Không thể an lòng khi đồng đội chưa về
(Baonghean.vn) - Dù đã ở tuổi ngoài 70 nhưng nhiều năm qua, cựu chiến binh Trần Đại Nghĩa (khối 7, phường Lê Lợi, thành phố Vinh) vẫn đau đáu về những người đồng đội cũ đã hy sinh. Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, Báo Nghệ An đã được ông chia sẻ về câu chuyện đặc biệt của mình.
'Khi đã là bộ đội đặc công chúng tôi xác định đi không về'
P.V:Thưa ông, ông sinh ra khi đất nước còn chiến tranh và đã có hàng triệu, hàng triệu thanh niên đã xung phong lên đường ra chiến trận. Với riêng ông, hẳn đến giờ vẫn chưa quên được những tháng ngày đầu tiên nhập ngũ?
Cựu chiến binh Trần Đại Nghĩa: Tôi lớn lên ở phường Vinh Tân, thuộc khu phố 2 của thành phố Vinh. Lớn lên ở phố, nhưng bố mẹ tôi đều làm nông, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Bố mẹ tôi sinh 11 người con, nhưng 8 người qua đời khi còn rất nhỏ và chỉ nuôi được 3 người. Tôi là em, con thứ 9 nhưng lại trở thành con trai trưởng, tộc trưởng trong gia đình.
Cựu chiến binh Trần Đại Nghĩa hiện là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam phường Lê Lợi, TP Vinh. Ảnh: Mỹ Hà |
Hoàn cảnh gia đình tôi khi đó, nếu theo quy định thì được đặc cách, không phải vào chiến trường. Tuy nhiên, thời điểm năm 1968, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ vào giai đoạn ác liệt “Miền Nam gọi, miền Bắc trả lời” tôi vẫn tự nguyện chích máu ở tay, viết huyết tâm thư xung phong vào trận. Khi nhập ngũ, tôi mới 20 tuổi và lên đường với tâm trạng phơi phới là được vào Nam đánh giặc. Ngày tôi lên đường, bố mẹ tôi cũng trăn trở rất nhiều nhưng vì đất nước còn chia cắt nên niềm riêng đều được cất giấu để con yên tâm nhập ngũ.
P.V: Sau khi nhập ngũ, ông đã trở thành bộ đội đặc công. Vậy, so với các lực lượng khác, nhiệm vụ của ông có gì đặc biệt?
Cựu chiến binh Trần Đại Nghĩa: Khi vào bộ đội, tôi được biên chế về binh chủng đặc công và trước khi vào chiến trường, tôi và các đồng đội có 1 năm huấn luyện tại Quân khu 4 (thuộc D31 đặc công). Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện, chúng tôi được điều sang Tiểu đoàn 33 đặc công bổ sung cho chiến trường Quảng Trị - Thừa Thiên Huế.
Tiểu đoàn của chúng tôi khi đó gồm 5 đại đội, trong đó, có 1 đại đội dự bị, mỗi một đại đội có 64 người. Với nhiệm vụ đặc biệt, bộ đội đặc công là những người được huấn luyện kỹ càng và được tuyển chọn rất khắt khe. Trong các trận đánh, bộ đội đặc công thường luồn sâu vào trung tâm, ngay giữa bộ não của địch nên mức độ nguy hiểm cũng thường cao hơn. Để đảm bảo an toàn, trước khi vào trận tất cả chúng tôi đều được hóa trang, dùng lá khoai đâm với nhọ nồi để bôi lên mặt hòng qua mắt kẻ thù. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Tiểu đoàn D33 chúng tôi đã có rất nhiều trận đánh có tiếng vang lớn, làm cho quân thù khiếp sợ tại Khe Sanh, Làng Vây, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Bãi Sơn, Cao điểm 241, Cao điểm 544…
Du kích cùng bộ đội địa phương và nhân dân nổi dậy đánh phá các chi khu quân sự của địch giành quyền làm chủ Gio Linh, Quảng Trị, năm 1969. Ảnh: tư liệu |
P.V: Trong những trận đánh mà các ông tham gia, dường như trận đánh ở Quán Ngang (Gio Linh, Quảng Trị) để lại nhiều kỷ niệm đặc biệt nhất và cũng là trận đánh nhiều mất mát nhất?
