Nghệ An: Mô hình trường tiên tiến tạo cơ hội cho học sinh được phát triển toàn diện

Mỹ Hà 27/06/2022 19:16

(Baonghean.vn) - Từ năm học 2022 – 2023, Nghệ An sẽ triển khai thí điểm mô hình trường tiên tiến tại 4 bậc học từ mầm non đến THCS. Việc triển khai mô hình nhằm thực hiện Quyết định 147/QĐ – UBND phê duyệt Đề án Thí điểm xây dựng trường mầm non, phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2030 và nhằm tạo bước đột phá trong đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.

Trên cả nước hiện đã có nhiều địa phương triển khai mô hình trường tiên tiến. Tại Nghệ An, mô hình được triển khai đầu tiên tại thành phố Vinh với 5 trường là Trường Mầm non Hoa Sen, Trường Tiểu học Lê Mao, Trường THCS Đặng Thai Mai, Trường Thực hành Sư phạm – Trường Đại học Vinh, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng.

Với mỗi bậc học, mô hình có những đặc thù riêng và trong quá trình thực hiện đòi hỏi phải có sự chuẩn bị đầy đủ từ đề án, cơ sở vật chất, đội ngũ, trang thiết bị dạy học, chương trình và cả làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đặc biệt là ở những trường có đối tượng học sinh phổ cập.

Nhiều ưu thế ở trường tiên tiến

Đề án Thí điểm xây dựng trường mầm non, phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế được ngành Giáo dục Nghệ An chuẩn bị trong hơn 2 năm và đã lấy ý kiến của các sở, ban, ngành trước khi được UBND tỉnh thông qua và ra quyết định phê duyệt.

Giờ học Tiếng Anh tăng cường của học sinh Trường Mầm non Hoa Sen. Ảnh: Đức Anh

Theo ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Mục tiêu của mô hình trường tiên tiến nhằm giáo dục toàn diện, hướng đến sự thành đạt của người học và hình thành cho học sinh những kỹ năng hiện đại, tư duy toàn cầu để chuẩn bị cho công dân toàn cầu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị - Nghệ An là trụ cột của khu vực Bắc Trung Bộ. Đề án triển khai còn là cơ sở để một số cơ sở giáo dục trở thành nhân tố tiên phong, nòng cốt để thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông 2018.

Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành đề án, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã có nhiều cuộc họp với các địa phương và các nhà trường để bàn kế hoạch thực hiện và xem xét những thuận lợi, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Trên cơ sở xem xét điều kiện thực tế, trong năm học tới 2022 – 2023, mô hình được triển khai thí điểm tại 5 trường, đó là Trường Mầm non Hoa Sen, Trường Tiểu học Lê Mao, Trường THCS Đặng Thai Mai, Trường Thực hành Sư phạm Vinh, Trường Thực hành Sư phạm – Trường Đại học Vinh, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Hiện các trường cũng đã xây dựng đề án, kế hoạch tuyển sinh và công khai chương trình dạy học, mức học phí dự kiến.

Giờ học của học sinh Trường THCS Đặng Thai Mai. Ảnh: Mỹ Hà

Tại Trường THCS Đặng Thai Mai, năm học này, trường sẽ thí điểm 9 lớp tiên tiến với toàn bộ học sinh khối 6, kể cả với lớp học sinh tuyển thẳng, học sinh các lớp năng khiếu. Theo cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thực hiện mô hình tiên tiến, ngoài chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, nhà trường sẽ tổ chức thực hiện 7 chương trình giáo dục tăng cường và tổ chức học 2 buổi/ngày và tổ chức bán trú cho học sinh. Mức học phí giáo dục tăng cường thực hiện theo Quyết định số 31/2020/NQ – HĐND về quy định mức tối đa các khoản thu dịch vụ phục vụ hoạt động giáo dục nhà trường đối với các cơ sở giáo dục công lập của các cấp học trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Thai Mai cũng nói thêm: Thực tế trước đây, ngoài học chính khóa ở trường, học sinh học thêm buổi chiều ở nhà trường hoặc học sinh học chương trình Tiếng Anh tăng cường cũng phải nạp học phí và đều là các khoản thu ngoài. Thay vào đó, năm nay, các em sẽ không phải nạp các khoản này và nạp chung trong mức thu học phí lớp tiên tiến và mức thu thực tế không cao hơn quá nhiều.


Trường Tiểu học Lê Mao cũng đã công khai kế hoạch thực hiện đề án trường tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế với mục tiêu tạo môi trường học tập cho học sinh với chất lượng tiên tiến, chi phí hợp lý; giúp học sinh được tiếp cận với chương trình giáo dục ở các nước trong khu vực, quốc tế và đào tạo các thế hệ học sinh có kiến thức, giỏi về ngoại ngữ, tin học, năng động và sáng tạo.

