Cử tri Con Cuông kiến nghị đánh giá thổ nhưỡng tại xã Thạch Ngàn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng

G.H 01/07/2022 17:24

(Baonghean.vn) - Cử tri đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức đánh giá thổ nhưỡng đất sản xuất nông nghiệp tại xã Thạch Ngàn (Con Cuông), làm cơ sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thay thế cây trồng hiện nay không hiệu quả.

Trả lời:

Ngày 13/3/2022, Sở Nông nghiệp và PTNT đã thành lập Đoàn công tác về làm việc trực tiếp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Con Cuông và UBND xã Thạch Ngàn về việc cử tri đề nghị.

Sau khi làm việc, Đoàn công tác và Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cùng Lãnh đạo UBND xã thống nhất các nội dung như sau:

Vườn keo ở bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn. Ảnh tư liệu K.L

* Về hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp tại xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông:

Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông là 914 ha. Trong đó:

- Diện tích đất trồng lúa: 244 ha.

- Diện tích đất trồng cây hàng năm khác: 614 ha, trong đó: Các loại cây trồng chính hiện có như: Sắn 215 ha, mía 45 ha, ngô 30 ha, rau các loại 12 ha, cỏ chăn nuôi 9,5 ha,lạc 2,5 ha, vừng 5 ha và hơn 209 ha đất trồng cây hàng năm hiện đang trồng keo.

- Diện tích trồng cây lâu năm: 56 ha (Các loại cây trồng hiện có: Vải, nhãn, xoài, cam, bưởi, ổi…).

* Về thực trạng đất và cây trồng vùng đề nghị chuyển đổi:

- Tổng diện tích đất sản xuất cây trồng hàng năm cử tri đề nghị chuyển đổi là 73 ha, trong đó, tại bản Thanh Bình 40 ha, Khe Đóng 18 ha, Thạch Tiến 15 ha.

- Hiện trạng cây trồng trên diện tích đề nghị chuyển đổi: Sắn 50 ha, mía 15 ha và ngô 8 ha.

- Hiệu quả kinh tế các cây trồng:

+ Cây sắn: Năng suất trung bình đạt 25 tấn/ha (toàn tỉnh 26,8 tấn/ha), tổng thu nhập 42.500.000 đồng/ha, lãi thu được 26.500.000 đồng/ha.

+ Cây mía: Năng suất trung bình đạt 61 tấn/ha (toàn tỉnh 60 tấn/ha), tổng thu nhập 61.000.000 đồng/ha, lãi thu được 36.500.000 đồng/ha.

+ Cây ngô (2 vụ/năm): Năng suất trung bình 4 tấn/ha (toàn tỉnh 4,6 tấn/ha), tổng thu nhập 30.000.000 ha, lãi thu được 16.600.000 đồng/ha/vụ.

* Về đặc điểm, tính chất đất, khí hậu, điều kiện thủy lợi, tập quán canh tác diện tích đất đề nghị chuyển đổi:

- Diện tích đất đề nghị chuyển đổi là 73 ha, trong đó 58 ha là đất cát pha và 15 ha đất đỏ bazan.

- Xã Thạch Ngàn là 1 trong 3 xã thường xuyên bị hạn của huyện Con Cuông, lượng mưa hàng năm phân bố không đều, chủ yếu tập trung vào tháng 9, 10; chưa có hệ thống thủy lợi, nước tưới phụ thuộc vào nước trời.

- Lực lượng lao động của các bản này chủ yếu là người già, lao động trẻ thoát ly làm ăn xa, tập quán canh tác theo truyền thống của dân bản, việc áp dụng các quy trình kỹ thuật còn hạn chế.

* Nguyên nhân cử tri đề nghị chuyển đổi:

- Giá mía các năm trước giảm mạnh, phương thức thanh toán của nhà máy đường cho người dân chậm (tháng 5 hàng năm mới thanh toán).

- Cây sắn trình độ thâm canh của người dân chưa cao, bệnh khảm lá sắn gây hại nặng đã làm giảm năng suất so với các năm trước.

- Lực lượng lao động trong sản xuất nông nghiệp chủ yếu là người già, khả năng áp dụng các biện pháp kỹ thuật còn hạn chế.

Cán bộ xã Thạch Ngàn hướng dẫn người dân Đan Lai kỹ thuật trồng ngô cho năng suất cao. Ảnh tư liệu: K.L

Từ hiện trạng sử dụng đất và thực trạng đất sản xuất nông nghiệp tại xã Thạch Ngàn, Đoàn công tác và Phòng Nông nghiệp và PTNT cùng lãnh đạo UBND xã đi đến thống nhất các nội dung như sau:

- Căn cứ vào tính chất đất, khí hậu, thủy lợi, tập quán canh tác và lực lượng lao động trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương thì hiện nay sắn và mía là 2 cây trồng đang phù hợp để xã cơ cấu trên vùng đất này.

Hiện nay, hai loại cây trồng này đang được các nhà máy chế biến thu mua 100% nguyên liệu, tạo điều kiện cho bà con nông dân ổn định đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả kinh tế cao trên vùng đất này đối với cây mía, sắn thì địa phương cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân sử dụng giống mía, sắn mới sạch bệnh, đầu tư trồng, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, nhất là việc đầu tư đủ lượng phân bón và phòng trừ tốt bệnh khảm lá sắn...

- Làm việc với nhà máy chế biến đường, tinh bột sắn để được hỗ trợ về kỹ thuật trồng, mua nguồn giống sạch bệnh và thu mua cho bà con nông dân với giá nguyên liệu hợp lý, thanh toán nhanh,... bảo đảm cho bà con có lãi để tái đầu tư sản xuất.

- Việc đánh giá thổ nhưỡng đất sản xuất nông nghiệp để làm cơ sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng là cần thiết để nâng cao giá trị hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích.

+ Đối với cây lúa đã được lập bản đồ nông hóa phục vụ thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất vùng trồng lúa tỉnh Nghệ An. Do đó, đề nghị UBND xã Thạch Ngàn, UBND huyện Con Cuông rà soát, hướng dẫn chỉ đạo người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa phù hợp để nâng cao hiệu quả sản xuất.

+ Năm 2020-2021, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các Đề án phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021- 2030; Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; xác định các phân vùng đất đai định hướng để phát triển các sản phẩm chủ lực và cây ăn quả thế mạnh, hiện quỹ đất này đã đang được tích hợp vào quy hoạch tỉnh phục vụ sản xuất.

Tuy nhiên, việc đánh giá thổ nhưỡng trên địa bàn tỉnh mới thực hiện phân tích đánh giá đối với đối tượng đất lúa và một phần diện tích nhỏ đất trồng cây ăn quả tại một số huyện trọng tâm. Đối với các loại đất nông nghiệp khác hiện chưa được thực hiện bởi nguồn kinh phí đánh giá là khá lớn và cần có thời gian nguồn lực để thực hiện.

Do đó, trong giai đoạn tới, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện tham mưu lồng ghép các nguồn lực để tiến hành thực hiện.

Đề nghị UBND huyện Con Cuông xem xét cân đối bố trí nguồn kinh phí để tổ chức đánh giá thổ nhưỡng đất sản xuất nông nghiệp tại xã Thạch Ngàn, làm cơ sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiện nay không hiệu quả.

G.H