Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An thông qua dự thảo Nghị quyết về chuyển đổi số
(Baonghean.vn) - Chuyển đổi số trên địa bàn Nghệ An có trọng tâm là phát triển cơ sở dữ liệu số, tạo nền tảng phát triển chính quyền số, kinh tế số, hướng đến xã hội số; gắn quá trình chuyển đổi số với cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và chất lượng cung cấp dịch vụ công của chính quyền các cấp.
Toàn cảnh Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Ảnh: Thành Duy |
Chuyển đổi số là tất yếu
Hội nghị đã bàn dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo dự thảo Nghị quyết, chuyển đổi số trên địa bàn có trọng tâm là phát triển cơ sở dữ liệu số, tạo nền tảng phát triển chính quyền số, kinh tế số, hướng đến xã hội số; gắn quá trình chuyển đổi số với cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và chất lượng cung cấp dịch vụ công của chính quyền các cấp.
Đồng chí Lê Bá Hùng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông trình bày dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ảnh: Thành Duy |
Tại cuộc làm việc, các ý kiến thảo luận cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo Nghị quyết đặt ra về mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và 2030 cho hạ tầng số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu thảo luận, đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhận định: Việc chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu; qua đó đồng tình cao với quan điểm dự thảo Nghị quyết đặt ra, đặc biệt là nhấn mạnh vai trò người đứng đầu trong quá trình chuyển đổi số.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi cho rằng, chuyển đổi số trước hết cần đi từ cải cách hành chính. Ảnh: Thành Duy |
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đồng tình với việc lấy doanh nghiệp, người dân là trung tâm của chuyển đổi số; song đề nghị nghiên cứu lấy cơ quan chính trị, hành chính, sự nghiệp thúc đẩy chuyển đổi số; vì chuyển đổi số trước hết cần xuất phát từ năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và trách nhiệm phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.
Để triển khai quá trình chuyển đổi số thành công, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi cũng đề nghị, trong giải pháp thực hiện cần quan tâm cơ chế riêng về giá dịch vụ công nghệ thông tin; cũng như cần ban hành tiêu chí đánh giá các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp trong quá trình chuyển đổi số.
Đồng chí Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị cần có chính sách về giám sát, đánh giá năng lực điều hành, cải cách hành chính khi triển khai chuyển đổi số. Ảnh: Thành Duy |
Cùng quan điểm, đồng chí Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị dự thảo Nghị quyết bổ sung quan điểm xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách không chỉ về đầu tư; mà còn giám sát, đánh giá năng lực điều hành, cải cách hành chính, qua đó tạo điều kiện thúc đẩy chuyển đổi số.
Đồng chí Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An đề nghị cần quan tâm đến chính sách, trong đó có chính sách thuê hạ tầng số. Ảnh: Thành Duy |
Giám đốc Sở Y tế Dương Đình Chỉnh phân tích, để chuyển đổi số thành công thì quan trọng là 3 yếu tố: “hạ tầng số, con người, cơ chế chính sách”. Trong đó, đối với Nghệ An, Giám đốc Sở Y tế cho rằng, cần quan tâm đến chính sách, trong đó có chính sách thuê hạ tầng số để thực hiện vì đây hiện là điểm vướng nhất từ kinh nghiệm thực tiễn ngành Y tế thực hiện mục tiêu trở thành 1 trong 5 địa phương của cả nước xây dựng “y tế thông minh”.
Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ảnh: Thành Duy |
Phát biểu thảo luận về dự thảo Nghị quyết, đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cơ bản đồng tình bố cục, nội dung; cũng như đồng tình cao quan điểm của dự thảo Nghị quyết đặt ra.
Liên quan đến mục tiêu tổng quát, qua phân tích các yếu tố, tiềm năng của tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho rằng Nghệ An cần phấn đấu nằm trong tốp 20 - 25 tỉnh, thành phố có chỉ số cao về Chính phủ số, thay vì mục tiêu giữ vị trí thuộc tốp 30 như trong dự thảo.
Sẽ ban hành bộ tiêu chí đánh giá chuyển đổi số
Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý nhấn mạnh chuyển đổi số cần sự thay đổi toàn diện của các cá nhân và tổ chức; muốn thành công thì người đứng đầu phải thực sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm và có một hệ thống tổ chức, cán bộ đáp ứng được điều hành chuyển đổi số.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý phát biểu kết luận về nội dung chuyển đổi số. Ảnh: Thành Duy |
Thống nhất với các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm đề ra tại dự thảo Nghị quyết, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu rà soát, đơn giản lại các thủ tục hành chính và các điều kiện bảo đảm tích hợp chuyển đổi số; giao rõ trách nhiệm các cơ quan, đơn vị thực hiện các chỉ tiêu nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến; khẩn trương xây dựng bộ tiêu chí đánh giá về việc chuyển đổi số cho các cơ quan, đơn vị.
Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi tối đa để người dân dễ dàng truy cập, sử dụng dịch vụ công trực tuyến như: kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị.
Cùng với đó, tập trung nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ, người dân và doanh nghiệp để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số. Theo đó Bí thư Tỉnh ủy gợi mở xây dựng nền tảng cung cấp các khóa học trực tuyến để hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tiếp cận chuyển đổi số và cán bộ nâng cao kỹ năng chuyển đổi số.
Các đại biểu dự Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An khóa XIX. Ảnh: Thành Duy |
Thông qua kinh nghiệm thực hiện của một số địa phương, người đứng đầu Tỉnh ủy cũng yêu cầu tính toán để triển khai các mô hình như: “tổ công nghệ số cộng đồng” để giúp cho người dân, doanh nghiệp, cán bộ kỹ năng chuyển đổi số; giảm lệ phí với các nhóm dịch vụ thiết yếu khi thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến; hoặc chỉ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến; giao chỉ tiêu hồ sơ giải quyết trực tuyến cho các sở, ban, ngành, huyện, thành, thị, kể cả ở cấp xã.
Liên quan đến các nội dung có nhiều ý kiến thảo luận, trên cơ sở các ý kiến, Bí thư Tỉnh ủy kết luận: Nghệ An cần phấn đấu nằm trong tốp 25 - 30 tỉnh, thành phố có chỉ số cao về Chính phủ số; đồng thời “100% cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện có cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin”.