Hiện theo kế hoạch của nhà trường, trong năm đầu tiên trường sẽ tuyển sinh 6 lớp tiên tiến dành cho toàn bộ học sinh khối 1. Trong quá trình triển khai, nhà trường thực hiện nghiêm túc Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo quy định của Bộ. Đồng thời, xây dựng chương trình tăng cường dạy học các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, phát triển thể chất, năng khiếu giáo dục kỹ năng sống và các hoạt động trải nghiệm thực tế.

Phụ huynh phường Hưng Phúc đến tìm hiểu về các phương án tuyển sinh của Trường THCS Đặng Thai Mai. Ảnh: Mỹ Hà

Cô giáo Phạm Thị Trường Giang - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Mao cũng cho biết: Học sinh học theo chương trình trường tiên tiến sẽ có những ưu thế riêng về chương trình đào tạo nhằm phát triển phẩm chất, năng lực, phát huy tính sáng tạo, năng khiếu, sở trường của từng học sinh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, quy mô mỗi lớp cũng chỉ có 35 học sinh nên chắc chắn điều kiện học tập của các em sẽ thuận lợi hơn. Nhà trường cũng đã lựa chọn những giáo viên có đủ kinh nghiệm, có chuyên môn tốt để chủ nhiệm các lớp tiên tiến và liên kết với các đơn vị có uy tín để dạy các chương trình tăng cường và có cam kết đầu ra với phụ huynh học sinh.

Trước đó, trước khi ban hành kế hoạch trường tiên tiến, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các phòng chuyên môn để hỗ trợ các nhà trường trong việc xây dựng chương trình, cho ý kiến về các mức thu, khoản thu. Hiện, mức thu trung bình của các trường tiên tiến sẽ dao động từ 2.500.000 – 3.000.000 đồng/tháng (bao gồm có cả tiền bán trú) và được thu theo đúng các văn bản hướng dẫn.

Nói thêm về mô hình trường tiên tiến, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành cũng cho biết: Mô hình trường tiên tiến đã được nhiều thành phố lớn triển khai và đây được xem là một bước đột phá của ngành Giáo dục. Với Nghệ An, mô hình trường tiên tiến được xây dựng theo một hình thức riêng, vừa có sự kế cận, học hỏi nhưng cũng có những thay đổi để phù hợp với thực tế. Mô hình này cũng khác với mô hình trường trọng điểm và có đến 9 tiêu chí để hoạt động nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục ở nhà trường.


Đảm bảo mọi quyền lợi cho học sinh phổ cập

Do đặc thù riêng của tỉnh Nghệ An, đến thời điểm này, việc xây dựng một trường tiên tiến riêng là điều không thể thực hiện. Chính vì thế, trong năm đầu tiên triển khai thí điểm, ngoài các trường trực thuộc sở và trực thuộc Trường Đại học Vinh thì hai trường còn lại là Trường Tiểu học Lê Mao và Trường THCS Đặng Thai Mai là những trường đang nằm trên địa bàn của hai phường Hưng Phúc và Lê Mao.

Một hoạt động ngoại khóa của Trường Tiểu học Lê Mao. Ảnh nhà trường cung cấp

Liên quan đến việc thí điểm xây dựng trường tiên tiến, một trong những vấn đề khiến nhiều phụ huynh quan tâm, đó là việc tuyển sinh đối tượng học sinh phổ cập thuộc hai phường Hưng Phúc và Lê Mao. Qua tìm hiểu nhiều phụ huynh có con chuẩn bị vào học lớp 1 và lớp 6 của hai phường, nhiều phụ huynh cho rằng họ đồng tình với mô hình trường tiên tiến. Tuy nhiên, với mức học phí, cao gấp 2, gấp 3 so với trước đây thì việc theo học mô hình trường tiên tiến là điều khó khăn với nhiều gia đình.

Anh Hoàng Mạnh Hùng (khối Tân Tiến) có con Hoàng Đức Quang năm nay vào lớp 1 cho biết: Chúng tôi đã nghe thông tin về trường tiên tiến mấy tháng nay và cũng đã tìm hiểu khá kỹ về mô hình này. Quả thực, chúng tôi là con em ở phường, cháu đầu cũng đã từng học ở Lê Mao nên nguyện vọng của gia đình vẫn muốn con được học ở trường phường. Tuy nhiên, nếu mức học phí không hợp lý, tôi sẽ xin chuyển cho con sang học trường khác để phù hợp với hoàn cảnh gia đình.

