Chuyện chưa biết về nghề đan thép ép đá

Diệp Thanh 17/07/2022 10:04

(Baonghean.vn) - Xuất phát từ một hộ gia đình, nghề đan rọ đá âm thầm phát triển thành xóm, thành làng ở xã Hưng Chính (TP. Vinh). Dưới bàn tay dẻo dai, khéo léo của người thợ, những sợi thép như những sợi tơ, sợi nan được đan thành hình, thành khối một cách diệu kỳ.

Làng đan thép

Có mặt ở kho thép đối diện cây xăng Đông Vĩnh (TP. Vinh), tôi thật sự ấn tượng với hình ảnh rất nhiều những chiếc khung quay thép cùng lúc quay đều dưới sự điều khiển của những công nhân. Chiếc khung là một sáng tạo trong quá trình lao động của những người thợ đan rọ đá. Cấu tạo của thiết bị khung quay này không quá phức tạp. Với 2 khuôn tròn có thể linh hoạt điều chỉnh kích thước và hệ thống vòng bi ở trục, chiếc khung hoạt động hoàn toàn bằng sức người, hệt như những chiếc khung quay tơ ở các làng nghề dệt lụa. Khác nhau ở chỗ, những chiếc khung tròn quay thép được đặt nằm thay vì dựng đứng, những sợi thép dày, cứng và nặng gấp nghìn lần.

Thực hiện: Diệp Thanh

Vừa quay thép, ông Nguyễn Quốc Hưng - một người lớn tuổi trong nhóm công nhân, vừa giới thiệu: “Hồi trước, khi chưa có trục quay này, công nhân phải tự quay bằng tay, mỗi lần quay cần ít nhất 3 người ở 3 góc, vất vả và tốn thời gian vô cùng. Nay thì chỉ cần một người cũng làm được, lại còn nhanh và chính xác”.

Cũng theo chia sẻ của công nhân, làm việc với thép, những tình huống như bị thép chèn vào chân, móc vào tay là chuyện bình thường, ai cũng từng gặp. “Ngoài ra, công nhân cần phải đeo khẩu trang để hạn chế rủi ro bụi thép bay vào mắt, vào mũi nữa. Quá trình quay, tháo dỡ và đan thép sẽ bắn ra rất nhiều bụi nhỏ li ti mà mắt thường rất khó để thấy” - anh Nguyễn Ngọc Tú, một công nhân trẻ tuổi kể.

Công nhân đan rọ quay số lượng thép tương ứng với số rọ mình nhận đan từ xưởng. Ảnh: Diệp Thanh

Từ những vòng thép được quay theo đúng kích thước hàng mẫu, những công nhân dùng kéo cắt sắt để cắt rời thành đoạn và gập hình bán nguyệt, cân số lượng tương ứng sản phẩm nhận đan, chất lên xe máy, chở về nhà. Ở nhà, trước khi được đan, số thép cong hình bán nguyệt này còn có thêm một công đoạn uốn thẳng nữa. Vì tất cả những công đoạn chuẩn bị và sản xuất rọ đá đều được làm hoàn toàn bằng sức người với thiết bị hỗ trợ nên rọ đá có thể xem là một sản phẩm thủ công. Và khi chứng kiến những đôi tay đan thép thoăn thoắt, những công nhân cũng hệt như những nghệ nhân thực thụ.

Mọi công đoạn đan rọ hầu hết được làm bằng sức người. Ảnh: Diệp Thanh

Ở làng đan rọ đá, muốn biết nhà nào làm nghề thì chỉ cần nhìn vào sân là nhận ra ngay. Ở góc sân luôn là những bó thép, cuộn thép dựng sẵn. Mặt sân có đục các lỗ tròn để cắm cọc sắt làm khung đan. Trong số những người làm nghề đan rọ đá, vợ chồng bà Trần Thị Hà, ông Trần Quốc Cường được xem là những người thợ khéo tay, hay làm nhất. Trong khi chồng uốn thẳng các thanh thép, bà Hà đeo găng tay, cắm các cọc theo kích thước khung mẫu và dùng thép dày để kéo theo khung. Sau khi hoàn thành khung, bà cố định các sợi thép nhỏ hơn theo khoảng cách đã vạch sẵn trên nền nhà và bắt đầu đan mắt cáo các sợi lại với nhau. Sợi này móc vào sợi kia, góc này gập vào góc kia, hai tay bà Hà điều khiển các sợi thép thoăn thoắt, nhanh đến mức nếu chỉ nhìn qua sẽ khó có thể biết bà đã làm như thế nào, dẻo đến mức nhìn từ xa người ta tưởng bà đang đan sợi nan, sợi thừng. Trong tư thế ngồi xổm, tay người thợ vươn dài đến đâu, những lỗ mắt cáo thành hình đến đó.
Vừa đan, bà Hà vừa kể: “Hồi mới chuyển sang làm nghề này, tầm 2010 gì đó, sân nhà không đủ rộng nên vợ chồng tôi quyết định đục thềm. Cả cái thềm lát gạch mới cong bị đục lỗ chỗ, ai nhìn cũng xót, cũng trách. Nhưng có đục mới làm được nghề, có làm nghề mới có tiền chứ”.