Cựu chiến binh Trần Đại Nghĩa: Tháng 4/1969, chúng tôi vào Quảng Trị thì đến tháng 6/1969, chúng tôi được lệnh tiêu diệt tiểu đoàn pháo của địch ở Quán Ngang (Gio Linh, Quảng Trị). Quán Ngang khi đó là căn cứ có quy mô lớn để điều hành và quản lý về mặt hành chính, quân sự, làm “bàn đạp” xâm chiếm miền Bắc. Trong những năm hoạt động tại căn cứ, Mỹ - Ngụy đã tập trung mở rộng phạm vi hoạt động và đầu tư các phương tiện kỹ thuật, vũ khí hiện đại, hỏa lực mạnh nhằm mục đích phòng thủ, chi viện, càn quét, đánh phá phong trào cách mạng trên địa bàn.
Bên cạnh đó, chúng còn duy trì một lực lượng lớn quân đồn trú, gồm cố vấn, lính bộ binh, pháo binh Mỹ... tại các khu vực như Đồn C1, chi khu quân sự và khu hành chính. Chính quyền Sài Gòn đã gom người dân 5 xã Gio Hà, Gio Mỹ, Gio Lễ, Gio An, Gio Sơn vào khu tập trung trong căn cứ Quán Ngang, thực hiện chính sách “bình định nông thôn” và kế hoạch “tát nước bắt cá” ở vùng Nam khu phi quân sự. Từ Quán Ngang, địch âm mưu rót pháo vào tuyến lửa Vĩnh Linh hòng dập tắt phong trào đấu tranh của quân và dân ta. Để ngăn chặn, ta huy động 1 tiểu đoàn đặc công tấn công vào sào huyệt địch.
Ông Trần Đại Nghĩa và bức ảnh tại cuộc gặp mặt Ban Liên lạc những người lính đặc công ở Quảng Trị. Ảnh: Mỹ Hà |
Khi đó, tôi chỉ mới là chiến sỹ, tham gia trận đánh đầu tiên nghe tiếng pháo bắn ra từ phía Vĩnh Linh dọc theo sông Bến Hải khủng khiếp lắm, tiếng pháo nổ uỳnh uỳnh bên tai. Cả hai bên giằng co, bộ đội đặc công tấn công sâu vào sào huyệt địch. Phía ngoài dây thép gai tầng tầng, lớp lớp, có đến 9 hàng rào nhưng chúng tôi chỉ vào đến được hàng rào thứ 7. Cuộc chiến đấu ác liệt ngay từ những phút đầu nhưng hỏa lực địch quá mạnh nên chúng ta chỉ làm chủ được một phần trận địa. Đây cũng là trận đánh tổn thương nhất khi gần 100 bộ đội đặc công hy sinh.
Sau trận đánh này, đến cuối tháng 9/1969, chúng tôi cũng có một trận đánh không thể nào quên, đó là trận đánh chốt cầu Đầu Mầu ở huyện Cam Lộ. Tôi nhớ, khi ấy Bác Hồ mới mất và đơn vị chúng tôi quyết tâm “biến đau thương thành hành động”. Thời điểm này tôi là xạ thủ B40, mang trên mình 4 quả đạn, vượt qua sông Cam Lộ để tham gia chiến đấu. Trận đấu này chúng tôi thắng lớn và sau đó tôi đã được nhận được Huy chương.
P.V: Thưa ông, Quảng Trị là một trong những chiến trường ác liệt nhất. Khi phải đối diện với kẻ thù, đã bao giờ các ông nao núng?
Cựu chiến binh Trần Đại Nghĩa: Như tôi đã nói, bộ đội đặc công là lực lượng đặc biệt, luồn sâu vào trong lòng địch nên luôn đối diện với hiểm nguy. Tôi còn nhớ, sau một trận đánh, 8 anh em đặc công chúng tôi bị kẹt lại bên dòng Bến Hải. Khi đang tìm cách vượt sông về hậu cứ thì phát hiện 13 chiếc xe tăng địch đang tiến lại gần. Tôi lúc đó là Đại đội trưởng, quán triệt với anh em, nếu địch phát hiện, mỗi người bằng số vũ khí ít ỏi còn lại sẽ phải chiến đấu tới cùng. Nếu chẳng may bị địch vây ráp, phải sẵn sàng hy sinh, nhất quyết không để rơi vào tay địch. Với kinh nghiệm hóa trang, ẩn mình, chúng tôi đã qua mặt được địch, bảo toàn lực lượng.
Những người lính bị thương khi chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Ảnh: tư liệu |
Trong những năm tham gia chiến đấu đã rất nhiều lần chúng tôi đối diện với hiểm nguy. Năm 1971, quá trình tham gia chiến đấu ở cao điểm 288, tôi đã bị địch phát hiện và phục kích trong lúc đang đi điều tra trinh sát trên đường. Lần ấy tôi đã bị thương ở vùng đầu và bàn tay. Chữa bệnh xong, tôi lại cùng anh em vào sinh ra tử, chiến đấu cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Là người lính, ai cũng đã từng nhiều lần phải “vào sinh ra tử”, nhiều lần chứng kiến đồng đội hy sinh nhưng chúng tôi chưa bao giờ nao núng, chỉ mong đánh thắng giặc để giành độc lập, tự do cho đất nước. Hơn thế, khi đã là bộ đội đặc công chúng tôi xác định đi không về.
Đau đáu vì đồng đội
P.V:Thưa ông, chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng mỗi lần nhớ về cuộc chiến mà ông và đồng đội đã đi qua. Điều mà ông trăn trở nhất là gì?
Cựu chiến binh Trần Đại Nghĩa: Như tôi đã kể, tôi và đồng đội đã trải qua rất nhiều trận đánh. Chiến thắng có, thất bại có và có cả rất nhiều những mất mát hy sinh. Có những người như tiểu đoàn trưởng của tôi, chỉ trong một tích tắc, tôi thấy anh ấy bị đạn bắn xuyên người và gục ngay trước mắt tôi.
Sau này, nhiều đồng đội của tôi cũng đã nằm lại ở chiến trường. Tôi đã không ít lần đi cùng với gia đình của các đồng đội trở lại chiến trường xưa để đi tìm hài cốt nhưng không thành. Bây giờ hàng năm cứ vào dịp 27/7, tôi lại đến nhà một số đồng đội tôi ở Vũ Quang (Hà Tĩnh) để thắp hương tưởng nhớ.
Ông Trần Đại Nghĩa (giữa) cùng các đồng đội tại lễ khánh thành Đài tưởng niệm Quán Ngang. Ảnh: NVCC |
Năm 2014, dù điều kiện khi ấy còn rất khó khăn nhưng tôi đã cố gắng kết nối với tất cả những người lính đặc công ở Tiểu đoàn 33 ngày nào và tổ chức một cuộc gặp mặt tại thành phố Vinh. Đó là một sự kiện rất đáng nhớ, chúng tôi đã được gặp lại nhau sau bao nhiêu năm chiến đấu. Nhiều người và cả tôi nữa đã không cầm được nước mắt. Đó là những tháng năm đã để lại dấu ấn không phai mờ trong mỗi chúng tôi, là dịp để chúng tôi ôn lại những chiến công và cả những gian lao, vất vả, những hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
P.V:Được biết, cách đây 3 năm, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trương Đức Hải cùng ông và các đồng đội cũ đã khởi công xây dựng đài tưởng niệm ở Quán Ngang và đến nay đã hoàn thành. Ông có thể chia sẻ về công trình đặc biệt ý nghĩa này?
Cựu chiến binh Trần Đại Nghĩa: Xuất phát từ trách nhiệm của người còn sống và tình cảm với đồng chí, đồng đội nên sau ngày đất nước thống nhất, Anh hùng Lực lượng vũ trang Trương Đức Hải đã đề xuất xây dựng một tượng đài hoặc một nhà bia để ghi nhớ công ơn của các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trước khi chiến dịch quê hương Gio Linh hoàn toàn giải phóng, làm nơi để những người lính may mắn còn sống sót được về viếng thăm các đồng đội, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Từ ý tưởng của anh Trương Đức Hải, sau 9 năm phát động từ Nam ra Bắc, đến tháng 3/2022, nhà bia đã được hoàn thành nằm trong Khu Di tích lịch sử Quán Ngang.
Bản danh sách các đồng đội hy sinh được bác Trần Đại Nghĩa tập hợp với mong muốn tìm kiếm đầy đủ các thông tin và làm một tấm bia tưởng niệm tại ngôi mộ chung các liệt sĩ ở Quảng Trị. Ảnh: Mỹ Hà |
Trong quá trình xây dựng, nhờ có sự kết nối của đồng đội, tôi và anh Trương Đức Hải đã liên lạc được với nhau và tôi đã kịp cung cấp cho anh danh sách, tên tuổi của 36 liệt sĩ trong số 120 liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong trận đánh căn cứ pháo binh ở Quán Ngang để làm lễ an vị và cầu siêu cho các anh hùng liệt sỹ.
P.V:Gần 10 năm qua, với vai trò là Trưởng ban Liên lạc của Tiểu đoàn 33, ông cũng đã rất trăn trở về những người đồng đội cũ đã hy sinh. Ông có thể chia sẻ những việc làm của mình đối với đồng đội?
Cựu chiến binh Trần Đại Nghĩa: Tôi nghỉ hưu năm 1988 với quân hàm Thiếu tá và sau đó là chặng đường hơn hai mươi năm gắn bó với phong trào của địa phương, qua nhiều vai trò khác nhau. Suốt những năm tháng hòa bình, dẫu cuộc sống còn rất nhiều khó khăn nhưng trong tôi lúc nào cũng trăn trở về những đồng đội cũ, đặc biệt là những đồng đội đã hy sinh ở Quán Ngang và nhiều địa điểm khác ở Quảng Trị. Qua những thông tin tôi tìm được, tôi cũng được biết, rất nhiều liệt sĩ là đồng đội tôi hy sinh ở Quảng Trị đã không thể cất bốc về địa phương. Họ được chôn chung trong một cái mộ tập thể, nhiều người không có tên, không một dòng địa chỉ ở quê nhà.
Nghĩ về đồng đội, nên khi đã 70 tuổi, tôi đã viết đơn gửi ban cán sự khối và chính quyền địa phương để xin nghỉ nhiệm vụ. Thời gian sau đó, tôi đã tìm lại các đồng đội cũ và cùng tập hợp thông tin để lên danh sách 120 liệt sĩ là bộ đội đặc công đã hy sinh tại Quảng Trị. Một phần danh sách này đã được tổng hợp và khắc ở Đài tưởng niệm Quán Ngang. Những người còn lại, nguyện vọng lớn nhất của tôi là liên lạc được với tất cả các gia đình liệt sĩ, tìm được di ảnh của các anh để tôi sẽ làm một tấm bia chung đặt nơi ngôi mộ tập thể ở Nghĩa trang huyện Gio Linh.
P.V: Đây quả thực là công việc không phải dễ dàng phải không, thưa ông?
Cựu chiến binh Trần Đại Nghĩa: Từ khi thành lập Ban Liên lạc bộ đội đặc công, chúng tôi không nề hà, sẵn sàng góp công, góp của để đi tìm mộ liệt sĩ, xác định các danh tính đồng đội cũ đã hy sinh. Công việc thực sự khó khăn, có những trường hợp chúng tôi đi tới bốn, năm lần nhưng vẫn vô vọng. Thời gian không còn nhiều, việc tìm hài cốt chắc chắn sẽ càng vất vả hơn. Do đó, việc làm của chúng tôi dù nhỏ nhưng tôi vẫn mong sẽ sớm hoàn thành để người nhà của các liệt sĩ mỗi khi về lại Gio Linh (Quảng Trị) sẽ an ủi được phần nào và chúng tôi cũng sẽ an lòng khi nghĩ về đồng đội của mình…
P.V:Xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc trò chuyện này và mong cho nguyện vọng của ông sẽ sớm được toại nguyện!