Đầu tư nguồn lực, nâng cao hiệu quả công tác dân số

Mỹ Hà 11/07/2022 15:51

(Baonghean.vn) -  Kỷ niệm Ngày Dân số thế giới (11/7) năm nay, Quỹ Dân số Liên hiệp quốc đã lựa chọn chủ đề “Thế giới 8 tỷ người: Để hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả mọi người cần khai thác cơ hội và đảm bảo quyền, lựa chọn cho tất cả mọi người". Đây cũng là nhiệm vụ của ngành Dân số Nghệ An với mục tiêu sớm ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số, xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH - HĐH quê hương, đất nước.

Nhiều vấn đề bất cập về quy mô và chất lượng dân số

Theo Tổng điều tra dân số năm 2019, Nghệ An có hơn 3,3 triệu người xếp thứ 4 trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước, gấp khoảng 3 lần dân số Đà Nẵng. Với tỷ lệ bình quân tăng hàng năm là 1,33% (giai đoạn 2009 - 2019) và cao hơn cả nước (tỷ 1,14%) thì dự báo đến năm 2032 dân số Nghệ An sẽ tăng lên trên 3,6 triệu người và trên 3,8 triệu người vào năm 2045.

Điều đáng nói, dù chương trình kế hoạch hóa gia đình của tỉnh đã khởi động từ năm 1961 nhưng hiện nay mức sinh ở Nghệ An vẫn cao thứ 2 trong số các tỉnh, thành của cả nước và Nghệ An vẫn chưa đạt mục tiêu “gia đình 2 con”.

Mức sinh và quy mô dân số ở Nghệ An đang có sự chênh lệch giữa các huyện miền núi và khu vực đồng bằng, thành thị. Ảnh: Mỹ Hà

Mức sinh cao này “không những làm tăng nhanh quy mô dân số mà còn làm thay đổi cơ cấu dân số theo tuổi, qua đó, thách thức nhiều mặt phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.

Ông cũng cho rằng, về lý thuyết thì đông dân, thị trường lớn, lao động dồi dào, tạo điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế còn nghèo, vốn ít, cơ sở vật chất kỹ thuật chưa đảm bảo thì đông dân cũng gây ra thách thức về việc làm, giáo dục, chăm sóc y tế...

Trong khi đó, hiện nay tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm được đào tạo từ sơ cấp trở lên ở Nghệ An còn thấp hơn cả nước (số liệu năm 2019, tỷ lệ của Nghệ An là 20,6%, tỷ lệ này thấp hơn so với vùng (22,6% và cả nước là 23%). Chất lượng dân số chưa cao sẽ khó có năng suất lao động cao và do đó, khó đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế

GS.TS Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội - Đại học Kinh tế quốc dân

Nhận định về dân số Nghệ An, mới đây tại cuộc Hội thảo khoa học “Một số vấn đề về dân số Nghệ An trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững”, nhiều ý kiến đi vào phân tích cụ thể về quy mô, chất lượng dân số và cả những bất cập về dân số Nghệ An hiện nay.

Đơn cử như vấn đề quy mô dân số Nghệ An, mặc dù quy mô dân số của Nghệ An rất đông, nhưng chỉ có 3/21 huyện, thành, thị có quy mô dân số trên 300.000 người là Diễn Châu, Yên Thành và thành phố Vinh. Tốc độ tăng dân số ở khu vực thành thị là 2,68% và ở khu vực nông thôn là 1,12%. Mức độ gia tăng dân số có tỷ lệ chênh lệch cao, nơi cao nhất lên đến 20% nhưng gia tăng dân số ở huyện Tương Dương chỉ 7%, bởi đây là huyện khó khăn, dân số muốn di cư đến thấp hơn rất nhiều so với dân số di cư đi.

Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Nghệ An còn thấp so với cả nước. Ảnh: Mỹ Hà

Theo Tiến sỹ Trần Quý Long - Viện Nghiên cứu gia đình và giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: “Nghệ An nên xem xét đầu tư nhằm tăng sức hấp dẫn của một số trung tâm đô thị khác của tỉnh, chia sẻ sức hút nhập cư vào thành phố Vinh.

