Trở ngại lớn nhất ngáng đường phương Tây thực hiện các lệnh trừng phạt Nga
Chính Mỹ đã phải thừa nhận rằng bất kỳ quyết định thắt chặt trừng phạt nào nhằm vào Nga đều phụ thuộc vào Trung Quốc.
Bất kỳ quyết định thắt chặt trừng phạt nào đều phụ thuộc vào Trung Quốc
Cuộc marathon Thượng đỉnh kéo dài 6 ngày vào tháng trước của các nước phương Tây - bắt đầu là Thượng đỉnh EU, sau đó là Thượng đỉnh G7 và NATO đã kết thúc. Tại những cuộc họp này, các nước phương Tây đã thể hiện sự đoàn kết trước Nga và chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Thậm chí Thổ Nhĩ Kỳ hiện cũng có lập trường chung với các nước thành viên khác khi nhất trí về việc kết nạp Thụy Điển và Phần Lan vào NATO, cũng như tán thành với việc cần tăng cường an ninh ở sườn phía Bắc của liên minh.
Tuy nhiên, khi đối mặt với vấn đề quan hệ với Trung Quốc, những chia rẽ đã bắt đầu lớn dần trong liên minh phương Tây. Thậm chí, ngay cả khi trọng tâm của cả 3 Hội nghị Thượng đỉnh trên là về cuộc chiến ở Ukraine và lệnh trừng phạt Nga thì chính Mỹ đã phải thừa nhận rằng, bất kỳ quyết định thắt chặt trừng phạt nào đều phụ thuộc vào Trung Quốc.
Ảnh minh họa: Alamy Stock |
Ví dụ về việc tẩy chay dầu Nga. Mỹ không mua bất kỳ giọt dầu nào từ Nga kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra và ngoại trừ Hungary, các nước EU đều muốn dừng nhập khẩu dầu mỏ Nga vào cuối năm nay. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt hầu như có rất ít tác động bởi Trung Quốc đang mua nhiều dầu Nga hơn bao giờ hết và với giá thấp hơn 30% so với giá trên thị trường thế giới.
Mỹ muốn thu hẹp khoảng cách này và vì thế đã đề xuất áp giá trần với dầu Nga. Washington hy vọng quyết định này sẽ đem đến 2 tác động. Gần đây, doanh thu của Nga đã tăng lên do sự tăng vọt giá dầu mỏ và khí đốt, bất chấp lệnh trừng phạt từ phương Tây. Việc áp giá trần sẽ ngăn chặn điều đó. Ngoài ra, với tỷ lệ lạm phát tăng cao, giá trần sẽ hạn chế những tác động tiêu cực đến thị trường và người tiêu dùng của các bên thứ ba trên thế giới. Tuy nhiên, nguyên tắc tương tự trên cũng áp dụng ở đây: Đó là việc áp giá trần với dầu mỏ Nga chỉ có hiệu quả nếu Trung Quốc cũng tham gia. Các nước phương Tây vì thế đang tìm cách tiếp cận Bắc Kinh.
Mỹ cũng đang dẫn đầu lệnh cấm nhập khẩu vàng Nga. Nga là một trong những nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới. Lệnh cấm này có thể khiến Nga mất đi hàng tỷ USD doanh thu. Châu Âu cũng sẽ hợp tác với Mỹ trong lệnh cấm này. Vấn đề duy nhất ở đây là phương Tây chỉ mua một lượng rất nhỏ vàng từ Nga. Những nước có nhu cầu lớn là Trung Quốc và Ấn Độ. Nguyên tắc tương tự lại một lần nữa được áp dụng: Đó là nếu Bắc Kinh không hợp tác, sẽ không điều gì có thể xảy ra.
Phương Tây chia rẽ trong cách đối phó với Trung Quốc
Có hai minh chứng từ Hội nghị Thượng đỉnh ở lâu đài Elmau thuộc bang Bavaria, Đức cho thấy các hành động của phương Tây phụ thuộc vào Trung Quốc như thế nào. Tuy nhiên, các nước phương Tây lại không có cùng quan điểm trong quan hệ với Trung Quốc.
Một bên là Anh, Canada và Mỹ từ lâu đã coi Trung Quốc là đối thủ lớn nhất thay vì Nga. Từ quan điểm của Chính phủ Mỹ, Trung Quốc gây ra nhiều mối đe dọa hơn về kinh tế, công nghệ và quân sự.
Trên thực tế, Trung Quốc cũng đang có những nỗ lực phản ứng với phương Tây. Bề ngoài, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cố gắng tránh tuyên bố ủng hộ Nga mà bằng chứng là ông không muốn Trung Quốc đối mặt với sự mở rộng các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Tuy nhiên, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng tận dụng cơ hội để chỉ trích phương Tây trong Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến của các nước BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) mà ông chủ trì không lâu trước khi Thượng đỉnh G7 diễn ra. Quan trọng hơn, nhà lãnh đạo Trung Quốc không có bất kỳ lời nào chỉ trích Tổng thống Putin.
Dù vậy, điều đó vẫn không thể ngăn cản Pháp và Đức "mềm giọng" với Trung Quốc. Chính phủ Đức đặc biệt muốn tránh hướng tiếp cận đối đầu thái quá do lo ngại ảnh hưởng đến mối quan hệ kinh tế tốt đẹp với Trung Quốc. Đức có mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc sâu sắc hơn bất kỳ nước công nghiệp phương Tây nào.
