Doanh nhân Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội ‘hiến kế’ cho phát triển du lịch ở Nghệ An

Công Kiên - Đình Tuyên 01/07/2022 06:31

(Baonghean.vn) -  Nhân dịp Diễn đàn Liên kết phát triển du lịch giữa thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và vùng Bắc Trung Bộ mở rộng năm 2022, phóng viên Báo Nghệ An đã trao đổi với một số doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội về hướng đi của du lịch Nghệ An.

Ông Nguyễn Ngọc An – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Lữ hành Fiditour – Vietluxtour (Thành phố Hồ Chí Minh)

Nghệ An, trước đây trong suy nghĩ của người dân Việt Nam nói chung là vùng đất của nắng, của gió Lào, của sự nghèo khó. Vùng đất này là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Về du lịch, chủ yếu là các chương trình “về nguồn”, đưa du khách về với Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên; về với biển Cửa Lò mộc mạc đơn sơ, chưa đủ để “níu chân” du khách, đặc biệt là du khách phương Nam.

Vẻ đẹp Khu Du lịch biển Cửa Lò. Ảnh tư liệu: Nguyễn Cảnh Hùng

Qua thời gian, cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, kéo theo sự phát triển của hạ tầng, giao thông, dịch vụ, tạo động lực cho ngành Du lịch phát triển. Tuy nhiên, do đặc thù về khí hậu nên việc khai thác du lịch chỉ được một nửa thời gian trong năm. Còn với Phương Nam xa xôi, Nghệ An vẫn chưa đủ sức thu hút các trung tâm du lịch lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, mặc dù đã có đường bay thẳng từ các địa phương này.

Chúng tôi may mắn đã được cùng Sở Du lịch Nghệ An khảo sát miền Tây xứ Nghệ và phát hiện ra nhiều tuyến, điểm du lịch có thể khai thác, tạo ra nhiều loại hình sản phẩm khác nhau, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, có thể khai thác quanh năm.

Ảnh: Công Kiên

Chúng tôi tạm đề xuất các loại hình du lịch mới ngoài các tour truyền thống có thể khai thác ngay: Du lịch thể thao, mạo hiểm leo núi dã ngoại gắn liền với đỉnh Puxailaileng (Kỳ Sơn) và với sông Giăng, Phà Lài (Con Cuông); Du lịch văn hoá trải nghiệm bản sắc các dân tộc vùng cao ...

Tuy nhiên, Nghệ An cũng không nên quá vội vàng để khai thác ngay các sản phẩm để tạo ra lượng khách mà cần phải từng bước chuẩn bị. Trước hết, chuẩn chỉnh lại các dịch vụ hỗ trợ như cơ sở lưu trú, phương tiện vận chuyển, công tác hướng dẫn, thực đơn và các đầu mối lữ hành địa phương.

Đẩy mạnh quảng bá đến các thị trường trọng điểm, trước mắt là các trung tâm du lịch lớn, có đường bay, giao thông thuận tiện; khảo sát, đưa ra các chính sách ưu đãi và mời gọi các nhà đầu tư vào du lịch.

Bà Nguyễn Thị Như Ngọc – Phó Giám đốc Công ty Exotic Việt Nam (Thành phố Hồ Chí Minh)

Theo đánh giá của tôi, Nghệ An là một trong những địa phương rất giàu tiềm năng du lịch. Nơi đây có bề dày về lịch sử, phong cảnh, con người hiền hòa, hiếu khách, nhiều món ăn ngon và đặc biệt có sự quan tâm của chính quyền trong việc bảo tồn cảnh quan và văn hóa đặc trưng của địa phương.

Doanh nghiệp chúng tôi đang khai thác và phát triển các tour du lịch hướng đến chia sẻ tình yêu thiên nhiên, chia sẻ những nét đặc sắc của văn hóa bản địa đến từng du khách. Chúng tôi nhận thấy Nghệ An là địa phương rất phù hợp để khai thác tour với mục đích này.

Ảnh: Công Kiên

Nghệ An có núi non trùng điệp, đồng ruộng mênh mông, sông, suối xanh mát, lại có biển và rất nhiều làng, bản còn giữ được nét văn hóa rất riêng. Tôi đánh giá cao về việc giữ gìn và bảo tồn những giá trị thiên nhiên và văn hóa ở nơi đây. Đây là những giá trị mà không phải nơi nào cũng có được, thậm chí có tiền cũng không mua được.

Tôi tin rằng, trong tương lai, Nghệ An sẽ có nhiều du khách tới tham quan, không chỉ là những tour theo dòng lịch sử mà sẽ có nhiều du khách yêu thích thiên nhiên, yêu thích văn hóa, đến với Nghệ An để trải nghiệm những giá trị đặc sắc. Tôi cũng rất mong chính quyền tiếp tục quan tâm đến việc bảo tồn, giữ gìn những giá trị này cho sự phát triển bền vững của du lịch và cho các thế hệ sau.

Ông Nguyễn Phi Phong - Trưởng phòng Sản phẩm, Công ty CP Du lịch Mytour (Hà Nội)

Đặc thù của du lịch của các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa tới Quảng Bình đang tập trung vào phát triển du lịch biển và giá trị lịch sử của vùng đất. Nghệ An cũng vậy, các doanh nghiệp du lịch đang tập trung vào phát triển du lịch biển ở Cửa Lò, biển Quỳnh và các điểm đến lịch sử tâm linh như Khu Di tích Kim Liên, đền thờ ông Hoàng Mười…

Chính điều đó khiến cho du khách đến từ các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ luôn nghĩ Nghệ An có Cửa Lò và quê Bác. Việc này gây nên những hạn chế cho sự phát triển kinh tế du lịch Nghệ An, vì du lịch biển mỗi năm chỉ khai thác được mấy tháng mùa nắng nóng.

