Tổng thống Nga Putin thừa nhận đã tạo cơ hội cho NATO mở rộng

Trung Hiếu 02/07/2022 09:22

Nhà lãnh đạo Nga Putin nổi tiếng về thái độ phản đối sự tồn tại của khối quân sự NATO. Tuy nhiên, mới đây ông đã thừa nhận chính mình đã… tạo cơ hội cho NATO mở rộng sang phía Đông.

Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Khaleej Times

Ông Putin thừa nhận đã trao cơ hội cho NATO

Phương Tây cho rằng một trong các mục tiêu của Tổng thống Nga Putin khi đưa quân tấn công Ukraine vào cuối tháng 2/2022 là làm suy yếu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Nhưng giới chức NATO mới đây lại cho rằng cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã “phản tác dụng” vì nó lại giúp củng cố chính khối NATO – trái ngược với mong muốn của ông Putin.

Và mới đây, chính ông Putin tuyên bố khẳng định điều ngược lại đó (tức là đã giúp NATO mở rộng), tất nhiên là vẫn đi kèm sự chỉ trích nhằm vào Mỹ.

Trước các phóng viên tại Hội nghị thượng đỉnh Caspia lần thứ 6 ở Turkmenistan, Tổng thống Putin khẳng định: “Quan điểm của chúng tôi luôn như sau: NATO là di sản của Chiến tranh Lạnh và chỉ được sử dụng làm công cụ cho chính sách đối ngoại của Mỹ trong việc kiềm chế các nước. Đây là sứ mệnh duy nhất của nó”.

Phát biểu với các phóng viên, Tổng thống Putin chỉ trích Mỹ “đã từ lâu tìm kiếm một đối thủ từ bên ngoài, để tạo mối đe dọa giúp tập hợp các đồng minh”. Ông Putin nói tiếp: “Iran không đủ tốt cho vai trò đó, còn Nga thì phù hợp hơn nhiều… Chúng tôi đã trao cho họ cơ hội đó. Tôi hiểu điều đó… Họ đang sử dụng các lý lẽ này một cách mạnh mẽ và khá hiệu quả để tập hợp đồng minh”.

NATO được thành lập sau Thế chiến II với tư cách là một liên minh quân sự giữa Mỹ, Canada và 10 nước châu Âu, chủ yếu nhằm làm phương tiện hỗ trợ nhau phòng thủ trước Liên Xô. Tổng thống Putin lập luận, thời của NATO đã qua kể từ khi Liên Xô tan rã cách đây 3 thập kỷ. Tuy nhiên, hiện nay NATO đã mở rộng thêm nhiều và có tới 30 thành viên.

Tổng thống Putin lên án NATO đang tìm cách xác lập “uy quyền” của mình. Ông nói với báo giới rằng Ukraine và người dân nước này đã trở thành “phương tiện” để NATO “bảo vệ lợi ích riêng của mình”.

Cụ thể, ông Putin nói như sau: “Lãnh đạo các nước NATO ước muốn xác lập uy quyền của mình, các tham vọng đế quốc của mình… NATO đang biến Ukraine thành một đầu cầu chống Nga, gây rối loạn nước Nga”.

Ông Putin nêu lại những cáo buộc về tấn công vào văn hóa và ngôn ngữ Nga mà theo ông chính là điềm báo cho cuộc xung đột quân sự ở Ukraine.

“Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO cũng được”

NATO đã chính thức mời Thụy Điển và Phần Lan gia nhập khối quân sự này tại Hội nghị thượng đỉnh của khối quân sự này ở Madrid (Tây Ban Nha) vào hôm 29/6 vừa qua.

Nhưng Tổng thống Putin coi động thái này là “không vấn đề gì”.

Nhà lãnh đạo Nga nói, ông không phản đối Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO vì “chúng tôi không có vấn đề về lãnh thổ hoặc tranh chấp với Thụy Điển và Phần Lan như là với Ukraine… Họ có thể gia nhập bất cứ cái gì họ muốn”.

Tuy nhiên, Tổng thống Putin cũng nói rằng diễn biến này vẫn tạo ra những căng thẳng không cần thiết.

Ông Putin bổ sung: “Phần Lan và Thụy Điển nên biết rằng họ không đối diện với bất cứ đe dọa nào trước đó nhưng nếu các đơn vị và cơ sở hạ tầng quân sự được triển khai trên lãnh thổ họ vào lúc này, chúng tôi sẽ phải có những hành động phản chiếu như gương, tạo ra các mối đe dọa tương tự cho họ”.

Khi được hỏi về chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine rằng liệu mục tiêu có thay đổi, ông Putin khẳng định “chưa có gì thay đổi” và quân Nga vẫn đang tiến lên “theo kế hoạch”.

NATO tiếp tục củng cố và triển khai lực lượng đối phó Nga

Tại Hội nghị thượng đỉnh của NATO, các nhà lãnh đạo NATO cho rằng Nga “là mối đe dọa đáng kể và trực tiếp nhất đối với an ninh của các đồng minh và hòa bình, ổn định ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương”.

Tổng thư ký NATO Stoltenberg đã công bố chiến lược mới của NATO với sự tập trung vào mối đe dọa từ Moscow.

NATO đã mời Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh này. Tổng thống Mỹ Biden cũng công bố việc triển khai mới binh sĩ, tàu chiến và máy bay.

Việc Nga tiến đánh Ukraine đã kéo theo hàng loạt trừng phạt kinh tế nhằm vào nước này cũng như một làn sóng ủng hộ cho chính quyền Tổng thống Ukraine Zelensky, bao gồm các lô vũ khí tiên tiến. Các nước châu Âu cũng gia tăng hệ thống phòng thủ của mình.

Các nhà lãnh đạo NATO đã bơm hàng tỷ USD vũ khí vào Ukraine. Tổng thống Zelensky vẫn đang kêu gọi phương Tây viện trợ thêm pháo tầm xa.

Tổng thư ký NATO Stoltenberg tuyên bố “Ukraine có thể trông cậy vào chúng ta chừng nào họ cần”.

NATO dự kiến nâng số quân của họ từ khoảng 40.000 lên trên 300.000 quân.

Washington đã tuyên bố họ sẽ đưa tổng hành dinh của Quân đoàn số 5 sang Ba Lan. Một lữ đoàn lục quân Mỹ sẽ được luân chuyển vào và ra khỏi Romania. Hai phi đoàn chiến đấu cơ F-35 của Mỹ sẽ được triển khai tới Anh. Hệ thống phòng không Mỹ sẽ được gửi tới Đức và Italy. Hạm đội khu trục hạm của hải quân Mỹ ở Tây Ban Nha sẽ mở rộng từ 4 lên 6.

Tổng thống Mỹ Biden cho rằng các động thái quân sự này là điều mà ông Putin không mong muốn nhưng lại có tác dụng giúp bảo đảm an ninh cho châu Âu trước Nga.

Ngoài Mỹ, Anh hôm 29/6 cũng cam kết thêm 1,2 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm hệ thống phòng không và UAV.

Na Uy thì tuyên bố sẽ cung cấp 3 hệ thống pháo phản lực phóng loạt cho Ukraine sau khi Anh, Đức và Mỹ cũng quyết định tặng tương tự cho Ukraine./.

Trung Hiếu