Ban Chỉ đạo tỉnh Nghệ An về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực họp phiên thứ nhất

Thành Duy 05/07/2022 17:39

(Baonghean.vn) - Chiều 5/7, tại TP. Vinh, Ban Chỉ đạo tỉnh Nghệ An về phòng, chống tham nhũng tiêu cực họp phiên thứ nhất. Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban; Hồ Lê Ngọc - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh uỷ, Phó Trưởng ban Thường trực, cùng các đồng chí trong Ban Chỉ đạo.

Toàn cảnh họp phiên thứ nhất của Ban Chỉ đạo tỉnh Nghệ An về phòng, chống tham nhũng tiêu cực. Ảnh: Thành Duy

Trước đó, ngày 30/6/2022, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An đã có Quyết định số 1150-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống tham nhũng tiêu cực gồm 15 đồng chí, với 1 trưởng ban; 5 phó trưởng ban (1 phó trưởng ban thường trực) và 9 thành viên.

CÁC ĐỒNG CHÍ TRƯỞNG BAN VÀ PHÓ TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban.

Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban.

Đồng chí Hồ Lê Ngọc - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh uỷ, Phó Trưởng ban Thường trực.

Đồng chí Lê Đức Cường - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Phó Trưởng ban.

Đồng chí Bùi Thanh An - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ, Phó Trưởng ban.

Đồng chí Phạm Thế Tùng - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban.

Đồng chí Hồ Lê Ngọc - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh uỷ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Tại phiên họp thứ nhất, Ban Chỉ đạo đã thảo luận Quy chế làm việc với các nội dung như: quy định chung; trách nhiệm, quyền hạn; chế độ làm việc và quan hệ công tác; cũng như dự thảo Quyết định phân công nhiệm vụ các thành viên Ban chỉ đạo.

Kết luận phiên làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý - Trưởng ban Chỉ đạo yêu cầu Ban Nội Chính Tỉnh ủy - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo xây dựng ngay kế hoạch, chương trình làm việc trong 6 tháng cuối năm 2022, dự kiến chương trình năm 2023; đồng thời rà soát, tổng hợp, đề xuất các vụ việc thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo trình tại phiên họp tháng 7.

Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Thái Thanh Quý cũng yêu cầu Cơ quan Thường trực nghiên cứu, tham mưu để triển khai Quyết định, quán triệt tinh thần của Ban Chỉ đạo đến cấp uỷ các đảng bộ trực thuộc Tỉnh uỷ, các cơ quan, đơn vị về việc thành lập, triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo. Theo đó, cần phải đánh giá lại công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua, trách nhiệm vào cuộc của cấp uỷ các cấp; đồng thời triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

Kết thúc cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, các thành viên của Ban Chỉ đạo cần phải dày công, dành thêm nhiều thời gian, công sức để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phát biểu kết luận phiên họp thứ nhất. Ảnh: Thành Duy

Ngày 2/6/2022 Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 67-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thành uỷ trực thuộc Trung ương thành lập, chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thành uỷ và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (viết tắt là Ban Chỉ đạo Trung ương) trong việc chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là ở địa phương).

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở địa phương; đồng thời trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Về nguyên tắc làm việc, Quy định 67 chỉ rõ: Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ; đồng thời chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương; làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể thảo luận, Trưởng ban kết luận và chỉ đạo thực hiện.

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; tuân thủ quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tôn trọng, không làm cản trở hoạt động bình thường và không làm thay nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thành Duy