Trong Hội nghị Thượng đỉnh G7, Chính phủ Đức đã kêu gọi hướng tiếp cận hòa hoãn hơn với Trung Quốc. Nước này cho rằng việc ngăn cản sự hình thành các khối với một bên là phương Tây và bên còn lại là Nga và Trung Quốc có vai trò vô cùng quan trọng. Bởi dù sao thì các nước phương Tây vẫn cần Trung Quốc để đối phó với những vấn đề toàn cầu khác như đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu. Trong khi một năm trước đó, cũng tại Thượng đỉnh G7, Anh và Mỹ đã kêu gọi Đức cùng các quốc gia khác quyết định bên mà họ muốn sát cánh cùng trong tương lai. Dù vậy, Đức chỉ tuyên bố rằng nước này hiện đang xem xét chiến lược quốc gia với Trung Quốc.
Vấn đề liên quan đến mối quan hệ với Trung Quốc không phải một đòn giáng vào Hội nghị Thượng đỉnh G7 bởi các bên liên quan dường như đều không muốn phá vỡ bầu không khí nên thơ của thị trấn Elmau của Bavaria nhưng việc trì hoãn giải quyết vấn đề này không có nghĩa nó sẽ bị hủy bỏ. Thay vào đó, vấn đề về việc đối phó với Trung Quốc đã được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Madrid. Dưới sự đề xuất của Mỹ, NATO cũng đã mời Australia, New Zealand, Hàn Quốc và Nhật Bản tới Madrid - những quốc gia có cùng mối lo ngại về Bắc Kinh.
Tuyên bố chung của NATO đã không có sự kiềm chế hay giới hạn. Tài liệu chiến lược mới được các nước thành viên thông qua ở Madrid đã dành riêng một đoạn để nói về Trung Quốc.
"Những mục tiêu mà Trung Quốc tuyên bố và chính sách cưỡng ép của nước này đã gây ra những thách thức cho lợi ích, an ninh và các giá trị của chúng ta", tài liệu này viết, đồng thời khẳng định mối quan hệ gần gũi giữa Trung Quốc và Nga đã đi ngược với các lợi ích của phương Tây. Ở một bản tài liệu trước đó, Mỹ và Anh muốn gọi Trung Quốc là "rủi ro" hoặc thậm chí là "mối nguy hiểm" nhưng Đức và Pháp đã phản đối điều đó. Vì vậy, cách sử dụng từ ngữ đã được điều chỉnh cho phù hợp hơn.
Trung Quốc đã ngay lập tức phản ứng trước tài liệu trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng tài liệu chiến lược của NATO đã coi thường sự thật và "lập lờ đánh lận con đen". Ông Triệu Lập Kiên cho rằng việc gọi Trung Quốc là "mối đe dọa" sẽ không dẫn đến đâu.
Ông Vương Lỗ Đồng - Vụ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định, Trung Quốc không đặt ra thách thức đối với bất kỳ quốc gia nào, đồng thời kêu gọi NATO không tìm cách kích động một cuộc Chiến tranh Lạnh mới:
“Trung Quốc ở rất xa NATO, làm thế nào chúng tôi có thể ảnh hưởng đến an ninh của NATO? Chúng tôi kêu gọi NATO nhìn nhận sự phát triển của Trung Quốc một cách khách quan và hợp lý, dựa trên bất kỳ sự xác định nào về Trung Quốc trên thực tế và không coi Trung Quốc như một cái cớ để kích động một cuộc Chiến tranh Lạnh mới và tạo ra đối đầu”.
Phương Tây đã sẵn sàng đối phó với Trung Quốc?
Một sáng kiến nhận được sự nhất trí lớn giữa các nước phương Tây là chương trình đầu tư cho các nước đang phát triển được gọi là "Hợp tác Cơ sở Hạ tầng Toàn cầu" được cho là nhằm cạnh tranh với dự án Vành đai Con đường mà Bắc Kinh khởi động vào năm 2013.
"Cùng với các đối tác G7, chúng tôi có mục tiêu huy động 600 tỷ USD vào năm 2027", Tổng thống Joe Biden thông báo. Mỹ cũng có kế hoạch huy động 200 tỷ USD nguồn vốn công và tư cho sự hợp tác này trong 5 năm tới. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thông báo châu Âu sẽ đóng góp 300 tỷ USD. Nhật Bản - một quốc gia G7 cũng cam kết sẽ đóng góp 68 tỷ USD.
Mặc dù nhiều quốc gia sử dụng nguồn vốn từ dự án của Trung Quốc dần nhận ra các khoản nợ của họ gia tăng và có nguy cơ không thể trả nợ nhưng những dự án của Trung Quốc có những điều khoản thu hút nhiều quốc gia tham gia.
Ngoài ra, G7 cũng có những vấn đề về tổ chức. Trong khi Sáng kiến Con đường Tơ lụa mới của Trung Quốc chủ yếu do Bắc Kinh kiểm soát thì G7 không có sự đoàn kết như những gì Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố ở Elmau. Điều này là bởi nhóm này không có cùng ý kiến về việc quản lý các dự án cơ sở hạ tầng lớn cũng như nguồn gốc các dự án.
Ngoài ra, hiện cũng chưa rõ liệu các nước G7 có thể sẵn sàng huy động hàng tỷ euro hay không khi mà đa số họ cũng đang nghi ngờ về khả năng này. Trước đây, G7 cam kết không chỉ điều chỉnh tổng số ngân sách hỗ trợ phát triển và chống đói nghèo toàn cầu mà còn hỗ trợ các nước nghèo chuyển sang phi carbon hóa. Nhưng những cam kết này chưa bao giờ được thực hiện./.