Thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 7/2022

P.V 01/08/2022 09:48

(Baonghean.vn) - Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 8 năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra từ đầu năm, bám sát kịch bản tăng trưởng để điều hành, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2022...

Ngày 26/7/2022, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 7 dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung. Tham dự phiên họp có các thành viên UBND tỉnh; đại diện Thường trực HĐND tỉnh; các Ban của HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan.

Toàn cảnh phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 7/2022. Ảnh: Phạm Bằng

Tại cuộc họp UBND tỉnh đã nghe và cho ý kiến các nội dung: Báo cáo kết quả thực hiện Thông báo kết luận của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại phiên họp tháng 6/2022, các buổi làm việc chuyên đề trong tháng 6/2022; Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác theo Quyết định số 2416/QĐ- UBND; các Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách nhà nước tháng 7 năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 8 năm 2022 và các nội dung thuộc thẩm quyền.

Sau khi nghe báo cáo của các sở, ngành và các ý kiến thảo luận tại cuộc họp Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung kết luận như sau:

I. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 năm 2022, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm tháng 8 năm 2022

1. Kết quả đạt được

- Tình hình kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực, trong đó:

+ Sản xuất vụ Hè Thu đạt tiến độ đề ra; diện tích trồng rừng mới tập trung tăng 10,37%; sản lượng thủy sản tăng 2,11% so với cùng kỳ...

+ Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 ước tăng 1,02% so với cùng kỳ; lũy kế 7 tháng, IIP ước tăng 6,97%. Các ngành dịch vụ tăng trưởng tốt, đặc biệt là lượng khách du lịch tăng 186% so với cùng kỳ năm 2021,...

+ Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 7 tháng ước thực hiện 11.887 tỷ đồng, đạt 79,3% dự toán và bằng 104,1 % so với cùng kỳ năm 2021.

+ Thu hút đầu tư đạt kết quả tích cực: Tính đến ngày 18/7/2022, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm 29.719,6 tỷ đồng, trong đó tổng số vốn đầu tư đăng ký mới là 16.470 tỷ đồng, tăng 13,79% về số dự án cấp mới, tăng 1,33 lần về tổng vốn cấp mới so với cùng kỳ.

- Các cấp, các ngành đã chuẩn bị và trình kỳ họp thứ 7 của HĐND tỉnh thông qua 27/27 Nghị quyết.

- Phối hợp tốt với các cơ quan Trung ương tổ chức tốt các hoạt động, sự kiện lớn có sự tham gia của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước như: Phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công năm 2022; phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca bất diệt”; tổ chức Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và vùng Bắc Trung bộ mở rộng năm 2022; đặc biệt là chuẩn bị tốt công tác tổ chức đón tiếp và làm việc với đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ.

- Các lĩnh vực văn hoá – xã hội tiếp tục được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, trong đó:

+ Ngành Giáo dục tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 và đứng thứ 20/63 tỉnh, thành trên cả nước, tăng 14 bậc so với năm 2021.

+ Công tác phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là tiêm chủng vắc xin được thực hiện hiệu quả, đạt tiến độ đề ra.

+ Công tác an sinh xã hội tiếp tục được chú trọng; tổ chức tốt các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh, Liệt sỹ (27/7).

- Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được đảm bảo tốt. Đặc biệt là công tác bảo vệ thi công các dự án được triển khai thực hiện bài bản, chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật và được dư luận đánh giá cao.

2. Khó khăn, hạn chế

- Tình hình giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao đã tác động, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp.

- Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng chậm so với cùng kỳ năm 2021.

- Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại một số cơ quan, đơn vị còn chậm; việc thực hiện thủ tục đầu tư một số dự án còn lúng túng, bị động.

- Tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất của các địa phương còn chậm.

3. Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 8 năm 2022

3.1. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra từ đầu năm, bám sát kịch bản tăng trưởng để điều hành, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2022; kịp thời xử lý, tháo gỡ vướng mắc phát sinh theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý

- Các sở, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao:

+ Tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

+ Chuẩn bị tốt các điều kiện và nội dung phục vụ Hội nghị lãnh đạo 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa.

- Sở Công Thương chủ trì rà soát nguyên nhân Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng chậm để có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn; hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn.

- Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục chỉ đạo sản xuất đảm bảo mùa vụ; chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt là trong mùa mưa bão sắp tới.

3.2. Tập trung giải quyết, hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 8 năm 2022

- Sở Kế hoạch và Đầu tư:

+ Tiếp tục phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy để tổng hợp Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW và các nội dung có liên quan đảm bảo về chất lượng và đúng tiến độ theo kế hoạch.

+ Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự thảo Quy hoạch tỉnh, tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng thẩm định quy hoạch cấp quốc gia để trình Thủ tướng Chính phủ đảm bảo đúng tiến độ.

