Ngành Công Thương ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả hàng hóa

Nguyễn Hải 14/07/2022 10:51

(Baonghean.vn) - Nhằm rút kinh nghiệm và kịp thời bổ cứu các giải pháp điều hành, phân phối hàng hóa, kiểm soát giá cả, sáng 14/7, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ Công Thương 6 tháng cuối năm 2022.

Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương. Cùng dự có đại diện các bộ, ngành liên quan, đại diện Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố và đại diện cộng đồng các doanh nghiệp.

Chủ trì tại điểm cầu Nghệ An có đồng chí Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương. Cùng dự có đại diện các sở, ngành liên quan.

Các đại biểu Nghệ An theo dõi Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Công Thương 6 tháng cuối năm. Ảnh: Nguyễn Hải

Mở đầu hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thay mặt Bộ Công Thương phát biểu khai mạc nêu bối cảnh và tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, những yếu tố địa chính trị ảnh hưởng đến thị trường giá cả, chuỗi cung ứng và nguyên liệu đầu vào cho nền kinh tế. Các biện pháp phòng chống dịch Covid -19 và giải pháp điều hành phục hồi kinh tế của Chính phủ, Bộ Công Thương…

Nhờ vậy, sau 6 tháng đầu năm, cơ bản các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt mức đề ra, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tăng 8,48%, cao hơn so với mức tăng chung của toàn nền kinh tế và cùng kỳ năm trước; quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng với chỉ số công nghiệp IIP tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước; các nhóm ngành có sự phục hồi nhanh; chỉ số tiêu thụ và chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cải thiện theo hướng tích cực.

Trên lĩnh vực xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 371,3 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu tăng 17,3% so với cùng kỳ, đạt hơn 186 tỷ USD; xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng cao hơn khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài FDI; xuất khẩu tăng đều ở các nhóm hàng; 6 tháng đầu năm có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, các doanh nghiệp đã tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do FTA, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 185,3 tỷ USD, cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu 743 triệu USD.

Các doanh nghiệp và khách hàng trao đổi kết nối tại một hội nghị xúc tiến thương mại và đầu tư do Nghệ An tổ chức sau dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế. Ảnh: Nguyễn Hải

Thị trường trong nước tiếp tục ổn định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu phục hồi tích cực; hầu hết địa phương đã triển khai tích cực các chương trình khuyến mại, kích cầu, kết nối tiêu thụ hàng hóa; thương mại điện tử tiếp tục trở thành phương thức phân phối quan trọng. 6 tháng đầu năm, thị trường thế giới có nhiều biến động, giá cả hàng hóa trong nước chịu ảnh hưởng của giá thế giới nhưng ngành đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan và đề xuất Chính phủ có các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Cùng với điều tiết hàng hóa, điều hành cung cầu, công tác quản lý nhà nước về công thương tiếp tục đạt được kết quả tích cực, các khung pháp lý quản lý và điều hành ngày càng đầy đủ và hoàn thiện.

Sau khi khống chế cơ bản dịch Covid-19 và chuyển sang trạng thái bình thường mới, các hoạt động giao thương và trao đổi hàng hóa đã trở lại bình thường. Ảnh: Nguyễn Hải

Bên cạnh kết quả tích cực trên, tại hội nghị, đại diện các Cục, vụ trực thuộc và một số địa phương đã có tham luận nói rõ kết quả và kinh nghiệm điều hành quản lý tại địa phương mình, đồng thời chỉ ra những tồn tại hạn chế, nguyên nhân và cả giải pháp khắc phục.

Tại Nghệ An, 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm GRDP ước đạt 46.426 tỷ đồng, tăng 8,44% (riêng công nghiệp ước đạt 7.509 tỷ đồng, tăng 12,67% so với cùng kỳ năm 2021). Các chỉ tiêu cơ bản lĩnh vực công nghiệp, thương mại đều tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021 và đảm bảo tiến độ kế hoạch. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 41.625 tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2021, đạt 45% kế hoạch. Tổng mức bán lẻ hàng hoá ước đạt 42.758 tỷ đồng, tăng 28,83% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 57,78%/KH, vượt 15,56% kịch bản.

Ưu tiên chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại của ngành Công Thương từ nay đến cuối năm 2022. Ảnh Tư liệu Báo Nghệ An

Theo Bộ Công Thương, 6 tháng cuối năm ngành phấn đấu chỉ số công nghiệp IIP tăng 7-8%, duy trì xuất siêu và kim ngạch xuất khẩu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 8% là khá áp lực.

Hiện tại, tình hình địa chính trị và thị trường giá cả diễn biến còn khá phức tạp vì thế, ngành Công Thương sẽ tập trung điều hành theo các nhóm giải pháp là tiếp tục triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiệm vụ và giải pháp được giao theo các Nghị quyết 01 và 02 của và Chương trình phục hồi kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; ưu tiên cao cho các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả; đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy phát triển sản xuất; tăng cường kỷ luật, kỷ cương và tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Theo dõi các tham luận báo cáo của các Cục, vụ trực thuộc Bộ Công Thương và một số địa phương. Ảnh: Nguyễn Hải

Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến phát biểu tham luận, đại diện Bộ Công Thương kết luận buổi làm việc, trong đó thống nhất cao với các nhóm giải pháp đề xuất trong dự thảo nhưng cũng bổ cứu một số giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt nhưng linh hoạt chủ động hơn để ổn định giá cá, kiềm chế lạm phát và giữ vững các chỉ tiêu tăng trưởng./.

Nguyễn Hải