Chuyện một liệt sĩ được công nhận sau 91 năm hy sinh

Phước Anh 22/07/2022 09:23

(Baonghean.vn) - 91 năm về trước, một người con yêu nước của mảnh đất Xô viết Thanh Chương (Nghệ An) vĩnh viễn nằm lại chốn rừng thiêng nước độc, trong Nhà đày Buôn Ma Thuột - nơi thực dân Pháp thiết lập để đày ải tù chính trị các tỉnh Trung Kỳ. Không một bức ảnh để lại. Không một lá thư nhắn nhủ thân nhân. Sự hy sinh lặng thầm ấy tưởng như đã khuất lấp đi trong lớp bụi thời gian, nhưng không, với rất nhiều nỗ lực của thế hệ hậu sinh, gần trăm năm sau, tên ông được vang lên trang trọng trong buổi lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công. Ông là liệt sĩ Phạm Khánh.

Tấm lòng người cháu

Ông Phạm Bá Tiến (trú tại thôn 2, xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương) là cháu nội của liệt sĩ Phạm Khánh. Cũng như nhiều gia đình khác ở mảnh đất cách mạng này, gia đình ông Tiến lặng thầm nỗi đau khi nhiều người đàn ông trong gia đình ngã xuống cho lý tưởng cao đẹp của Tổ quốc. Ông bảo, ông lớn lên với nhiều ký ức về mẹ, chứ rất ít kỷ niệm với các bác, với bố; còn với ông nội, tất cả những điều biết được đều qua hồi tưởng của người thân trong họ tộc và lời kể của người làng. Dẫu vậy, ông chưa bao giờ nguôi tự hào về ông, về bác, về bố mình - những người con trung hiếu của quê hương.

Ông Phạm Bá Tiến trao đổi với phóng viên. Ảnh: P.A

“Ông tôi sinh được 5 người con, trong đó 3 người con trai đều một lòng theo cách mạng. Ông và 2 bác Phạm Tuân, Phạm Tùng hoạt động sôi nổi trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, bị giặc bắt tù đày; còn bố tôi là Phạm Bá Mai cũng qua đời trong một lần làm nhiệm vụ giao thông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” - ông Tiến bồi hồi. Với ông nội, dù thông tin của gia đình và làng xã đều nhất quán rằng, ông Phạm Khánh là Tự vệ đỏ, tham gia rất tích cực trong tổ chức Nông hội đỏ, nhà ông là địa điểm thường xuyên tổ chức các cuộc hội họp bí mật, có công lớn với phong trào cách mạng địa phương; thì bởi thời gian đã quá xa, hồ sơ giấy tờ gốc khó tìm kiếm, nhân chứng thời kỳ ấy cũng đã mất…, việc công nhận liệt sĩ cho ông Phạm Khánh gặp nhiều khó khăn.

Nhiều lần, đứng giữa ban thờ gia tiên, trước những bức ảnh truyền thần và bài vị, ông Tiến tự hỏi: Đã gần một thế kỷ, đời mình còn biết, còn hiểu gốc tích ông cha để hương khói thờ tự, để tự hào về truyền thống gia đình; nhưng thời gian trôi qua, 200 năm sau và xa hơn nữa thì sao? Con mình, cháu mình, chắt mình liệu có còn biết không, nếu chẳng có gì lưu danh? Mang theo trăn trở như thế, ông Phạm Bá Tiến khởi đầu hành trình xác lập hồ sơ công nhận liệt sĩ cho ông nội - hành trình mà chính ông Tiến cũng không nghĩ rằng sẽ dài lâu đến thế.

“Những nơi đi được tôi đều đã đi cả. Tôi “gõ cửa” các phòng, ban từ UBND xã cho đến huyện, rồi tìm đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội… Tôi cũng nhiều lần tìm đến Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh để nhờ bộ phận lưu trữ tra cứu thông tin. Đi rồi về, rồi lại đi, không biết bao nhiêu lượt, không nhớ đã viết và in bao nhiêu bộ hồ sơ, giấy tờ; cứ bổ sung, làm mới, làm lại, rồi công chứng, họp hội đồng gia tộc, xin chữ ký… liên tục. Thậm chí tôi còn không nhớ bắt đầu đi từ năm nào, mà quen mặt đến nỗi, hễ thấy tôi là cán bộ chính sách lại chào: Bác Tiến lại đến à!” - ông Tiến kể lại hành trình của mình.

Ông Phạm Bá Tiến khẳng định niềm tin vào chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng, Nhà nước. Ảnh: P.A

Với người cháu hiếu nghĩa ấy, hành trình chứng nhận liệt sĩ cho ông nội không phải để kiếm tìm danh tiếng, tiền tài hay lợi ích cho bản thân, mà giản đơn chỉ là mong muốn một sự ghi nhận, vinh danh xứng đáng của Đảng, Nhà nước dành cho ông nội và gia đình - những con người không tiếc máu xương vì độc lập, tự do của Tổ quốc; để khắc ghi vào gia phả những tấm gương sáng ngời, để cháu con mai sau giữ mãi niềm tự hào khôn nguôi về thế hệ ông cha, và soi vào đó để sống sao cho xứng đáng.

