Thách thức mới trong công tác dân số ở Nghệ An

Mỹ Hà 11/08/2022 19:37

(Baonghean.vn) - Những năm qua, Nghệ An luôn thuộc số các địa phương đi đầu cả nước trong việc triển khai nhiệm vụ với nhiều cách làm, mô hình hay, hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác dân số của tỉnh vẫn còn những khó khăn, thách thức.

Nhiều chỉ số cần giảm vẫn tăng!

Bước sang tháng thứ 8 của năm nhưng công tác dân số trên địa bàn xã Diễn Kỷ (Diễn Châu) chưa có nhiều tiến triển, dù những người làm công tác dân số của xã nhà vẫn rất tận tụy với công việc.

Chia sẻ về điều này, chị Trần Thị Quý – viên chức dân số của xã cho biết: Trong 2 năm trở lại đây, chúng tôi đặt ra rất nhiều mục tiêu và chương trình nhưng đều đang dang dở với nhiều lý do khác nhau. Thứ nhất là không có ngân sách triển khai, thứ hai là các hoạt động gần đây chủ yếu chỉ tập trung cho phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, vì công tác dân số chuyển sang hoạt động ở trạm y tế nên việc phối hợp với các ban, ngành hoặc tham mưu cho chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn hơn so với trước đây. Thậm chí có nhiều hoạt động ở xã chúng tôi không kịp nắm bắt để cùng phối hợp tuyên truyền.

Tư vấn về chính sách dân số cho người dân trên địa bàn xã Diễn Kỷ. Ảnh: P.V

Cũng theo chị Quý, từ đầu năm đến nay, công tác dân số trên địa bàn có hai hoạt động nổi bật, đó là tổ chức tuyên truyền cho các bà mẹ hoặc phụ nữ trong độ tuổi mang thai (gắn với việc tiêm chủng) và tranh thủ các buổi sinh hoạt thể dục, thể thao ở các thôn, xóm để tuyên truyền, vận động theo từng nhóm nhỏ. Tuy nhiên, với một xã đông dân, có 2 xóm ở vùng đặc thù thì hiệu quả của các buổi tuyên truyền chưa thực sự đủ để “thấm”. Chưa kể, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nên người dân cũng không mặn mà với các hoạt động.

Gần đây nhất, khi triển khai chiến dịch dân số, toàn xã chỉ có 100 người tham gia trong khi mục tiêu đặt ra là 150 người. Đó cũng là lý do vì sao, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn xã vẫn còn cao, trên 33%, thậm chí có những xóm trên 40%. Trong số này, những gia đình có trên 5 con hoặc là trường hợp cán bộ, công chức vi phạm sinh con thứ 3 trở lên không phải là hiếm.

6 tháng đầu năm 2022, công tác dân số trên địa bàn huyện Diễn Châu vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi một số chỉ số so với năm trước chưa giảm, thậm chí vẫn đang còn có nguy cơ tăng. Trong đó, đáng chú ý có hai chỉ số vẫn đang ở mức báo động khi tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn đang cao, tỷ lệ 35%, chỉ số mất cân bằng giới tính khi sinh là 115/110, cao hơn mức trung bình chung toàn tỉnh.

Một buổi truyền thông về dân số ở vùng đặc thù của huyện Diễn Châu. Ảnh: P.V

Nói về những khó khăn hiện nay, bà Trần Thị Lương – Trưởng phòng Truyền thông dân số, Trung tâm Y tế huyện Diễn Châu cũng chia sẻ nhiều băn khoăn, bởi các chỉ số này trong vài năm trở lại đây không giảm mà còn có xu hướng tăng. Hơn thế, hoạt động dân số ngày càng gặp nhiều khó khăn: Trong năm nay, nguồn cấp cho chương trình mục tiêu về dân số không có nên các hoạt động dân số đang bị “chững” lại. Trong khi đó, ngân sách địa phương lại chưa phân khai rõ cho mục tiêu dân số, y tế nên không có cơ sở để cấp cho các hoạt động nên ở tuyến xã, phần lớn đều không có ngân sách để hoạt động.


