Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển
(Baonghean.vn) - Nghị quyết số 20 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XIII khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng về kinh tế tập thể, đó là: “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế Nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”.
Chiều 21/7, Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tiếp tục diễn ra bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tại Nghệ An, hội nghị được tổ chức trực tuyến đến 632 điểm cầu từ cấp tỉnh đến cấp xã với 15.401 đại biểu tham dự. Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì tại điểm cầu chính.
Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh;…
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy |
Hội nghị đã nghe đồng chí Lê Minh Khái - Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ truyền đạt chuyên đề Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về “tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”, trong đó tập trung vào các nội dung liên quan đến tính cấp thiết ban hành Nghị quyết, nội dung cơ bản và các cấp, các ngành, các địa phương cần làm gì để thực hiện có kết quả Nghị quyết, sớm đưa Nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái quán triệt chuyên đề Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về “tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”. Ảnh: Thành Duy |
Sau khi phân tích những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém trong việc phát triển kinh tế tập thể giai đoạn vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Việc ban hành Nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới là một yêu cầu cấp thiết nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phù hợp với thực tiễn và tạo nguồn lực và động lực mới để phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy |
Trên cơ sở đánh giá một cách bài bản, khách quan, nghiêm túc về các kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân; phân tích bối cảnh mới trong nước, quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với việc khẳng định vai trò, vị trí và phát triển, nâng cao hiệu quả khu vực kinh tế tập thể, Hội nghị Trung ương 5 đã thống nhất cao về 5 quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể đối với khu vực kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, cùng với đó là 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và phân công các đơn vị tổ chức thực hiện.
Nghị quyết khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng về kinh tế tập thể, đó là: “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế Nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy |
Nghị quyết xác định rõ: “Kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã…) trong đó hợp tác xã là nòng cốt”, đồng thời đặt ra yêu cầu “tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các liên hiệp hợp tác xã, không giới hạn về quy mô, lĩnh vực và địa bàn”.
Nghị quyết cũng nêu rõ: “Kinh tế tập thể lấy lợi ích kinh tế là trọng tâm, bao gồm lợi ích của thành viên, tập thể và Nhà nước, đồng thời coi trọng lợi ích chính trị, văn hoá, xã hội trên địa bàn”.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy |
Nghị quyết đã chỉ rõ 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm: Nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đối với phát triển kinh tế tập thể.
Đặc biệt với nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, trên cơ sở kế thừa Nghị quyết 13-NQ/TW, cập nhật Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết, Kết luận của Đảng gần đây, Trung ương yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách cho phát triển kinh tế tập thể; đồng thời đề ra 8 nhóm chính sách cụ thể để khuyến khích, phát triển kinh tế tập thể.
Cụ thể là chính sách phát triển nguồn nhân lực; đất đai, tài chính; tín dụng; khoa học - công nghệ; hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; bảo hiểm xã hội.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy |
Trong đó, liên quan đến chính sách đất đai, Nghị quyết chỉ rõ cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai cho sản xuất kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp quy mô lớn.
Hoàn thiện lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cấp, trong đó bố trí quỹ đất cho các tổ chức kinh tế tập thể thuê. Ưu đãi hợp lý về giá và thời gian cho thuê đất đối với các tổ chức kinh tế tập thể chuyển đổi và thành lập mới chưa được hỗ trợ thuê đất, bảo đảm sử dụng đất đai có hiệu quả.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy |
Để thực hiện có kết quả Nghị quyết, sớm đưa Nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã chỉ rõ những nhiệm vụ cụ thể, trong đó yêu cầu Đảng đoàn Quốc hội phối hợp với Ban cán sự đảng Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã năm 2012 phù hợp với tình hình và điều kiện phát triển mới; bố trí thích đáng ngân sách Nhà nước trung hạn và hằng năm hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, tạo điều kiện thuận lợi cho phân bổ và tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế tập thể; tổ chức giám sát, kiểm tra, đánh giá triển khai thực hiện pháp luật về kinh tế tập thể.