Thu hút đầu tư vào địa bàn cấp huyện: Thuận và khó
(Baonghean) - Thu hút đầu tư nhằm huy động nguồn lực vào nâng cấp hạ tầng, phát triển kinh tế đang là ưu tiên của các địa phương. Thực tế cho thấy, địa phương nào thu hút đầu tư tốt thì kinh tế - xã hội phát triển và ngược lại. Tại Nghệ An, trong khi thu hút đầu tư cấp tỉnh đã tạo được chuyển biến, thì tại các huyện đang còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Khơi thông lợi thế, thu hút nguồn lực
Theo đánh giá của giới đầu tư, so với giai đoạn trước, Nghệ An hiện đang đứng trước cơ hội rất lớn về thu hút đầu tư. Trong khi mặt bằng bất động sản công nghiệp, giá thuê đất tại một số khu công nghiệp trong nước đang đạt đỉnh khi dao động từ 270 - 310 USD/m2/năm thì Nghệ An với lợi thế là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, lại đang có chính sách thu hút đầu tư cởi mở, giá thuê đất cạnh tranh (từ 43 - 65 USD/m2/năm).
Từ năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh quy hoạch Khu Kinh tế Đông Nam từ 22.000 ha lên 80.000 ha bao gồm 70.000 ha mặt đất và 10.000 ha mặt nước, trong đó diện tích dành cho các khu công nghiệp (KCN) là 15.000 ha, tăng thêm 671 ha so với phê duyệt trước đó.
Thi công lắp đặt đường dây 110 KV đến KCN WHA Nghệ An 1 tại địa bàn xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc. Ảnh: Nguyễn Hải |
Tiếp đó, trên cơ sở đánh giá lại chính sách cho thuê đất và tháo gỡ khó khăn nhằm thu hút đầu tư, UBND tỉnh thảo luận và trình HĐND tỉnh khung giá đất riêng dành cho Khu Kinh tế (KKT) Đông Nam, theo đó, giá thuê đất tại các KCN Nghệ An giai đoạn từ ngày 01/1/2020 đến ngày 31/12/2024 sẽ giảm từ 40-50% so với giai đoạn trước.
Đại diện KCN WHA Industrial Zone Nghệ An 1 - một trong những nhà đầu tư hạ tầng KCN lớn tại Nghệ An đánh giá: với giá thuê đất mới, nhà đầu tư nào vào Nghệ An đầu tư, thuê đất trong giai đoạn này sẽ có nhiều lợi thế. Với nhà đầu tư hạ tầng KCN, ngoài các chính sách ưu đãi về miễn giảm thuế theo quy định của Chính phủ, giá thuê đất của tỉnh giảm sẽ giúp doanh nghiệp giảm áp lực về chi phí đầu tư và là cơ sở để cho doanh nghiệp thứ cấp thuê đất tốt hơn, giá cạnh tranh hơn.
Một nhóm nhà đầu tư do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An kết nối trong lần đến khảo sát tìm hiểu môi trường đầu tư tại KCN WHA Nghệ An 1. Ảnh: Nguyễn Hải |
Song song với mở rộng diện tích Khu Kinh tế Đông Nam, từ năm 2021, trên cơ sở xây dựng quy hoạch ngành theo Luật Quy hoạch, tỉnh cũng rà soát, qua đó bãi bỏ quy hoạch một số cụm công nghiệp (CCN) tại các huyện không còn phù hợp và bổ sung một số CCN mới theo hướng mở rộng, tăng diện tích theo quy định của Chính phủ. Theo quy hoạch này, từ 53 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 1.273 ha tại các huyện, đến năm 2030, Nghệ An sẽ có 59 cụm và tầm nhìn đến 2050 là 71 cụm.
Ông Nguyễn Văn Hiệp - Trưởng phòng Công nghiệp, Sở Công Thương Nghệ An cho hay: So việc quy hoạch lại các CCN giai đoạn mới, tỉnh đang từng bước giải bài toán về thiếu mặt bằng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp tại các huyện, thị. Trên cơ sở cân đối tổng thể quỹ đất, diện tích đất khác sẽ được lập quy hoạch chuyển sang mục đích làm CCN thì việc triển khai đầu tư sẽ thuận lợi hơn.