Ông nói, điều động viên lớn lao nhất sau nhiều năm tháng theo đuổi việc công nhận liệt sĩ cho ông nội, đó là sự trách nhiệm của người làm công tác chính sách tại những nơi mà ông tìm đến. Trước và trong khi đi, không ít người quen biết dặn ông cẩn thận về những “gợi ý”, rằng đâu đó có những “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng ông nghĩ, mình cứ đường ngay thẳng tiến, một lòng tin vào chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng, Nhà nước; không ai nguôi quên những người có công với Tổ quốc, song vì thời gian đã trôi qua quá lâu, việc xác nhận cần phải tỉ mỉ, cẩn trọng, kỹ lưỡng hơn… Mang theo niềm tin ấy, dẫu không tránh khỏi những lúc mệt mỏi, song ông Phạm Bá Tiến chưa bao giờ có ý nghĩ dừng lại.

Liệt sĩ được vinh danh

Căn cứ ban đầu mà ông Phạm Bá Tiến dựa vào là những thông tin ít ỏi được nêu trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Thanh Hà. Trong đó có ghi: “Theo thống kê của Ban Nghiên cứu lịch sử tỉnh Nghệ An, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh và Huyện uỷ Thanh Chương, trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, cả xã Thanh Hà có 60 cán bộ, đảng viên, quần chúng cách mạng bị địch bắt, tra tấn tù đày ở nhiều nhà tù khác nhau… Có gia đình 3, 4 cha con tham gia hoạt động cách mạng đều bị địch bắt, tra tấn tù đày vẫn giữ trọn lòng trung thành với Đảng… Gia đình ông Phạm Khánh, cả 3 cha con tham gia phong trào cách mạng tích cực từ đầu, bị địch bắt, tra tấn dã man, kiên quyết không khai báo, bị chúng đưa đi đày”…

Cán bộ chính sách UBND xã Thanh Hà trao đổi với phóng viên về trường hợp liệt sĩ Phạm Khánh. Ảnh: P.A

Qua quá trình tìm kiếm, tra cứu, xác nhận tại nhiều nơi, hành trình của ông Phạm Bá Tiến nhẹ nhõm hơn khi ngày đầu tháng 11/2011, Cục Hồ sơ nghiệp vụ Bộ Công an có công văn trả lời gửi UBND huyện Thanh Chương về việc đề nghị cung cấp thông tin về ông Phạm Khánh để có căn cứ lập hồ sơ công nhận liệt sĩ. Theo đó, tại Cục có thông tin, tài liệu bằng tiếng Pháp về ông Phạm Khánh, sinh năm 1869 (62 tuổi năm 1931); nguyên quán làng Sơn Linh, tổng Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ngày 26/9/1931, ông Phạm Khánh bị địch bắt giam vì tham gia hoạt động cộng sản cùng các ông Hoàng Văn Toại, Nguyễn Đình Yêm, Trần Em Thản, Trần Kiêm…, số tù 749. Ngày 27/9/1931, ông chết tại nhà lao. Tháng 11/1931, Toà án Nam Triều tỉnh Nghệ An đưa vụ án ông Phạm Khánh và những người cùng hoạt động ra xét xử. Ông bị địch kết án tử hình (bản án số 193 ngày 19/11/1931 của Toà án Nam Triều tỉnh Nghệ An và Quyết định ngày 26/3/1932 của Khâm sứ Trung Kỳ).

Vậy là đã rõ. Mọi thông tin mà gia đình tìm hiểu được và phúc đáp của các cơ quan, đơn vị đều trùng khớp. Ông Phạm Bá Tiến nói rằng ông sẽ không bao giờ quên cái ngày mà ông nhận được điện thoại từ cán bộ chính sách: Bác Tiến ơi, hồ sơ của ông nhà mình đã được xác nhận; có thông tin Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định cấp Bằng Tổ quốc ghi công! “Tay cầm điện thoại run lên, lúc đó tôi không nghĩ ra điều gì để trả lời, mãi hồi lâu mới nhớ để nói cảm ơn. Sung sướng vô cùng!” - ông Tiến nhớ lại.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Hải Sản trao Bằng Tổ quốc ghi công tới các thân nhân gia đình liệt sĩ (ông Phạm Bá Tiến đứng ngoài cùng bên trái). Ảnh tư liệu: Lâm Tùng

Trung tuần tháng 7/2022, ông Phạm Bá Tiến và nhiều thân nhân liệt sĩ khác được mời đến dự lễ trao tặng Bằng Tổ quốc ghi công - buổi lễ do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức. Đại diện cho thân nhân liệt sĩ phát biểu tại chương trình, ông xúc động nói về hành trình kiên trì của mình, cảm ơn Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp đã đồng hành cùng gia đình để đến ngày liệt sĩ được vinh danh.

Câu chuyện của liệt sĩ Phạm Khánh với ròng rã 91 năm đợi chờ ngày được công nhận cũng được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh trong phát biểu tại buổi lễ, như một lời khẳng định quyết tâm của những người làm công tác đền ơn đáp nghĩa: “Ngay trong dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình xác nhận 387 liệt sĩ, trong đó có những trường hợp hết sức cảm động như cụ Phạm Khánh, sinh năm 1869, tham gia lực lượng Tự vệ đỏ tại Nghệ An… Kết quả hôm nay là hành động thiết thực, ý nghĩa nhất, bày tỏ tấm lòng thành kính, nén tâm nhang của thế hệ đi sau, của chúng tôi - những người làm công tác thương binh - liệt sĩ đối với 1,2 triệu liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đây cũng là hành động xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm sâu nặng của những người đang được thụ hưởng nền hoà bình, độc lập, tự do ngày hôm nay”.

Phước Anh