Chuyện người con gái hơn nửa thế kỷ tìm mộ cha
(Baonghean.vn) - Từ khi sinh ra, bà Diệp chưa một lần được nhìn thấy mặt cha. Suốt hơn nửa thế kỷ qua, bà cùng người thân phải rong ruổi khắp nhiều nghĩa trang để tìm mộ người cha đã hy sinh nhưng vô vọng. Nguyện vọng của bà vừa được Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Nghệ An hoàn thành.
Đau đáu tìm người thân
Những ngày cuối tháng 7, trong không khí tri ân những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, căn nhà nhỏ của cụ Nguyễn Thị Lẩu (90 tuổi), ở xã Tây Phú, Tây Sơn (Bình Định), cũng thường xuyên đón khách đến viếng thăm. Cụ Lẩu là vợ của liệt sỹ Võ Khi (sinh năm 1930), hy sinh từ năm 1961, nhưng mãi đến bây giờ, mới được Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Nghệ An tìm thấy hài cốt để mang về quê nhà an táng. “Họ đến để chia vui cùng gia đình tôi đó. Cuối cùng thì mong muốn bấy lâu nay của mẹ con chúng tôi cũng đã được toại nguyện. Thật đặc biệt hơn là nó đến vào dịp 27/7 này”, con gái cụ Lẩu, bà Võ Thị Diệp (68 tuổi), nói.
Bà Diệp kể rằng, bố mẹ cưới nhau chưa lâu thì ông phải lên đường nhập ngũ. Vài tháng sau khi bố đi bộ đội thì bà Diệp mới ra đời, vì vậy mà bà chưa một lần được nhìn thấy mặt ông. Những năm đó, cụ Lẩu phải tần tảo làm đủ nghề để nuôi con nhỏ và phụng dưỡng bà mẹ chồng đã già yếu. Đến năm 1961, gia đình nhận được tin dữ báo Tiểu đội trưởng Võ Khi đã hy sinh. Lúc đó, cụ Lẩu chỉ mới 29 tuổi nhưng vẫn quyết định ở vậy nuôi con, thờ chồng, phụng dưỡng mẹ chồng. Khi cô con gái duy nhất đi lấy chồng ở làng bên, cho đến nay cụ vẫn ở một mình trong căn nhà nhỏ đấy.
Cụ Lẩu được con gái duy nhất dìu lên để thắp hương trong lễ truy điệu và an táng liệt sỹ Võ Khi được tổ chức ngày 20/7. Ảnh: H.T |
“Trong giấy báo tử của bố tôi, chỉ ghi ngắn gọn hy sinh ở Thanh Hóa. Vì thế mà hàng chục năm nay, gia đình chỉ tập trung tìm kiếm ở Thanh Hóa”, bà Diệp kể và cho hay, thời gian qua, gia đình bà đã đến tìm hết toàn bộ nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhưng vẫn vô vọng.
“Mẹ tôi cứ thi thoảng lại nói phải tìm được mộ bố thì cụ mới thanh thản ra đi. Mỗi lần nghe mẹ nói thế, lòng tôi như thắt lại. Nỗi mong mỏi tìm được mộ cứ đau đáu trong tim gan. Mỗi lần thắp hương trên bàn thờ dịp giỗ bố hay ngày 27/7, tôi vẫn không quên cầu khấn, mong bố linh thiêng thì giúp mẹ con tìm thấy bố để đưa bố về”, bà Diệp nói trong nước mắt.
Do không tìm thấy hài cốt, liệt sỹ Võ Khi được chính quyền địa phương xây một ngôi mộ gió ở Nghĩa trang Liệt sỹ xã Bình Phú (cũ). Hàng năm, mỗi dịp đầu năm, ngày giỗ và Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7), mẹ con cụ Lẩu vẫn đều đặn lên đây thắp hương, dù biết bên dưới vẫn trống không.
Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Nghệ An trắng đêm cất bốc hài cốt liệt sỹ. Ảnh: H.T |
Hành trình về quê mẹ
Cách đây không lâu, mẹ con bà Diệp vỡ òa sau cú điện thoại của một cán bộ của Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Nghệ An. Cuộc điện thoại thông báo đã tìm thấy phần mộ của liệt sỹ Võ Khi sau 61 năm hy sinh.