- Các cấp, các ngành khẩn trương triển khai các Nghị quyết của HĐND tỉnh; tiếp thu, thực hiện, giải quyết các kiến nghị của cử tri và kiến nghị của các đoàn giám sát; chuẩn bị tốt các nội dung cho công tác tiếp xúc cử tri sau kỳ họp HĐND tỉnh.

- Tập trung triển khai các nội dung kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Chương trình làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An:

+ Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Vinh; tham mưu hoàn thiện các thủ tục để xã hội hóa thu hút đầu tư các hạng mục Cảng hàng không quốc tế Vinh theo phương thức đối tác công tư (PPP).

+ Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam:

(i) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện rà soát, sớm báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh phương án phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng nước sâu Cửa Lò phù hợp với các quy định hiện hành.

(ii) Chủ động chuẩn bị các nội dung để lập đề án mở rộng Khu Kinh tế Đông Nam; đồng thời bám sát, chuẩn bị các điều kiện để trình phê duyệt chủ trương đầu tư của 02 dự án: KCN Thọ Lộc, KCN Hoàng Mai 2.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT và các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện thủ tục, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc dự án Hồ chứa nước Bản Mồng.

3.3. Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm

- Các sở, ban, ngành, địa phương và các chủ đầu tư:

+ Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp.

+ Khẩn trương hoàn thành các thủ tục liên quan để sớm triển khai công trình trọng điểm dự án Bệnh viện Ung bướu.

- Các sở: Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và PTNT ưu tiên giải quyết các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thẩm định, trình phê duyệt, điều chỉnh các dự án; thiết kế bản vẽ thi công và dự toán để kịp tiến độ triển khai.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư:

+ Tiếp tục đôn đốc các sở, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các giải pháp thực hiện giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch được giao.

+ Khẩn trương rà soát khả năng giải ngân, tham mưu điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt để đảm bảo tiến độ giải ngân đề ra.

- Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.

3.4. Tập trung chỉ đạo các lĩnh vực văn hóa - xã hội, thực hiện công tác an sinh xã hội

- Sở Y tế:

+ Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng, chống dịch, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, ưu tiên các đối tượng có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

+ Đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc thiết yếu, trang thiết bị phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.

- Sở Giáo dục và Đào tạo tập trung chuẩn bị triển khai nhiệm vụ năm học mới 2022-2023.

- Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu tổ chức Lễ khai mạc và các môn thi đấu Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Nghệ An lần thứ IX đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.

- Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục quan tâm thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến các chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng, người nghèo, người lao động...

3.5. Đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp

- Các sở, ban, ngành, địa phương nghiêm túc tập trung rà soát, theo dõi thời gian, quá trình xử lý công việc để đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ được giao.

- Văn phòng UBND tỉnh tham mưu UBND tỉnh văn bản chỉ đạo chấn chỉnh công tác tham mưu, theo dõi sát thời gian xử lý công việc của các sở, ngành, địa phương để kịp thời báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh xem xét, xử lý.

3.6. Tập trung triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2023

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính hướng dẫn các sở, ngành, địa phương và chủ động tham mưu triển khai các nội dung liên quan theo nội dung, yêu cầu của Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

3. 7. Đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, trọng tâm là triển khai tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự theo kế hoạch.

II. Các kiến nghị, đề xuất

Về việc đề nghị thành lập Văn phòng Ban quản lý Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An: Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định.

III. Các nội dung thuộc thẩm quyền UBND tỉnh

1. Báo cáo tổng kết năm học 2021 -2022; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm học 2022 - 2023 về giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp

UBND tỉnh thống nhất thông qua dự thảo Báo cáo do Sở Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh hoàn thiện dự thảo, tham mưu Ban cán sự đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

2. Dự thảo Quyết định của UBND tỉnh quy định phân cấp phê duyệt hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An

UBND tỉnh thống nhất thông qua dự thảo Quyết định do Sở Nông nghiệp và PTNT chuẩn bị. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh hoàn thiện dự thảo, tham mưu UBND tỉnh ban hành theo quy định.

3. Dự thảo Quyết định của UBND tỉnh ban hành quy chế quản lý kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An

UBND tỉnh thống nhất thông qua dự thảo Quyết định do Sở Công Thương chuẩn bị. Giao Sở Công Thương phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh hoàn thiện dự thảo, tham mưu UBND tỉnh ban hành theo quy định.

4. Dự thảo phương án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh

UBND tỉnh thống nhất thông qua dự thảo Phương án do Sở Nội vụ chuẩn bị. Giao Sở Nội vụ phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh hoàn thiện dự thảo, tham mưu Ban cán sự đảng UBND tỉnh trình Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh nghe và cho ý kiến.

Trên đây là kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung tại phiên họp thường kỳ tháng 7 năm 2022, UBND tỉnh thông báo để các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã biết và triển khai thực hiện./.

P.V