Ngăn chặn nguy cơ từ sử dụng, buôn bán trái phép vũ khí ‘nóng’ trên địa bàn Nghệ An

Hoài Thu 08/07/2022 06:53

(Baonghean.vn) -  Thời gian gần đây, nhiều vụ án xảy ra thương vong khi các đối tượng liên quan có sử dụng vũ khí, súng đạn. Vì vậy, ngoài tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm và đảm bảo an toàn cho lực lượng đánh án, các cấp, ngành cần phối hợp đẩy mạnh hơn nữa việc vận động, tuyên truyền nhân dân giao nộp vũ khí, chấp hành tốt Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Xử nghiêm vi phạm buôn bán, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ

Trong tháng 6/2022, trong số các vụ việc, vụ án liên quan đến an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu gia tăng tình trạng các đối tượng liên quan sử dụng vũ khí nóng để chống trả lực lượng chức năng, đặc biệt là trong các chuyên án về truy bắt tội phạm ma túy.

Chỉ trong vòng 1 tháng, các lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 20 khẩu súng các loại từ 227 vụ, 287 đối tượng bị bắt giữ về hành vi buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma túy. Bên cạnh đó, các ngành Công an, Biên phòng, Hải quan… cũng phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm về tàng trữ, buôn bán vũ khí, vật liệu nổ.

Một đối tượng ở xã Na Ngoi (Kỳ Sơn) sử dụng vũ khí chống trả bị lực lượng chức năng bị bắt giữ cùng tang vật. Ảnh tư liệu Hồng Ngọc

Đơn cử ngày 15/6, Công an huyện Nghi Lộc tạm giữ hình sự 4 đối tượng để điều tra, xử lý về hành vi mua bán, vận chuyển 145 kg pháo hoa nổ trái phép gồm: Phạm Văn Tâm (SN 1990), trú tại phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò; Phan Trọng Hiến (SN 1982), trú tại xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên; Thái Bá Duy (SN 1994) và Nguyễn Văn Độ (SN 1982), cùng trú tại xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu.

Trước đó, ngày 1/6, đối tượng Cao Hồng Thanh (SN 1990), ở xóm Bắc Chiến Thắng và Đặng Xuân Tới (SN 1989), ở xóm Hải Nam, xã Diễn Bích bị Công an huyện Diễn Châu bắt giữ về hành vi mua bán trái phép chất ma túy mang theo vũ khí nóng. Ngoài tang vật thu giữ là hàng chục gói nhỏ hêrôin có tổng trọng lượng 5,9 gam cùng 18 viên ma túy tổng hợp, tiến hành khám xét nơi ở của Đặng Xuân Tới, lực lượng Công an còn phát hiện 1 khẩu súng quân dụng và 14 viên đạn.

Những tội phạm buôn bán ma túy có mang theo vũ khí, vật liệu nổ luôn tiềm ẩn nguy cơ gây thương tích, nguy hiểm đến tính mạng cho lực lượng đánh án và các cá nhân liên quan khi các đối tượng này chống trả, sử dụng các loại vũ khí. Điển hình như vụ việc xảy ra tại địa bàn huyện Quế Phong vào ngày 30/5/2022, khiến 1 chiến sỹ Công an bị trúng đạn khi vây bắt đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy, bị đối tượng dùng súng chống trả.

Tang vật thu giữ tại hiện trường vây bắt đối tượng buôn ma túy và dùng súng bắn trọng thương chiến sỹ Công an Quế Phong. Ảnh tư liệu Hồng Ngọc

Chỉ tính riêng trong 2 tháng (5 và 6/2022), trên địa bàn tỉnh có 5 vụ việc các đối tượng tội phạm, vi phạm pháp luật sử dụng vũ khí “nóng” chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ. Ngoài ra, các lực lượng chức năng còn phát hiện, xử lý hàng chục vụ việc liên quan buôn bán, tàng trữ sử dụng vật liệu nổ như các loại súng, pháo…

Năm 2021, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã khởi tố 14 vụ, 16 bị can về tội “Tàng trữ, sử dụng, mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí và vật liệu nổ”; trong đó, xử lý 1.047 vụ vi phạm về tàng trữ, buôn bán pháo nổ, thu 5,9 tấn pháo nổ các loại.

