Sử dụng vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ cho những nhóm đối tượng nào?
Tiêm vaccine đậu mùa có thể có tác dụng bảo vệ với bệnh đậu mùa khỉ. Sử dụng vaccine để phòng bệnh đậu mùa khỉ cho những nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
Có cần tiêm chủng đại trà vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ vào thời điểm này?
Theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòngbệnh đậu mùa khỉ ở người do Bộ Y tế ban hành việc sử dụng vaccine để phòng bệnh đậu mùa khỉ cho những nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
BSCK II Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cho biết những người được tiêm vaccine đậu mùa được bảo vệ ít nhất 85% với bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, thế giới đã loại trừ vĩnh viễn bệnh đậu mùa từ cuối những năm 70 và đầu năm 80, vì thế hiện nay rất ít nước còn dự trữ vaccine đậu mùa.
Dây chuyền sản xuất đã đóng cửa từ lâu, chỉ một số nước tái khởi động lại các dây chuyền này. Hiện chưa có chỉ định tiêm vaccine rộng rãi với bệnh đậu mùa khỉ với tất cả mọi người dân.
Cũng về vấn đề này đến nay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng thống nhất chỉ tiêm cho đối tượng nguy cơ cao như người làm ở phòng xét nghiệm, tiêm sớm với những người gọi là F1- tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân để ngăn ngừa diễn tiến của bệnh. Nếu phát bệnh thì diễn biến bệnh nhẹ đi nhiều so với người chưa tiêm.
Phân loại tình trạng bệnh đậu mùa khỉ
Đậu mùa khỉ (monkey pox) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch, do virus đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh có nguồn gốc từ châu Phi, lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con.
Bệnh đậu mùa khỉ có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong
Ảnh minh họa |
Bệnh được chia thành 3 thể:
Thể không triệu chứng: Người nhiễm virus đậu mùa khỉ không có bất kể triệu chứng lâm sàng nào.
Thể nhẹ: Các triệu chứng thường hết sau 2 đến 4 tuần mà không cần bất kỳ biện pháp điều trị đặc hiệu nào.
Thể nặng: thường gặp trên nhóm đối tượng nguy cơ cao (phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch,...), có thể dẫn tới tử vong, thường từ tuần thứ 2 của bệnh. Người bệnh có thể gặp tình trạng nhiễm khuẩn da, với các biểu hiện sốt kéo dài, dịch nốt phỏng đục hoặc nốt phỏng bị vỡ chảy dịch đục.
Một số có thể bị viêm phổi (ho, tức ngực, khó thở), viêm não (ý thức suy giảm, co giật, lú lẫn, hôn mê), nhiễm khuẩn huyết (sốt kéo dài, tổn thương các cơ quan phủ tạng).
Đường lây truyền bệnh đậu mùa khỉ
Bệnh đậu mùa khỉ lây truyền từ động vật sang người khi người có tiếp xúc trực tiếp với máu, thịt, dịch cơ thể của động vật bị nhiễm bệnh.
Việc lây truyền bệnh từ người sang người khi có tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh.
5 dấu hiệu nguy hiểm của bệnh đậu mùa khỉ
Theo đó, tại y tế xã/phường, quận/huyện sẽ điều trị ca bệnh không triệu chứng, ca bệnh nhẹ có các triệu chứng thông thường của bệnh.
Tuyến tỉnh, trung ương sẽ tiếp nhận ca bệnh nặng hoặc có nguy cơ trở nặng (trẻ sơ sinh, người bị suy giảm miễn dịch, người cao tuổi, bệnh nền, phụ nữ mang thai), ca bệnh có biến chứng nặng.
Các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh cần theo dõi, xem xét chuyển tuyến điều trị:
Giảm thị lực.
Giảm ý thức, hôn mê, co giật.
Suy hô hấp.
Chảy máu, giảm số lượng nước tiểu.
Các dấu hiệu của nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn.