị trí, vai trò, trách nhiệm của bản thân để điều tiết những mối quan hệ nhất định trong gia đình cho phù hợp.
Cụ thể như, tiêu chí ứng xử của vợ, chồng là chung thủy, nghĩa tình, vợ chồng cùng nhau xây dựng hôn nhân bền vững, không vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, yêu thương, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau.
Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu là gương mẫu, yêu thương. Cha mẹ, ông bà làm gương tốt cho con, cháu trong cử chỉ, hành động, lời nói; có tình cảm gắn bó gần gũi với con cháu; quan tâm, nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy bảo con cháu khi con cháu còn nhỏ; khi con, cháu không có khả năng tự nuôi sống, chăm sóc bản thân. Trao truyền các giá trị truyền thống, kinh nghiệm sống cho con cháu; giáo dục, động viên con cháu thực hiện lối sống văn hóa, ý thức công dân, giữ gìn nền nếp, gia phong.
5 tiêu chí ứng xử trong gia đình. Ảnh minh hoạ |
Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà là hiếu thảo, lễ phép. Kính trọng, lễ phép, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; yêu thương, quan tâm, chia sẻ tình cảm, nguyện vọng với cha mẹ và các thành viên trong gia đình. Học tập, rèn luyện, giữ gìn nền nếp gia đình, phụ giúp cha mẹ và các thành viên trong gia đình những công việc phù hợp với độ tuổi, giới tính. Thăm hỏi, chăm sóc động viên, nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà khi cha mẹ, ông bà ốm đau, già yếu, gặp khó khăn trong cuộc sống.
Nếu chúng ta thực hiện được chuẩn các tiêu chí đã nêu thì chúng ta sẽ xây dựng được một môi trường văn hóa đặc biệt trong chính ngôi nhà của mình, đồng thời tạo nên những hệ giá trị tốt đẹp cho cộng đồng xã hội.
P.V: Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được nhiều người kỳ vọng sẽ thay đổi được hành vi, nâng cao văn hóa ứng xử trong gia đình. Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại về tính khả thi và làm thế nào để đạt được hiệu quả trong đời sống. Vậy theo ông, để Bộ tiêu chí ứng xử thực sự đi vào cuộc sống, các cấp, ngành, địa phương cần triển khai tuyên truyền như thế nào?
Những tiêu chí quan trọng trong Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình vừa được ban hành. Ảnh tư liệu |
Ông Bùi Công Vinh: Các tổ chức hội, đoàn thể, địa phương cần chú trọng tuyên truyền, đa dạng về hình thức, phong phú, sinh động về nội dung. Gắn bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình với các tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Gia đình Văn hóa, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Chúng ta cũng cần tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong định hướng giá trị, giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho thế hệ trẻ. Khen thưởng kịp thời cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong việc chỉ đạo, triển khai, thực hiện bộ tiêu chí này. Chỉ có như vậy mới từng bước nâng cao văn hóa gia đình, là nền tảng vững chắc giúp con người hoàn thiện nhân cách, hướng đến chân - thiện - mỹ.
Hy vọng sau một thời gian công tác tuyên truyền sẽ đạt được chiều sâu và chiều rộng, chúng ta sẽ nhận được những giá trị thực sự từ những thay đổi trong chính các gia đình hạt nhân thông qua việc thực hiện các bộ tiêu chí. Từ đó, chúng ta sẽ ghi nhận được những thay đổi trong xã hội, trong các thôn, xóm, khu phố, làng, bản...
P.V: Nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), đại diện cho nửa thế giới, có điều này muốn được ông chia sẻ: Ông bà ta có câu “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, nhưng thực chất nhiều nghiên cứu cho thấy, hầu hết con cái đều gắn với cha nhiều hơn mẹ và chúng thường coi cha là hình mẫu để noi theo. Riêng đối với yếu tố xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với cộng đồng thì người đàn ông luôn là đầu mối gắn kết gia đình nhỏ của mình với dòng tộc, các tổ chức, đoàn thể, xã hội, tổ chức nghề nghiệp... Ngoài các yếu tố ấy, trong xã hội hiện đại, người đàn ông còn giữ một số vai trò mới như: Có chức năng tư vấn, làm chỗ dựa tinh thần cho các thành viên trong gia đình (vì họ được xem là phái mạnh)... Đặc biệt, như đã nói trên đây, người chồng còn phải cùng vợ lo việc “đối nội”, đối ngoại... Vậy theo ông, để làm được những điều đó người đàn ông trong gia đình cần xây dựng mối quan hệ với con cái, cha mẹ và vợ của mình như thế nào để hài hòa giữa các thành viên trong gia đình?
Ông Bùi Công Vinh: Theo tôi, người đàn ông vừa là người xây dựng nên những nền tảng tạo dựng hạnh phúc bền vững, vừa là chỗ dựa tinh thần, dung hòa các mối quan hệ trong gia đình.
Thế nên, trước hết chúng ta cần chú trọng áp dụng ứng xử theo tiêu chí “Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ”.
Hạnh phúc gia đình được xây dựng dựa trên 3 nền tảng cơ bản: Phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái trưởng thành và tạo dựng, duy trì và phát triển mối quan hệ tốt đẹp với cộng đồng. Trong 3 yếu tố này, vai trò của người đàn ông cực kỳ quan trọng. Triết lý “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa trong xã hội hiện đại. Dù thời nào, người đàn ông vẫn là trụ cột gia đình, là nơi để vợ con dựa vào. Người đàn ông vẫn giữ trách nhiệm chính trong việc làm kinh tế, đảm bảo cuộc sống vật chất của gia đình. Trong mối quan hệ với con cái, cha mẹ và vợ của mình, phải luôn thể hiện đúng vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ, luôn là nhân tố quan trọng để tăng cường các mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình.
P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!