Trong quý 1/2022, các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng các cấp đã phối hợp phát hiện, bắt, xử lý 44 vụ, 56 đối tượng phạm tội, thu giữ 10,5 bánh hêrôin, 112.368 viên ma túy tổng hợp, 10 kg ma túy dạng đá, 153 kg pháo nổ và nhiều tang vật nguy hiểm khác như súng, dao, kiếm các loại.

Tập trung tuyên truyền, vận động

Một trong những giải pháp ngăn chặn triệt để những vi phạm pháp luật liên quan đến buôn bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ là công tác vận động người dân tự giác giao nộp phương tiện, vật liệu không được phép sử dụng. Ví như từ ngày 29/5 đến ngày 3/6, các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng đứng chân trên địa bàn như Công an, cán bộ tư pháp tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp được 50 khẩu súng tự chế, 8 bộ kích điện.

Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác thăm hỏi chiến sỹ công an bị đối tượng buôn ma túy bắn bị thương khi đánh án. Ảnh tư liệu Vương Linh

Trong đó, ở địa bàn xã Tri Lễ, huyện Quế Phong người dân giao nộp được 14 khẩu súng kíp, 11 khẩu súng cồn; người dân xã Thông Thụ giao nộp được 9 khẩu súng tự chế, 8 kích điện, 2 ắc quy và một số công cụ hỗ trợ khác…Trong 6 tháng đầu năm 2022, đơn vị Bộ đội Biên phòng phối hợp địa phương vận động được 88 người giao nộp vũ khí, thu hồi 105 súng tự chế, 7 nòng súng. Ở huyện Anh Sơn, ngày 26/5, Công an huyện tổ chức tiêu hủy 250 khẩu súng tự chế, 44 vũ khí thô sơ các loại, 1 dùi cui điện. Đây là số vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thu hồi qua các đợt vận động nhân dân giao nộp trong năm 2021.

Không chỉ ở Nghệ An, việc tội phạm sử dụng vũ khí nóng chống trả lực lượng chức năng, hoặc buôn bán, vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ cũng diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Vì vậy, Bộ Công an yêu cầu lực lượng Công an các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội, phối hợp các lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật nhằm thu hồi triệt để vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ còn tồn đọng ngoài xã hội. Tổ chức rà soát, lập danh sách các đối tượng có tiền án, tiền sự, biểu hiện nghi vấn tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để có biện pháp tuyên truyền, vận động và đấu tranh, xử lý.

Công an huyện Anh Sơn vận động nhân dân tự giác giao nộp 250 khẩu súng các loại. Ảnh tư liệu Thái Hiền

Tăng cường công tác nắm tình hình, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân để kịp thời phát hiện, có phương án xử lý các vụ việc, không để mâu thuẫn tích tụ kéo dài, không để phát sinh tội phạm, trong đó, có tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây án. Đồng thời, làm tốt công tác tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Đối với các vụ án xảy ra có liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phải tập trung điều tra làm rõ, truy xét nguồn gốc vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để xử lý nghiêm các đối tượng.

Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự được quy định tại Điều 304, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Điều luật quy định mức hình phạt của tội phạm này được chia thành 4 khung.

Theo đó, Khung 1 (Khoản 1) có mức phạt tù từ 01 - 07 năm. Khung 2 (Khoản 2) có mức phạt tù từ 05 - 12 năm. Khung 3 (Khoản 3) có mức phạt tù từ 10 - 15 năm. Khung 4 (Khoản 4) có mức phạt tù từ 15 - 20 năm hoặc tù chung thân.

Ngoài việc bị áp dụng một trong các hình phạt chính nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 - 05 năm.

Hoài Thu