Nâng cao hiệu quả lưu trữ hồ sơ và áp dụng lịch canh tác cho nông dân
(Baonghean.vn) - Lưu trữ hồ sơ và áp dụng lịch canh tác trong sản xuất nông nghiệp và tiếp thị nông sản là khâu rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, nhưng thực tế, nông dân Nghệ An còn rất nhiều hạn chế trong tiếp cận và thực hiện.
Nhằm nâng cao hiệu quả lưu trữ hồ sơ và áp dụng lịch canh tác để cải tiến trong sản xuất nông nghiệp và tiếp thị nông sản cho nông dân Nghệ An, sáng 15/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo Hệ thống lưu trữ hồ sơ hiệu quả trong nông nghiệp.
Các đại biểu tham dự hội thảo sáng 15/7. Ảnh: Phú Hương |
Tham dự hội thảo có các ông: Murooka Naomichi, KuboYoshitomo - Phó trưởng đại diện Văn Phòng JICA Việt Nam; đại diện một số công ty của Nhật Bản.
Về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch, cùng đại diện lãnh đạo các địa phương trong tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Murooka Naomichi nêu rõ, cần nâng cao sự hiểu biết về tầm quan trọng của việc lưu trữ hồ sơ trong nông nghiệp bằng các phần mềm và công nghệ số, với các nội dung như xác định chi phí trồng trọt, làm rõ kế hoạch công việc.
"Một mục tiêu quan trọng của lưu trữ hồ sơ là đáp ứng yêu cầu bên mua về vấn đề truy xuất nguồn gốc", ông Murooka Naomichi nhấn mạnh. |
"Việc lưu trữ hồ sơ quan trọng là bởi nó giúp giảm chi phí, cải thiện năng suất, đáp ứng được yêu cầu của bên mua về vấn đề truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm, phân biệt sản phẩm bằng chứng nhận an toàn”, ông Murooka Naomichi nhấn mạnh.
Kết luận hội nghị sau khi nghe 5 báo cáo, thuyết trình đến từ Văn phòng cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), và các Công ty Nafood, Glyco, Kamereo, Nagase cùng ý kiến phát biểu thảo luận của các đại biểu, đồng chí Võ Thị Nhung nhận định thực tế, nông dân Nghệ An còn rất nhiều hạn chế trong tiếp cận, thực hiện lưu trữ hồ sơ cũng như áp dụng lịch canh tác trong sản xuất nông nghiệp và tiếp thị nông sản.
Vì thế, cần đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nhất là công nghệ số vào sản xuất nhằm giảm các chi phí, nâng cao giá trị gia tăng và chất lượng của sản phẩm trong từng lĩnh vực của sản xuất nông sản.
Bà Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Những thông tin từ hội thảo sẽ góp phần giúp Nghệ An từng bước định hướng các hoạt động trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Phú Hương |
Qua các chia sẻ tại hội thảo, các đại biểu đã nắm bắt được các điều kiện và yêu cầu thu mua nguyên liệu thô cho công nghiệp chế biến thực phẩm và cách thức tiếp thị nông sản của Công ty Nafood và Công ty Glyco, Kamereo của Nhật Bản và một số công ty khác.
“Những thông tin này sẽ góp phần giúp cho ngành Nông nghiệp của tỉnh Nghệ An từng bước định hướng được các hoạt động trong sản xuất nông nghiệp nhằm đáp ứng được tốt hơn các yêu cầu của thị trường gắn với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị thu nhập cho người nông dân”, đồng chí Võ Thị Nhung phát biểu.
Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh hướng dẫn người trồng cam ở huyện Con Cuông về quy trình sản xuất an toàn. Ảnh: Phú Hương |
Ngay sau hội thảo này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ giao cho Ban Quản lý Diễn đàn thị trường nông nghiệp chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương tiếp tục phối hợp và làm việc với các công ty để nắm bắt các hoạt động, điều kiện và phương thức thu mua nông sản. Từ đó, tìm kiếm và kết nối các công ty với các đơn vị, cá nhân sản xuất, nhằm đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Nghệ An trong thời gian tới.