Nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe trực tuyến
(Baonghean.vn) - Ước mơ “mỗi người dân Việt Nam sẽ có một bác sĩ" nghe có vẻ xa vời, phi thực tế. Nhưng với các nền tảng tư vấn sức khỏe, khám, chữa bệnh từ xa thì ước mơ trên sẽ sớm thành hiện thực.
Vov Bacsi24 là nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe, kết nối người dân với bác sĩ, được phát triển bởi Kênh phát thanh sức khỏe vov FM 89 thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam; Viettel Telehealth là nền tảng tư vấn khám, chữa bệnh, tận dụng lợi thế về công nghệ kết nối để triển khai đủ 6 lĩnh vực khám, chữa bệnh từ xa gồm: tư vấn y tế từ xa; hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa; hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh từ xa; hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa; đào tạo chuyển giao kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh từ xa...
Những nền tảng này đã kết nối hàng trăm nghìn bác sĩ trong và ngoài nước tham gia tư vấn, khám và chữa bệnh trực tuyến cho bệnh nhân; giúp người bệnh không còn phải đến bệnh viện thường xuyên, bác sĩ có thể điều trị cho người bệnh một cách hiệu quả qua màn hình máy tính từ nhà, dựa trên dữ liệu y tế được kết nối và chia sẻ từ nhiều bệnh viện khác nhau; ai cũng có thể đo lường và quản lý dữ liệu sức khỏe của mình khi ở nhà để có thể biết cách phòng, chống bệnh tốt hơn; giúp phân loại bệnh và hỗ trợ cách chăm sóc tại nhà mà không làm tăng nguy cơ lây truyền; giảm áp lực cho việc chăm sóc nội trú, giúp giảm lây truyền vi-rút bằng cách giảm tiếp xúc.
Tăng tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ chăm sóc ban đầu và tạo ra một cơ chế “gác cổng” ở địa phương; cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã được công nhận từ lâu hoạt động như một hệ thống sàng lọc đối với các dịch vụ của bệnh viện, giúp các bệnh viện tuyến cuối cho phép bệnh nhân đặt lịch hẹn khám, chữa bệnh trực tuyến mà không cần thông qua các cơ sở chăm sóc ban đầu; giảm tải số lượng người đến bệnh viện, giảm bệnh nhân dồn về tuyến trên.
Ứng dụng này đặc biệt có ý nghĩa khắc phục tình trạng thiếu nhân lực y tế ở các vùng sâu, vùng xa và góp phần cải thiện thuận tiện cho người bệnh, nhất là người bệnh bị giảm khả năng vận động hoặc có vấn đề về sức khỏe tâm thần; tiết kiệm chi phí so với chăm sóc thông thường, đặc biệt là những người mắc bệnh mạn tính và những người sống ở vùng sâu, vùng xa và thực tế cho thấy vẫn đảm bảo an toàn hiệu quả và cải thiện sự hài lòng của người bệnh.
Giáo dục đã thay đổi như thế nào?
Trẻ em vẫn sẽ phải đến trường, phải giao tiếp và được các giáo viên hướng dẫn, nhưng nhiều thứ sẽ thay đổi hoặc đảo ngược lại. Nếu như trước đây 100% kiến thức được truyền thụ ở trên lớp thì hiện nay tỷ lệ kiến thức được truyền thụ trực tuyến sẽ tăng dần lên. Thậm chí, trong giai đoạn giãn cách xã hội vì dịch bệnh, 100% là học trực tuyến. Nếu như trước đây lên lớp là để giảng bài, ở nhà là để tự làm bài tập, thì hiện nay đảo ngược lại, học sinh có thể ở nhà nghe giảng bài trực tuyến, nhưng lên lớp để làm bài tập và giải quyết các vấn đề đặt ra theo các nhóm.
Nếu như trước đây giáo dục là trải nghiệm mang tính đại trà, thì hiện nay, giáo dục lại là trải nghiệm mang tính cá thể hóa. Phương pháp và tài liệu giáo dục linh động hơn, cho phép thay đổi để thích nghi với cách học và tốc độ tiếp thu kiến thức của từng học sinh chứ không theo như cách cũ trước đó là buộc học sinh phải thay đổi để tuân theo phương pháp giảng dạy trong lớp.
Thầy, cô giáo có thể trở thành trợ giảng, thông qua việc sử dụng nền tảng, tư liệu, học liệu tốt nhất được chia sẻ sẵn sàng.