Nhằm mời gọi thu hút đầu tư, cùng với nỗ lực của tỉnh thông qua hoạt động của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh (tên giao dịch tiếng Anh là NAPC), các huyện, thành, thị đều nỗ lực, tăng mối liên kết với tỉnh để đưa các danh mục cần đầu tư, kêu gọi thu hút đầu tư của địa phương mình vào bản đồ thu hút đầu tư của tỉnh.
Đến thời điểm hiện tại, các huyện như Đô Lương, Diễn Châu, Hoàng Mai, Quế Phong… đã làm việc, kết nối với NAPC để xây dựng cơ sở dữ liệu về thu hút đầu tư đến từng xã. Về phần mình, từng địa phương, từ thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, Hoàng Mai hay Thái Hòa đều có các dự án thu hút đầu tư mang đặc trưng riêng cho từng địa bàn; trong khi đó các huyện Nghi Lộc hay Đô Lương, Diễn Châu, Tân Kỳ… cũng xây dựng danh mục các dự án thu hút đầu tư nhằm khai thác lợi thế của mình.
Trung tâm Thương mại và chợ thị xã Hoàng Mai là kết quả nỗ lực thu hút đầu tư vào lĩnh vực thương mại của thị xã nhưng được sự hỗ trợ tối đa của UBND tỉnh. Ảnh: Nguyễn Hải |
Nhờ mạnh dạn trong tạo quỹ đất thu hút đầu tư, một số huyện như Diễn Châu, Nghi Lộc, Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Yên Thành đã tạo được quỹ đất để xây dựng các cụm CN. Hiện nay, các cụm CN này đều đã lấp đầy, mỗi năm mang lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng và tạo việc làm cho từ 5.000 đến 7.000 lao động địa phương.
Ông Nguyễn Văn Hiệp - Trưởng phòng Công nghiệp, Sở Công Thương cho biết thêm: Từ năm 2022 đến nay, trong quá trình xây dựng quy hoạch theo Luật Quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, để tăng tỷ trọng công nghiệp, các huyện tiếp tục đề xuất điều chỉnh dành quỹ đất tương xứng cho phát triển công nghiệp. Theo đó, diện tích dành cho sản xuất công nghiệp tại các huyện sẽ tăng lên gấp đôi, thay vì ở mức 1.800 đến 2.000 ha/59 cụm toàn tỉnh hiện nay. Các huyện bằng góp ý, đề xuất của mình cũng kiến nghị cho các huyện thông qua chủ trương đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo các cơ chế, quy định đặc thù mà Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cũng như HĐND tỉnh đã thông qua.
Gỡ “nút thắt” trong thu hút đầu tư ở cấp huyện
Lâu nay, giới đầu tư khi về Nghệ An đều truyền miệng câu “tỉnh mở, sở thắt và huyện, xã không có quyền” hay “trên rải thảm, dưới rải đinh”. Về phía cấp huyện, theo phân cấp của tỉnh, mặc dù cấp huyện được thông qua chủ trương đầu tư dự án có quy mô sử dụng đất dưới 5.000 m2 (0,49 ha), nhưng do quy định HĐND cấp huyện không được ban hành chính sách riêng nên ngoại trừ một số địa bàn có cơ chế đặc thù, các huyện không được hỗ trợ nhà đầu tư trong đền bù giải phóng mặt bằng nên thu hút đầu tư rất khó khăn.
Các đại biểu, đối tác trao đổi bên lề Hội thảo Kết nối xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội tại TP. Vinh, Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải |
Tại Hội nghị Xúc tiến thương mại, kết nối đầu tư giữa Nghệ An và Hà Nội nửa đầu tháng 6/2022, đại diện Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội chia sẻ: Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh đều là các trung tâm lớn của cả nước nhưng cũng chịu cạnh tranh lớn về thu hút đầu tư. Chỉ có những ngành nghề nhất định mới dám đầu tư tại Hà Nội, còn lại có những ngành nghề, nhu cầu mặt bằng lớn, giá thuê đất cao nên không thể ở vùng trung tâm mà phải tìm về các vùng xa hơn. Đây là cơ hội cho các địa phương vùng Bắc Trung Bộ như Nghệ An.