Vợ chồng ông Cường, bà Hà đan rọ trên thềm nhà. Ảnh: Diệp Thanh

Kể chuyện nghề, ông Cường tiếp lời vợ: “Lúc mới làm, chưa quen việc, ai cũng sẽ bị tê chân, đau lưng, mỏi cổ vì ngồi xổm nhiều, bê vác nặng. Đôi tay uốn thép chưa quen sẽ nhức buốt như muốn rụng ra. Nhưng làm một thời gian, quen tay, quen việc thì lại thấy khoẻ, đan cả ngày, thậm chí hôm nào đơn nhiều, đan đến 1-2 giờ sáng vẫn thấy khoẻ re”.

“Những thời điểm nhiều đơn, quanh làng nhà nào cũng chong đèn đan rọ suốt đêm, ở xưởng tấp nập người vô ra quay thép, xe hàng đến khi tờ mờ sáng lại hò nhau đi bốc, đi dỡ, vui lắm!” – bà Trần Thị Hà nhớ lại.

Trang bị cần thiết khi đan rọ là một đôi găng tay bảo hộ để bảo vệ đôi tay và một đôi dép càng dày càng tốt để dẫm thép. Ảnh: Diệp Thanh

Để đan được một rọ đá hoàn chỉnh gồm 6 mặt của hình lập phương kích thước 2x1x0,5 theo mẫu mà ông Cường, bà Hà đang đan sẽ mất khoảng 30-45 phút, tương đương 20 nghìn đồng tiền công. Với những mẫu mắt lưới nhỏ hơn hoặc khép dày hơn thì thời gian đan lâu hơn, tiền công cũng sẽ cao hơn. Mức thu nhập không nhiều, thậm chỉ chỉ lấy công làm lãi, nhưng đã giúp gia đình ông bà và nhiều gia đình khác trong làng có thêm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống.

Biết ơn rọ đá

Là một trong những sản phẩm kỹ thuật được sử dụng vô cùng phổ biến trong các công trình xây dựng liên quan đến địa chất, rọ đá thường được đan bằng thép, dùng để đựng đá, nén đá, tạo nên những khối vững chãi. Với tính ứng dụng cao, rọ thường được sử dụng trong các công trình bảo về bờ kênh, bờ kè, đập nước, làm tường chắn để chống sạt lở, xói mòn, gia cố nền đất, bảo vệ đường bộ, đường sắt…

Từ sau dịch Covid-19, nhân công xưởng rọ đá của vợ chồng ông Sinh, bà Lịch giảm rất nhiều. Ảnh: Diệp Thanh

Ở Đông Vĩnh, người đầu tiên khởi xướng sản xuất sản phẩm này là vợ chồng ông Nguyễn Trường Sinh và bà Nguyễn Thị Kim Lịch. Vốn là công nhân của Công ty Vật tư đường sắt, sau khi nghỉ hưu sớm, nhìn thấy cơ hội từ sản xuất rọ đá phục vụ các công trình xây dựng, vợ chồng bà Lịch quyết định sản xuất rọ đá để có thêm thu nhập. Vừa làm vừa học, sản xuất nhỏ lẻ tại nhà, vợ chồng ông bà không có ý định thành lập doanh nghiệp mà chỉ làm đủ để cung cấp cho các cửa hàng vật tư xây dựng quanh vùng. Sau này, vì sản phẩm đẹp, giá thành tốt, nhiều khách hàng chủ động tìm đến trực tiếp đặt đơn và cần giấy tờ, hoá đơn nên ông bà bất đắc dĩ phải mở công ty.

Chia sẻ về sản phẩm rọ đá, bà Lịch nói: “Rọ đá thường được sản xuất theo khối lập phương với kích thước 2x1x1m hoặc 2x1x0,5m. Khác với bê tông, rọ đá đan từ thép có tính đàn hồi và thoát nước cao, cho phép sự dịch chuyển của mạch nước ngầm tự nhiên, qua thời gian bùn đất sẽ phủ đầy các khoảng trống của rọ đá tạo giúp cho sự phát triển của hệ thực vật và cân bằng môi trường sinh thái”.

Một công trình xây dựng sử dụng rọ đá của phường Đông Vĩnh. Ảnh: NVCC

Giai đoạn phát triển nhất của nghề đan rọ đá là những năm 2010 - 2018, khi các công trình, hạ tầng giao thông được đặc biệt quan tâm xây dựng. Trước nhu cầu ngày một cao của khách hàng, ông Sinh, bà Lịch hướng dẫn người dân trong làng cách đan rọ và đặt họ sản xuất tại nhà. Ban đầu chỉ là những người lớn tuổi, từng là công nhân của công ty vật tư đường sắt tham gia, sau có cả những người già và thanh niên trẻ. Thậm chí vào các dịp hè, học sinh cấp 2, cấp 3 cũng theo chân bố mẹ đi phụ việc để thêm thu nhập cho gia đình.

“Bản thân chúng tôi cũng cảm thấy hạnh phúc vì có thể mang đến cho họ việc làm và cơ hội kiếm tiền trang trải cuộc sống. Từ khi dịch bệnh đến nay, các công trình xây dựng đình trệ, hàng bị tồn, đơn bị nợ rất nhiều. Xưởng không có đơn, công nhân trong làng cũng phải tìm sang một nghề khác. Đến bây giờ, cả làng chỉ còn 9-10 người còn gắn bó với nghề. Hy vọng giai đoạn này sẽ nhanh chóng qua đi, khi mọi thứ phục hồi như cũ, người dân trong làng sẽ có thêm thu nhập từ rọ đá” - bà Lịch trải lòng.

Diệp Thanh