Nghệ An: Triển khai các đợt cao điểm, trấn áp tội phạm mua bán người

Khánh Ly 25/07/2022 19:30

(Baonghean.vn) - Dù đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, nhưng hoạt động của tội phạm mua bán người trên địa bàn miền núi, biên giới tỉnh Nghệ An vẫn có những diễn biến phức tạp. Trong đó, nổi lên việc lợi dụng môi giới lao động để lừa gạt bán nạn nhân, dụ dỗ phụ nữ mang thai ra nước ngoài bán trẻ sơ sinh. Đáng nói, một số nạn nhân còn bị chính người quen ở thôn bản, người thân trong gia đình lừa bán.

Đấu tranh, xử lý nghiêm

Lợi dụng khó khăn về kinh tế, hạn chế về trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng mua bán người thường sử dụng chiêu bài tuyển công nhân vào công ty làm việc, tuyển nhân viên bán hàng, tuyển lao động nữ đi làm thuê hoặc rủ đi buôn bán với mức thù lao cao, công việc nhàn hạ để lừa phụ nữ, trẻ em.

Điển hình đầu tháng 3/2022, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn nhận đơn của chị Hoa Thị H., trú tại xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tố cáo đã bị một số đối tượng lừa bán ra nước ngoài. Sau khi điều tra, xác minh thấy có dấu hiệu đường dây hoạt động của tội phạm mua bán người, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn đã phối hợp với Phòng phòng chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Mường Ải, Công an huyện Kỳ Sơn đấu tranh làm rõ.

Đối tượng Lô Văn Cầu. Ảnh tư liệu: Hải Thượng

Qua đấu tranh, phát hiện kẻ chủ mưu trong đường dây là Kha Thị Vân, quê quán xã Bình Chuẩn (Con Cuông), hiện đang trốn ở nước ngoài; Lê Thị Ngọc, trú bản Cầu Tám, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) là người dắt mối và Lô Văn Cầu (chú ruột của Ngọc), trú tại bản Chon, xã Xiêng My (Tương Dương) là đối tượng chuyển giao nạn nhân. Tại cơ quan điều tra Bộ đội Biên phòng, các đối tượng Ngọc và Cầu đã thừa nhận hành vi buôn bán người qua biên giới.

Đau lòng hơn, có những trường hợp nạn nhân bị chính người quen biết trong xã, trong bản, người thân trong gia đình lừa bán. Như câu chuyện cha bán con gái xảy ra ở xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn. Theo đó, túng quẫn vì bị bệnh phải nhập viện, Lô Phò Phèng, sinh năm 1975, trú tại bản Nam Tiến 2 đã liên hệ với Lô Thị Căm, trú tại bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm (cháu gái của Phèng) tìm cách để bán con gái Lô Thị May C (khi bị bán chưa đủ 16 tuổi) sang Trung Quốc.

Sau đó Lô Thị Căm đến trao đổi và nhờ Moong Thị Xúm (trú cùng bản) đưa cháu C. sang Trung Quốc bán vì Xúm có con gái lấy chồng người Trung Quốc. Được sự giúp đỡ của con gái, Moong Thị Xúm đã đưa cháu C sang Trung Quốc rồi bán được số tiền 40.000 Nhân dân tệ (khoảng 120 triệu đồng tiền Việt Nam). Sau khi về Việt Nam, Xúm trả cho Căm 3 triệu đồng tiền công, đưa cho Phèng số tiền 110 triệu đồng, còn Xúm lấy 7 triệu đồng.

Các bị cáo Lô Phò Phèng, Mong thị Xum, Lô Thị Căm tại phiên xét xử ngày 14/4/2022. Ảnh tư liệu: Trần Vũ

Sau một thời gian làm vợ xứ người đến ngày 1/10/2021 cháu C. bỏ trốn về Việt Nam và làm đơn tố cáo lên cơ quan công an. Từ đơn tố cáo của nạn nhân, 3 đối tượng Phèng, Căm, Xúm bị bắt. Thời điểm cháu C. bị bán chỉ mới 13 tuổi 4 tháng 24 ngày

Ngày 14/4/2022, TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt bị cáo Lô Phò Phèng 14 năm tù, Moong Thị Xúm 13 năm tù, Lô Thị Căm 12 năm tù cùng về tội Mua bán người dưới 16 tuổi.

Theo các cơ quan chức năng, bên cạnh các trường hợp bị lừa bán, còn có một số đối tượng từng là nạn nhân của tội phạm mua bán người hoặc trốn đi lấy chồng ở nước ngoài, sau quay về bản làng để lừa các nạn nhân quen biết. Hoặc nạn nhân chính là người chủ động đề nghị được đưa sang Trung Quốc lấy chồng như trường hợp chị Lương Thị L. (SN 1996) trú xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn khi sang nhà người quen trong bản là Lương Thị Hoa chơi. Biết Hoa chuẩn bị đi Trung Quốc do có em gái lấy chồng bên đó nên L. chủ động đề nghị đưa mình sang Trung Quốc lấy chồng. Sau khi bàn bạc với em gái, Hoa dẫn chị L. sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.

