Xử lý tài sản công sau sáp nhập - Bài 1: Lúng túng phương án sắp xếp

Mai Hoa - Thành Duy 11/07/2022 14:47

(Baonghean.vn) - Sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và sáp nhập khối, xóm, thôn, bản (gọi chung là xóm) đặt ra vấn đề dôi dư cơ sở vật chất, lãng phí nguồn lực đầu tư, đất đai. Phương án xử lý cho câu chuyện này đang lúng túng.

NHIỀU TRỤ SỞ, NHÀ VĂN HÓA… “PHƠI NẮNG, PHƠI SƯƠNG”

Thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết số 831 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thị trấn Nam Đàn được mở rộng địa giới hành chính, tăng quy mô dân số trên cơ sở sáp nhập một phần diện tích và dân số từ xã Nam Thượng (cũ) và toàn bộ diện tích, dân số của xã Vân Diên (cũ). Sau sáp nhập, trụ sở làm việc của thị trấn được chuyển về trụ sở xã Vân Diên, còn trụ sở cũ của thị trấn 3 tầng khang trang, mới đưa vào sử dụng 3 năm tính từ thời điểm sáp nhập trên diện tích gần 3.000 m2 đang để hoang.

Trụ sở thị trấn Nam Đàn cũ được xây dựng 3 năm tính thời điểm sáp nhập, nay đang bỏ không.

Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Hải - Chủ tịch UBND thị trấn Nam Đàn cho hay, mặc dù diện tích đẹp, nhưng hiện nay đất của trụ sở này chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mặt khác, công năng sử dụng để phù hợp với tổ chức, cá nhân đấu thầu cũng khó đáp ứng; nếu đưa vào làm trụ sở Công an xã thì lại biệt lập, xa trung tâm xã, trung tâm dân cư, vì vậy, địa phương đang lúng túng trong xử lý.

Hiện tại, hàng tháng địa phương còn phải trích ngân sách 1 triệu đồng thuê người bảo vệ trụ sở này".

Ông Nguyễn Hồng Hải - Chủ tịch UBND thị trấn Nam Đàn

Ở thị trấn Nam Đàn còn có 3 cơ sở khác cũng đang rơi vào tình trạng bỏ hoang, gồm Trạm y tế thị trấn cũ, Trường Tiểu học Nam Thượng cũ và Văn phòng Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Vân Diên (cũ) nay đã giải thể, riêng Trạm y tế thị trấn do diện tích nhỏ chỉ có khoảng 500 m2, lối vào hẹp, nên để nói phương án xử lý khả thi cũng đang khó khăn. Đối với các nhà văn hóa khối, từ 31 khối, sau sáp nhập còn 19 khối và hiện tại đang thừa 11 nhà văn hóa (do khối Phan Bội Châu sáp nhập 3 khối nhưng không sử dụng nhà văn hóa cũ của 3 khối cũ mà sử dụng nhà văn hóa khác ở địa điểm khác). Trong 11 nhà văn hóa dư thừa này, ngoại trừ 2 nhà văn hóa cũ của khối Phan Bội Châu đang được tận dụng để cho thuê mượn làm cơ sở sản xuất thì còn lại đều bỏ hoang.

Đoàn công tác của Thường trực HĐND tỉnh khảo sát trực tiếp cơ sở vật chất văn hóa khối Quang Trung, thị trấn Nam Đàn.

Ở xã Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn được sáp nhập bởi 3 xã: Nam Thượng, Nam Lộc, Nam Tân và hiện đang thừa 2 trụ sở làm việc, trong đó, 1 trụ sở đang giao cho trường trung học cơ sở và 1 trụ sở giao cho xóm quản lý. Ngoài ra, trụ sở Trạm Y tế xã Nam Lộc (cũ) đang bỏ không.

Tương tự tại xã Minh Châu, huyện Diễn Châu được hình thành sau khi sáp nhập 3 xã Diễn Minh, Diễn Bình, Diễn Thắng và tiến hành sắp xếp cơ sở vật chất, thì hiện 2 Trạm Y tế Diễn Minh và Diễn Thắng đang bỏ không hoàn toàn và chưa có hướng xử lý. Còn trụ sở xã Diễn Minh (cũ) được giao cho chùa Cổ Am quản lý và sử dụng; trụ sở xã Diễn Bình (cũ) làm trụ sở Công an xã và nơi làm việc của khối Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể.

Nghệ An đã tiến hành sáp nhập 4.108 đơn vị hành chính, khối, xóm, đơn vị sự nghiệp công lập; trong đó, sáp nhập 35 xã (giảm 20 xã), sáp nhập 3.903 khối, xóm, bản (giảm 2.090 khối, xóm); sáp nhập 170 đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp huyện (giảm 101 đơn vị). Theo đó, sau sáp nhập có 476 cơ sở dôi dư, trong đó, các đơn vị cấp xã dôi dư 37 cơ sở; các khối, xóm, bản dôi dư 400 cơ sở, các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, các huyện dôi dư 39 cơ sở. Cùng với đó, tổng số cơ sở nhà, đất phải thực hiện sắp xếp sau sáp nhập là 4.302 cơ sở, với tổng diện tích đất hơn 5.987.638 m2 và diện tích nhà là hơn 715.994 m2; trong đó, cấp xã 184 cơ sở; khối, xóm, bản 3.937 cơ sở; đơn vị sự nghiệp công lập 181 cơ sở.

