Phân công, phân nhiệm, xây dựng lộ trình thực hiện rõ ràng, sát thực tiễn để đưa Nghị quyết Trung ương 5, khóa XIII sớm đi vào cuộc sống

Thành Duy 22/07/2022 12:08

(Baonghean.vn) - Đây là nhấn mạnh của đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khi phát biểu bế mạc Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Sáng 22/7, Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tiếp tục diễn ra bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.


Tại điểm cầu Trung ương, đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương truyền đạt chuyên đề về Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 21).

Tại Nghệ An, hội nghị được tổ chức trực tuyến đến 632 điểm cầu từ cấp tỉnh đến cấp xã với 15.401 đại biểu tham dự. Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì tại điểm cầu chính.

Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh;…

NÂNG CAO NĂNG LỰC, SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐẢNG, CHẤT LƯỢNG ĐẢNG VIÊN

Về Nghị quyết số 21, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng; tình hình tổ chức cơ sở đảng, đảng viên. Theo đó, đến hết năm 2020, toàn Đảng có 51.988 tổ chức cơ sở đảng và hơn 5,2 triệu đảng viên, chiếm 5,4% dân số cả nước; 80,1% là đảng viên đang công tác, làm việc; 19,9% đảng viên đã nghỉ hưu.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Trương Thị Mai đã phân tích những kết quả đạt được trong xây dựng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên. Qua đó, nhấn mạnh những kết quả đạt được nêu trên có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực, phẩm chất, uy tín, tăng cường và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Tuy nhiên, chất lượng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế. Chỉ trong giai đoạn 2016-2020 đã có 664 tổ chức cơ sở đảng bị thi hành kỷ luật (khiển trách 503 tổ chức; cảnh cáo 161 tổ chức), tăng 114 tổ chức so với nhiệm kỳ 2010 - 2015, trung bình mỗi năm thi hành kỷ luật hơn 100 tổ chức (khoảng 0,2%). Năm 2021, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 223 tổ chức đảng (khiển trách 159 tổ chức; cảnh cáo 64 tổ chức).

Về đội ngũ đảng viên cũng còn đó những vấn đề đặt ra khi từ năm 2016 - 2020, có 25.104 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bị xử lý kỷ luật (0,5% tổng số đảng viên).

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Do đó, Nghị quyết số 21 được ban hành với 3 quan điểm cụ thể nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Xây dựng đội ngũ cấp uỷ viên, nhất là bí thư cấp uỷ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín lãnh đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của tổ chức cơ sở đảng. Nâng cao chất lượng phát triển đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Nghị quyết số 21 đã chỉ rõ 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm: Củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; Nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên.

QUYẾT TÂM, NĂNG ĐỘNG, ĐỔI MỚI, DÁM NGHĨ, DÁM LÀM

Sau 1,5 ngày làm việc, Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành chương trình đề ra. Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII nhằm tiếp tục cụ thể hóa nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng đã xác định với tinh thần: phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt.

Đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu bế mạc hội nghị. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, các cán bộ, đảng viên nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các bài phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; lấy đó làm kim chỉ nam trong quá trình tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng yêu cầu, ngay sau hội nghị, các cấp ủy, tổ chức Đảng nhanh chóng tổ chức tuyên truyền, nghiên cứu, học tập, quán triệt cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân thấm nhuần sâu sắc nội dung 4 nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII; nhất là những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, những vấn đề mới, cốt lõi trong các nghị quyết; thấy rõ đây là những nội dung rất cơ bản, hệ trọng, liên quan mật thiết, tác động nhiều chiều đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đời sống của nhân dân, đến quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và công tác xây dựng đảng.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Để các nghị quyết đi vào cuộc sống, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, vấn đề quan trọng hàng đầu, yếu tố có tính chất quyết định là khâu tổ chức thực hiện; do đó đòi hỏi phải có sự quyết tâm, năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị.

Do đó, sau hội nghị này, bên cạnh tiếp tục nghiên cứu, học tập, quán triệt, các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị phải khẩn trương nghiên cứu, cụ thể hóa nội dung các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII thành kế hoạch, chương trình, đề án cụ thể; có sự phân công, phân nhiệm và lộ trình thực hiện rõ ràng, sát thực tiễn và hiệu quả.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Ban Kinh tế Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Bộ Chính trị kế hoạch thực hiện các nghị quyết vào tháng 8/2022. Đảng Đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, các Ban Đảng Trung ương, các bộ, ngành liên quan chỉ đạo phối hợp cụ thể hóa các nghị quyết, hoàn thiện thể chế và cơ sở hành lang pháp lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất để việc thực hiện các nghị quyết trong thực tiễn đảm bảo tính toàn diện, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu mà các nghị quyết đã đề ra.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Thường trực Ban Bí thư yêu cầu chú trọng chỉ đạo điểm, xây dựng mô hình thực hiện nghị quyết; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện của các cấp; kịp thời điều chỉnh chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết cho phù hợp; nhắc nhở, phê bình, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thực hiện không hiệu quả;…

Thành Duy