Tôi may mắn được tham gia một chuyến khảo sát ở miền Tây Nghệ với Tổng cục Du lịch và Sở Du lịch Nghệ An trong tháng 3 vừa rồi. Qua đó, tôi nhận thấy Nghệ An ngoài Cửa Lò, Cửa Hội, quê Bác thì các điểm đến như đỉnh Puxailaileng (Kỳ Sơn), Vườn Quốc gia Pù Mát, sông Giăng - Phà Lài (Con Cuông) và Hòn Mát (Nghĩa Đàn)… là những điểm đến hấp dẫn của du khách ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ảnh: Đình Tuyên

Vấn đề ở đây là sự quảng bá, truyền thông của các đơn vị lữ hành đang yếu và chưa triển khai một cách đồng bộ, nhất quán. Hiện tại chỉ có các cơ quan báo chí của tỉnh và một số doanh nghiệp có tâm huyết thực hiện công tác truyền thông du lịch nhưng chưa đủ lực để thúc đẩy du lịch miền Tây Nghệ An cất cánh..

Theo cá nhân tôi, để du lịch Nghệ An phát triển hơn nữa, chúng ta cần đảm bảo các yếu tố sau: Các công ty lữ hành bắt tay vào nghiên cứu và xây dựng sản phẩm du lịch chuyên nghiệp nhất, nghiên cứu đối tượng và thời gian lưu trú phù hợp cho tệp khách hàng; Các điểm đến cần có hỗ trợ pháp lý về du lịch an toàn, cơ sở lưu trú đạt chuẩn.

Sở Du lịch Nghệ An cần thúc đẩy liên kết với các vùng để thu hút khách du lịch nhiều hơn nữa, phải luôn xác định học hỏi kinh nghiệm và hợp tác lâu dài. Điều quan trọng nhất là tăng cường truyền thông, thực hiện một cách bài bản qua các kênh hottrend như tiktok, facebook về các điểm đến, qua đó sẽ giúp du khách trên cả nước biết đến du lịch Nghệ An.

Bà Lê Minh Thu – nhân viên Quản lý kinh doanh, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Du lịch Đặc Sắc Việt (Hà Nội)

Theo tôi, miền Tây Nghệ An có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch nếu được đầu tư một cách bài bản và có quy hoạch, định hướng đường dài. Vùng đất này còn hoàn toàn mới và xa lạ với nhiều du khách. Nơi đây vẫn lưu giữ được vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, hấp dẫn và bản sắc văn hóa của các cộng đồng dân tộc.

Vì vậy, ngành Du lịch Nghệ An cần xác định du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng là những mô hình bền vững ở khu vực miền Tây. Vấn đề ở đây là cần được quy hoạch, thiết kế và xây dựng một cách bài bản, giữ được nét đặc sắc và “hồn cốt” của mỗi cộng đồng dân tộc.

Ảnh: Đình Tuyên

Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, vẻ đẹp thanh bình, Nghệ An thực sự tạo được sức hấp dẫn cho nhiều du khách. Bên cạnh đầu tư về cơ sở vật chất, miền Tây Nghệ An cũng đã bắt đầu chuẩn bị về nguồn nhân lực, người dân đã bắt đầu làm quen với việc phục vụ khách du lịch. Đây là những yếu tố thuận lợi trong bước đầu, tạo đà cho sự phát triển trong tương lai.

Ngoài sinh thái và du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, khám phá, miền Tây Nghệ An cũng hứa hẹn nhiều tiềm năng để phát triển. Chẳng hạn, trải nghiệm dãy Puxailaileng, chiêm ngưỡng biển mây ngỡ như tiên cảnh; chinh phục thác ghềnh đầu nguồn sông Nậm Nơn (Kỳ Sơn) hay chèo kayak, lướt ván trên sông ở Khu Du lịch sinh thái Phà Lài (Con Cuông)…

Tiềm năng là vậy, nhưng du lịch Tây Nghệ vẫn chưa phải là điểm đến yêu thích của du khách. Đơn cử như Vườn Quốc gia Pù Mát vẫn chỉ đón khách trong ngày, mang tính chất là điểm dừng chân, khách lưu trú còn rất ít. Các homestay cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn, chưa kết hợp quy hoạch xây dựng cảnh quan xung quanh.

Việc quảng bá, giới thiệu, kết nối, liên kết chưa được chú trọng bài bản. Do vậy, cần chú trọng sự kết nối du lịch nội tỉnh, kết nối với vùng lân cận và kết nối liên vùng để đẩy mạnh quá trình phát triển.

Ngoài ra, nguồn nhân lực có đào tạo nhưng chưa chuyên sâu, còn mang tính hình thức, cần có thêm các dự án phát triển, sự quan tâm đầu tư. Cần gìn giữ và nâng cao giá trị văn hóa của các dân tộc; đầu tư cơ sở hạ tầng, có thể xã hội hóa du lịch cộng đồng bằng cách kêu gọi vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành...

Công Kiên - Đình Tuyên