Công khai quy hoạch Khu hậu cần dịch vụ nghề cá huyện Quỳnh Lưu tại xã Quỳnh Thuận. Khu quy hoạch này đang được huyện Quỳnh Lưu đề xuất nâng từ 30 ha lên 70 ha. Ảnh: Nguyễn Hải |
Tuy nhiên, tại các huyện, do ở quá xa các cực phát triển và hạ tầng kết nối, các dịch vụ logistics từ KCN, các cụm công nghiệp về cảng biển, sân bay của tỉnh còn nhiều bất cập và chưa đồng bộ nên khó mời gọi nhà đầu tư.
Theo một khảo sát cuối năm 2021 của Ban quản lý KKT Đông Nam, để đầu tư hạ tầng kết nối các KCN về cảng biển, tương tự là các cụm công nghiệp về sát các quốc lộ, tỉnh lộ, Nghệ An cần nguồn lực từ 20 -
40 ngàn tỷ đồng để đầu tư nâng cấp. Tuy nhiên, hiện nay, trong bối cảnh đầu tư công thắt chặt, ngân sách của tỉnh chưa cân đối được thu - chi nên việc đầu tư nâng cấp hạ tầng vô cùng khó khăn.
Đường vào một Nhà máy tại Cụm CN Nghĩa Long, Nghĩa Đàn. Cụm CN này được đầu tư cơ bản và gần đường mòn Hồ Chí Minh nên khá lợi thế và huyện đang đề xuất mở rộng thêm. Ảnh: Nguyễn Hải |
Ông Lê Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết: Quỳ Châu là một trong những huyện miền núi, xa Quốc lộ 1A, đường mòn Hồ Chí Minh và nhất là cảng biển nên xây dựng CCN để thu hút các dự án chế biến nông lâm sản rất khó khăn. Trong khi đó, hạ tầng CCN tại Quỳnh Hoa và CCN Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu), tỉnh và huyện đã công bố 10 năm nhưng mới chỉ đầu tư được mấy km đường giao thông.
Tương tự, tại Nghi Lộc, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư huyện cho hay: trước đây, cùng với thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cho KKT Đông Nam, huyện còn quy hoạch xây dựng thêm 3 cụm công nghiệp tại Nghi Trường - Nghi Thạch và Nghi Lâm để chủ động mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư. Nhờ đó, Nghi Lộc thu hút được hàng chục doanh nghiệp quy mô vừa vào đầu tư làm ăn. Hiện nay, Nghi Lộc là 1 trong 3 huyện có tốc độ tăng trưởng và thu ngân sách cao nhất tỉnh. Tuy nhiên, do công tác giải phóng mặt bằng rất khó khăn nên huyện đang chỉ tập trung giải phóng mặt bằng cho KKT Đông Nam và dự định chỉ mở rộng thêm diện tích tại các cụm sẵn có.
Các KCN, cụm CN gần cảng Cửa Lò hay tuyến quốc lộ được các nhà đầu tư đánh giá cao về thu hút đầu tư. Ảnh: Nguyễn Hải |
Ông Phạm Chí Diên - Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng TX. Hoàng Mai cho rằng: quỹ đất phát triển công nghiệp thị xã nằm trong KKT Đông Nam nên mọi dự án đầu tư tại thị xã muốn triển khai đều phải qua Ban quản lý KTT. Thời gian qua, để phát triển kinh tế - xã hội, thị xã đã công bố các dự án cần thu hút đầu tư nhưng khả năng lấp đầy còn hạn chế.
Để gỡ “nút thắt” về thu hút đầu tư, đại diện Sở Công Thương cũng cho biết: Trong quá trình xây dựng quy hoạch tỉnh hiện nay, cần tính toán lại, dành quỹ đất tương xứng với mục tiêu phát triển công nghiệp, dịch vụ. Cùng với tranh thủ nguồn lực hỗ trợ theo Nghị quyết 22/2021 của HĐND tỉnh, các địa phương cần đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng thực chất; khai thác tốt nguồn thu để bố trí nguồn lực xây dựng hạ tầng, tạo mặt bằng sạch để mời gọi các doanh nghiệp vào đầu tư./.