Bị cáo Lương Thị Hoa lĩnh án 4 năm tù. Ảnh tư liệu: Trần Vũ

Tại nhà em gái Hoa là Lương Thị Hinh, L. đồng ý lấy một người đàn ông Trung Quốc trong số những đến xem mặt. Sau đó, Hinh đã bán L. cho người đàn ông này với giá 192 triệu đồng. Hinh đưa cho chị gái 6,5 triệu đồng để về nước. Đồng thời gửi 90 triệu đồng về cho bố mẹ chị L. Tháng 10/2020 chị Lương Thị L. trở về Việt Nam. Đến ngày 11/8/2021, hành vi bán người của Lương Thị Hoa bị bại lộ. Cơ quan điều tra xác định trong vụ án này bị cáo hưởng lợi 6,5 triệu đồng. Ngày 25/4/2022, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên xét xử tuyên phạt bị cáo Lương Thị Hoa 4 năm tù về tội "Mua bán người".

Trong 6 tháng đầu năm 2022 các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã phát hiện, điều tra, làm rõ, bắt giữ 8 vụ, 12 đối tượng liên quan đến tội phạm mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi, mua bán trẻ em.

Tăng cường giải pháp phòng ngừa, trấn áp

Với phương châm phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ địa bàn cơ sở, thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống mua bán người được cả hệ thống chính trị tập trung triển khai với nhiều nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với phong tục, tập quán, đối tượng, thành phần dân tộc.

Tỉnh đoàn Nghệ An, Hội LHTN, Hội Sinh viên tỉnh tổ chức chương trình truyền thông phòng, chống ma túy và mua bán người tại xã Tam Hợp (Tương Dương). Ảnh tư liệu: Thanh Quỳnh

Cách thức tuyên truyền trực tiếp, trên không gian mạng và các ứng dụng xã hội, qua báo chí, truyền hình, hệ thống loa truyền thanh, tờ rơi, tập san, cụm pano… Bên cạnh đó, các ngành chức năng và cấp uỷ, chính quyền các địa phương cũng chú trọng xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình cụ thể như: “Phòng, chống tội phạm mua bán người” tại bản Lưu Thắng, xã Chiêu Lưu và bản Đỉnh Sơn 2, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn; “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” ở xã Tân Sơn, huyện Đô Lương; “Phòng chống tảo hôn” tại bản Huồi Sơn, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương; “Phòng chống mua bán người và di cư không an toàn” cùng câu lạc bộ “Bình yên” tại xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp; “Hỗ trợ cộng đồng phòng chống mua bán người” ở 2 xã Tam Quang và Nga My, huyện Tương Dương.

Hoạt động truyền thông phòng, chống mua bán người. Ảnh tư liệu: Bá Hậu

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người, ngày 16/3/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 179/KH-UBND với mục tiêu trọng tâm: Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền phòng ngừa tội phạm; nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đấu tranh, điều tra, xử lý tội phạm, nhất là các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới; thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân mua bán người tái hòa nhập cộng đồng.

Công an Nghệ An phối hợp với các lực lượng chức năng bàn giao nạn nhân bị mua bán trở về cho gia đình. Ảnh tư liệu: Trọng Tuấn

Bảo đảm 100% tin tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị, khởi tố liên quan tội phạm mua bán người được tiếp nhận, phân loại, tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%. Các vụ việc có dấu hiệu tội phạm mua bán người phải được thụ lý, điều tra, xác minh. Khi đủ căn cứ phải khởi tố vụ án hình sự để điều tra theo đúng quy định của pháp luật. Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án mua bán người đạt trên 90% tổng án khởi tố; 95% vụ án mua bán người được giải quyết và truy tố; 90% số vụ án được giải quyết, xét xử.

Phòng CSHS (Công an Nghệ An) phát hiện, giải cứu và đưa trở về địa phương 3 phụ nữ mang thai vượt biên sang nước ngoài bán con. Ảnh tư liệu: Trọng Tuấn

Mới đây, ngày 19/7/2022, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục ban hành Kế hoạch số 519/KH-UBND về triển khai các hoạt động hưởng ứng ngày toàn dân phòng, chống mua bán người (30/7). Trong đó yêu cầu duy trì hoạt động và nâng cấp mô hình “Ngôi nhà bình yên” để hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; xây dựng mô hình hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bị mua bán trở về, giúp họ tái hoà nhập cộng đồng bền vững.

Triển khai các đợt cao điểm, trấn áp tội phạm mua bán người trên địa bàn toàn tỉnh từ ngày 1/7 đến ngày 30/9/2022, trọng tâm là khu vực biên giới, miền núi, đồng bào các dân tộc thiểu số, nơi có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn; kịp thời xác minh, giải cứu và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các ngành, các địa phương phải quan tâm đến các vấn đề lao động, việc làm cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao, dễ bị lừa gạt như: người trong độ tuổi lao động chưa có việc làm; người mất việc do tác động của dịch Covid-19, người có hoàn cảnh éo le, trắc trở, hôn nhân đổ vỡ, nạn nhân của bạo lực gia đình… Cùng với đó, chủ động rà soát, kiểm tra hành chính các cơ sở kinh doanh có điều kiện, khu công nghiệp, nghỉ dưỡng, vui chơi, địa bàn giáp ranh là nơi tội phạm thường lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội, qua đó phát hiện, phòng ngừa tội phạm mua bán người.

Khánh Ly