Sự đầu tư này cũng nên chú trọng đến việc nâng cao phúc lợi và cơ hội cho cư dân đô thị ở các huyện, giảm bớt sự bất bình đẳng đang tồn tại giữa các trung tâm đô thị ở Nghệ An. Hiện nay, mặc dù địa bàn tỉnh Nghệ An rất rộng nhưng có đến 6/11 huyện miền núi có quy mô dân số thấp hơn 100.000 người. Địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, giao thông khó khăn, kinh tế kém phát triển nên hạn chế sự phát triển dân số cơ học ở huyện miền núi Nghệ An. So với các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, Nghệ An là tỉnh có tỷ lệ dân số thành thị thấp nhất. Điều này cho thấy, xu hướng đô thị hóa ở Nghệ An diễn ra không mạnh”.

Cần sự quan tâm và đầu tư đồng bộ

Năm nay, chủ đề của Ngày Dân số thế giới là "Thế giới 8 tỷ người: Để hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả mọi người cần khai thác cơ hội và đảm bảo quyền, lựa chọn cho tất cả mọi người".

Đây là bức thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ nhằm kêu gọi các quốc gia, các nhà hoạch định chính sách "cần đầu tư cho nhân lực và vật lực vì một xã hội hòa nhập, hiệu quả, đảm bảo quyền con người và quyền sinh sản. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể giải quyết những thách thức to lớn mà hành tinh của chúng ta phải đối mặt và xây dựng một thế giới nơi sức khỏe, nhân phẩm và giáo dục là quyền và thực tế phải diễn ra, không phải là đặc quyền và những lời hứa suông. Trong một thế giới 8 tỷ người phải luôn có không gian cho các cơ hội".


Tuyên dương các gia đình thực hiện tốt chính sách dân số nhân Ngày Dân số thế giới. Ảnh: Công Kiên

Trở lại với Nghệ An, để “hướng tới một tương lai bền vững” thì việc đầu tư và quan tâm cho dân số là một vấn đề hết sức quan trọng. Trong khi bên cạnh những thực trạng như đã phân tích ở trên thì công tác dân số ở Nghệ An đang phải đối diện với rất nhiều thách thức như là mức sinh cao (2,79 con), đứng thứ 2 cả nước (sau Hà Tĩnh); đặc biệt, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao và có xu hướng tiếp tục tăng ở hầu hết các huyện, thành, thị; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức báo động; chất lượng dân số mặc dù đã được nâng lên nhưng vẫn còn hạn chế; tỷ lệ trẻ sơ sinh mắc các bệnh, tật di truyền, suy dinh dưỡng còn ở mức cao, chỉ số phát triển con người còn thấp.

Đây thực sự là bài toán khó đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, như các nhu cầu: nhà ở, học hành, khám, chữa bệnh, việc làm, vui chơi, giải trí, nâng cao chất lượng toàn diện của con người và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà trong tương lai.

Học sinh huyện Anh Sơn hưởng ứng Chiến dịch Truyền thông dân số. Ảnh: Mỹ Hà.

Ông Nguyễn Bá Tân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho rằng: Trong những năm qua, với sự vào cuộc của chính quyền các cấp, sự nỗ lực bền bỉ của cơ quan chuyên trách công tác dân số và phát triển từ tỉnh đến cơ sở, sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể và sự hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân, công tác Dân số của tỉnh Nghệ An đã đạt được những kết quả quan trọng. Những kết quả đó đã góp phần rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm, xóa đói, giảm nghèo và nâng cao mức sống của nhân dân.

Tuy nhiên, với những khó khăn hiện tại, công tác dân số của tỉnh nhà cần tiếp tục thực hiện các mục tiêu, đó là giảm sinh và giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng; phân bố dân số hợp lý; từng bước nâng cao chất lượng dân số.

Tuyên truyền việc thực hiện về Chính sách Dân số - KHHGĐ cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Mỹ Hà

Với những bất cập và khó khăn, nhiều chuyên gia về ngành Dân số cũng đã đưa ra nhiều giải pháp cho công tác dân số ở Nghệ An trong thời gian tới để qua đó vừa nâng cao chất lượng dân số, vừa phát huy được lợi thế dân số trong phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, cần tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch hóa gia đình, đặc biệt là vùng nông thôn, nâng cao chất lượng dân số từ sớm, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, phát triển đào tạo nghề, thích ứng với già hóa dân số.

Bên cạnh đó, khuyến khích đầu tư, đẩy mạnh công nghiệp hóa, thúc đẩy di cư nông thôn, thành thị, chuyển dịch mạnh mẽ lao động theo hướng hiện đại. Đồng thời, xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế lồng ghép các yếu tố dân số trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của ngành, từng lĩnh vực, đảm bảo nguyên tắc con người là trung tâm của phát triển.

Mỹ Hà