Cơn ác mộng khủng khiếp của châu Âu nếu Nga mạnh tay cắt vĩnh viễn nguồn cung khí đốt
Nếu Nga sẵn sàng mạnh tay cắt vĩnh viễn nguồn cung khí đốt, đó sẽ là cơn ác mộng khủng khiếp của châu Âu với những hệ quả nghiêm trọng không chỉ về kinh tế mà còn cả chính trị, xã hội.
Cú sốc to lớn cho nền kinh tế
Cách đây một vài tuần, Hãng tài chính JP Morgan của Mỹ đã đưa ra cảnh báo rằng, nếu Nga hoàn toàn dừng xuất khẩu dầu mỏ, nền kinh tế thế giới sẽ trải qua cú sốc lớn tới nỗi giá dầu tăng gấp tư, lên gần 400 USD/thùng. Mức giá hiện nay là khoảng 100 USD/thùng.
Do thế giới vẫn phụ thuộc lớn vào dầu mỏ nên cú sốc này với nền kinh tế toàn cầu thậm chí sẽ tồi tệ hơn nhiều so với những gì diễn ra vào những năm 1970, và có nguy cơ đẩy nhiều quốc gia rơi vào một cuộc suy thoái sâu.
Ảnh minh họa: Dreamstime |
Ngoài ra, tuần này, Nga đã dừng cung cấp hầu hết khí tự nhiên tới châu Âu qua đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 như một phần trong kế hoạch bảo trì thường xuyên. Moscow cũng cắt giảm vận chuyển khí đốt tới một số nước châu Âu vào những tháng qua, động thái được cho là khiến giá năng lượng tăng cao liên tục. Không khó để thấy điều gì sẽ diễn ra tiếp theo và vì sao tác động của việc này lại mạnh mẽ như vậy.
Nga đã kiếm được hàng tỷ USD từ dầu mỏ và khí đốt nhờ giá năng lượng tăng cao kể từ khi tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, bất chấp các lệnh trừng phạt cứng rắn của phương Tây. Giá dầu mỏ và khí đốt được quy định theo quốc tế nhưng trong thị trường này, Nga đóng vai trò chi phối. Giữa bối cảnh nguồn cung thế giới bị kéo căng đến cực hạn, nếu có thêm một lệnh cấm xuất khẩu từ Nga, điều này sẽ đẩy giá năng lượng lên mức mà JP Morgan gọi là "cao khủng khiếp".
Trong khi bản thân Mỹ có nhiều nguồn cung để tự đáp ứng nhu cầu của chính mình thì châu Âu phụ thuộc lớn vào Nga. Ngành công nghiệp Đức và Italy sẽ bị tê liệt do giá năng lượng tăng cao và hàng nghìn công ty sẽ phá sản. Sau đó hàng triệu người sẽ thất nghiệp và hóa đơn năng lượng sẽ tăng chóng mặt một cách không ổn định. Hàng triệu người thậm chí không thể nấu ăn hay sử dụng ô tô.
Phương Tây cáo buộc Nga đang sử dụng nhiên liệu hóa thạch làm vũ khí. Gần đây, Nga đã cắt nguồn cung khí đốt tới một số quốc gia châu Âu nếu họ không thanh toán bằng đồng rúp. Cuộc chiến ở Ukraine cũng hạn chế việc xuất khẩu lương thực và đẩy giá lương thực trên thế giới tăng cao.
Một số quan điểm cho rằng việc Nga cắt nguồn cung sang châu Âu chẳng khác gì cắt đi nguồn thu nhập của chính mình nhưng điện Kremlin hiện có đủ khả năng tài chính để đối phó với việc này.
Thay vào đó, việc Nga cắt nguồn cung khí đốt có thể gây ra cú sốc to lớn cho các nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt. Các thị trường chứng khoán có thể lao dốc và hàng nghìn công ty phá sản trong khi cung không thể đáp ứng cầu về năng lượng. Hàng triệu người sẽ thất nghiệp và phương Tây ngay lập tức mất đi ý chí chính trị để tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Ukraine.
Thời gian của châu Âu đang cạn dần
Thời gian của châu Âu đang cạn dần khi châu lục này phải thừa nhận và chuẩn bị đối phó với công cụ quyền lực nhất của Nga: Đó là dầu mỏ và khí đốt.
Khi cuộc chiến ở Ukraine kéo dài, hoặc thậm chí leo thang, các chuyên gia dự báo, các chính phủ châu Âu sẽ đứng trước sức ép từ những cử tri nghèo hơn, đói hơn và lạnh hơn. Thêm vào đó, sức ép từ dòng người nhập cư do cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, những đợt nắng nóng hoành hành ở các nông trại, làn sóng Covid-19 mới và sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong mùa đông này khiến người ta đặt câu hỏi, các chính phủ phương Tây có thể duy trì sự đoàn kết trong bao lâu.
