Chuyện về một trong những nữ đảng viên cộng sản đầu tiên của Việt Nam

Phước Anh 01/07/2022 11:11

(Baonghean.vn) - Trong chuyến tham quan di tích Nhà tù Hoả Lò (Hà Nội) cách đây không lâu, tôi được biết đến câu chuyện cuộc đời của bà Hoàng Thị Ái - một trong những nữ đảng viên cộng sản đầu tiên của Việt Nam, vợ của nhà cộng sản kiên trung Nguyễn Phong Sắc - Bí thư Xứ uỷ Trung kỳ thời kỳ 1930 - 1931. Cuộc đời của bà tiêu biểu cho hàng triệu cuộc đời phụ nữ Việt Nam: vùng thoát khỏi ách áp bức, đô hộ của phong kiến, thực dân; một lòng trung trinh theo Đảng; nén chặt bao nỗi đau riêng tư để cống hiến cho cách mạng đến giây phút cuối cùng.

Tình đồng chí, nghĩa vợ chồng

Ngày 3/2/1900, tại xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, một gia đình Nho giáo yêu nước đón cô con gái bé bỏng cất tiếng khóc chào đời. Cô bé được đặt tên là Hoàng Thị Ái.

Tại vùng đất này, gia đình bé Ái khá nổi tiếng, bởi ông nội là cụ Hoàng Hữu Xứng, từng có 30 năm làm quan dưới 7 đời vua Nguyễn và cha cũng là trí thức Tây học, vì yêu nước mà khi trở về Việt Nam, thay vì ra làm quan đã quyết định mở trường tư dạy con em người Việt tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm. Lớn lên trong gia giáo, được hun đúc và thấm nhuần tình yêu quê hương, đất nước, lòng căm thù giặc ngoại xâm sâu sắc, Hoàng Thị Ái sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1927, bà tham gia vào tổ chức Việt Nam Cách mạng Đồng chí Hội tại quê nhà, sau đó trở thành một trong nữ đảng viên cộng sản đầu tiên của Việt Nam.

Ảnh chụp bà Hoàng Thị Ái trong hồ sơ lưu tại nhà tù thực dân (trái) và sau khi đất nước hòa bình, thống nhất (phải).

Bấy giờ, bà tham gia “Hưng nghiệp hội xã” ở Quảng Trị, tổ chức các hoạt động kinh doanh nhằm quyên góp tài chính cho Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Tháng 5/1929, “Hưng nghiệp hội xã” bị lộ, bà bị thực dân Pháp bắt ở Quảng Trị. Sau khi được trả tự do, cuối năm 1929, Hoàng Thị Ái đến thị xã Vinh, tỉnh Nghệ An làm liên lạc cho Xứ ủy Trung kỳ, Xứ ủy Bắc kỳ và đảm trách việc in ấn tài liệu, truyền đơn; tìm các địa điểm hoạt động cách mạng, mua vật liệu, dụng cụ ấn loát cho các địa phương. Tại đây, Hoàng Thị Ái gặp gỡ và được tổ chức bố trí làm thư ký cho đồng chí Nguyễn Phong Sắc - Bí thư xứ ủy Trung Kỳ.

Để đảm bảo bí mật và thuận tiện công tác, tổ chức đã yêu cầu hai ông bà đóng giả làm vợ chồng. Hai người phải cùng nhau chung sống dưới một mái nhà để che mắt địch và dễ dàng thâm nhập vào phong trào công nhân ở địa phương. Chính trong những ngày cùng nhau hoạt động cách mạng này, giữa hai người đã nảy sinh tình cảm. Được sự ủng hộ của tổ chức, ông bà đã trở thành vợ chồng thật sự, dù bà cũng biết rằng ông đã có vợ con ở Hà Nội…

Nỗi đau người mẹ

Trong suốt cuộc đời bà Hoàng Thị Ái dường như chẳng có được bao ngày hạnh phúc. Mấy năm ngắn ngủi kết nghĩa vợ chồng với người đồng chí Nguyễn Phong Sắc, hai người có với nhau 1 người con gái. Ông bà đặt tên con là Thanh Vân. Thanh Vân - áng mây trên bầu trời trong xanh - cái tên như gửi gắm bao ước vọng tự do, hạnh phúc, vậy mà chỉ sau khi sinh con hơn 1 tháng, ông bà phải chia tay nhau mỗi người một nơi đi làm nhiệm vụ, gửi Thanh Vân cho gia đình cơ sở cách mạng nuôi giúp. Cái ngày nén nỗi đau dứt đứa con thơ khóc ngằn ngặt vì khát sữa, người mẹ ấy chẳng thể ngờ rằng, đó là ký ức cuối cùng của hai mẹ con.

Cuốn hồi ký "Một lòng với Đảng" của bà Hoàng Thị Ái.