Học sinh tham gia chương trình tiên tiến sẽ được học nhiều chương trình tăng cường để có thể phát triển năng khiếu. Ảnh: Đức Anh

Ông Lê Thanh Hải - Bí thư kiêm Khối trưởng khối Tân Tiến (phường Lê Mao) cũng cho biết: Nhiều năm nay con em trong khối đều học ở Trường Tiểu học Lê Mao. Vì thế, khi thành phố có chủ trương xây dựng trường tiên tiến, phụ huynh trong khối cũng rất quan tâm. Bà con mong muốn được học tại trường của phường bởi thực tế, việc chuyển con em sang phường khác sẽ có những khó khăn như phải xin trái tuyến, đưa đón không thuận lợi. Vấn đề ở đây là không phải gia đình nào cũng có điều kiện để đóng học phí.

Nên chăng, trường nên tổ chức song song hai chương trình dạy học, vừa theo chương trình hiện hành, vừa theo chương trình tiên tiến để phụ huynh dễ lựa chọn.


Tại phường Hưng Phúc, trước đó, qua khảo sát của Trường THCS Đặng Thai Mai, năm nay phường có gần 200 học sinh thuộc diện phổ cập, trong đó có 135 học sinh đang học Trường Tiểu học Hưng Phúc. Còn lại học rải rác ở các trường khác trong thành phố. Qua cuộc họp phụ huynh của phụ huynh lớp 5, nhiều phụ huynh có con học lực giỏi đã đồng ý với chủ trương và sẽ chuyển cho con sang học tại Trường THCS Đặng Thai Mai.

Một số phụ huynh có con có học lực yếu hơn đang còn phải cân nhắc bởi Trường THCS Đặng Thai Mai nhiều năm nay là trường điểm của thành phố và chất lượng dạy học nằm trong tốp đầu của tỉnh. Tuy nhiên, môi trường này cũng đòi hỏi học sinh phải có năng lực, có học lực khá giỏi.

Trường THCS Đặng Thai Mai tư vấn cho phụ huynh khi đến tìm hiểu về mô hình trường tiên tiến. Ảnh: Mỹ Hà

Nói về việc triển khai trường tiên tiến trên địa bàn thành phố Vinh, bà Hoàng Phương Thảo – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh cho biết: Thành phố cũng đã cân nhắc nên xây dựng trường tiên tiến ở cả khối lớp hay một vài lớp. Tuy nhiên, nếu chỉ triển khai một vài lớp sẽ có những khó khăn nhất định trong việc tổ chức dạy học như chương trình, chất lượng dạy học không đồng đều, và khó trong việc bố trí giáo viên. Hơn nữa, ở lứa tuổi các cháu (tiểu học và THCS), nếu cùng một khối lớp mà dạy theo hai chương trình sẽ tạo ra sự bất bình đẳng và sẽ không tốt cho quá trình phát triển của học sinh.

Về những băn khoăn của phụ huynh đối với học sinh phổ cập, thành phố cam kết sẽ tạo mọi điều kiện cho học sinh phổ cập có thể đăng ký bất cứ tại trường nào trên địa bàn thành phố Vinh để thuận lợi cho phụ huynh và thành phố sẽ trực tiếp chuyển hồ sơ cho các cháu trên phần mềm tuyển sinh của thành phố và phụ huynh có thể ngồi ở nhà đăng ký cho con học theo hình thức trực tuyến.

Cam kết chuẩn đầu ra và chất lượng phải đặt lên hàng đầu

Theo kế hoạch, từ giữa tháng 7, các trường sẽ bắt đầu tuyển sinh học sinh ở các lớp tiên tiến. Trong quá trình thực hiện, để người dân hiểu và nắm bắt đầy đủ chủ trương thì việc tuyên truyền là một vấn đề cần phải được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, các nhà trường và các địa phương cũng cần lắng nghe ý kiến của nhân dân để kịp thời giải thích, tháo gỡ những vướng mắc và tìm các giải pháp phù hợp để người dân yên tâm và đồng tình, ủng hộ.

Giờ học Stem của học sinh Trường Tiểu học Lê Mao. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Về việc xây dựng mô hình trường tiên tiến, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành cũng khẳng định đây là một xu hướng tất yếu trong giai đoạn hiện nay và là một cơ sở để Nghệ An nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành Giáo dục cũng cho rằng, do đây là một mô hình mới nên bước đầu không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc và rất cần sự chia sẻ của phụ huynh, học sinh với mục tiêu chung là phát triển sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà. Với vai trò của ngành, Sở sẽ tiếp tục đồng hành với các nhà trường trong quá trình triển khai, hỗ trợ về việc xây dựng chương trình, đào tạo đội ngũ giáo viên và sẽ giám sát trong quá trình thực hiện.

Để mô hình triển khai hiệu quả, các nhà trường cũng phải cam kết chuẩn đầu ra và nếu không đạt, nhà trường phải tổ chức dạy lại, để học sinh khi tốt nghiệp phải đạt được các mục tiêu đề ra. Đồng thời, giao Hiệu trưởng chịu trách nhiệm về chất lượng của người học, của nhà trường.

Mỹ Hà