Thực tế này đang diễn ra tại nhiều địa phương khác. Ngay tại thành phố Vinh, kết quả giảm sinh cũng chưa vững chắc khi tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn cao và đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Cụ thể, nếu như năm 2015, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 8,8%, thì năm 2021 tăng lên 15,8%. 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ này là 14,7% và có những phường, xã tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chiếm gần 40%. Tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh ngày càng cao và cao hơn mức bình quân chung cả tỉnh. Cụ thể, nếu như năm 2015, tỷ lệ này chỉ mới là 112 bé trai/100 bé gái thì năm 2021 là 122,4 bé trai/100 bé gái.

Những thách thức

Theo số liệu điều tra dân số năm 2019, Nghệ An có hơn 3,3 triệu dân số, xếp thứ tư trong số 63 tỉnh, thành trên cả nước, gấp khoảng 3 lần dân số Đà Nẵng và 11 lần dân số tỉnh Bắc Cạn. Hiện nay, dân số Nghệ An vẫn tiếp tục tăng với tỷ lệ bình quân là 1,33% (2009 – 2019), cao hơn cả nước 1,14%.

Điều đáng nói, dù Nghệ An vẫn luôn kiên trì thực hiện các mục tiêu giảm sinh nhưng Nghệ An vẫn chưa đạt được mục tiêu của gia đình 2 con và mức sinh của tỉnh vẫn còn cao 2,76 con/phụ nữ, đứng thứ 2 cả nước và chỉ xếp sau tỉnh Hà Tĩnh (trong khi cả nước là 2,06 con). Đây cũng là một phần nguyên nhân vì sao những năm gần đây tỷ lệ sinh con thứ 3 của Nghệ An vẫn còn cao. Năm 2021, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên toàn tỉnh là 29,86%, tăng 1,28% so với năm 2020; tăng 1,58% so với kế hoạch năm. Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng với 114 bé trai/100 bé gái.

Tư vấn cho sinh viên Trường Cao đẳng Giao thông vận tải TW 4. Ảnh: Trần Hường

Trong những năm qua, chất lượng dân số Nghệ An được cải thiện về nhiều mặt. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong, bà mẹ trẻ em giảm mạnh, tầm vóc, thể lực có nhiều bước cải thiện. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, tăng thêm 0,85 tuổi, từ 72,3 tuổi năm 2012 lên 73,15 tuổi năm 2021. Tuy nhiên, nhiều chỉ số khác vẫn chưa cao. Ví dụ, theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2019, điều tra mức sống dân cư năm 2019 thì chỉ số phát triển con người của Nghệ An là 0,553, xếp thứ 43 trong số 63 tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó, chỉ số thành phần cao nhất là sức khỏe, chỉ số yếu nhất là năng suất lao động và trung bình là chỉ số giáo dục. Nếu so sánh các chỉ số thì thấp hơn khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.

Những tồn tại trên cũng là những thách thức đặt ra cho công tác dân số Nghệ An hiện nay và mục tiêu của ngành đặt ra đó là phải tiếp tục ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số và tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH – HĐH quê hương, đất nước. Chưa kể, công tác dân số vẫn đang đứng trước những khó khăn sau khi sáp nhập, chưa hoàn thiện bộ máy; ngân sách và chương trình mục tiêu quốc gia bị cắt giảm; một số cơ chế, chính sách chưa phù hợp làm hạn chế hiệu quả hoạt động ở cơ sở.

Chi cục Dân số - KHHGĐ truyền thông cho người cao tuổi trên địa bàn Phường Hưng Dũng (TP. Vinh). Ảnh: Mỹ Hà

Từ thực tế trên, việc giảm sinh và nâng cao chất lượng dân số không chỉ là việc của ngành Y tế - Dân số mà của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Do đó, để đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết số 21 – NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới, việc quan trọng là cần tập trung hoàn thiện thể chế, cụ thể là hoàn thành các đề án, kế hoạch trong Chương trình hành động của Tỉnh ủy; kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh.

Để thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu về dân số, hoàn thành các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2021 - 2025 giao thì ngành cần tiếp tục tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp triển khai thực hiện công tác dân số và phát triển.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh và đổi mới hơn nữa về công tác truyền thông phù hợp với mục tiêu, đối tượng, vùng, miền. Củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo đủ mạnh để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ, đảm bảo kịp thời, an toàn và thuận tiện cho người dân; triển khai tốt công tác xã hội hóa phương tiện tránh thai nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong việc thực hiện KHHGĐ. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách dân số và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định.

Ông Nguyễn Bá Tân – Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh

Mỹ Hà