Một cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ quy tập phần mộ liệt sỹ này kể rằng, vài năm trước, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phát phiếu gửi tới từng hộ dân để đề nghị cung cấp thông tin về liệt sỹ và phần mộ liệt sỹ. Một thời gian sau, đơn vị nhận được tin báo của người quản lý tại nghĩa trang nhân dân phường Hưng Dũng. Người này báo, tại đây có một số phần mộ của bộ đội ở miền Nam nhưng từ khi chôn cất, không có người hương khói. Lực lượng chức năng lập tức có mặt, xác minh thông tin. Qua kiểm tra, phát hiện phần mộ liệt sỹ Võ Khi, được ghi đầy đủ thông tin trên bia mộ. Sau nhiều thủ tục đối chiếu thông tin, Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Nghệ An xác định đây chính là phần mộ liệt sỹ Võ Khi nên báo cho cơ quan chức năng tỉnh Bình Định và người thân liệt sỹ.
Lãnh đạo TP. Tam Kỳ có mặt trong lễ truy điệu, an táng liệt sỹ Nguyễn Đình Trung sau khi nhận bàn giao của Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Nghệ An. Ảnh: H.T |
Lúc này, mẹ con bà Diệp mới biết, liệt sỹ Võ Khi bị thương ở Thanh Hóa, nhưng được chuyển vào bệnh viện ở TP. Vinh điều trị rồi hy sinh tại đây. Sau khi lấy ý kiến của gia đình, ngay trong đêm 17 rạng sáng 18/7, Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Nghệ An đã tổ chức cất bốc, rồi đưa hài cốt liệt sỹ Võ Khi về quê Bình Định. Tại quê nhà, chính quyền địa phương cũng đã tổ chức lễ truy điệu, án táng liệt sỹ một cách trang trọng. Dù đã 90 tuổi, sức khỏe đã yếu, nhưng cụ Lẩu vẫn đòi con cháu dìu ra nghĩa trang, bàn tay gầy guộc ôm lấy quan tài chứa bộ hài cốt của chồng sau gần 70 năm xa cách. Hài cốt liệt sỹ Võ Khi sau đó được an táng ngay dưới ngôi mộ gió của ông mà hàng chục năm qua, vợ con vẫn hương khói. “Cuối cùng thì cũng được toại nguyện. Bây giờ thì tôi có mất cũng không có gì tiếc nuối”, cụ Lẩu nói, sau khi bốc những nắm đất bỏ xuống huyệt mộ chồng.
Còn bà Võ Thị Diệp, trong cuộc trò chuyện với phóng viên, vẫn không khỏi xúc động, liên tục gửi lời cảm ơn tới Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Nghệ An đã giúp gia đình hoàn thành tâm nguyện tưởng chừng như đã vô vọng sau hơn nửa thế kỷ tìm kiếm.
Cũng trong dịp này, Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Nghệ An còn cất bốc 3 hài cốt liệt sỹ là bộ đội miền Nam tập kết, hy sinh trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Trong đó, phần lớn đều là những trường hợp mà thân nhân mòn mỏi đi tìm kiếm bấy lâu nay nhưng không được. Các liệt sỹ này gồm Nguyễn Đình Trung (sinh năm 1928, nguyên quán xã Tam Xuân, Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), nhập ngũ tháng 5/1950, chức vụ Tiểu đội phó, đơn vị Liên khu 5, hy sinh ngày 22/6/1954. Liệt sỹ Biên Văn Thành (sinh năm 1934, nguyên quán xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hoà, tỉnh Phú Yên), nhập ngũ tháng 10/1953, chức vụ Công nhân nhà máy gỗ, đơn vị thành phố Vinh, hy sinh ngày 28/51966. Liệt sỹ Lý Xểnh (sinh năm 1930, nguyên quán xã Tịnh Bắc, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Nghĩa Bình, nay là tỉnh Quảng Ngãi), nhập ngũ năm 1950; chức vụ Tiểu đội trưởng đơn vị Trung đoàn 108, hy sinh ngày 27/7/1970.
Thân nhân xúc động bên hài cốt liệt sỹ được tìm thấy sau gần 70 năm hy sinh. Ảnh: H.T |
Trong đó, liệt sỹ Biện Văn Thành và liệt sỹ Nguyễn Đình Trung đều được tìm thấy trong nghĩa trang nhân dân phường Hưng Dũng. Còn liệt sỹ Lý Xểnh được tìm thấy tại một vườn nhà dân ở thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên. Cả 3 liệt sỹ này đều hy sinh khi chưa kịp có vợ con, hiện nay được các cháu họ thờ phụng.
Sau khi cất bốc, Ban Chỉ đạo 515 tỉnh đã bố trí xe, đưa hài cốt liệt sỹ vào tận quê nhà để bàn giao cho địa phương. Tại đó, chính quyền các địa phương đều tổ chức những lễ truy điệu, an táng trang trọng.