Một góc huyện Diễn Châu. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn

THỪA SỐ LƯỢNG, THIẾU QUY MÔ

Cùng với thừa cơ sở vật chất quy mô cấp xã, thực tiễn hiện nay, cơ sở vật chất nhà văn hóa ở các xóm thực hiện sáp nhập đang xảy ra mâu thuẫn, thừa số lượng, thiếu quy mô. Tại xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, từ 19 xóm sáp nhập còn 10 xóm, giảm 9 xóm, đồng nghĩa thừa 9 nhà văn hóa. Theo ông Cao Văn Dũng - Công chức Văn hóa xã, hiện tại các xóm sau sáp nhập đều lựa chọn 1 nhà văn hóa làm nơi sinh hoạt. Tuy nhiên, do quy mô hộ dân trước khi sáp nhập chỉ 70 - 150 hộ/xóm, tương ứng nhà văn hóa xóm cũng chỉ đáp ứng đúng quy mô hộ dân đó; nhưng sau sáp nhập, quy mô dân số tăng từ 150 - 320 hộ dân/xóm thì nhà văn hóa hiện tại không thể đáp ứng về quy mô. Khi họp dân, các xóm phải đặt thêm ghế ngoài hiên và sân để làm chỗ ngồi cho dân.

Như ở xóm 10, theo chia sẻ của Xóm trưởng Lê Khánh, từ quy mô số dân chỉ có hơn 60 hộ ở xóm 11 và hơn 90 hộ dân ở xóm 15, nay sáp nhập xóm có quy mô trên 150 hộ dân. Sáp nhập xóm có 2 nhà văn hóa, nhưng xóm lựa chọn một nhà để làm nơi sinh hoạt, thừa một nhà văn hóa, song nhà văn hóa đang sử dụng hiện tại không đáp ứng được chỗ ngồi sinh hoạt cho người dân, rất khó khăn. Tương tự, ở xóm 6, từ dân số của 2 xóm 9 và 10 (cũ) sáp nhập thành quy mô quy mô hơn 250 hộ, nhà văn hóa và khuôn viên của 2 xóm cũ đều không đáp ứng nhu cầu xóm mới. Hiện tại, xóm đang có nhu cầu xây dựng nhà văn hóa khác ở một địa điểm mới để vừa đáp ứng về quy mô nhà văn hóa gắn với khuôn viên theo tiêu chí quy định.

Nhà Văn hóa xóm 8-9, xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc sau sáp nhập không đáp ứng đủ chỗ ngồi cho quy mô hộ dân.

Có thể nói, đến nay đã 3 năm, tính từ thời điểm bắt đầu thực hiện sáp nhập, việc xử lý tài còn tỏ ra lúng túng. Qua khảo sát thực tế, nhiều nơi có tình trạng lãng phí trong việc sử dụng trụ sở, tài sản do không sử dụng hoặc công năng sử dụng đạt thấp. Một số địa phương có các cơ sở còn mới, khang trang bị bỏ hoang, gây lãng phí nhưng không sớm đề xuất phương án để xử lý. Một số cơ sở nhà đất xóm, khối sau sáp nhập không có nhu cầu sử dụng, tuy nhiên, tài sản trên đất là nguồn vốn ngân sách đầu tư xây dựng, quyền sử dụng đất là do Nhân dân trong xóm tự góp tiền mua (chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Một số cơ sở nhà, đất đã điều chuyển cho đơn vị khác sử dụng nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt (như huyện Hưng Nguyên có trụ sở cũ của UBND xã Hưng Xá điều chuyển cho Trường Mầm non Hưng Xá; một số cơ sở thì đã chuyển cho Công an xã làm trụ sở...).

Vừa qua, tại phiên giải trình về công tác quản lý và sử dụng tài sản công sau sáp nhập đơn vị hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh do Thường trực HĐND tỉnh tổ chức, ông Trần Việt Dũng - Phó Giám đốc Sở Tài chính - đơn vị được giao chủ trì tham mưu xử lý tài sản công sau sáp nhập - cũng cho rằng, một số địa phương còn lúng túng, chưa thống nhất phương án sắp xếp, hồ sơ pháp lý chưa có và chưa thực sự tích cực, quan tâm chỉ đạo quyết liệt nên việc trình phê duyệt phương án sắp xếp còn chậm.

Trụ sở xã Hưng Tiến (cũ), huyện Hưng Nguyên sau sáp nhập với xã Hưng Thắng thành xã Hưng Nghĩa hiện đang được bố trí cho các cơ quan, đoàn thể xã sử dụng.

(Còn nữa)

Mai Hoa - Thành Duy