Sau khi gửi con, bà Hoàng Thị Ái và ông Nguyễn Phong Sắc tập trung vào nhiệm vụ duy trì, phát triển phong trào cách mạng ở Trung Kỳ đang lâm vào tình thế khó khăn. Bấy giờ, thực dân Pháp và phong kiến Nam triều ra sức khủng bố phong trào cách mạng. Toàn quyền Đông Dương, Khâm sứ Trung Kỳ, công sứ Nghệ An và Hà Tĩnh ra lệnh cho lính các đồn thẳng tay bắn giết quần chúng cách mạng, truy lùng cán bộ, đảng viên. Lần lượt các đồng chí trong Xứ ủy Trung Kỳ bị sa vào tay kẻ thù.Tháng 3/1931, sau khi dự Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần II ở Sài Gòn, Nguyễn Phong Sắc bị mật thám bắt và tra tấn dã man. Địch đã xử bắn đồng chí ngày 26/5/1931, tại đồn Song Lộc, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Lúc ấy, Nguyễn Phong Sắc mới 29 tuổi.

Thời điểm đó, bà Hoàng Thị Ái cũng bị địch bắt giam tại Sở Mật thám Vinh. Nhận tin người chồng - người đồng chí kiên trung đã hy sinh, lòng bà đau đớn khôn nguôi. Vững lòng tin theo Đảng, Hoàng Thị Ái kiên cường chịu đựng những trận đòn tra tấn tàn bạo nhất của kẻ thù. Hai tháng sau, chúng chuyển đồng chí về giam tại Nhà lao Vinh. Sau đó, Toà án Nam triều kết án Hoàng Thị Ái 13 năm tù giam, qua quá trình xét duyệt tại Huế đã giảm án còn 7 năm tù giam.

Khu mộ của đồng chí Nguyễn Phong Sắc tại xóm Bình Minh, xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phước Anh

Năm 1936, Mặt trận nhân dân ở Pháp lên cầm quyền, ban hành một số quyền tự do dân chủ, trong đó có việc ân xá các chính trị phạm ở các nước thuộc địa. Cùng với nhiều đồng chí khác, Hoàng Thị Ái được trả tự do. Sau khi ra tù, việc đầu tiên bà làm là đi tìm Thanh Vân - giọt máu yêu thương mà trong suốt hàng nghìn ngày đêm trong lao tù khổ ải, bà vẫn đau đáu khôn nguôi. Hoàng Thị Ái tìm về gia đình cơ sở cách mạng mà năm xưa bà đã gửi con, nhưng niềm háo hức vỡ vụn khi biết tin sét đánh: Vợ chồng gia đình ấy cũng bị địch bắt sau phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, con của bà cùng với con của đôi vợ chồng ấy đã chết vì khát sữa! Trời ơi! Chết vì khát sữa! Từng từ, từng chữ như đâm nát trái tim người mẹ. Còn gì đớn đau hơn thế!

Hoàng Thị Ái trở thành người phụ nữ góa chồng, mất con khi mới 35 tuổi. Sau này, tổ chức nhiều lần ngỏ ý động viên bà đi bước nữa, cũng không thiếu người cảm mến, nhưng bà đều từ chối. Bà nói, sau khi chồng con mất, bà chỉ có hai nguyện vọng: Ở vậy thờ chồng, thờ con và dành trọn đời mình cho cách mạng.

Tháng 5/1940, Hoàng Thị Ái bị thực dân Pháp bắt và giam tại khu trại nữ Nhà tù Hỏa Lò. Tháng 6/1945, được trả tự do, bà Hoàng Thị Ái trở về quê hương tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Bà được cử làm Tỉnh ủy viên, thành viên Ủy ban Khởi nghĩa của tỉnh Quảng Trị, đồng thời đảm nhận nhiệm vụ Bí thư Phụ nữ cứu quốc của tỉnh. Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất (nhiệm kỳ 1950 - 1956) tại Đại Từ, Thái Nguyên đã bầu bà Hoàng Thị Ái giữ chức Phó Chủ tịch Hội. Sau đó, bà tiếp tục giữ chức vụ này cho đến khi nghỉ hưu.

Trọn đời cho cách mạng, nén đi bao nỗi niềm riêng tư, cuộc đời bà Hoàng Thị Ái đã được bù đắp phần nào khi bà gặp người con trai út của nhà cách mạng Nguyễn Phong Sắc và người vợ đầu của ông. Ngày gặp mặt, hai người phụ nữ cùng chung nỗi đau mất chồng, coi nhau như chị em ruột. Người vợ đầu - bà Trịnh Thị Cán, đã nắm tay bà Hoàng Thị Ái rưng rưng nước mắt: “Từ giờ, con của chị cũng là con của em. Anh Sắc không còn, chị em ta đùm bọc yêu thương nhau, coi nhau như chị em ruột thịt”.

Phước Anh