Giám sát chặt việc chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng

Tiến Đông - Thanh Lê 27/07/2022 14:46

(Baonghean.vn) -Sáng 27/7, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã có cuộc  làm việc với UBND tỉnh Nghệ An về việc chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng. 

Đoàn giám sát do đồng chí Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm trưởng đoàn. Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An.

Làm việc với đoàn, về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Công trình trọng điểm

Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, là một trong những công trình đại thủy nông lớn nhất Bắc Trung Bộ, với dung tích thiết kế 235 triệu m3, công trình này vừa có khả năng cắt giảm lũ cho hạ du, giải khát cho hàng ngàn héc-ta đất cho các huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Anh Sơn, Tân Kỳ, thị xã Thái Hòa. Công trình này nằm trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2006.

Công trình gồm có 4 hợp phần, gồm: Hợp phần Công trình đầu mối, hệ thống kênh thuộc khu tưới lấy nước trực tiếp từ hồ Bản Mồng; Hợp phần Các trạm bơm lấy nước từ sông Hiếu và hệ thống kênh, công trình trên kênh kèm theo; Hợp phần Bồi thường, giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư và Hợp phần Công trình thủy điện.

Đoàn giám sát kiểm tra tại hiện trường Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng. Ảnh: Thanh Lê

Đến thời điểm này, đối với Hợp phần Xây dựng, các đơn vị đã hoàn thành 8 trạm bơm ở phía hạ du sông Hiếu, cung cấp nước tưới cho 3.098 ha; công trình đầu mối đã thi công đạt khoảng 94%.

Trên địa bàn Nghệ An để thực hiện dự án này, các cơ quan chức năng đã giải phóng mặt bằng được 1.199 trên tổng số 2.276 ha bị ảnh hưởng; di dời 170 hộ với 511 nhân khẩu thuộc xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu với số tiền bồi thường là 165,53 tỷ đồng.

Hiện nay, UBND huyện Quỳ Châu đang triển khai xây dựng 2 khu tái định cư để sớm đảm bảo ổn định cho đời sống của người dân sau khi công trình tích nước. Tại khu tái định cư Dốc 77 với 24 lô, các đơn vị đã cơ bản hoàn thành thi công, đang nghiên cứu, điều chỉnh lại độ dốc san nền của khu tái định cư cho phù hợp với địa hình thực tế. Riêng khu tái định cư sau đập phụ 1 (75 lô) đã thi công đạt 40% khối lượng, đang hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch trình các cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt để tiếp tục thi công.

Đoàn giám sát kiểm tra tiến độ thi công tại khu tái định cư Dốc 77. Ảnh: Tiến Đông

Để thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, Quốc hội khóa XIV đã thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác với tổng diện tích chuyển đổi là 1.131,22 ha ở cả 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa, trong đó, ở Nghệ An tổng diện tích rừng phải chuyển đổi mục đích sử dụng là 544,77 ha, gồm 130,25 ha rừng tự nhiên và 414,52 ha diện tích có rừng trồng.

Hiện nay, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với 360,12 ha. Phần còn lại là 184,65 ha chưa có quyết định chuyển đổi và đang chờ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí tiếp nguồn kinh phí trồng rừng thay thế và chuyển đổi theo tiến độ thi công công trình.

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra mô hình trồng cây sở xen dứa tại huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Thanh Lê

Tại buổi làm việc đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An đã báo cáo tình hình trồng rừng thay thế khi thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, trong đó, với tổng diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng là 544,77 ha thì tương ứng tổng số tiền trồng rừng thay thế phải nộp là hơn 36 tỷ đồng. Với 360,12 ha đã có quyết định chuyển đổi, chủ đầu tư đã nộp về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng số tiền 20 tỷ đồng, trên tổng số 24,2 tỷ đồng.

Diện tích trồng rừng thay thế còn thấp

Hiện nay, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có quyết định phân bổ 15,750 tỷ đồng kinh phí trồng rừng thay thế cho các đơn vị chủ rừng để trồng 350 ha. Đến nay, các chủ rừng đã phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật dự toán triển khai trồng 171,97 ha, tương đương với kinh phí hơn 7,7 tỷ đồng, diện tích còn lại các chủ rừng đang chuẩn bị hiện trường và cây giống, vật tư và triển khai trồng trong vụ Thu năm 2021 và vụ Xuân năm 2023.

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin về hoạt động trồng rừng thay thế với đoàn giám sát. Ảnh: Tiến Đông

Theo ông Nguyễn Hào - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An thì do có nhiều thay đổi về chính sách, quy định và phát sinh nhiều hạng mục, vì vậy, kinh phí thực hiện dự án này tăng lên khiến cho tiến độ hoàn thành bị kéo dài. Hiện nay, chủ đầu tư đang thực hiện một số tồn tại trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đến cao trình +71,86m. Tuy nhiên, Dự án vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh. Do vậy, chưa có kinh phí để thực hiện đền bù, chi trả cho các hộ dân, đơn vị, doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Cũng theo ông Hào, liên quan đến việc trồng rừng thay thế, hiện tại, chủ đầu tư đã nộp 20 trên tổng số 36,2 tỷ đồng, phần còn lại 16,2 tỷ đồng chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp kinh phí. Chưa kể, theo quy định, nguồn kinh phí trồng rừng thay thế được sử dụng để trồng rừng phòng hộ, trồng rừng đặc dụng. Tuy nhiên, hiện trường trồng rừng phòng hộ, đặc dụng trên địa bàn tỉnh hiện nay rất manh mún, ở vùng sâu, vùng xa, địa hình hiểm trở, thi công trồng rừng rất khó khăn, những khu vực dễ để trồng rừng đã cơ bản được trồng hết. Vì thế, các đơn vị, chủ rừng rất e dè trong việc đăng ký kế hoạch trồng rừng thay thế.

Tại buổi làm việc, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, Ban Quản lý dự án 4 và một số ban, ngành liên quan cũng kiến nghị đến đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường báo cáo với Quốc hội có ý kiến đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm cho phép điều chỉnh dự án và bố trí đủ nguồn vốn để đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch đề ra.

Công nhân thi công các hạng mục tại khu tái định cư Dốc 77 tại xã Châu Bình (Quỳ Châu). Ảnh: Tiến Đông

Đồng thời, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có điều chỉnh để mở rộng thêm đối tượng trồng rừng sản xuất, xem xét cho phép đầu tư hạng mục khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung rừng đảm bảo nâng cao chất lượng rừng, vừa đảm bảo được mục tiêu bù đắp, thay thế được diện tích rừng đã chuyển đổi, vừa đảm bảo mục tiêu nâng cao chất lượng rừng, đặc biệt là đối tượng rừng tự nhiên phục hồi sau nương rẫy.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Lệ Thủy cũng đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện dự án, đồng thời, có nhiều cố gắng trong việc trồng rừng thay thế và tái định cư cho người dân khu vực bị ảnh hưởng. Đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng đề nghị UBND tỉnh Nghệ An cần có báo cáo cụ thể, đánh giá đầy đủ tính hiệu quả khối lượng công việc đã thực hiện. Đối với những diện tích rừng đã chuyển đổi thì cần có báo cáo cụ thể về việc xử lý lâm sản.

Tiến Đông - Thanh Lê