"Châu Âu sẽ đối mặt với ngày càng nhiều sức ép để kêu gọi "chấm dứt cuộc chiến hiện nay", nhà khoa học chính trị Ivan Krastev, Chủ tịch Trung tâm Chiến lược Tự do nhận định.
Một cuộc khảo sát gần đây do Nghị viện châu Âu tiến hành cho thấy, gần 60% người dân EU được hỏi nói rằng họ không sẵn sàng đối mặt với giá năng lượng và thực phẩm tăng cao. Khoảng 59% những người tham gia khảo sát bày tỏ, "những giá trị châu Âu như tự do và dân chủ cần được ưu tiên, thậm chí cả khi điều đó tác động đến giá cả và chi phí sinh hoạt".
Là một nhà xuất khẩu lương thực, phân bón, dầu mỏ và khí đốt lớn, Nga có ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế châu Âu. Điều này sẽ ngày càng rõ ràng hơn khi nhiệt độ giảm và các hộ gia đình phải chật vật để có đủ khí đốt.
Hiện nay, 12 quốc gia EU bị Nga cắt giảm khí đốt toàn bộ hoặc một phần. Tuần này, Nga đã tạm dừng cung cấp khí đốt tới Đức, cũng như Pháp, Italy và Áo qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1. Việc bảo trì các thiết bị của đường ống dự kiến sẽ kéo dài tới 21/7 nhưng các nước châu Âu lo ngại Moscow sẽ "tìm cớ để mở rộng thời gian tạm dừng việc cung cấp khí đốt" hoặc thậm chí dừng vô thời hạn.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck mới đây đã cảnh báo về "tháng ác mộng", có nguy cơ đe dọa đến tình hình xã hội nếu nguồn cung khí đốt khan hiếm đến mức cần chính phủ phân phối theo tỷ lệ. Ngày 10/7, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cũng cho rằng ông tin là việc "Nga cắt hoàn toàn khí đốt" là một "lựa chọn có khả năng xảy ra nhất".
EU đã thông qua những quy định mới, yêu cầu các quốc gia tăng cường dự trữ khí đốt cho mùa đông khi lượng dự trữ hiện tại ở mức 62%. Nhưng ngay cả khi các đường ống thay thế hoạt động hết công suất và khí tự nhiên hóa lỏng được nhập khẩu thì các nước châu Âu hầu như khó có thể bù đắp nguồn cung thiếu hụt. Điều đó tức là các chính phủ buộc phải yêu cầu người tiêu dùng giảm nhu cầu hoặc cắt giảm mạnh năng lượng tiêu thụ của theo từng ngành.
Ông Alexander Gabuev, học giả cấp cao tại think tank Carnegie cũng cho rằng, nguy cơ Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt sang châu Âu là có thể xảy ra.
Sức ép từ Nga xảy ra vào thời điểm không thể tồi tệ hơn cho châu Âu khi châu lục này vẫn chịu tác động từ đại dịch Covid-19 và việc ngừng sản xuất đang gây ra tổn thất to lớn cho kinh tế toàn cầu.
Thậm chí trước khi lạm phát và thiếu hụt nguồn cung bắt đầu có tác động, một cuộc thăm dò dư luận ở 10 quốc gia do Hội đồng Đối ngoại châu Âu tiến hành vào đầu tháng này cho thấy EU đang chia rẽ về phản ứng với cuộc chiến ở Ukraine. 35% những người được hỏi muốn hòa bình đạt được sớm nhất có thể, thậm chí cả khi cái giá phải trả là Ukraine nhượng bộ Nga, trong khi 22% những người tham gia khảo sát tin rằng việc đánh bại Nga là con đường duy nhất để đạt được hòa bình.
Với nhiều người châu Âu, cắt giảm tiêu thụ không phải là một lựa chọn. Bỉ hiện là nước có hóa đơn tiện ích tăng nhanh nhất EU, ở mức 65,5% so với tháng 5/2021. Một phần nguyên nhân của việc này là Bỉ đang phải dùng tới các ngân hàng thực phẩm với mức độ "chưa từng có", ông Jozef Mottar, điều phối viên Hiệp hội Ngân hàng thực phẩm Bỉ cho hay.
Chuyên gia Tim Benton thuộc Chatham House dự đoán, cuộc khủng hoảng ở châu Âu sẽ kéo dài "một vài năm". Các nhà quan sát phương Tây đánh giá, chừng nào cuộc chiến ở Ukraine còn tiếp diễn thì chừng đó châu Âu có thể phải đi lại ít hơn, ăn đạm bạc hơn và mặc nhiều áo hơn thay vì chỉ cần vặn công tắc máy sưởi.